Ngồi bệt trên thềm nhà, chị Lâm Thị Đẹp (chủ đại lý vé số Thanh Tâm, đường Huỳnh Văn Nghệ, khu phố 2, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi. Chị Đẹp tỏ bày, cuộc đời của chị khổ không kém gì những người bán vé số dạo mà chị đang cưu mang.
Ngồi bệt trên thềm nhà, chị Lâm Thị Đẹp (chủ đại lý vé số Thanh Tâm, đường Huỳnh Văn Nghệ, khu phố 2, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi. Chị Đẹp tỏ bày, cuộc đời của chị khổ không kém gì những người bán vé số dạo mà chị đang cưu mang.
NGÔI NHÀ CỦA NGƯỜI BÁN VÉ SỐ DẠO
Từng là người nghèo nên chị Đẹp luôn thấu hiểu và chia sẻ với những người bán vé số cho mình. Ảnh: Đ.Phú
Với người dân nghèo từ mọi miền đất nước đến TP.Biên Hòa hành nghề bán vé số dạo, khu phòng trọ của chị Đẹp luôn là điểm tựa của họ. Bà Trần Thị Trúc Mai (80 tuổi, quê miệt Tiền Giang) cho biết, năm 2006, khi không còn ai thân thích để nương tựa (con gái duy nhất cùng con rể và cháu ngoại bà đã mất trong một vụ tai nạn giao thông), bà Mai đến Biên Hòa tìm người quen để nhờ tìm một việc nhẹ nhàng sống qua ngày. Sau nhiều ngày lang thang ở Biên Hòa tìm người quen mà không gặp, bà Mai đã may mắn gặp chị Đẹp. Biết được hoàn cảnh của bà Mai, chị Đẹp mời bà về phòng trọ của mình tá túc và giao vài chục vé số kiến thiết để bà đi bán thử. Bà Mai nói: “Mới đầu tui sợ cô Đẹp chê tui già yếu không nhận. Hơn nữa, hồi nhỏ tới giờ tui chỉ giỏi mót lúa, nhổ cỏ chứ có đi buôn bán bao giờ đâu. Vậy mà giờ đây, một ngày tui cũng bán được trên 100 tờ vé số đó”. Qua 4 năm tá túc miễn phí tại phòng trọ của chị Đẹp và bán vé số dạo, bà Mai dần thanh toán hết các món nợ ở quê và hiện tại đang có dư hai chân hụi. Bà Mai bày tỏ, giờ bà xem căn nhà trọ của chị Đẹp là nơi nương tựa cuộc đời cho đến khi mất. Nơi đây không chỉ có mình bà, mà còn có trên 10 hộ gia đình và hàng chục người xa quê như bà tá túc. “Cô Đẹp đã chu cấp cho rất nhiều trường hợp già yếu, bệnh tật, qua đời nên tui sống ở đây rất yên lòng, dù không còn con cái” - bà Mai móm mém nói.
Cùng phòng trọ nữ với bà Mai còn có 8 chị em khác, như: Dung, Thu, Tri, Lăng, Hòa…, mỗi người một hoàn cảnh khi đến đây. Chị Tri (quê ở tỉnh Quảng Nam) cho hay, mỗi tháng chị dành dụm gửi về quê được 2 triệu đồng từ việc bán vé số. Ngoài ra, chị còn được chị Đẹp lo chỗ ở miễn phí, hỗ trợ thuốc men khi bệnh tật hoặc gặp chuyện không may khi đi bán. “Dù tuổi tác, quê hương, hoàn cảnh mỗi người khác nhau nhưng chúng tôi luôn xem nhau như ruột thịt. Đó là ý muốn của cô Đẹp nên chúng tôi rất yên lòng khi sống chung”- chị Tri nói.
18 giờ, những người đi bán vé số dạo tại khu nhà trọ của chị Đẹp chỉ mới về được 2/3. Anh Thanh (quê ở tỉnh An Giang) tâm sự, do tất bật cả ngày ngoài đường nên khi về anh em trong phòng tranh thủ hỏi thăm nhau người nào bán được nhiều vé số nhất hoặc bị ế bao nhiêu, khi đi bán có bị lừa gạt vé, bị tranh giành địa bàn, hiếp đáp không… “Dù mệt, nhớ nhà nhưng chúng tôi không dám tổ chức uống rượu, cờ bạc vì bị cô Đẹp cấm. Cô Đẹp cấm những thứ đó là muốn chúng tôi biết quý đồng tiền do mồ hôi, công sức mình bỏ ra. Người siêng năng, tiết kiệm thì cô mới nhận và cho ở miễn phí hoặc giá rẻ”- anh Thanh nói.
Bên Phòng trọ của anh Nghĩa (quê ở tỉnh Ninh Thuận) là anh Vũ (quê ở tỉnh Thanh Hóa) đang văng vẳng tiếng khóc của trẻ con. Anh Nghĩa cho hay, thằng Phúc con anh Vũ nhõng nhẽo vì bố mẹ đi bán vé số cả ngày. Anh và những hộ gia đình khác không thuộc đối tượng ở trọ miễn phí. Bù lại, các anh được cô Đẹp lấy tiền thuê phòng thấp hơn so với bên ngoài, hưởng hoa hồng tiền lãi bán vé số cao hơn người ở miễn phí. “Chúng tôi yên tâm ở đây vì vốn liếng, nơi ở cô Đẹp lo. Chúng tôi còn được hỗ trợ tiền khi bệnh tật, rủi ro. Vì cô chủ đại lý xuất thân từ cảnh nghèo khó nên luôn đối xử tử tế với chúng tôi”- anh Vũ bày tỏ.
CUỘC ĐỜI CÔ ĐẸP
Những người bán vé số dạo sinh sống tại khu nhà trọ của chị Đẹp. Ảnh: Đ.Phú
Để gầy dựng được đại lý phân phối vé số kiến thiết cấp 2 tại tổ 6, khu phố 2, phường Bửu Long và hai điểm phụ tại đường Phan Đình Phùng (thuộc khu phố 5, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), tỉnh lộ 768 (thuộc ấp Bình Phước, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), có lúc chị Đẹp trắng tay, nợ nần và muốn từ bỏ để quay lại công việc chạy chợ bán quần áo. “Nhưng nghĩ đến cảnh những người bán vé số dạo bơ vơ, tui ráng cầm cự nên mới tồn tại đến ngày hôm nay”- chị Đẹp tâm sự.
Để cưu mang và giúp đỡ những người bán vé số dạo, chị Đẹp đã cấp thẻ hội viên cho họ. Những người được cấp thẻ sẽ được chị hỗ trợ tiền thuốc men, viện phí, tử tuất khi bệnh tật, qua đời. Những người xa quê chọn nghề bán vé số vào những tháng nông nhàn vẫn được chị cấp thẻ này và hỗ trợ họ trong cả thời gian về quê làm mùa bị bệnh tật, rủi ro. |
Rồi chị đăm đắm nhìn sang khu nhà trọ, nơi có những con người tật nguyền, già yếu, những đôi vợ chồng trẻ xa quê hàng ngày cầm những xấp vé số từ đại lý của chị đi bán với mơ ước “đem lại may mắn cho đời và cho mình”. Chị Đẹp cho biết, 18 năm về trước, nhà chị thuộc dạng nghèo nhất nhì phường Bửu Long. Gia đình chị nghèo đến nỗi hàng xóm không dám mời đám cưới vì họ sợ gia đình chị không có tiền và áo quần tươm tất để đi đám cưới. Cha mẹ làm thuê mướn vẫn không đủ ăn, vợ chồng chị chia tay khi con mới 3 tháng tuổi nên nghèo khó càng chồng chất. Túng thiếu, chị Đẹp bươn chải đủ thứ nghề, như: bán hàng rong, làm gạch, gặt lúa mướn… Sau đó, chị được một người quen bày cách đi TP.Hồ Chí Minh mua quần áo cũ về bán dạo. Chị Đẹp nói: “Thấy hay nên tui cố vay mượn số tiền vừa mua đủ hai bao đồ cột trên xe đi bán dạo. Sau mỗi chuyến hàng có lãi, tui bắt đầu đi bán xa hơn”.
Đang trò chuyện bỗng chị Đẹp bật khóc, thái độ khác hẳn một bà chủ đại lý vé số giàu có với nhà cửa khang trang, quản lý trên 200 con người, vốn bạc tỷ. Rồi chị Đẹp tiếp tục câu chuyện: “Cứ vậy, suốt 9 năm ròng một mình một xe rong ruổi bán đồ cũ khắp các tỉnh, thành, từ Đồng Nai đến Bình Phước, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Nguyên… Hết chợ sáng, rồi chợ chiều, tối về chị chui vào phòng trọ tồi tàn, giá rẻ để ngủ lấy sức”. Chị Đẹp tâm sự, hồi đó chị đi bán 5-7 ngày mới về nhà một lần, mỗi lần về cốt để lấy hàng rồi đi tiếp chứ đâu phải về thăm con.
Buôn bán có lãi, chị Đẹp cất lại nhà cho cha mẹ ở, xây vài phòng trọ cho thuê. Quá trình chạy chợ bán quần áo, trong đầu chị lóe lên suy nghĩ: “Người ta xây phòng trọ cho người bán vé số dạo thuê, sao mình có phòng trọ mà không mở đại lý vé số và thu hút người bán dạo”. Từ ý nghĩ đó, năm 2005, chị Đẹp chuyển sang mở điểm bán vé số nhỏ ngay tại nhà và phân phối cho vài người bán dạo. “Lúc đầu, bao nhiêu vốn liếng tôi tích lũy được từ việc bán quần áo đều trôi sông do bị những người bán vé số dạo quỵt nợ, ôm vé số vì bán ế. Trên 10 lần tui tính giải nghệ trở lại công việc bán quần áo dạo, nhưng khi nhìn thấy những người bán vé số dạo gắn bó hết lòng với mình phải chịu cảnh bơ vơ thì tui phải cố gắng gượng” - chị Đẹp tâm sự.
Ông trời thương chị, khi vé số từ đại lý chị cung cấp trúng giải đặc biệt liên tục. Tiếng lành đồn xa, người bán dạo tìm đến đại lý của chị lấy vé số bán ngày một nhiều và chị dần dần mở rộng kinh doanh, mở thêm hai điểm cung cấp mới. “Năm vừa rồi tui cất được nhà lầu cho cha mẹ ở, xây thêm phòng trọ và địa điểm làm ăn”- chị Đẹp hồ hởi khoe với chúng tôi.