Báo Đồng Nai điện tử
En

Đìu hiu làng cá Bến Nôm

09:11, 20/11/2011

Thuyền vừa cập bến, Hai Hòa nhảy thót lên bờ. Với nét mặt buồn rười rượi, anh liền than với chúng tôi: “Hôm nay lại “mo” (thất bát) nữa rồi, cá đánh bắt được chỉ đủ chi phí tiền dầu”.

Thuyền vừa cập bến, Hai Hòa nhảy thót lên bờ. Với nét mặt buồn rười rượi, anh liền than với chúng tôi: “Hôm nay lại “mo” (thất bát) nữa rồi, cá đánh bắt được chỉ đủ chi phí tiền dầu”.

* Tháng “mo”

Tháng 11, hồ thủy điện Trị An tích nước dồi dào nên tôm, cá lẩn vào đám cây mắt mèo trốn ngư dân để sinh sản. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, trưởng ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (huyện Định Quán) cho hay, những năm hồ Trị An mới tích nước, cá, tôm rất nhiều. Cũng từ đó, bà con Việt kiều từ Campuchia di cư về đây hành nghề chài lưới và đã hình thành nên làng cá Bến Nôm. “Đa phần số hộ sinh sống tại ấp Bến Nôm 2 đều làm nghề cá. Khi lòng hồ cạn nước là thời điểm họ ăn nên làm ra. Các tháng còn lại thì thất thường lắm” - ông Hoàng chỉ tay về hướng các ngư dân đang đi trên đường và nói.

      Tháng “mo”, ngư dân đành đem ghe, ngư cụ lên bờ sửa chữa, trùm chiếu.                       Ảnh: Đ.PHÚ
Tháng “mo”, ngư dân đành đem ghe, ngư cụ lên bờ sửa chữa, trùm chiếu. Ảnh: Đ.PHÚ

Tiếp chuyện với chúng tôi, ngư dân Trần Học cho biết, hai cha con ông từ khuya đến giờ chỉ đánh bắt được hơn chục ký cá cơm. Với giá 7.000 đồng/kg cá cơm, tính ra hôm nay cha con ông Học chỉ đủ tiền dầu, lỗ tiền cơm, thuốc hút. Ông Học nói giọng bức xúc: “Tại các tay giăng ùn, chích điện cắt đứt đường làm ăn của tụi tui”. Thấy chúng tôi ngơ ngác không hiểu, ông giải thích, từ trước đến giờ, việc đánh bắt của ngư dân ấp Bến Nôm chủ yếu dựa vào 3 cái ùn lớn (ùn 30, ùn Vĩnh An, ùn Đồi Khỉ) để đánh bắt cá. Vậy mà các tay làm nghề cá có máu mặt (như lời ông Trần Học) vây lưới kín bít lối đi của ghe xuồng, hướng cá vẫn không bị cán bộ kiểm ngư thu lưới. Chỉ tay về hướng ùn 30 xa tít, ông Học nói: “Ùn bị chặn, cá bị tàn sát bởi các tay cào điện, mắt mèo thì phủ kín bờ…, mỗi chuyến đánh bắt tụi tui chỉ có nước mo mà thôi”.

Cùng lúc đó, ngư dân Hai Hòa cũng cập ghe vào bờ. Ghe vừa cập bến, Hai Hòa nhảy thót lên bờ, nhanh tay cột ghe vào gốc cây và cầm can dầu rỗng tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi hỏi anh: “Hôm nay đánh được nhiều cá không anh?”. Nét mặt buồn thiu, Hai Hòa đáp cộc lốc: “Hôm nay lại mo nữa rồi. Ba ngày liền đi đánh đều bị mo, không lỗ tiền dầu là mừng lắm rồi”.

Ngư dân Bến Nôm tự sản xuất ngư cụ để đánh bắt cá.
Ngư dân Bến Nôm tự sản xuất ngư cụ để đánh bắt cá.

Tiếp lời Hai Hòa, ngư dân Năm Ru nói: “Dù đánh được cá nhiều hay ít, chúng tôi vẫn nộp thuế tháng đều đặn cho hợp tác xã. Tụi tui ức ở chỗ, chỉ cần tụi tui không nộp thuế đúng quy định thì bị phạt, trong khi những người làm ăn gian dối, sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt (như: đăng, cào điện) thì vẫn nhởn nhơ”. Nuốt cục tức trong cổ kêu ực một tiếng, ngư dân Năm Ru nói tiếp: “Một vài ngư dân thấy họ làm ăn gian dối trót lọt nên bắt chước trốn thuế, khai gian ngư cụ đánh bắt, người liều hơn thì dùng cào điện… Cuối cùng họ bị thu lưới, phạt ghe nên tởn”.

Với thái độ chán nản sau một đêm thức trắng đuổi theo tôm, cá vẫn bị “mo”, ngư dân Tí Lé xấc xược nói gần xa: “Bữa nào ông xỉn cho ghe cán nát mấy cái ùn, quậy tưng mấy tay cào điện cho bỏ tức”.

* Đìu hiu làng cá Bến Nôm

Thấy Tí Lé nói càn, lão ngư Út Mạnh (65 tuổi) phân bua với chúng tôi, 15 năm về trước, cá, tôm nhiều nên người ta đua nhau đầu tư ghe, lưới xịn. Mỗi chiếc ghe te (trọng tải 5 tấn) được đóng mới có giá 60-70 triệu đồng; ghe lưới, ghe cào từ 15-20 triệu đồng/chiếc. Thời ấy, cá đánh bắt được nhiều, thuế má lại thấp nên ngư dân cứ phè phỡn ăn nhậu. “Một người làm có thể nuôi được cả nhà, ướt mình là có tiền. Nay thì càng cố quần thảo tôm, cá càng bị mo”- ông Út Mạnh nói, rồi vỗ vai Tí Lé bảo về.

Nhìn các chiếc thuyền của ngư dân làng chài Bến Nôm trong thời kỳ mục nát vẫn cố ra hồ, số khác thì được kéo lên bờ che bạt, trưởng ấp Hoàng cho biết, toàn ấp Bến Nôm 2 có khoảng 300 chiếc ghe te, ghe cào. Số hộ làm nghề chài lưới hiện nay chỉ còn 70% (ấp có 500 hộ dân). Trưởng ấp Hoàng bộc bạch, từ ngày địa phương rà soát cấp hộ khẩu cho những hộ Việt kiều đã giải quyết được một phần khó khăn cho họ, như: được vay vốn nuôi trồng, sửa chữa phương tiện đánh bắt. Hộ nghèo được cấp đất, tặng nhà, con em họ được đi học, làm công nhân. Do ổn định được nơi ăn, chốn ở, ngoài nghề cá họ còn tìm được việc làm khác trên bờ. “Do trước kia họ chỉ làm nghề cá nên dù có hay không có cá, họ vẫn giong thuyền, vác lưới ra hồ quần thảo kiếm kế sinh nhai. Nay chỉ còn số ít bám trụ dưới nước trong những tháng hồ Trị An tích nước”- trưởng ấp Hoàng chỉ về phía những chiếc ghe nằm trong ụ, đắp bạt bên góc nhà của ngư dân nói.

Từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, ngư dân Bến Nôm luôn bị “mo” sau những chuyến đánh bắt cá.
Từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, ngư dân Bến Nôm luôn bị “mo” sau những chuyến đánh bắt cá.

Đang quây quần bên chai đế cùng nhóm bạn chài trong chòi lá, thấy chúng tôi và trưởng ấp Hoàng đi ngang, Sang “đen” lớn tiếng mời vào lai rai. Chúng tôi lắc đầu từ chối thì Sang “đen” trách: “Các anh đến mà không giúp được gì cho bà con tụi tui cũng không sao, chứ không vào uống một ly với tụi này thì hổng xong đâu ?”. Chúng tôi cố nuốt cạn ly rượu Sang “đen” mời đã phải nghẹn giọng vì lời nhắn gửi thiệt tâm của ngư dân Hải (chiến hữu của Sang “đen”) khi ly rượu vừa cạn: “Cái nghề hạ bạc này giờ cũng xuất hiện kiểu đầu gấu cát cứ các ụ sinh nhai của tụi tui. Các anh phản ánh giúp chúng tôi dẹp bọn này”.

9 giờ sáng, làng cá Bến Nôm vẫn im lặng khác thường, ngư dân thất thểu rời bến trong trạng thái “mo” càng làm quang cảnh làng cá thêm đìu hiu. Trưởng ấp Hoàng khẽ nói với chúng tôi: “Thời kỳ cá, tôm còn nhiều, mới mờ sáng các bến cá đã nhao nhao kẻ bán người mua. Nay cá đánh bắt được bán ngay dưới nước cho hợp tác xã. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào nét mặt của các ngư dân là đoán được họ bị “mo” hay trúng lớn sau một đêm thức trắng”.

Chia tay làng cá Bến Nôm, chúng tôi và cán bộ Thương (cán bộ xã dẫn đường cho chúng tôi lúc vào) mỗi người một cảm xúc. Cán bộ Thương bày tỏ, chính quyền chỉ giúp được ngư dân chuyện trên bờ, còn khi họ ở dưới nước thì không còn chức năng để hỗ trợ. Riêng chúng tôi nhớ đến dáng ngư dân bị “mo” mà lòng thổn thức, khi nghĩ tới 3 cái ùn (mưu sinh của ngư dân Bến Nôm) bị án ngự bất hợp pháp bởi những kẻ uy quyền sông nước.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Hồ cá mini thuỷ sinh để bàn hồ cá mini thuỷ sinh