Giữa cánh đồng mênh mông, tiếng chim se sẻ tha thiết gọi bạn từ chiếc máy cassette trên tay Tư Hiếu liên tục được phát ra. Nghe tiếng đồng loại gọi, đàn chim se sẻ ngoài đồng liền sà xuống bên hai chú chim mồi nhảy nhót. Vút… Phập... Hai màng lưới chạm vào nhau, trên 10 chú se sẻ sập bẫy của Tư Hiếu vừa giăng.
Giữa cánh đồng mênh mông, tiếng chim se sẻ tha thiết gọi bạn từ chiếc máy cassette trên tay Tư Hiếu liên tục được phát ra. Nghe tiếng đồng loại gọi, đàn chim se sẻ ngoài đồng liền sà xuống bên hai chú chim mồi nhảy nhót. Vút… Phập... Hai màng lưới chạm vào nhau, trên 10 chú se sẻ sập bẫy của Tư Hiếu vừa giăng.
* Kẻ bắt, người thả
Do công việc bán chổi lông gà tháng mưa ế ẩm, Tư Hiếu (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) chuyển sang nghề tay trái (bẫy chim sẻ) để có đồng ra đồng vào phụ vợ nuôi con. Tư Hiếu cho biết, một ngày anh bẫy được vài chục chú se sẻ, bán với giá 4 ngàn đồng/con. Chim khỏe thì anh bỏ mối cho những người bán chim phóng sinh cầu an, chim chết thì làm thịt bỏ mối cho nhà hàng làm đặc sản. “Do tui bắt chim bán cho người ta phóng sinh nên lương tâm cũng thấy nhẹ. Hơn nữa, chim se sẻ rất tinh khôn, khi đã được phóng sinh thì rất khó bẫy lại chúng lần thứ hai” - Tư Hiếu phân bua với chúng tôi.
Ngoài chim mồi, người bẫy chim còn dùng máy móc để hỗ trợ.
Sau khi bẫy hạ được hơn chục chú chim sẻ tại chân ruộng ông Thức (cánh đồng ấp Thanh An, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu), Tư Hiếu lập tức cuốn lưới, tháo chim mồi rồi lên xe di chuyển sang cánh đồng ấp Vàm, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Lần này, anh không giăng bẫy nơi chân ruộng, mà đặt bên lề tỉnh lộ 768. Vừa bủa lưới, Tư Hiếu vừa giải thích, chớ thấy sẻ đàn ngoài đồng mà ham, chúng toàn là sẻ phóng sinh tụ hội nên rất khó bẫy. “Tui phải di chuyển liên tục, mỗi nơi chỉ cần bắt được chục con là nhiều lắm rồi”- Tư Hiếu bộc bạch.
Đang nói chuyện, Tư Hiếu đột ngột giật mạnh sợi dây dù, thêm chục chú chim sẻ khờ khạo dính vào bẫy lưới. Tiếp tục lần thứ hai, thứ ba…, những chú chim sẻ cất tiếng kêu thảm thiết dưới tấm lưới dày, riêng Tư Hiếu thì cười hề hề thỏa mãn và biện minh: “Tui chỉ bẫy và bắt chim sống để bán cho người ta phóng sinh. Sau đó, chúng được thả lại tự nhiên nên đâu cũng vào đó cả. Chỉ có những người bắt chim làm thịt, thuốc cho chim chết hàng loạt thì mới đáng tội”.
Không biết lý lẽ của Tư Hiếu đúng hay sai, nhưng theo quan điểm của ông Tám Kha (đang đi thăm đồng nơi Tư Hiếu bẫy chim) thì, trước kia chim sẻ rất nhiều, mỗi mùa lúa trổ bông, chín vàng thì chúng tụ tập thành đàn hàng ngàn con phá lúa. Còn tại các khu dân cư, nhà máy xay gạo, chim sẻ cứ rào rào nhảy bổ vào nhặt thóc đổ và rất thân thiện với con người. Giờ đây, chim sẻ ít dần, chúng sợ cả tiếng đồng loại: “Những cánh đồng lúa đang dần bị thu hẹp, chim sẻ bị nông dân dùng thuốc tiêu diệt khi chúng phá hoại mùa màng, các quán nhậu thì biến chim sẻ thành món đặc sản”- ông Tám Kha cho biết.
Rồi ông dẫn chúng tôi về nhà xem những bộ đồ nghề bẫy cò, gà nước, chim cu, se sẻ… được ông cất giữ trên gác bếp. Cầm chiếc bẫy cu vướng đầy mạng nhện trên tay, ông Tám Kha chậm rãi kể, trước kia ông là tay “sát thủ” đối với các loại chim trời, như: già rừng, quốc, cò, gà nước… Tuy cả đời hành nghề bẫy chim trời nhưng ông Tám Kha vẫn không khá hơn khi sát hại chúng. “Người ta xót lòng khi thấy chim trời bị săn bắt nên phát lòng từ bi mua thả lại thiên nhiên. Trong khi đó, vì cuộc sống mà mình tìm mọi cách sát hại chúng. Như vậy là mình mang tội với đất trời, ai mà giúp mình khá giả được” - ông Tám Kha giã từ nghề bẫy chim trời cũng vì ý nghĩ đó.
* Thú săn bắt chim trời
10 giờ trưa, những người bẫy chim trời cùng nhóm với Tư Hiếu đã tụ họp đầy đủ tại quán nước bà Sáu (ở ấp Vàm, xã Thiện Tân). Trong vai người người đi đường ghé vào quán uống nước, chúng tôi bắt chuyện với một người tên Thanh, khi anh này đang huyên thuyên kể lại chuyện anh ta vừa bẫy được chú gà rừng rất đẹp tại Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). “Từ 3 giờ sáng tao theo miết đến 7 giờ mới lừa được nó vào bẫy. Bẫy được rồi, tao phải giấu nó trong giỏ lát thật kỹ mới đem ra được khỏi rừng”- vừa nói, Thanh vừa huơ tay múa chân diễn tả lại động tác anh ta đã lừa con gà rừng sập bẫy ra sao.
Tư Hiếu đang thu nhặt chim dính bẫy.
Ngồi cùng bàn với chúng tôi ngoài Thanh còn có Đắc, Khanh, Đạo, Kiệt… Theo Tư Hiếu, họ là những tay gác cu, bẫy gà tài tử, những ngày cuối tuần họ mới đánh xe từ TP.Hồ Chí Minh về đây nhập nhóm. “Dân Sài Gòn đi bẫy chim để giải trí chứ không phải mưu sinh như tụi tui. Đi đến đâu là họ mang theo rượu, bếp đến đó. Bẫy được chú chim trời nào lập tức họ vặt lông, giết thịt để nhậu. Còn nếu không bẫy được con nào thì họ tìm tụi tui mua lại”- Tư Hiếu nói.
Với những người bẫy chim tài tử, chim trời là món khoái khẩu của họ. Vì vậy, họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng chi phí cho một chuyến về vùng nông thôn bẫy chim, gà rừng. Không phải là dân chuyên nghiệp nhưng để tận hưởng được hết cái thú săn chim, thêm một lần nữa họ phải bỏ tiền thuê những người dân địa phương, người bẫy chim mưu sinh dẫn đường. “Tụi này không thích ăn thịt chim trong nhà hàng, vì nó là chim ướp lạnh, chim chết. Trong khi chim của mình bắt đang kêu la, tươi roi rói ăn thịt mới đã” - một người bẫy chim tên Khanh rổn rảng nói.
Vốn là tay gác chim cu sát thủ, Hai Biên được rất nhiều tay bẫy chim tài tử đất Sài Gòn tìm đến kết giao, rủ theo tháp tùng. Nhấp ngụm cà phê đen để giảm cơn ngáp dài, Hai Biên nói: “Tui được họ trả công 300 ngàn đồng/ngày và bao cả ăn nhậu. Cả ngày hôm đó, tui chỉ làm một việc là dẫn đường và chỉ cho họ cách thức, tìm nơi đặt bẫy”.
Trong nhóm bẫy chim tụ tập tại quán bà Sáu, một người bẫy chim có tên Cu Lì bày tỏ, anh đã từng bị kiểm lâm bắt và tịch thu xe, chim mồi. Cu Lì cũng từng bị mất xe máy khi mải mê đuổi theo dấu chân chim. Tuy vậy, Cu Lì vẫn sống được bằng nghề này nhờ sự vung tiền của những tay bẫy chim tài tử khi họ thuê anh làm cò dẫn đường, chỉ lối đi bẫy chim.
15 năm chuyên hành nghề thổi quốc, Bảy Kiến khá thông thuộc các khu đầm hoang, ruộng lúa ở Vĩnh Cửu. Những ngày cuối tuần, Bảy Kiến luôn có mặt tại quán bà Sáu để tháp tùng với những người Sài Gòn vào rừng bẫy chim. Bảy Kiến bộc bạch, bẫy chim ngoài mục đích mưu sinh còn là thú vui vì đam mê chim trời của anh. Tuy vậy, Bảy Kiến vẫn không thể hiểu nổi sự kỳ quái của những tay giàu có bỏ tiền để mua trò bẫy chim, nghe tiếng chim kêu khi mắc bẫy và ăn thịt chim khi nó đang giẫy đành đạch. “Tui chỉ bắt chim bán cho họ, còn họ giết và chế biến ra sao tui không quan tâm. Tuy vậy, cái cảm giác sảng khoái, hồ hởi của những tay ăn thịt chim ngay tại đồng tui cũng thấy bất nhân quá”.
Tiếng xe máy, ô tô của những người bẫy chim tài tử đất Sài Gòn rú ga rời quán bà Sáu, phía sau nó là tiếng kêu cứu của đủ loại chim đang bị nhốt trong lồng. Nhìn các tay săn bắt chim rừng hí hửng tìm nơi giết thịt những chú chim xấu số để làm mồi nhậu, chúng tôi đớn lòng khi Tài Thu (dân bẫy chim tài tử) lý sự cùn trước khi nhảy thót lên chiếc ô tô bóng loáng: “Chim rừng, cá nước ai bắt được nấy ăn. Chớ đem trái tim đàn bà ra thương hại chúng quê lắm, chẳng xứng mặt nam nhi chi chí”.
Đoàn Phú