Việc xóa bỏ những quan niệm sai lầm, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử… được xem là một trong những nội dung trọng tâm để giúp người nhiễm HIV hòa nhập tốt với cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những trẻ em nhiễm HIV chưa được đến trường, hoặc đến trường nhưng chưa thực sự được hòa nhập cùng bạn bè...
Việc xóa bỏ những quan niệm sai lầm, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử… được xem là một trong những nội dung trọng tâm để giúp người nhiễm HIV hòa nhập tốt với cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những trẻ em nhiễm HIV chưa được đến trường, hoặc đến trường nhưng chưa thực sự được hòa nhập cùng bạn bè...
Chồng mất đi do nhiễm HIV, một mình chị Huỳnh Trúc Linh phải đối mặt với “án tử” treo lơ lửng khi phát hiện mình và đứa con trai út bị nhiễm HIV. Cầm kết quả xét nghiệm dương tính với HIV trên tay, chị choáng váng muốn tìm đến cái chết, nhưng trong tiềm thức, chị vẫn còn khao khát sống để nuôi dạy con cái trưởng thành. Thế nhưng, cuộc sống nào có dễ dàng như những gì mà người ta mong muốn…
* Kỳ thị: có hay không?
Chị có hai đứa con trai kháu khỉnh và giống bên họ nội y đúc. Cháu lớn của chị năm nay 11 tuổi, hiện đang học lớp 4 và có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV. Còn đứa út - Trần Ngọc Lâm thì mới bước vào lớp 1, số phận của cháu rồi chẳng biết về đâu khi mỗi ngày cháu phải đối mặt với biết bao căn bệnh do thiếu sức đề kháng từ việc nhiễm HIV. Ngày Lâm vào tuổi đi mẫu giáo, dìu con đến trường, trong đầu chị vụt lên những tia sáng mong manh rằng tương lai thằng bé sẽ không còn những chuỗi ngày cô quạnh. Nhưng vào một buổi trưa khi đến đón con tan trường, cô giáo của bé gọi chị vào hỏi chuyện… Chị tâm sự: “Cô ấy hỏi rằng có phải mẹ con tôi bị nhiễm HIV không. Lời nói đó khá rụt rè, vì cô ấy sợ chạm đến nỗi đau của mẹ con tôi”. Ban đầu chị chối đây đẩy, nhưng do nhà của chị gần trường nên việc chồng chị mất do nhiễm HIV đã lan nhanh đến độ chị không thể kiểm soát hết mọi chuyện.
Được quan tâm, sẻ chia và hòa nhập với cộng đồng là mong ước của những trẻ bị nhiễm HIV. Ảnh: T.MINH
Không thể giấu mãi, chị đành nói lên sự thật và mong lắm sự cảm thông của mọi người. Nhà trường tỏ ra hết sức thông cảm, nhưng nhiều phụ huynh của các em đang theo học tại đây một mực làm áp lực dồn các giáo viên vào tình huống khó xử. “Họ bảo rằng, nếu không cho con tôi nghỉ học thì họ sẽ làm đơn xin chuyển cho con vào học ở trường khác”- giọng chị xót xa. Vì không muốn Lâm thua thiệt với bạn bè, bởi nỗi đau mà em đang từng ngày gánh chịu nào phải do em gây ra, nên các thầy cô đã trao đổi với phụ huynh và sẽ trông chừng Lâm cẩn thận nhằm tránh tình huống xấu xảy ra với các bé.
Tuy còn nhỏ, nhưng Lâm khá ý thức việc chơi đùa với các bạn trong lớp bởi mỗi ngày, mẹ cậu luôn thỏ thẻ bên tai về chuyện tiếp xúc giữ ý với mọi người. Cậu bé hồn nhiên khi cầm trên tay những viên thuốc điều trị HIV và nói: “Mẹ bảo con bị cảm nên ngày nào cũng phải uống thuốc mới khỏi. Mẹ còn dặn con không được cào cấu các bạn”.
Nét mặt ngây thơ, em đâu hiểu rằng những bài học nhỏ bé ấy là nhằm phòng tránh lây truyền bệnh cho những trẻ khác. Nhìn Lâm vô tư vui đùa, mẹ em không cầm được những giọt nước mắt. “Sinh nó ra đâu ai dám ẵm, họ sợ lây nhiễm. Rồi khi mẹ con tôi nằm viện cũng chẳng thấy ai tới thăm nom. Khu này, ai cũng biết mẹ con tôi bị nhiễm HIV nên họ không muốn cho con tôi gần gũi với con họ...” - chị xúc động cho hay.
* Tổn thương tâm hồn
Khi được nhà trường cam kết trông chừng Lâm cẩn thận, các phụ huynh trong trường mới tạm để yên cho đứa trẻ này đi học. Tuy nhiên, Lâm phải gánh chịu hàng loạt những sự kỳ thị khác... Chị Linh cho hay: “Cháu phải mang vớ tay, vớ chân, đeo khẩu trang và áo dài tay khi đến trường. Trong lớp, cháu ngồi một mình một bàn, giờ ra chơi, tập thể dục… trong khi các cháu khác ra sân thì con tôi phải ngồi bơ vơ trong lớp”. Nói rồi chị không cầm được nước mắt, khi nhớ đến khoảng thời gian nặng nề đó.
Sau khi Lâm học xong mẫu giáo, chị quyết định chuyển trường để con học xa nhà. Không nói ra về căn bệnh của mình và con, chị cũng áy náy và bất an lắm nhưng liệu rằng khi biết rõ sự thật mọi người cảm thông? Suy tính kỹ càng, chị chọn cho mình giải pháp im lặng và hồi hộp từng ngày vì lo sợ ai đó phát hiện ra sự thật...
Ông Lê Minh Thông, chuyên viên Phòng Giáo dục - đào tạo tiểu học (Sở Giáo dục và đào tạo) cho biết: “Trường hợp trẻ nhiễm HIV lây sang trẻ khác chỉ ở tỷ lệ 1/1000 hoặc thấp hơn. Hiện tại, chúng tôi chưa nghe báo cáo gì về trường hợp các trường trên địa bàn tỉnh có học sinh nhiễm HIV. Nếu có thì phía nhà trường phải tạo điều kiện để các em được đến trường và tránh cô lập, đối xử phân biệt đối với các em bị nhiễm HIV. Do tâm lý sợ bị kỳ thị nên những phụ huynh thường giấu kín chuyện con em mình bị nhiễm bệnh nên chúng tôi cũng khó nắm tình hình”.
Ngọc Phú và Ngọc Quý là hai anh em ruột, hiện tại hai đứa trẻ này đang được bao bọc trong vòng tay của ông bà ngoại. Ba bỏ đi khi Quý mới ở tuổi nằm nôi, không lâu sau mẹ em cũng chết vì nhiễm trùng cơ hội do bị HIV/AIDS. Phú chán nản, bỏ học sớm vì mỗi ngày đến lớp với em là cả cực hình, bởi em phải hứng chịu bao lời trêu chọc vô tâm của mọi người. Còn Quý cũng đang dùng dằng đòi bỏ học vì đến lớp em bị tách biệt với bạn bè… Quý tâm sự: “Ngày nào đến lớp em cũng chỉ đi và về một mình”. Hỏi Quý có muốn tiếp tục học nữa hay không thì em chỉ ậm ừ. Tuy nhiên, trước thực tế diễn ra như thế này, liệu rằng em còn đủ vững lòng để tiếp tục đến lớp?
Phần lớn những đứa trẻ này đều có ba hoặc mẹ bị nhiễm HIV, vì vậy kinh tế gia đình rất khó khăn, chật vật. Để Lâm được tung tăng cắp sách đến trường, chị Linh phải cật lực làm lụng với mức thu nhập chừng 50 ngàn đồng/ngày để lo cho con. Ngoài chiến đấu với căn bệnh đang từng ngày bào mòn cơ thể, chị và Lâm còn phải gánh chịu những áp lực nặng nề từ dư luận. Bởi vậy, thằng bé chỉ đợi đến cuối tháng để được các cô chú trong nhóm đồng đẳng viên tuyên truyền cho sinh hoạt tại một địa chỉ cố định ở địa phương.
Nhìn các em vui đùa và trả lời các câu hỏi tình huống về HIV/AIDS tại buổi sinh hoạt, chúng tôi thực sự nhói lòng vì những tâm hồn non dại này đã sớm chịu nhiều mất mát…Tương lai, hạnh phúc của các em rồi sẽ đi về đâu khi xung quanh vẫn còn nhiều lắm những kỳ thị với những người nhiễm HIV?
Tùng Minh