Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh bằng nghề mài dao, kéo dạo

10:11, 21/11/2011

Những chiếc dao kéo cùn qua bàn tay thợ mài dao kéo trở nên sắc bén làm hài lòng các bà nội trợ, tiểu thương. Đổi lại, mỗi tháng họ thu nhập vài triệu đồng, cao gấp nhiều lần số tiền thu được từ những sào ruộng khoán ở quê.

Những chiếc dao kéo cùn qua bàn tay thợ mài dao kéo trở nên sắc bén làm hài lòng các bà nội trợ, tiểu thương. Đổi lại, mỗi tháng họ thu nhập vài triệu đồng, cao gấp nhiều lần số tiền thu được từ những sào ruộng khoán ở quê.

* Lang thang tìm khách

Trong cái nắng chói chang, anh Lâm An vẫn tà tà chiếc xe máy chạy dọc quốc lộ (QL) 20 về huyện Định Quán tìm khách. Chiếc loa được gắn nơi đầu xe của anh liên tục phát lời mời gọi: “Mài dao, kéo đây…”. Các hộ dân ven QL20 vẫn hờ hững, vô tâm với chất giọng đàn ông xứ Quảng ồ ồ từ chiếc loa. Tuy nhiên, điều anh Lâm An trông đợi cũng đến, khi xe vừa đến một xóm dân cư gần km105 thì được một phụ nữ ngoắc lại. Anh Lâm An cho xe tấp vào một bóng râm và mang bộ đồ nghề lỉnh kỉnh nào là: máy mài, bàn bào, búa, kiềm, dây điện… Người phụ nữ tên Thủy liền chạy ngược vô bếp mang ra chiếc rựa, hai con dao làm bếp đưa cho anh Lâm An và hỏi tiền công mài. “Làm 3 cái 15 ngàn đồng. Nếu có thêm người mài thì tôi giảm giá để trừ tiền điện”- anh Lâm An nói. Rồi anh cầm con dao cũ rích lật qua lật lại tìm thế để đặt lên bàn bào.

Những con dao cùn của các chị tiểu thương giúp người mài dao, kéo dạo không bị thất nghiệp.
Những con dao cùn của các chị tiểu thương giúp người mài dao, kéo dạo không bị thất nghiệp.

Tiếng sắt ma sát với đá mài kêu ren rét, lửa bắn thành tia dài trước mặt, đôi tay chai sạn của anh vẫn nhẹ nhàng đưa lưỡi dao trượt dài trên bàn đá. “Nóng không anh?” - chúng tôi hỏi. “Làm quen rồi nên không thấy nóng gì hết?” - anh trả lời trước khi nhúng con dao vào một chậu nước để làm nguội. Rồi anh đưa con dao lên trước tầm mắt và nói: “Nghề này nếu không chịu lửa, chịu nắng thì khó làm ăn”.

Quê anh Lâm An ở tỉnh Quảng Ngãi, vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng anh dắt nhau vào TP.Hồ Chí Minh tìm hướng làm ăn. Sẵn có nghề rèn, anh gia nhập vào nhóm thợ mài dao, kéo dạo cùng quê, hiện sinh sống cùng khu nhà trọ ở quận Thủ Đức. “Từ nơi trọ, mỗi người tỏa đi mỗi hướng mưu sinh. Người thì đi miệt miền Tây, người về miền Đông. Riêng tui thì chọn địa bàn Đồng Nai với các điểm như: huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch và các huyện dọc QL20. Mỗi chuyến đi như vậy có khi một tuần mới về phòng trọ…” - anh Lâm An bộc bạch.

Cũng theo anh Lâm An, do 3 sào ruộng khoán ở quê làm không đủ ăn nên vào năm 2000, vợ chồng anh gửi ruộng, nhà và hai đứa con nhỏ cho nội, ngoại chăm sóc để vào Nam lập nghiệp. “Vợ tôi làm nghề bán móc khóa dạo, tôi thì theo bạn mài dao, kéo. Nhờ tằn tiện, mỗi tháng vợ chồng tôi cũng dư trên 3 triệu đồng để gửi về quê nuôi 2 con ăn học và tích lũy”- anh Lâm An đưa con dao ngang tầm mắt ngắm nghía và nói.

Tiếng loa từ chiếc máy, tiếng sắt ma sát với đá mài, sự nhiệt tình của chị Thủy đã mời gọi thêm hàng xóm đến nhờ anh Lâm An mài dao. Anh Lâm An hớn hở nói: “Điểm nào cũng đông khách như vậy thì tôi không phải chạy lông nhông ngoài đường cho tốn xăng”.

 * Nhọc nhằn mưu sinh

Nơi góc khuất của chợ Biên Hòa, anh Nguyễn Thông (quê ở tỉnh Nghệ An) đang chăm chút cho những chiếc dao, kéo của các chị hàng rau, cá, thịt. Anh bộc bạch, hàng tuần anh chỉ mài ở đây ngày thứ hai và thứ tư. Các ngày còn lại, anh phải di chuyển sang các chợ nhỏ hơn như: Long Bình, Tân Phong, Tân Mai và giao lại chỗ làm cho người chú ngồi. Anh Nguyễn Thông nói: “Tụi tui thường bám các góc chợ để mưu sinh. Không cần chỗ ngồi rộng, diện tích khoảng 1m2 là đủ bày biện đồ nghề. Mài dao, kéo ở chợ khỏe hơn đi mài dạo nhờ có khách hàng ổn định. Nhưng làm ở chợ tiền công rất rẻ, mỗi ngày chỉ kiếm được trên 100 ngàn đồng. Trong khi đó, đi mài dao, kéo dạo cho khách vãng lai muốn lấy giá bao nhiêu tùy ý”.

Ngoài bám chợ, người mài dao kéo dạo còn lang thang trên đường tìm khách.
Ngoài bám chợ, người mài dao kéo dạo còn lang thang trên đường tìm khách.

Anh Hải Đôn (hành nghề ở chợ Tam Hiệp) thì bộc bạch, làm nghề này không được đãng trí, phải giao hàng đúng người, lộn thì phải bồi thường. “Chỉ cần sơ ý một tý là giảm thu nhập ngay vì phải đền lại con dao, cây kéo ưng ý cho khách. Mất phải đền đó là lẽ đương nhiên, nhưng nhầm lẫn hoài khách hàng sẽ phật ý, dễ đứt đường làm ăn”- anh Hải Đôn tâm sự.

Là người cùng mài dao kéo với anh Hải Đôn, anh Ba Xuyên cho biết thêm, tối ngày cầm dao, kéo nên người thợ bị đứt tay, chảy máu là chuyện bình thường. Anh Ba Xuyên phân bua: “Chớ xem những người mài dao, kéo sắc bén như tụi tui là ác, là tiếp tay cho các bà bán thịt gian. Họ gian là do cân, khéo cắt còn mình chỉ việc làm bén thôi. Tuy vậy, kiếp sau làm người, tui cũng xin trời đất đừng bắt tui đầu thai làm người mài dao, kéo dạo”.

Tuổi già và thêm nghề rèn ế ẩm, ông Tư Niên (thợ rèn chính hiệu ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định) chỉ còn biết cột đồ nghề lên chiếc xe đạp rời quê vào Biên Hòa bám các chợ mưu sinh. “Tui làm vì nhớ nghề, nhớ lửa. Hơn nữa, tui cố làm để kiếm thêm ít tiền phụ bà nhà lo cho các con ăn học thành tài. Tui mong sao tụi nó chí ít cũng là thợ cơ khí chứ đừng theo nghề của cha ông chỉ có khổ” - ông Tư Niên bộc bạch.

Dăm ba ngày, ông Tư Vẹn lại xuất hiện nơi xã Hiệp Hòa hành nghề mài dao, kéo dạo. Ông cho chúng tôi biết, quê ông ở tỉnh Quảng Nam. Sau những tháng nông nhàn, ông vào TP.Biên Hòa thuê nhà trọ (tại khu phố 5, phường Long Bình) làm nghề mài dao, kéo. Đến nay, ông làm nghề này cũng được hơn 10 năm. Hàng tháng, ông tích cóp được gần 3 triệu đồng (sau khi trừ tiền ăn, tiền phòng trọ). Số tiền này ông chia làm hai phần: “Một nửa tôi gửi về quê để lo cho 2 đứa con học phổ thông, phần còn lại tôi gửi cho con trai lớn đang học đại học tại TP.Hồ Chí Minh”- ông Tư Vẹn nói.

Quanh các chợ lớn, chợ nhỏ trên địa bàn tỉnh, nơi nào cũng có người mài dao kéo dạo. Đa phần họ là người xa quê, với phương tiện hành nghề giản đơn và thu nhập từ công việc này chỉ trên 100 ngàn đồng/ngày. “Đối với chúng tôi, đó là số tiền không nhỏ so với mấy sào ruộng khoán ở quê. Nghề này không khá nhưng biết tằn tiện thì cũng đủ sức lo cho con ăn học thành tài”- anh Xúc (thợ mài dao kéo dạo ở chợ Dầu Giây, huyện Thống Nhất) nói.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều
Tìm hiểu exp là gì