Tuy cách xa nhau hơn 1.500 cây số, nhưng Đồng Nai - Quảng Bình lại khá gần nhau trong tâm khảm của rất nhiều người. Quảng Bình là sinh quán của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người mà cách nay đúng 313 năm được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Đồng Nai để thiết lập bộ máy hành chính, chính thức hóa chủ quyền vùng đất Trấn Biên vào lãnh thổ quốc gia, đồng thời góp phần khẳng định sức mạnh kinh tế thời bấy giờ: “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” (Quảng Ninh và Lệ Thủy thuộc tỉnh Quảng Bình).
Tuy cách xa nhau hơn 1.500 cây số, nhưng Đồng Nai - Quảng Bình lại khá gần nhau trong tâm khảm của rất nhiều người. Quảng Bình là sinh quán của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người mà cách nay đúng 313 năm được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Đồng Nai để thiết lập bộ máy hành chính, chính thức hóa chủ quyền vùng đất Trấn Biên vào lãnh thổ quốc gia, đồng thời góp phần khẳng định sức mạnh kinh tế thời bấy giờ: “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” (Quảng Ninh và Lệ Thủy thuộc tỉnh Quảng Bình).
Thạch nhũ trong động Thiên Đường.
* Đồng Hới bây giờ
Lâu nay đã nhiều lần tôi ra Bắc về Nam bằng xe lửa ngang qua Quảng Bình chỉ thấy rặt một màu trắng buồn tẻ của “chang chang cồn cát” nối tiếp nhau và cứ đinh ninh là vùng đất địa đầu của Chiêm Thành, Đại Việt được mệnh danh là “Ô Châu ác địa” với trên 80 trận đánh lớn trong suốt chiều dài lịch sử 2000 năm, rồi lại là chiến trường Bình Trị Thiên ngút trời khói lửa trong 9 năm kháng Pháp, 8 năm hứng chịu bom đạn Mỹ đánh phá hủy diệt… là vùng đất nghèo. Ấy vậy mà giờ đây, Quảng Bình đã phát triển đến không ngờ. Đồng Hới - thủ phủ tỉnh Quảng Bình giờ là một thành phố to đẹp, bề thế, khang trang với con đường rộng 60m chạy dọc theo 8km bờ biển. Đối diện là Mỹ Cảnh có SunSpa - một resort 4 sao thật tráng lệ cùng với khu nghỉ mát, điều dưỡng của Bộ Công an, người cao tuổi, người có công với cách mạng… Nối liền công viên bờ biển Quảng Bình với khu dân cư nghỉ dưỡng này là cầu Nhật Lệ 1 khá hoành tráng vừa là đường giao thông du lịch vừa là đường băng cho máy bay phản lực khi cần. Cũng cùng với công năng này, cầu Nhật Lệ 2 có quy mô còn bề thế hơn đang chuẩn bị thi công.
Thành phố Đồng Hới như đang làm mới mình từng ngày, nhưng vẫn bảo tồn được Quảng Bình quan, di tích kiến trúc thuộc hệ thống Lũy Thầy do Đào Duy Từ, một bậc thầy trong nghệ thuật chiến tranh quân sự chỉ huy xây dựng. Cao Lao Hạ thuộc huyện Hạ Trạch là một làng quê có bề dày văn hóa vào bậc nhất của tỉnh Quảng Bình và là quê hương của danh tướng Cần Vương Lê Mô Khải nay đang mang dáng dấp mô hình nông thôn mới với mọi con đường vào làng đều tráng xi măng rộng cho xe ô tô chạy.
Di tích Quảng Bình quan trong Lũy Thầy.
Đồng Hới bây giờ đã có một bộ phận người dân vô cùng giàu có, nhà ở là biệt thự lộng lẫy, đi xe ô tô đời mới loại đắc tiền; có những quán cà phê vườn ở Đồng Hới được đầu tư lên đến vài mươi tỷ bạc. Nhiều đại gia ở Quảng Bình bỏ ra vài tỷ bạc để mua một cây kiểng “ khủng” một cách nhẹ re.
* Lên … động thiên đàng
Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẽ Bàng là một trong hai vùng hoang mạc đá vôi lớn nhất trên hành tinh của chúng ta với trên 300 hang động lớn. Trong đó, “Vua hang động Việt Nam” Hồ Khanh (làm nghề phụ hồ) đã dẫn đường cho TS Howard Limbert cùng đoàn thám hiểm Hội Hang động Hoàng gia Anh lần lượt tìm ra 17 hang ở khu vực núi Đoòng trong số 150 hang động lớn nhỏ mà suốt 15 năm qua Việt Nam cùng Vương quốc Anh phối hợp khảo sát. Động Thiên Đường nằm trong “vùng lõi” của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẽ Bàng, được phát hiện vào năm 2005 có chiều dài đến 31km (một kỷ lục mới của thế giới), nhưng mới được đưa vào khai thác du lịch khoảng 8 tháng nay trên một đoạn hang động 1,5km. Có cùng niên đại được ước định từ 300 - 400 triệu năm trước, nhưng động Phong Nha “Đệ nhất kỳ quan” thì nằm trong hang mạch nước ngầm còn Thiên Đường thì cheo leo trên đỉnh núi. Muốn vào được hang phải bước qua mấy trăm bậc tam cấp lát đá vượt độ cao 191m. Đường từ Đồng Hới vào Bố Trạch rất ngon lành, nhưng để đến được động Thiên Đường lại khá trặc trẹo. Từ thị xã Sơn Trạch phải chạy theo đường Hồ Chí Minh nhánh đông để vượt qua sông Troóc rồi rẽ trái và chạy ngược lại theo nhánh tây men sông Chày đến km số 16, lại tiếp tục băng rừng. Cũng như Phong Nha, Tiên Sơn, bốn bên vách động Thiên Đường đều là thạch nhũ với thiên hình vạn trạng và phải nói là tráng lệ, kỳ vĩ hơn gấp nhiều lần. Đặc biệt là nền động Thiên Đường ngoài việc được “trải thảm” bởi những lớp san hô nhiều màu sắc, còn mọc lên vô số thạch nhủ có hình thù kỳ quái, rực rỡ và tạo thành từng gian sảnh riêng biệt hoành tráng, lộng lẫy và kỳ ảo vô cùng.
Du khách tham quan động Thiên Đường.
Mặc dù tuổi đã 70, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương (thân phụ ca sĩ Mỹ Lệ, người đã sáng tác trên 100 ca khúc mang âm hưởng dân gian Trung bộ, trong đó có bài Tiếng hát đò đưa (1965) lần đầu tiên đưa Mẹ Suốt vào nhạc, rồi Tình ta biển bạc đồng xanh, Tiếng dạ tiếng thương… rất nổi tiếng và cũng chính là tác giả bài Chuyện tình Phong Nha làm theo làn điệu ca trù) luôn bước đi trước, cười nói vui vẻ dẫn đầu đoàn tham quan. Khi bước xuống… “hạ giới” rồi, ông nhạc sĩ già vẫn còn hào hứng nói với tôi: “Động Thiên Đường quả là xứng đáng với đánh giá là một trong những hang động đẹp và dài nhất thế giới. Thế nào tôi cũng có một bài về … động Thiên Đường này!”.
Bùi Thuận