Hình ảnh các thầy Phan Văn Kiên, Hứa Văn Ngọc và Đỗ Văn Ngọc (Trường tiểu học Lam Sơn) trên chiếc xuồng nhỏ ra Đảo Cá dạy học khá quen thuộc với người dân ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Qua bao năm tháng, chiếc xuồng bé nhỏ giờ cũng mục nát nằm bờ. Vậy mà, trẻ em đảo Cá vẫn không một ngày thiếu bóng thầy.
Hình ảnh các thầy Phan Văn Kiên, Hứa Văn Ngọc và Đỗ Văn Ngọc (Trường tiểu học Lam Sơn) trên chiếc xuồng nhỏ ra Đảo Cá dạy học khá quen thuộc với người dân ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Qua bao năm tháng, chiếc xuồng bé nhỏ giờ cũng mục nát nằm bờ. Vậy mà, trẻ em đảo Cá vẫn không một ngày thiếu bóng thầy.
* Bẫy chữ
Điểm trường Đảo Cá nằm khuất trong vườn xoài của ông Năm, lọt thỏm giữa mênh mông hồ Trị An mùa tích nước. Các điểm lẻ khác như: Lâm trường 2, Đồi Dưng, Đồi Trường, Suối Đục 1 và 2 thì nằm trên những khu đất bằng lẻ loi giữa tán rừng. Chính vì vậy, thầy Lê Văn Khâm, Hiệu phó Trường tiểu học Lam Sơn, ví von: “Chúng như những chiếc bẫy của ngư dân, dân cư địa phương. Những “chiếc bẫy” này không phải dùng để dụ cá, chim, thú mà dụ con em họ vào dạy chữ”.
Thầy Kiên và các trò nhỏ ở Đảo Cá giải lao ngay tại lớp học.
Để hiểu hơn về những “chiếc bẫy” mà thầy Khâm nói, chúng tôi cùng thầy băng rừng, vượt suối đến điểm trường Đảo Cá, Đồi Trường, Suối Đục 1. Ở tuổi 53, tay lái của thầy Khâm vẫn vững vàng với những cú lượn (tránh các vũng nước) làm chúng tôi giật thót người khi ngồi ở phía sau. “Đường rừng vào ấp 5 giờ đang bị tắc. Muốn vào Đảo Cá và các điểm khác phải đi hướng ấp 1, ấp 2 bằng đường rừng và qua đò” - thầy Khâm dừng xe và trò chuyện khi xe chúng tôi rơi vào ổ lầy giữa đường đi.
Sau khi leo lên chiếc đò dã chiến của ông Bảy Ngà, chúng tôi cũng đến được điểm trường Đảo Cá, nơi các thầy Phan Văn Kiên, Hứa Văn Ngọc, Đỗ Văn Ngọc “bẫy chữ”. Thấy chúng tôi cùng thầy Khâm vào thăm lớp học, thầy Kiên bước ra cửa tiếp chuyện. Thầy Kiên tâm sự: “Do các em sống trên bè, tháng nước dâng thì học gần trường, mùa nước rút thì chèo xuồng quanh co theo những rãnh suối sâu để đến lớp. Các em như những chú cá lòng hồ, bơi theo dòng nước tìm chữ”.
Để động viên 3 thầy giáo trẻ Phan Kiên, Hứa Ngọc và Đỗ Ngọc vào “đặt bẫy” ở đảo Cá, thầy Khâm cho hay, vì giao thông đi lại trắc trở và thiếu an toàn đối với giáo viên nữ nên trường phải bố trí giáo viên nam vào đây bám trụ. “Trước kia trường cũng có phân công giáo viên nữ về đây dạy chữ. Nhưng vì họ hay bị thanh niên ở đây trêu ghẹo, rình phá trong giờ học và lúc sinh hoạt nên trường phải rút họ đi nơi khác cho an toàn” - thầy Kiên nhìn về nơi hoang vắng, với ánh mắt buồn rượi bày tỏ (vì nơi đó đã từng xảy ra chuyện buồn cho đồng nghiệp của thầy trên đường đi dạy về).
Chia tay điểm trường Đảo Cá, chúng tôi cùng thầy Khâm tiếp tục len lỏi theo những con đường rừng để đến các điểm trường Đồi Dưng, Đồi Trường, Suối Đục 1. Quả đúng như lời thầy Khâm ví von trước khi vào, các điểm lẻ của Trường tiểu học Lam Sơn khá khang trang, được xây dựng ở những vị trí đắc địa, ẩn khuất trong những cánh rừng, đẹp hơn hẳn nhà dân nên dụ được phần lớn học sinh đủ tuổi ra lớp. Thầy Khâm bày tỏ, ngư dân, lâm dân thì bẫy cá, bẫy thú. Riêng các thầy thì lập trường để “bẫy chữ” con em ở đây. Việc “bẫy chữ” của các thầy cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và đôi khi cũng thất bát như ngư dân, lâm dân vậy.
* Bám trường
Sau cả buổi len lỏi trên những đoạn đường nhầy nhụa bùn nhão, ổ voi, ổ trâu trong rừng, 12 giờ trưa, chúng tôi và thầy Khâm cũng đến được điểm lẻ Suối Đục 1 (ấp 5), nơi các cô: Tuyết, Oanh, Lan, Huyền, Thảo dạy học. Tiếp chuyện với chúng tôi, cô Tuyết cho biết, cô đã có 23 năm bám các điểm trường vùng sâu, xa ở huyện Tân Phú và huyện Định Quán. Nay ở tuổi sắp về hưu (53 tuổi), cô Tuyết vẫn còn độc thân và kiên trì bám lớp cùng 4 cô giáo trẻ: Oanh, Lan, Huyền, Thảo. Nhìn cảnh sân trường hiu vắng, cô Tuyết thỏ thẻ: “Mình cứ ở lại đây dạy học cho đến khi về hưu là vừa”.
Thầy Khâm và các cô giáo ở điểm lẻ Suối Đục 1. Ảnh: Đ.PHÚ
Còn các cô giáo trẻ: Oanh, Lan, Huyền, Thảo thì cho hay, dạy ở đâu các cô cũng phải ở xa gia đình (quê các cô ở miền Bắc). Hơn nữa, do mới ra trường, các cô phải chấp hành sự điều động, phân công của cấp trên. “Chúng em ai cũng muốn được dạy ở trường tốt, trường điểm, trường ở đô thị. Tuy vậy, nếu ai cũng được quyền lựa chọn thì học sinh vùng sâu này giao cho ai ?” - cô Huyền nói.
Nghe cô Huyền nói vậy, thầy Khâm chia sẻ, đầu mỗi năm học, trường thầy chộn rộn hẳn lên khi bàn đến vấn đề phân công giáo viên dạy tại các điểm lẻ. Giáo viên nào cũng có lý do chính đáng để được chiếu cố dạy gần nhà. Tuy nhiên, với 6 điểm lẻ vùng sâu, nơi gần nhất 4 km, xa nhất 25 km (lấy điểm chính làm trung tâm) thì đương nhiên giáo viên trẻ mới ra trường phải được phân công về đây bám lớp. Tất cả các giáo viên còn lại phải bốc thăm để chọn điểm dạy. “Trường chỉ ưu tiên cho giáo viên có con nhỏ, thai sản và có thâm niên trên 10 năm dạy ở vùng sâu”- thầy Khâm bày tỏ.
Ông NGÔ VĂN SƠN, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) cho biết, ông và địa phương rất thông cảm với những khó khăn của các giáo viên ở điểm lẻ và ghi nhận sự hy sinh của họ với học sinh vùng sâu. “Chính vì yêu nghề nên họ mới bám lớp và con em chúng tôi mới có cơ hội tiến thân, thoát nghèo”- ông Sơn nói.
“Trợ cấp khu vực bị cắt nên việc bám trường của các thầy, cô giáo điểm lẻ của Trường tiểu học Lam Sơn giờ thêm khó khăn hơn” - lời của cô hiệu trưởng Phan Thị Minh và 3 thầy giáo ở điểm Đảo Cá quả đúng, khi chúng tôi nhìn nơi ăn, chốn ở của các cô giáo ở đây. Chúng tôi thật sự xao lòng khi được các cô mời dùng bữa cơm trưa, với thức ăn chỉ có vài lát thịt, rau xanh và tô mì tôm với nước sôi. Theo lời cô Lan, giá cả ở vùng sâu rất đắt đỏ, các cô phải tiêu tốn thêm tiền xăng, đò khi ra điểm chính họp, nên các cô ít ra bên ngoài, hàng ngày cứ co cụm bên nhau xem tivi hoặc chuyện trò với dân địa phương cho đỡ nhớ nhà và tiết kiệm. “Bà con thấy chúng em buồn nên tranh thủ trên đường đi làm đồng về ghé thăm. Có khi họ đem tặng chúng em con cá, nải chuối, mớ rau trồng trong vườn… Thỉnh thoảng, bà con còn mang cuốc, máy phát đến dọn cỏ nơi chúng em ở và dạy học”- cô Thảo bộc bạch.
Nhìn các cô giáo trẻ: Lan, Oanh, Huyền, Thảo và cô giáo Tuyết lẻ loi nơi vùng sâu, chúng tôi chạnh lòng hỏi thầy Khâm: “Liệu trường có cách nào giúp các thầy, cô giáo đỡ phải dạy xa hơn ?”. Thầy Khâm lắc đầu nói: “Chỉ còn cách lập một trường tiểu học mới để gom các điểm lẻ lại thành trường chính. Điều đó, chúng tôi và địa phương đã đề xuất nhưng còn chờ phê duyệt!”.
Đoàn Phú