Báo Đồng Nai điện tử
En

Chạy chợ đường xa

10:10, 28/10/2011

Trời chiều, màu mây dần chuyển sang tối sậm, chị Nguyễn Thị Tâm, 49 tuổi, quê ở huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) tỏ vẻ lo lắng cho gánh đậu hũ trắng của mình khi trời trút mưa. Hơn chục năm mưu sinh với gánh đậu hũ trên vai, chị Tâm mong mỏi ngày nào đó cả gia đình chị sẽ được đoàn tụ để không còn cảnh mong nhớ, day dứt về nghĩa vợ chồng, tình mẹ con.

Trời chiều, màu mây dần chuyển sang tối sậm, chị Nguyễn Thị Tâm, 49 tuổi, quê ở huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) tỏ vẻ lo lắng cho gánh đậu hũ trắng của mình khi trời trút mưa. Hơn chục năm mưu sinh với gánh đậu hũ trên vai, chị Tâm mong mỏi ngày nào đó cả gia đình chị sẽ được đoàn tụ để không còn cảnh mong nhớ, day dứt về nghĩa vợ chồng, tình mẹ con.

* Xa quê mưu sinh

Hơn 3 giờ chiều, mưa bắt đầu trút nước, chỉ với cây dù nhỏ che chắn tạm bợ trên khoảng không nhỏ xíu, chị Tâm ngồi co ro chịu trận, mặc cho những luồng gió mạnh cứ tạt mưa vào tới tấp. Thi thoảng, chị đưa đôi tay quẹt ngang trán như cố che đi những nỗi lo toan đang chồng chất. Ngày nào chị cũng phải dậy từ 2 giờ 30 sáng để chuẩn bị cho gánh hàng đậu hũ kịp bán vào dịp sớm mai. Xay đậu, thắng đường, xay dừa…, công việc cuốn chị vào vòng xoáy thời gian một cách hối hả, đến khi hoàn tất cũng là lúc hơi sương dần tan. Chị cho biết: “Một mình tôi vào đây làm ăn sinh sống để kiếm tiền phụ chồng nuôi các con ăn học ở quê nhà”. Nói đến đây, chị lặng người một lúc lâu, ánh mắt đượm buồn.

Vừa dọn gánh đậu hũ ra bán ở chợ Hóa An được một lúc, trời đã chuyển mưa, khiến chị Nguyễn Thị Tâm lo lắng cho gánh hàng của mình.         Ảnh: T.MINH
Vừa dọn gánh đậu hũ ra bán ở chợ Hóa An được một lúc, trời đã chuyển mưa, khiến chị Nguyễn Thị Tâm lo lắng cho gánh hàng của mình. Ảnh: T.MINH

Lúc trước ở quê, gia đình chị sống bằng nghề nông, nhưng thời tiết khắc nghiệt đã mài mòn những hy vọng của chị về một tương lai tươi đẹp. Sau nhiều đêm trăn trở, chị quyết định vào Nam kiếm tiền lo cho con cái ăn học. Tuy nhiên, với một người phụ nữ không có tay nghề thì việc kiếm cho mình một chỗ làm ổn định không phải chuyện dễ. Bao lần mày mò đi xin việc khắp nơi, chị đều bị từ chối. Dù rất tủi thân nhưng chị vẫn cố gắng gạt ngang dòng nước mắt khi báo tin về cho chồng con hay rằng mình sống tốt, khỏe mạnh... Chị tâm sự: “Nhiều đêm nhớ con, nhớ chồng chẳng chợp mắt được. Nhưng, đó cũng là động lực để tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.

Cách gánh đậu hũ của chị Tâm chừng 10m là hàng trái cây của chị Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi, quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Từ nhiều năm nay, chị Hoa ở trọ gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức để tiện cho việc lấy hàng vào mỗi buổi sáng. Mỗi ngày, từ lúc tờ mờ sáng chị đã tranh thủ ra chợ để kịp lựa những thùng trái cây ngon với những vựa lớn. Xong đâu đấy, một mình chị chất mớ trái cây lên xe máy để kịp đi phân phối ở các chợ. 6 giờ sáng, chị đã có mặt ở chợ Biên Hòa để bày hàng tại một góc nhỏ gần công viên Phan Văn Trị. Trưa vắng khách, chị tranh thủ dùng cơm hộp qua loa rồi mau chóng chất hàng lên xe để thẳng tiến đến chợ Hóa An. Chị cho hay: “Làm công việc này phải chịu khó, biết là cực nhưng không buôn thúng bán bưng như vầy thì biết làm gì để sống”.

Mưa chiều càng nặng hạt, những người như chị Tâm, chị Hoa… lại nặng nỗi buồn vì chiều nay gánh hàng của mình sẽ vắng khách, đồng nghĩa với thu nhập của các chị sẽ không đủ để bù vào số vốn bỏ ra. Trong ánh mắt của các chị, tôi đọc được nỗi buồn, nỗi cô đơn của những người phụ nữ mưu sinh nơi xứ người.

* Những giọt mồ hôi mặn đắng

Hàng ngày, tại các phiên chợ cũng có không ít đàn ông buôn bán đủ các mặt hàng để mưu sinh. Tại chợ Hiệp Hòa (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) tôi đã gặp không ít thanh niên chưa đầy 30 tuổi rong ruổi với nghề bán cá, bán rau… tại những sạp tạm bợ ven lối vào chợ.

Vẻ ngoài khắc khổ và nước da rám nắng, thoạt nhìn ít ai nghĩ Trần Minh Thiết chỉ mới 26 tuổi. Ngày nào Thiết cũng có mặt tại chợ Hiệp Hòa từ sớm để bày các loại cá tươi bán cho bà con. Lúc mới tham gia phiên chợ, Thiết ngại lắm, mặt cứ e dè, bẽn lẽn. Hơn 2 năm bán cá ở ngôi chợ nhỏ này, Thiết đã xóa bỏ hình ảnh một chàng trai nhút nhát để cố gắng kiếm tiền phụ cha nuôi các em ăn học. Theo lời Thiết tâm sự, mẹ anh mất sớm nên Thiết đành bỏ học nửa chừng để phụ cha nuôi 2 người em gái ở quê ăn học. Hàng ngày, Thiết mang cá của cha đánh bắt ngoài biển bỏ mối cho các thương lái. “Khi thấy thương lái bóp chẹt quá, tôi tự mang ra chợ bán luôn” - Thiết nói về lý do mình ra chợ bán cá.

Lúc mới vào bán cá ở chợ Hiệp Hòa, Thiết ngồi thu mình tại một góc đường vào chợ. Lâu dần, người ta thấy cảm thông với chàng thanh niên cần mẫn này nên chọn cho anh một góc nhỏ với cây dù che nắng mưa tạm bợ thuê từ người khác. Khó khăn là vậy nhưng nếu bỏ chỗ là mất liền, vì đâu dễ gì kiếm được một vị trí cố định bán hàng trong chợ với số tiền đóng hoa chi vài ngàn đồng.

Hơn chục năm gắn bó với gánh hàng khô, ông Phan Tấn Quỳnh mong mỏi một ngày nào đó mình sẽ có kiốt khang trang nằm ở trung tâm chợ Biên Hòa.         Ảnh: T.MINH
Hơn chục năm gắn bó với gánh hàng khô, ông Phan Tấn Quỳnh mong mỏi một ngày nào đó mình sẽ có kiốt khang trang nằm ở trung tâm chợ Biên Hòa. Ảnh: T.MINH

Cạnh bên Thiết là gánh hàng đồ khô của ông Phan Tấn Quỳnh (62 tuổi, ở phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa). Từ 6 giờ, ông đã có mặt tại chợ để bày quầy hàng khô ra bán. 11 giờ trưa ông lại gom hàng về để chuẩn bị bữa trưa cho vợ con. Vị trí của ông Quỳnh xem ra có phần “đẹp” hơn một số người, vì ông có sạp hàng cao ráo ở trung tâm của chợ. Tuy nhiên, do chỉ bán một buổi nên sau khi dọn hàng, ông Quỳnh cho những tiểu thương khác thuê lại chỗ bán hết buổi chiều với giá chỉ từ 3-5 ngàn đồng.

Cuộc sống mưu sinh chật vật là vậy nhưng những người chạy chợ như anh Thiết, ông Quỳnh luôn nở nụ cười tươi trên môi và không ngại nói về những ưu, khuyết điểm của hàng hóa mình bán. Ông Quỳnh nói vui: “Bán như vầy mỗi buổi chỉ kiếm khoảng 50-60 ngàn đồng mà thôi. Mình gian lận, lần sau người ta không đến ủng hộ là mình mất khách liền. Tụi tôi buôn bán thiệt thà, sống chất phác và sẵn sàng giúp đỡ nhau nếu có thể làm được”.

Cách đây không lâu, có một vị khách trung niên đến mua cá khô của ông Quỳnh. Sau khi lựa hàng xong, bà khách đưa tờ tiền 200 ngàn đồng để ông Quỳnh thối lại. Sau khi vị khách mỉm cười quay đi, ông Quỳnh mới phát hiện tờ 200 ngàn đồng kia bị mất một góc, không thể dùng được. Suốt ngày hôm đó, mặt ông buồn so, chẳng còn sức để chào mời khách. Thấy tội nghiệp ông già, nhiều người bán hàng trong chợ đã góp tiền cho ông hơn trăm ngàn đồng để bù lỗ. Ông tâm sự: “Nhiều người cứ quan niệm dân chợ sống ít tình cảm, vì hay tranh giành khách với nhau. Tụi tôi là dân nghèo với nhau cả, đùm bọc nhau không hết thì hà cớ gì giành giật chén cơm của nhau cơ chứ. Trước đây tôi sống khép kín, nhưng sau lần bị gạt đó, thấy mọi người sống có tình, có nghĩa nên tôi mở lòng hơn”.

Trời về trưa, nắng lên cao, ông Quỳnh mau chóng sắp xếp lại mớ hàng khô để kịp về với bữa cơm gia đình. Cạnh đó, Thiết cũng đang lúi húi gom mớ cá tươi cho vào thùng xốp để ướp lạnh. Bươn chải khó nhọc để mưu sinh, nhiều người không tránh được cám dỗ nên đã sa ngã, nhưng cũng có không ít người vẫn sống nghị lực để kiếm tiền bằng sức lao động chính đáng. Họ là những người nghèo khó biết vươn lên trong cuộc sống và làm đẹp thêm hình ảnh của bức tranh nhộn nhịp ở những khu chợ phố phường…

Tùng Minh

 

        


 


 

 

Tin xem nhiều