Nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng, hàng chục hộ dân xóm Vườn Chuối (tổ 1, khu phố 7, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì vướng quy hoạch “treo” nhiều năm nay.
Nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng, hàng chục hộ dân xóm Vườn Chuối (tổ 1, khu phố 7, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì vướng quy hoạch “treo” nhiều năm nay.
Trên khu đất nhỏ được bao bọc bởi con đường trải nhựa và các khu nhà cao tầng mới xây là những căn nhà cấp 4 tồi tàn của cư dân xóm Vườn Chuối, trong đó có hộ chỉ là một túp lều che tạm ở nơi ẩm thấp và ô nhiễm. Cuộc sống tạm bợ của những hộ dân xóm Vườn Chuối đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có sự cải thiện, dù họ đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị liên quan giải quyết.
* Đi thì dở…
Tiếp xúc với chúng tôi, các cư dân xóm Vườn Chuối đều thể hiện khát khao được nhanh chóng “giải tỏa” để có cuộc sống tốt hơn. Với họ, thứ tài sản đáng giá nhất là mảnh đất ông bà để lại, giờ bị quy hoạch “treo” khiến họ lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”. Nhà không được xây cất, đất không được giải tỏa, đền bù, dẫn đến cuộc sống của hàng chục hộ dân này bị “treo” lơ lửng mà chưa có cách giải quyết.
Sống cảnh tạm cư, anh Khanh cũng như nhiều hộ dân ở xóm Vườn Chuối luôn mong có ngày cuộc sống của mình tốt hơn.
Đã nhiều năm nay, anh Nguyễn Tuấn Khanh cùng mẹ già phải chịu cảnh sống chui rúc trong túp lều che tạm dưới nền đất tù đọng để chờ đợi được giải tỏa theo thông báo của các cơ quan chức năng. Anh Khanh cho biết: “Tài sản của gia đình tôi giờ còn lại miếng đất vài trăm mét vuông đang chờ đền bù, giải tỏa. Thế nhưng, đã mấy năm nay gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân sống quanh đây không làm ăn được gì, vì đất thì vẫn nằm đó, mà muốn dời đi cũng không thể, do không có tiền. Muốn có chỗ ở ổn định để tính chuyện làm ăn nhưng tài sản giá trị nhất là mảnh đất thì vẫn cứ “bất động”. Tương tự, gia đình chị Lương Thị Nga (hàng xóm của anh Khanh) cũng đang trong tình trạng chờ đợi giải tỏa, đền bù đất nhanh chóng để có cuộc sống tốt hơn. Bên túp lều che chắn tạm bợ, chị Nga cho biết: “Đã mấy năm sống tạm trong cảnh này chúng tôi rất muốn được đền bù sớm để còn tính chuyện làm ăn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi gì. Giờ muốn bỏ đi nhưng đất chưa được giải tỏa thì biết lấy tiền đâu để mua đất cất nhà ở chỗ mới?” .
*… Ở cũng không xong
Không được giải tỏa, hàng ngày cư dân xóm Vườn Chuối phải chịu cảnh sống chui rúc trong những ngôi nhà chật chội, cũ nát và môi trường sống đầy ô nhiễm. Anh Nguyễn Văn Tốt cho biết: “Khu đất nằm trong khu quy hoạch giải tỏa đã có thông báo thu hồi đất nhưng chưa thực hiện công tác kiểm kê, chưa bồi thường nên không những không được xây dựng mà các công trình điện, nước… cũng không được lắp đặt”. Nhìn lên tường nhà đã bị nứt nẻ nhiều đường, anh Tốt tỏ vẻ ái ngại: “Căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng tôi đâu dám dỡ ra vì đất đã quy hoạch nên không được xây dựng. Nhà sắp sập nhưng cũng phải đành để vậy vì có sửa lại được rồi mai đây giải tỏa lại không được đền bù”. Theo anh Tốt, không chỉ sống nhà tạm mà môi trường dơ bẩn và việc thiếu thốn các dịch vụ thiết yếu của cuộc sống cũng là câu chuyện buồn của những hộ dân nơi đây. Là dân gốc ở đây nhưng gia đình anh Tốt (và nhiều hộ khác ở xóm Vườn Chuối) không được kéo điện, lắp đường ống nước. Để có điện sử dụng, họ phải mua lại điện của những hộ bên ngoài với giá rất cao.
Ngoài ra, điều khiến người dân ở đây không khỏi lo ngại là môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Do xóm Vườn Chuối nằm thấp hơn những khu quy hoạch mới, những dãy nhà cao tầng mới xây nên mỗi lần có trận mưa đổ xuống là xóm Vườn Chuối trở thành nơi chứa nước của cả vùng xung quanh. Không chỉ có nước bẩn, rác thải theo dòng nước cuốn cũng đổ dồn về đây chất thành từng lớp dày. Chỉ tay ra phía trước “căn lều” của mình, anh Khanh cho biết, có khi rác thải đổ về dâng cao cả thước, gồm bao bọc ny-lông, hộp cơm đã qua sử dụng và cả xác động vật thối rửa... Một cán bộ địa chính phường cho biết: “Hễ có mưa là nghe dân ở khu vực này gọi điện kêu cứu với chính quyền địa phương. Mỗi lần dân kêu chúng tôi đều xuống ngay hiện trường, nhưng cũng chẳng can thiệp được gì đáng kể”. Vị cán bộ này còn cho biết, do xóm Vườn Chuối nằm thấp hơn các khu vực xung quanh, đường mương dẫn nước thải lại nằm cao hơn vùng trũng này nên việc thoát nước gần như bó tay và chỉ biết chờ… trời.
Dù không lối thoát nhưng rồi thứ nước bẩn ấy cũng dần tiêu đi và rút hết khi trời nắng lên. Tuy nhiên, điều đáng ngại là thứ nước này ngấm xuống mặt đất, ngấm vào giếng nước sinh hoạt của những hộ dân nơi đây, trong khi các hộ dân xóm Vườn Chuối không xài nước máy. Quan sát nhiều hộ gia đình trong xóm Vườn Chuối, điều dễ thấy nhất là những bộ bình lọc nước tự chế từ những thứ như: lu sành, thùng nhựa, xô, chậu… được đặt ở những vị trí “đẹp” nhất trong nhà. Giải thích với chúng tôi, nhiều hộ cho biết, sở dĩ họ xem trọng bình lọc nước tự chế là vì họ sợ sẽ không có nước dùng, bởi vấn nạn ô nhiễm môi trường nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng sống hiện nay của cư dân xóm Vườn Chuối, bà Lương Hồng Loan, Chủ tịch phường Thống Nhất, cho biết: “Hơn 50 hộ dân sinh sống tại xóm Vườn Chuối đều nằm trong diện quy hoạch nhưng chưa được giải tỏa. Không chỉ người dân sinh sống ở đây mong được giải tỏa mà chính quyền địa phương cũng đã rất nhiều lần gửi công văn trình bày lên cấp trên để có biện pháp can thiệp với các đơn vị liên quan sớm giải quyết để các hộ dân ở đây có điều kiệnổn định cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì”. Bà Loan cũng cho biết, chính quyền địa phương sẽ cố gắng để có biện pháp giải quyết sớm cho những hộ dân xóm Vườn Chuối thoát cảnh ở tạm này.
Trần Danh