Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Chuyến đi đầu tiên

09:10, 14/10/2011

Sau 5 tháng “diễn tập” cho cuộc vượt biển, chiều tối 27-1- 1960, thuyền của đại đội 1, tiểu đoàn 603 đã nhổ neo rời bến. Ðây là chuyến “tàu không số” đầu tiên vượt biển để từng bước khai phá ra con đường huyền thoại trên biển mang tên Hồ Chí Minh.

Sau 5 tháng “diễn tập” cho cuộc vượt biển, chiều tối 27-1- 1960, thuyền của đại đội 1, tiểu đoàn 603 đã nhổ neo rời bến. Ðây là chuyến “tàu không số” đầu tiên vượt biển để từng bước khai phá ra con đường huyền thoại trên biển mang tên Hồ Chí Minh.

* “Mệnh lệnh trái tim” trong đêm 30 Tết

Chiều 27-1-1960, gió mùa đông bắc tràn về, sông Gianh ầm ập sóng vỗ, “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” nhận nhiệm vụ chở 5 tấn vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường Khu 5, địa điểm cập bến là bến Hồ Chuối phía chân đèo Hải Vân. Ðể tuyệt đối giữ bí mật về phương thức vận chuyển vũ khí trên biển, tiểu đoàn 603 đã đề ra hai phương án tác chiến. Thứ nhất, nếu đưa được hàng vào bến, sau khi bốc dỡ xong sẽ hủy tàu rồi đi theo đường bộ trở về đơn vị. Thứ hai, nếu bị lạc đường, lạc hướng thì thả hàng xuống biển để giữ bí mật rồi lần tìm đường về đơn vị. Trong trường hợp bị địch phát hiện, bao vây thì cho phép nổ mìn phá tàu và cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng hy sinh.

Các chiến sĩ của đoàn tàu không số tỉnh Bến Tre.            Ảnh: T.L
Các chiến sĩ của đoàn tàu không số tỉnh Bến Tre. Ảnh: T.L

 

Chiếc tàu nhỏ bé của đại đội 1 thuộc tiểu đoàn 603 nhổ neo lúc 18 giờ 30 Tết Canh Tý (ngày 27-1-1960). Sáu người trên con tàu nhỏ bé, gồm: đại đội trưởng Nguyễn Bất làm thuyền trưởng, Trần Mức làm thuyền phó và 4 thủy thủ: Huỳnh Ba, Nguyễn Sơn, Nguyễn Sinh, Nguyễn Ngữ. Chỉ còn 6 tiếng đồng hồ là đến giờ giao thừa nhưng mọi người đều quyết tâm ra đi, không ai nghĩ mình sẽ ở lại đón giao thừa cùng gia đình, dù biết chuyến đi sẽ gặp muôn ngàn gian khổ và có thể phải hy sinh. Lúc ấy, đại đội trưởng Bất nói với đồng đội: “Cuộc vượt biển giữa đêm 30 Tết này là mệnh lệnh trái tim người lính. Tiền tuyến đang chờ chúng ta, cả miền Nam đang mong đợi chúng ta, các đồng chí hãy nén việc riêng mà hoàn thành nhiệm vụ”. Lời nói của đồng chí Bất đã tiếp thêm sức mạnh cho mỗi chiến sĩ về lòng yêu nước, họ quyết tâm ra đi mà không hề tính toán, nghĩ suy. Nắm chặt tay nhau trước khi đưa thuyền ra khơi, 6 người thề giữ vững chí khí chiến đấu, nếu bị địch bắt dù phải hy sinh cũng không tiết lộ bí mật.[links(right)]

Ðêm đầu, thuyền chạy thẳng ra vùng biển quốc tế với ý định từ đó sẽ đi dần vào chân đèo Hải Vân. Ngày hôm sau, sóng to gió lớn, thuyền có nguy cơ bị lật, 6 người cố chèo chống nhưng thuyền cứ trôi mãi về phía Nam. Một bên lái của thuyền bị gãy, buồm rách toạc. Ngày thứ 3, thuyền lạc vào cù lao Ré (đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và bị gãy nốt bên lái còn lại nên mọi người không thể cho tàu đi ngược lên. Lúc này, gió bắt đầu lặng, tàu đánh cá của dân ra khơi đông, tàu tuần tiễu của địch cũng tăng cường kiểm soát. Không thể để tàu rơi vào tay giặc và lộ con đường bí mật, thuyền trưởng Nguyễn Bất đã quyết định phi tang 5 tấn súng đạn, thuốc men xuống biển và dìm thuyền. Nhìn 5 tấn vũ khí, thuốc men, nhìn con thuyền thân yêu của mình, các chiến sĩ trên chiếc “tàu không số” tiếc như đứt từng khúc ruột. Chiều hôm đó, cả 6 thủy thủ trên tàu bị địch bắt. Dù có giấy tờ giả đi đánh cá bị lạc nhưng địch vẫn tách họ ra, giam ở Ðà Nẵng, có người bị đày đi Côn Ðảo… Lời thề quyết không khai và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng được các chiến sĩ kiên trung giữ trọn. Tại các nhà giam này, 5 thủy thủ đã hy sinh, chỉ còn lại đồng chí Huỳnh Ba, đến năm 1974 mới trở về.

Chuyến vượt biển đầu tiên đưa vũ khí vào Khu 5 thất bại, Quân ủy Trung ương nhận thấy việc dùng thuyền gỗ, chạy bằng buồm để chở vũ khí vào chiến trường miền Nam có nhiều khó khăn và không an toàn nên đã chỉ thị cho tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động để tìm một phương thức vận chuyển mới.

 * Những chuyến tàu huyền thoại

Trong khi chờ phương thức vận chuyển vũ khí từ miền Bắc đi bằng đường biển vào miền Nam, Trung ương Ðảng đã chỉ thị cho các tỉnh Nam bộ chuẩn bị bến bãi và cho thuyền ra miền Bắc vừa thăm dò mở đường, vừa nghiên cứu phương tiện vận chuyển trên biển vừa báo cáo tình hình, nếu có điều kiện thì chở vũ khí về Nam.

Cuối năm 1961, đầu năm 1962, tỉnh Bến Tre đã tổ chức hai đội tàu vượt biển ra Bắc. Ðội tàu thứ nhất do đồng chí Ðặng Bá Tiên (Sáu Giao) làm đội trưởng đã trực chỉ ra miền Bắc. Sau 9 ngày đêm vật lộn với sóng gió và né tránh sự kiểm soát của địch, ngày 9-6-1961, tàu đã chở 6 chiến sĩ cập vào Hà Tĩnh. Ðội tàu thứ hai do đồng chí Lê Công Cẩn (Năm Công) phụ trách vào ngày 28-8-1961 đã cập vào Thanh Hóa. Ðó là chuyến tàu huyền thoại thứ nhất.

 Chuyến tàu huyền thoại thứ hai xuất phát từ tỉnh Bạc Liêu (còn gọi là đội thuyền Cà Mau), với hai đội tàu vượt biển ra Bắc. Ðội tàu thứ nhất do đồng chí Bông Văn Dĩa (Hai Dĩa) phụ trách đã cập cửa sông Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) vào ngày 7-8-1961. Ðội tàu thứ hai do đồng chí Nguyễn Thanh Trầm (Tư Lưới) phụ trách xuất phát vào ngày 3-8-1961, nhưng khi đi ngang qua Huế tàu đã bị thủng nên phải quay trở lại Trà Vinh sửa chữa.

Tàu sắt chở 44 tấn vũ khí cập bến Lộc An (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chi viện vũ khí đạn dược cho chiến dịch Bình Giã cuối năm 1964.
Tàu sắt chở 44 tấn vũ khí cập bến Lộc An (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chi viện vũ khí đạn dược cho chiến dịch Bình Giã cuối năm 1964.

 

Chuyến tàu huyền thoại thứ ba của tỉnh Trà Vinh do đồng chí Hồ Văn In (Bảy Thắng) làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thanh Lồng (Hai Tranh) làm chính trị viên xuất phát vào ngày 3-8-1961. Khi ra tới Nha Trang gặp bão phải dạt sang Ma Cao (Trung Quốc), sau đó tiếp tục đi. Ngày 15-8-1961, tàu bị bộ đội biên phòng Trung Quốc giữ và kéo về tỉnh Quảng Châu. Ðến ngày 16-8-1961, tàu được đại diện Ðại sứ quán Việt Nam đón và các thủy thủ được đưa về Hà Nội.

Chuyến tàu huyền thoại thứ tư ra tới miền Bắc ngày 15-5-1962 là tàu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do xã đội trưởng xã Phước Hải (huyện Long Ðất) Nguyễn Sơn làm đội trưởng, đồng chí Lê Hà làm đội phó. Ðóng góp cho chuyến đi này có 10 cây vàng của bà Nguyễn Thị Mười (Mười Riều). Ngoài việc ủng hộ vàng mua thuyền, bà Mười Riều còn gửi gắm đứa con trai thương yêu  Lê Hà làm thủy thủ tàu. Ðến Cam Ranh, tàu bị địch bắt. Sau hơn một tháng khai thác không thu được gì, địch đã thả tàu và các chiến sĩ. Phải bán lưới để mua xăng dầu, ngày 19-4-1962, sáu chiến sĩ trên con tàu ấy tiếp tục lên đường. Sau khi dạt vào đảo Hải Nam, ngày 15-5-1962, đoàn được Thủ tướng Phạm Hùng đón về đến Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Ðức (SN 1941), thủy thủ tàu Bến Tre, hiện là Phó ban liên lạc cựu chiến binh “Ðoàn tàu không số” TP Hồ Chí Minh, nhớ lại: “Bến Tre là nơi khởi đầu của những con tàu huyền thoại nối tiếp nhau vượt biển ra Bắc. Những năm ấy, các tàu của ta đi trong điều kiện bị phong tỏa cả đường thủy, đường bộ, thiếu thốn vũ khí, thuốc men, nhưng đi đến đâu cũng được nhân dân hết lòng ủng hộ. Ngày ấy, thanh niên trai tráng chúng tôi tràn đầy sức sống, lòng phơi phới niềm tin vào phong trào cách mạng, dù điều kiện thiếu thốn, công tác chuẩn bị sơ sài, không có la bàn, hải đồ, thuyền nhỏ bé nhưng tất cả đều xác định tốt nhiệm vụ và sẵn sàng hy sinh, ra đi không hẹn ngày trở lại, không ai tính toán suy nghĩ gì”.

Mai Thắng

 

 

 

Tin xem nhiều