Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Lửa vẫn cháy trong tim

09:11, 14/11/2011

Bao năm gắn bó với những học trò đầu thì khét nắng, áo quần còn phảng phất mùi cá, bùn đất… đến lớp, các thầy cô giáo vùng sâu, xa mà chúng tôi đã gặp cho rằng, tuổi trẻ của họ đã bị cái nghèo khó, sự hồn nhiên chất phát, ham học của học trò níu kéo.

Bao năm gắn bó với những học trò đầu thì khét nắng, áo quần còn phảng phất mùi cá, bùn đất… đến lớp, các thầy cô giáo vùng sâu, xa mà chúng tôi đã gặp cho rằng, tuổi trẻ của họ đã bị cái nghèo khó, sự hồn nhiên chất phát, ham học của học trò níu kéo.

Vượt qua những trở ngại vật chất, ngôn ngữ, điều kiện địa lý…, theo lời mời gọi của Ban giám hiệu Trường THPT Đắk Lua (huyện Tân Phú), các giáo sinh trẻ từ các trường đại học đã đến với các học trò nghèo bằng nhiệt huyết sư phạm cháy bỏng.

* Những câu chuyện buồn

Thấy chúng tôi lóng ngóng chờ đò, người lái đò tên Thoa (ấp 1, xã Đắk Lua) liền hỏi chúng tôi từ đâu đến, quá trình tìm đường vào Đắk Lua chắc là vất vả lắm và có phải chúng tôi là thầy giáo mới vào nhận việc… Chúng tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện và xuống chiếc đò nhỏ để anh đưa sang bên kia bờ miễn phí.

Ngoài công việc quản lý, thầy Lượng vẫn đều đặn 1 tuần 4 tiết dạy Văn để bù đắp cho sự thiếu hụt giáo viên bộ môn này của trường.
Ngoài công việc quản lý, thầy Lượng vẫn đều đặn 1 tuần 4 tiết dạy Văn để bù đắp cho sự thiếu hụt giáo viên bộ môn này của trường.

Bên kia bến đò, thầy Nguyễn Trọng Đông (phụ trách công tác phổ cập của Trường THPT Đắk Lua) đã có mặt như đã hẹn. Đò vừa cập bến, thầy Đông chỉ dòng suối mùa lũ đang cuồn cuộn nước cho biết, chính dòng suối này đã ngăn bước chân rất nhiều giáo sinh (sau khi tốt nghiệp đại học) được Ban giám hiệu nhà trường chiêu mộ, Sở Giáo dục - đào tạo phân công về xã Đắk Lua dạy học. “Đường xấu, giao thông cách trở, điều kiện ăn ở và dạy học ở đây còn thiếu thốn trăm bề. Chính vì vậy mà nhà trường luôn hồ hởi khi nhận hồ sơ xin việc của sinh viên mới ra trường”- thầy Đông bày tỏ.

13 giờ trưa, sân trường đã vắng bóng học sinh, phòng học râm ran tiếng thầy cô giáo dạy học. Tiếp chuyện với chúng tôi, thầy Lê Minh Tiến, Hiệu trưởng nhà trường giải thích, do xã vùng sâu nên trường tổ chức cho học sinh vào lớp sớm hơn những nơi khác. “Chúng tôi cố gắng sắp xếp tan học sớm để học trò còn kịp về nhà trước khi mặt trời lặn. Tuy nhà cách trường chỉ 7-10km nhưng 4 giờ sáng các em đã rời nhà đi học. Hôm nào học cả ngày, học sinh con nhà nghèo phải mang theo cơm để ăn trưa và nghỉ tại trường”- thầy Tiến tâm sự khi cùng chúng tôi đi dọc hành lang thăm các khối lớp.

Trong hơi gió mát rượi của rừng già, đồng lúa, chúng tôi cùng thầy Tiến dừng chân bên chiếc ghế đá dưới gốc phượng trên 10 năm tuổi (cùng tuổi với ngôi trường) trò chuyện. Tại đây, vị hiệu trưởng già điềm đạm kể lại những kỷ niệm khó quên trong quá trình “chiêu hiền, nạp sĩ” của Ban giám hiệu nhà trường. Thầy Tiến nhớ lại, cách đây hơn 6 năm, trường có tiếp nhận hai hồ sơ xin việc của sinh viên vừa tốt nghiệp đại học sư phạm (đúng vào những môn học mà trường đang khát). Để hai thầy giáo tương lai yên tâm khi vào trường nhận việc, thầy Tiến đã điện thoại thông báo về những khó khăn nếu các bạn về đây nhận nhiệm vụ. Hai sinh viên trẻ hồ hởi trả lời sẽ sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ với học sinh Đắk Lua nếu Ban giám hiệu đồng tình tiếp nhận. Như bắt được của quý, thầy Tiến cùng Ban giám hiệu trường ra bờ sông đón và cả ngày hôm đó mọi người liên tục điện thoại thông tin cho nhau. Đến khi đôi bên đối mặt nhau bên bờ sông thì họ vội vã quay về (do ngại vượt tiếp qua dòng nước đục ngầu, đang cuồn cuộn chảy với chiếc đò mỏng manh của vợ chồng ông Thoa). “Chúng tôi phải chống chịu với rất nhiều trường hợp giáo viên tự ý bỏ lớp, bỏ trường do họ không chịu được sự cô đơn, thiếu thốn khi về đây dạy học”- vị hiệu trưởng Tiến rười rượi nỗi buồn trên nét mặt tâm sự.

* Những người bám trụ

Bên gốc phượng, thầy Tiến nêu lên khát vọng với chúng tôi: “Giá như có quyền, thầy sẽ ra nhiều quyết định tặng danh hiệu “bám lớp vùng sâu” cho những thầy cô giáo sau 5 năm hoàn thành sự phân công của sở về đây dạy học và danh hiệu cao quý khác cho những thầy cô giáo hết thời gian phân công nhưng vẫn tình nguyện ở lại”. Còn thầy Đông thì góp chuyện, ngoài sự quý mến, kính trọng của người dân, học trò, chính quyền, nhà trường, các thầy cô giáo ở đây hiện chưa có một hiện vật nào để ghi nhận sự tình nguyện phục vụ ở vùng sâu. Thầy Đông bày tỏ, giáo viên vùng sâu rất khó có cơ hội cạnh tranh danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp với giáo viên thành thị. Bởi vì, ngoài sự nhiệt tình, họ thiếu thốn đủ thứ, như: các giáo trình giảng dạy hiện đại; trường chuẩn, lớp chọn; điều kiện giao lưu học hỏi; nâng cao chuyên môn và bằng cấp… “Giáo viên chúng tôi phấn đấu ở lại, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên và trường giao là nỗ lực lớn của từng người sau bao năm đeo bám vùng sâu. Còn các danh hiệu dạy giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, sáng kiến này nọ… khó thuộc về mình khi khó khăn còn bủa vây”- thầy Đông ái ngại phân tích.

Thầy trò Trường THPT Đắk Lua.
Thầy trò Trường THPT Đắk Lua.

Tuy là Phó hiệu trưởng trường, thầy Nguyễn Văn Lượng vẫn đều đặn mỗi tuần 4 tiết lên lớp. Thầy Lượng tâm sự, Trường THPT Đắk Lua giáo viên vừa thừa, vừa thiếu, như: thừa giáo viên THCS, thiếu giáo viên THPT (dù đã nâng 47% giáo viên THCS lên dạy THPT) và giáo viên giỏi các bộ môn tin học, ngoại ngữ, sinh vật, kỹ thuật… “Chỉ cần một giáo viên bỏ việc thì chúng tôi không biết tìm đâu ra người để lấp chỗ trống. Hơn nữa, do việc tuyển dụng giáo viên phụ thuộc vào tỷ số khối lớp nên muốn tăng biên chế thì không đủ lớp để bố trí tiết cho giáo viên. Thành ra, giáo viên lương đã thấp, không đủ tiết trong tuần dẫn đến đời sống càng khó khăn hơn”- thầy Lượng giải thích sự thừa và thiếu giáo viên ở đây.

“Mỗi lần ký quyết định cho một giáo viên chuyển trường, lòng tôi xốn xang cả tháng trời mới lấy lại bình tĩnh khi Sở GT-ĐT điều giáo viên khác về thay. Chính vì vậy, ngoài công tác vận động học sinh trở lại lớp, Ban giám hiệu và đảng viên trong chi bộ còn có nhiệm vụ vận động giáo viên ở lại trường khi họ có ý định ra đi. Và việc vận động giáo viên ở lại bao giờ cũng khó thành công hơn vận động học sinh trở lại lớp” - thầy Tiến bày tỏ.

15 giờ trưa, sân trường đã ngả bóng chiều, học trò các khối lớp ít tiết lần lượt tan trường. Vài em lủng lẳng trên tay chiếc cà mèn đựng thức ăn trống rỗng. Anh Nguyễn Đình Giang, nhân viên bảo vệ trường cho biết, do nhà xa trường, gia đình lại nghèo nên các em phải chủ động bữa cơm trưa ngay tại lớp. “Thật ra, nơi xa trường nhất cũng chỉ 10km, nhưng do đường xấu, xe đạp không đi được, các em lại không có người thân ở gần trường nên hôm nào học 2 buổi, học sinh con nhà nghèo phải mang theo cơm. Vậy mà, 6 giờ tối các em mới về đến nhà, 4 giờ sáng hôm sau phải đi học tiếp”- anh Giang vừa nhấc nắp cà mèn cho một học sinh vừa nói.

Bầu trời chuyển mây đen, tiếng trống trường cũng điểm giờ tan học, chúng tôi tạm biệt các thầy cô Trường THPT Đắk Lua, hòa vào dòng học sinh đang vội vã dắt xe đạp ra về. Thầy Tiến, thầy Đông, thầy Lượng như muốn níu kéo chúng tôi ở lại. Riêng chúng tôi, khi nhìn lên trời mây đen đang đe dọa một trận mưa lớn và nghĩ đến dòng suối đục ngầu đang cuồn cuộn nước trên đường về, đành tế nhị bấm tay nhau đưa ra hàng chục lý do hợp lý từ chối, để kịp về trung tâm huyện Tân Phú thuê nhà nghỉ, giao lưu với các đồng nghiệp. Nghĩ lại, chúng tôi chẳng khác những sinh viên mới ra trường hồ hởi lúc vào và âm thầm rút chạy khi vào Đắk Lua xây mộng bám lớp, thử sức với nghề mà thầy Tiến đã kể.

Đoàn Phú

 

 

 

 


   

 


 

 

Tin xem nhiều