50 năm ra đời, chiến đấu và trưởng thành, truyền thống chiến đấu của những chiến sĩ “Đoàn tàu không số” năm xưa là ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, là hành trang để cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn 125 hôm nay noi gương, tiếp tục chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc.
50 năm ra đời, chiến đấu và trưởng thành, truyền thống chiến đấu của những chiến sĩ “Đoàn tàu không số” năm xưa là ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, là hành trang để cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn 125 hôm nay noi gương, tiếp tục chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc.
* Anh hùng trong thời chiến
Ngày 29-6-1966, đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh, ném bom các vùng biển và một số mục tiêu kinh tế, chính trị quan trọng ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Trước hành động mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quân và dân cả nước: “...Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do... Đến ngày thắng lợi, nhân dân sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...”.
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở Lữ đoàn 125 Hải quân. Ảnh: M.Thắng |
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đoàn kết một lòng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Miền Bắc càng sục sôi khí thế đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, dồn sức chi viện cho miền Nam đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của địch. Hòa cùng khí thế chung của cả nước, Lữ đoàn 125 Hải quân chuẩn bị bước vào giai đoạn vận chuyển mới.
Trong điều kiện yếu tố bí mật, bất ngờ của tuyến đường không còn, địch bố phòng, kiềm tỏa gắt gao, đường đi mới qua nhiều vùng biển lạ, xa bờ và nguy hiểm, nên công tác chuẩn bị cho chuyến đi mở đường mới phải được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo. Đảng ủy Lữ đoàn 125 quyết tâm: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, dù phải hy sinh đến tính mạng, CBCS Lữ đoàn 125 cũng phải hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Đảng ủy Lữ đoàn đã giao nhiệm vụ cho tàu 42 gồm 16 thủy thủ, do đồng chí Nguyễn Văn Cứng làm thuyền trưởng, đồng chí Trần Ngọc Ẩn làm chính trị viên. Đêm 15-10-1966, tàu 42 chở 60 tấn vũ khí nhổ neo vượt biển. Sau 9 ngày vừa đi vừa vòng tránh sự kiểm soát gắt gao của địch, đêm 24-10, tàu 42 cập bến Rạch Kiến Vàng (tỉnh Cà Mau) an toàn. 60 tấn vũ khí, đạn dược được vận chuyển lên bờ, chi viện cho chiến trường miền Nam.[links(right)]
Sau khi tàu 42 hoàn thành nhiệm vụ, các tàu 69 và 68 lần lượt lên đường và đều hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Thắng lợi của chuyến đi mở đường của tàu 42 trong tình hình mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thắng lợi ấy không chỉ chứng minh cho ý chí quyết tâm liên tục tiến công chi viện cho miền Nam bằng đường biển, mà còn thể hiện tinh thần gan dạ, kiên cường, chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của CBCS Lữ đoàn 125.
Đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta diễn ra đồng loạt trên khắp miền Nam. Để đáp ứng yêu cầu vũ khí cho chiến trường và phân tán sự đối phó của địch, từ ngày 23 đến 27-2-1968, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định sử dụng 4 tàu: 165, 56, 54 và 235, lên đường làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược chi viện cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Nam. Kết thúc giai đoạn vận chuyển cực kỳ ác liệt ấy, từ cuối tháng 10-1965 đến 3-1968, Lữ đoàn 125 Hải quân đã tổ chức 23 chuyến vận chuyển, trong đó có 5 chuyến thành công trọn vẹn, 6 lần vận chuyển đụng độ với địch, chở 310 tấn vũ khí cho chiến trường, phải tự hủy 4 tàu, địch chiếm của ta 2 chiếc, ta phá 2 tàu bị mắc cạn, những chuyến đi còn lại gặp địch, buộc phải quay về.
Nói về những năm tháng chiến đấu trên “Đoàn tàu không số”, ông Trần Phong (nguyên chỉ huy trưởng “Đoàn tàu không số”, hiện đang sống tại TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Đã 50 năm trôi qua, 34 chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” đầu tiên người còn người mất, nhưng chiến công vang dội của những con tàu huyền thoại mãi là kỳ tích tạc vào lịch sử. Mỗi lần vượt biển bí mật ra Bắc chở vũ khí vào Nam là cả sự tài tình sáng tạo của các chiến sĩ ngày ấy. Nếu không có “Đoàn tàu không số”, không có đường Hồ Chí Minh trên biển, chắc chắn không có ngày giải phóng 30-4-1975 trọn vẹn. Đối với tôi, những ngày ở “Đoàn tàu không số” là những ngày đẹp nhất của đời lính”.
* Vinh quang trong thời bình
Thực hiện mệnh lệnh hành quân ra giải phóng quần đảo Trường Sa, ngày 4-4-1975, Lữ đoàn 125 Hải quân khẩn trương thành lập một biên đội gồm 3 tàu: 673, 674, 675, do đồng chí Dương Tấn Kịch chỉ huy, hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng chở Đoàn 126 bộ đội đặc công Hải quân và một bộ phận của tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5 ra giải phóng đảo. Mặc dù trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng CBCS đã nhanh chóng giải phóng và tiếp quản các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. Trong 80 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, Lữ đoàn đã 143 lần đưa tàu vượt sóng ra khơi, vượt chặng đường hơn 65 ngàn hải lý, vận chuyển gần 20 ngàn CBCS, 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và các loại súng, pháo, đánh chìm 1 tàu PCF, đánh hỏng nặng 3 tàu khác, gọi hàng 1 tàu, bắt 42 tù binh, trực tiếp góp phần giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 3-6-1976, Lữ đoàn 125 Hải quân đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.
Trong những ngày này, CBCS Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng, từ đất liền đến các tàu hoạt động trên các vùng biển, đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, huấn luyện giỏi, rèn luyện chăm, kỷ luật nghiêm để chào mừng 50 năm ngày truyền thống của mình. Đại tá Đỗ Mạnh Hà, Chính ủy Lữ đoàn 125 Hải quân, chia sẻ: “Khó có thể nói hết sự kiên cường, anh dũng chiến đấu của các chiến sĩ “Đoàn tàu không số”. Năm xưa, các thủy thủ “Đoàn tàu không số” kiên cường, quyết tâm mở đường trên biển, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, thì hôm nay, những người lính Lữ đoàn 125 quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Các anh ngã xuống, xương máu của các anh nằm trong lòng biển, là truyền thống vẻ vang cho lớp lớp CBCS Lữ đoàn 125 Hải quân hôm nay tiếp bước. Tri ân các chiến sĩ “Đoàn tàu không số” năm xưa, CBCS Lữ đoàn 125 Hải quân hôm nay nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, phụng sự đất nước, bảo vệ nhân dân, xứng đáng là đơn vị 2 lần được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Chiến tranh đã lùi xa 36 năm nhưng những chiến công anh hùng, sự hy sinh gian khổ của CBCS Đoàn 759, đơn vị tiên phong mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác trên Biển Đông của những “con tàu không số” sẽ mãi đi vào lịch sử dân tộc. Sự cống hiến máu xương của những CBCS “tàu không số” đã trở thành bất tử, như một huyền thoại cho lớp lớp đời sau ngưỡng mộ, trân trọng và tự hào.
Mai Thắng