Nói đến “Đoàn tàu không số” huyền thoại, không thể không nhắc đến những chiến sĩ kiên cường, anh dũng trên những con tàu lịch sử ấy. 50 năm đã trôi qua, các chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” vượt biển ra miền Bắc tiếp nhận vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam người còn, người vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển, nhưng chiến tích mà họ đã làm nên con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh kính yêu mãi là niềm tự hào của dân tộc.
Nói đến “Đoàn tàu không số” huyền thoại, không thể không nhắc đến những chiến sĩ kiên cường, anh dũng trên những con tàu lịch sử ấy. 50 năm đã trôi qua, các chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” vượt biển ra miền Bắc tiếp nhận vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam người còn, người vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển, nhưng chiến tích mà họ đã làm nên con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh kính yêu mãi là niềm tự hào của dân tộc.
* “Được đánh giặc là sướng lắm”
“Là chính trị viên của Đoàn tàu không số, tôi cùng đồng đội có 9 lần vận chuyển vũ khí, đạn dược vào các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Quảng Ngãi để phục vụ chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Nhiều lần chạm trán với quân địch, chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Dưới mưa bom bão đạn, “Đoàn tàu không số” vẫn hiên ngang chở vũ khí đạn dược cho chiến trường miền Nam, góp phần vào ngày đại thắng” - cựu binh Trần Ngọc Tuấn (nguyên chính trị viên tàu 43, hiện ngụ ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) tự hào nhắc lại kỷ niệm về những ngày ông cùng đồng đội chiến đấu trên “Đoàn tàu không số” huyền thoại.
Niềm vui của cựu binh Trần Ngọc Tuấn mỗi ngày.
Trong căn nhà nhỏ ở thành phố Nha Trang, ông Trần Ngọc Tuấn đón chúng tôi trong niềm hân hoan, vui mừng… Nhấp ngụm nước trà, ông đăm chiêu nhìn ra khoảng sân trước nhà như nhớ về quá khứ của một thời hoa lửa. Giọng ông kiêu hãnh: “Các chú biết không, ngày ấy nói đến việc đi đánh giặc là tui sướng lắm. Dù xác định đi có thể chết nhưng tui vẫn thích đi. Khi ta thắng lợi thì sung sướng vô cùng”.
Ngày 23-10-1961, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải quân quyết định thành lập Đoàn 759 với mật hiệu “Đoàn tàu không số”, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Đêm 11-10-1962, trên con tàu gỗ, Trần Ngọc Tuấn và những đồng đội của ông chở đầy vũ khí từ cảng Hải Phòng đã trực chỉ vào Nam. Qua 6 ngày đêm chống chọi với sóng to, bão dữ và sự vây ráp của kẻ địch, con tàu đã đến bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Đây là chuyến chở hàng vũ khí đầu tiên từ Bắc vào Nam.[links(right)]
Với vỏ bọc ghe của ngư dân đánh cá trên sông lạch, những chiếc tàu của “Đoàn tàu không số” đã ngụy trang, giả dạng thành ghe cá, ban ngày trú ẩn, đêm hành quân chở hàng chục chuyến vũ khí đạn dược cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Biết ta chở vũ khí, địch thành lập “lực lượng đặc nhiệm 115”, huy động lực lượng hạm đội 7 và lực lượng quân ngụy với các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như máy bay, tàu thủy... để kiểm soát. Chúng tăng cường tuần tra, ném bom ngày đêm trên vùng biển chúng nghi ngờ, hòng chặn sự chi viện của ta.
Lần tàu ông Trần Ngọc Tuấn chạm trán và quyết sống chết với địch, đó là vào trung tuần tháng 3-1968, khi tàu của ông (mang mật danh 43) được giao nhiệm vụ “chở hàng” đến Đức Phổ (Quảng Ngãi). Lúc đó, ông Tuấn là chính trị viên, Nguyễn Đắc Thắng làm thuyền trưởng. Khi con tàu 43 hành quân vào đến cửa biển Quảng Ngãi thì bị máy bay địch phát hiện. Lợi dụng lúc địch chỉ mới nghi ngờ, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng đã cho thả trôi tàu và chỉ huy các thủy thủ trên tàu ra lan can câu cá để đánh lạc hướng địch. Sau đó, tàu chạy lòng vòng trên biển, mãi đến đêm thứ 3 mới vào được vùng biển Quảng Ngãi. Khi cách bến 15 hải lý thì 2 chiếc tàu chiến của địch lại bất ngờ xuất hiện phía trước. Chúng đánh tín hiệu hỏi: “Các anh là ai?”. “Chúng tôi là dân đánh cá” - các thủy thủ trên tàu 43 nhanh nhảu trả lời. Bỗng một vệt sáng lóe chớp phía mũi tàu và những tiếng nổ đanh thép, tàu địch bắn xối xả vào tàu 43. Tàu của địch lượn một vòng tròn rồi bao vây tàu 43, hòng bắt sống thuyền trưởng và các chiến sĩ trên tàu. Lúc này, thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng ra lệnh: “Tất cả về vị trí chiến đấu. Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, phải quyết tâm giữ tàu”.
Trên trời, máy bay địch ném bom, dưới biển tàu địch bắn xối xả. Súng DKZ, đại liên của các thủy thủ tàu 43 đã bắn thẳng vào tàu địch, mặt biển sôi sục. Quyết không để địch làm càn, thuyền trưởng Thắng hạ lệnh: “Tiêu diệt máy bay”. Lập tức, làn đạn đanh thép từ nòng súng cao xạ 12,7 ly do xạ thủ Nguyễn Văn Tiến chỉ huy đã bắn cháy một máy bay HD-1A địch, khiến nó đâm xuống biển, bùng cháy sáng đỏ một góc trời. Cùng lúc đó, một tiếng nổ lớn đinh tai nhức óc phía trái tàu, chiếc tàu địch bốc cháy và dần dần chìm xuống biển. Trong tình thế hiểm nguy, thuyền trưởng Thắng đã hạ lệnh nhanh chóng chuyển thương binh, tử sĩ xuống thuyền của dân đưa vào bờ và hủy tàu chứ nhất định không để vũ khí, đạn dược rơi rào tay giặc.
* Nước mắt Đặng Thùy Trâm
Cựu binh Trần Ngọc Tuấn dừng lại giây lát để bồi hồi nhớ lại những ngày ông cùng đồng đội được bà con thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) chở che đùm bọc. Ông kể tiếp: “Sau khi chúng tôi đưa thương binh, tử sĩ trên tàu bơi vào bờ, bà con thôn Quy Thiện đã bất chấp hiểm nguy nhiệt tình cứu giúp. Nằm trong bồ thóc, núp dưới đống rơm, dưới chuồng trâu đầy phân mà lòng căm phẫn thằng giặc quá. Chúng lùng sục khắp nơi. Tiếng giày đinh chúng giậm rầm rập trên nắp hầm bí mật. Tôi cùng đồng đội nằm dưới hầm trong tình trạng bị thương suốt 10 ngày đêm, mọi ăn uống đều nhờ bà con giúp đỡ. Khi lùng sục không thấy gì, bọn địch đã bỏ đi. Chúng tôi được bà con địa phương đưa đến bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm vào ban đêm, nhưng 2 lần đều gặp địch tuần tra kiểm soát, đến đêm thứ 3 mới qua khỏi vòng vây của địch. Tui sống được là nhờ chị Trâm, các y tá ở bệnh xá Bắc Mười và bà con ở thôn Quy Thiện”.
Ông Trần Ngọc Tuấn (thứ hai bên phải) cùng đồng đội trong buổi giao lưu “Hành trình những con tàu không số”.
Sau khi được bà con thôn Quy Thiện cứu chữa lành vết thương, ông Tuấn cùng đồng đội vượt rừng Trường Sơn trở về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Ngày chia tay, bà con thôn Quy Thiện bịn rịn tiễn chân ông và các đồng đội. Ông Tuấn là người sau cùng được bác sĩ Đặng Thùy Trâm nắm chặt tay căn dặn: “Nhớ gửi lời tới hậu phương. Hẹn gặp các đồng chí trong ngày thống nhất”, rồi chị bật khóc.
Chia tay ông vào một chiều cuối tháng 9-2011, thành phố Nha Trang tấp nập người xe đi lại. Nắm chặt tay tôi, ông Tuấn bảo: “Cuộc đời tôi được cống hiến cho Tổ quốc là một vinh dự lớn lao. Đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ là một kỳ tích của bộ đội Hải quân Việt Nam và nó đã trở thành con đường huyền thoại trong tim những người lính biển”.
Mai Thắng