Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề… thuê vườn

10:10, 06/10/2011

Vốn là dân chuyên thuê vườn xoài để sản xuất (còn gọi là thuê xoài lá), ông Sáu Phong (ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, làm nghề này phải mạnh vốn, có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật, thiếu 3 yếu tố này coi như phá sản.

Vốn là dân chuyên thuê vườn xoài để sản xuất (còn gọi là thuê xoài lá), ông Sáu Phong (ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, làm nghề này phải mạnh vốn, có kinh nghiệm và nắm vững kỹ thuật, thiếu 3 yếu tố này coi như phá sản.

* Nghề thuê xoài lá

Với lưng vốn chỉ vài chục triệu đồng và kinh nghiệm trồng xoài từ Đồng Tháp mang theo, ông Sáu Phong từng bước tậu được 6 hécta xoài tại ấp 2, xã Mã Đà. Ông cho biết, những năm về trước, giá thuê vườn xoài để sản xuất chỉ khoảng 15-20 triệu đồng/hécta/năm, không phải trả trước tiền thuê vườn, đôi bên chỉ giao kèo bằng miệng. Tuy nhiên, khi làm ăn thua lỗ chủ vườn cũng tự giác bớt tiền cho thuê và không khống chế thời gian thuê. Trong khi đó, giá thuê vườn bây giờ phải từ 30-40 triệu đồng hécta/năm, người thuê phải trả ngay tiền thuê vườn, chỉ làm hợp đồng trong năm và hợp đồng thuê thay đổi theo từng năm. Ông Sáu Phong nói: “Do chủ vườn giờ có kinh nghiệm hơn và do người thuê vườn cũng làm ăn chụp giật, ép xoài dữ quá nên chủ đất ngại”.

Vườn xoài khi vào tay người thuê đều được chăm chút chu đáo và sung sức.
Vườn xoài khi vào tay người thuê đều được chăm chút chu đáo và sung sức.

Bên gốc xoài cát Hòa Lộc vừa được tỉa cành, làm thuốc, bón phân để kích thích ra hoa trái vụ, anh Ba Thiện (ấp 1, xã Mã Đà) cho hay, 5 hécta xoài này được cha anh (ông Ba Sang) ký hợp đồng với bà Chín Thiêm (chủ đất) thuê trong một năm, giá 100 triệu đồng/5 hécta. “Để cây xoài cho thu hoạch theo ý, gia đình tui phải đầu tư thêm 100 triệu đồng nữa. Như vậy, trước mắt tui phải bỏ ra 200 triệu đồng tiền mặt, không có số tiền này thì không thể làm ăn được”.

Ngẫm nghĩ một lúc, anh Ba Thiện cho chúng tôi biết thêm, nếu là người thuê xoài có kinh nghiệm thì không bao giờ bị lỗ vốn đầu tư. Vì trước khi hợp đồng thuê vườn, người thuê sẽ kiểm tra giống xoài, tuổi đời cây xoài, cây sung hay còi cọc, tình trạng sâu bệnh... Sau đó, đôi bên mới bàn thảo giá và tiến tới ký hợp đồng. “Hợp đồng một năm hay vài năm không quan trọng, quan trọng là hợp đồng được ký có sự chứng kiến của ấp trưởng hoặc ra UBND xã công chứng thì mới chắc ăn, không bị lật kèo”- anh Ba Thiện khẳng khái nói.

Cũng giống như anh Ba Thiện, vì có nhiều kinh nghiệm trong việc thuê vườn xoài, ông Nguyễn Hải (xã La Ngà, huyện Định Quán) năm nào cũng trúng được gần trăm triệu đồng từ công việc thuê vườn xoài. Số tiền trên được ông Nguyễn Hải đem về quê tậu ruộng, mua vườn. Ông Hải tâm sự, do ông không thích bám trụ một nơi cố định (ngoài quê ở Tiền Giang) nên nơi nào có người cho thuê vườn ngon lành là ông tìm đến thuê. Ông Hải nói: “Mục đích của tui là kiếm lời. Số tiền kiếm được tui sắm ruộng, mua vườn dưới quê chứ không mua đất lập nghiệp ở đây”.

Vì nhiều lý do, một số chủ vườn xoài không muốn bỏ vốn đầu tư, công chăm sóc để chờ ngày thu hoạch trái mà cho người khác thuê vườn sản xuất. Người thuê vườn vốn là những nông dân không có đất sản xuất, họ tìm thuê vườn xoài sẵn có để đầu tư, chăm sóc và thu hoạch trái theo kiểu lời ăn lỗ chịu. Những người làm ăn đàng hoàng thì hợp đồng với chủ vườn được kéo dài nhiều mùa. Nhưng có nhiều người thuê vườn vì muốn thu lãi nhiều đã tìm cách tận thu bằng cách ép xoài ra trái nhiều khiến cây suy kiệt, dẫn đến mâu thuẫn với chủ vườn cũng không ít.

Còn với ông Năm Tâm (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) thì khác. Trao đổi với chúng tôi, ông Năm Tâm cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê nhiều cây ăn trái (Tây Nam bộ), nhưng vì không có đất làm vườn nên ông phải bôn ba về Đồng Nai tìm thuê vườn xoài để làm ăn. Sẵn kinh nghiệm từ công việc chăm sóc cây ăn trái thuê ở quê và một ít vốn liếng, ông mạnh dạn thuê hơn 1 hécta đất trồng xoài của một nông dân trong xã. Vụ thứ nhất ông lãi trên 50 triệu đồng. Vì vậy, năm sau ông thuê thêm 2 hécta vườn xoài của nông dân khác và trúng thêm gần 120 triệu đồng. Sau 7 năm về đây thuê vườn xoài, hiện ông đã mua được 3 hécta xoài. Ông Tâm khoe: “Nhờ công việc thuê vườn xoài mà tui mua được đất, cất được nhà. Tui sẽ tranh thủ kiếm thêm vì nghề này đang thịnh, ăn nên làm ra”.

* Phải giấy trắng mực đen

Chuyện dân thuê vườn xoài ăn nên làm ra, mua đất, lập vườn không ít. Tuy nhiên, những người thuê vườn làm ăn bị thua lỗ do đầu tư chưa tới, đứt vốn vì giá xoài bấp bênh, bị chủ đất phá hợp đồng cũng không hiếm. Điều này được anh Lê Thông (xã Phú An, huyện Tân Phú) ấm ức kể với chúng tôi bên những gốc xoài vừa được chủ vườn đốn hạ và những lá đơn viết sẵn trên tay. Anh Thông bày tỏ, vườn xoài anh đang thuê là của bà M. Bà M. giao cho người em ruột (anh T.) trông coi và thu hoạch. Do không có kinh nghiệm chăm sóc nên anh T. đã cho gia đình anh Thông thuê lại với giá 30 triệu đồng/năm (giao kèo miệng). Hai năm đầu, hai bên vui vẻ phân chia thành quả. Đến năm thứ 3, khi vườn xoài vừa ra trái non thì bà M. bán vườn cho bà Y. Sau khi mua đất, bà Y. đã tiến hành chặt phá xoài. Anh Thông ấm ức nói, dù gia đình anh đã hết lời nài nỉ bà Y. chờ thêm vài tháng nữa, đến khi thu hoạch xoài xong thì anh trả lại vườn cho bà, nhưng bà Y. không đồng ý. “Bà Y. cho rằng, vườn bà mua thì bà có quyền chặt, chuyện thuê mướn giữa chủ cũ với gia đình tôi bà không biết nên không chịu trách nhiệm. Chính vì bà Y. nói có lý nên tôi mất gần 100 triệu đồng tiền đầu tư cho vụ xoài này. Giá như tôi buộc em bà T. viết cho vài chữ khi giao vườn thì bây giờ tôi đâu bị nợ nần khi vườn xoài chưa kịp thu hoạch đã bị bà Y. lấy ngang” - anh Thông nói.

Để xứng đáng với đồng tiền và công sức đã bỏ ra, từ tháng 8-2011, anh Ba Thiện đã ép xoài cho trái vụ.
Để xứng đáng với đồng tiền và công sức đã bỏ ra, từ tháng 8-2011, anh Ba Thiện đã ép xoài cho trái vụ.

Hay như chuyện chủ vườn Hai Phạm (xã La Ngà, huyện Định Quán) bức bối vì bị người thuê vườn xoài Tư Tèo “quất ngựa truy phong” sau những năm ép vườn xoài của anh kiệt sức. Dù đã tận thu vườn xoài (ép cho xoài ra trái quá sức cây) nhưng Tư Tèo vẫn thản nhiên than lỗ, chây ỳ trả tiền thuê vườn và trốn biệt. Anh Hai Phàm càu nhàu, những năm đầu vườn xoài sung trái thì anh ta trả tiền sòng phẳng. Các năm tiếp theo anh ta than thở, chê vườn xoài cằn cỗi, đầu tư tốn kém nên nài nỉ anh bớt chút ít tiền thuê vườn. Đến khi anh Hai Phàm biết chuyện vườn xoài mình bị Tư Tèo “bóc lột” đến kiệt sức thì anh ta bỏ bê, rồi cắt ngang hợp đồng. “Vì khi giao vườn, đôi bên chỉ giao kèo miệng nên không có chứng cứ để kiện. Đồng thời, đa phần dân thuê vườn là dân xứ khác đến nên tôi biết tìm Tư Tèo ở đâu mà thưa kiện”- anh Hai Phàm tâm sự.

Qua trao đổi với chúng tôi, các nông dân chuyên thuê vườn xoài sản xuất cho hay, hiện người thuê và chủ vườn đều tính toán rất kỹ, khi thuê vườn đôi bên đều lập hợp đồng và được chính quyền địa phương ký xác nhận. Anh Trịnh Thái (ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán) bày tỏ, anh chỉ giao kèo miệng khi thuê vườn của anh em, bà con hoặc người quen. Còn các đối tượng khác chí ít cũng lập giấy viết tay hoặc phải có xác nhận của người có chức vụ tại nơi cư trú. “Thà tốn vài trăm ngàn đồng làm thủ tục lập hợp đồng hoặc trả chầu nhậu còn hơn mất tiền triệu và phá sản”- anh Trịnh Thái nói.

Đoàn Phú


   

 

         

 

 

 

Tin xem nhiều