Báo Đồng Nai điện tử
En

Buồn, vui nghề cạo mủ cao su

10:12, 09/12/2011

Quan niệm “con phu thì lại làm phu, con thợ cạo mủ lại như cha mình” vào những năm đầu thế kỷ XX dần lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, tại các xã: Long Đức, Lộc An, Bình Sơn (huyện Long Thành)… dân cao su cất nhà hàng trăm triệu đồng, mua đất, sắm xe ôtô là chuyện không hiếm. Nhìn cuộc sống đổi thay, nhiều người vẫn không tin đó là sự thật.

 

Quan niệm “con phu thì lại làm phu, con thợ cạo mủ lại như cha mình” vào những năm đầu thế kỷ XX dần lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, tại các xã: Long Đức, Lộc An, Bình Sơn (huyện Long Thành)… dân cao su cất nhà hàng trăm triệu đồng, mua đất, sắm xe ôtô là chuyện không hiếm. Nhìn cuộc sống đổi thay, nhiều người vẫn không tin đó là sự thật.

Cuối năm, thời tiết về đêm lạnh căm, thấm sâu vào da thịt. Vậy mà sau 0 giờ, theo chân thợ cạo mủ cao su tôi đã bắt gặp những giọt mồ hôi: làm toát mồ hôi và sợ vã mồ hôi…

* Toát mồ hôi lúc nửa đêm

Giữa ánh đèn pin lúc tỏ lúc mờ, anh Cao Văn Hà (37 tuổi, công nhân Nông trường cao su Long Thành), rạch từng đường dao lên thân cây cao su, ngay sát dưới dấu cạo cũ. Những nhát dao chẳng ước lượng, chẳng tính toán mà chính xác như được đo bằng máy. Cứ thế, anh làm hết cây nọ đến cây kia, hàng này qua hàng khác. Sinh ra trong gia đình có 3 đời làm nghề cạo mủ ở vùng đất Long Thành, ông bà nội, ngoại của anh đều làm phu đồn điền cao su cho các ông chủ người Pháp. Rồi mẹ anh, bà Cao Thị Kim Sơn (65 tuổi) tiếp tục làm phu thời Mỹ. “Năm 12 tuổi, tôi đã theo mẹ học cạo, nếu tính tuổi nghề thì mình khá dày dạn đấy. Thời đó không như bây giờ, dao cạo dài cả 6-7m chứ không phải ít. Muốn có năng suất mủ cao mình phải siêng chăm bón, thức khuya dậy sớm. Hàng ngày, người thợ cạo phải bắt đầu công việc từ 2 giờ sáng và kết thúc tầm 4 giờ chiều” - anh Hà trải lòng.

Không phải ai cũng chấp nhận công việc bắt đầu từ 2 giờ sáng và kết thúc lúc chiều tà.   Ảnh: V.NGUYÊN
Không phải ai cũng chấp nhận công việc bắt đầu từ 2 giờ sáng và kết thúc lúc chiều tà. Ảnh: V.NGUYÊN

Để kiếm được đồng tiền, đã không ít người phải vượt qua nỗi sợ của bản thân. Làm đời thợ cạo (mủ cao su) nghĩa là phải chịu thức đêm ngủ ngày, chấp nhận rủi ro và tai nạn nghề nghiệp. Dẫu biết rằng, giữa đám lô cao su ấy chẳng hề thiếu những hiểm nguy nhưng họ vẫn luôn “gồng” mình đi trong nỗi sợ hãi của màn đêm. Loài rắn, rết, bò cạp... luôn nấp sẵn trong lô, chỉ cần công nhân không để ý là chúng “xơi” ngay. Nhiều công nhân lúc đi cạo mủ để xe ở giữa đám lô, đến khi cạo xong quay lại thì thấy xe đã không cánh mà bay. Một công nhân Nông trường Long Thành cho biết: “Hồi đường sá mới mở, mỗi tháng ở đây xảy ra vài ba vụ mất trộm xe máy trong lô cạo”. Chị N.T.H. kể lại, một lần chị đang cạo mủ trong lô thì có 2 thanh niên chạy xe máy đến gần. Nghi là kẻ cướp, nhưng lúc đó chẳng có ai ở gần để tri hô, chị H. đành tắt đèn pin, nằm rạp xuống đất để trốn. Chưa đầy 1 phút, hai gã thanh niên nọ đã bẻ khóa, đẩy chiếc xe Cup 50 của chị đi mất. Chị H. ngao ngán: “Cũng may là nó lấy xe cà tàng, không thì chẳng biết nói gì với gia đình chồng”.

Câu chuyện của hai vợ chồng chị Nguyên (ở khu 14, xã Long Đức) chính là nỗi lòng của không ít gia đình thợ cạo. Dù không còn lo lắng chạy bữa như những năm về trước, nhưng chị vẫn canh cánh một điều: “Ban đêm đi làm phải bỏ 2 đứa bé ở nhà không ai trông coi cũng sợ. Do đó, trước khi đi làm, mình chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ bữa ăn đến cặp sách, áo quần. Khoảng 6 giờ, khi công nhân nghỉ sáng mình phải tất bật chạy vội về nhà xem các cháu thế nào?”. Rảo bước theo nhịp đi của chị, tôi mới hiểu thêm khó nhọc của những người nữ thợ cạo đã lập gia đình. Với họ, ngoài thời gian ở trên các lô cao su rậm rạp, tranh thủ phút nào là tạt nhanh về nhà chăm sóc con cái phút ấy. Quanh năm suốt tháng như thế, đời sống của họ gắn liền với những lô cao su, chỉ đến khi cao su rụng lá thì đó mới là thời gian họ nghỉ ngơi.

* Đổi đời từ “vàng trắng”

2 giờ sáng, các cánh rừng cao su đã bừng sáng ánh đèn pin. Hiếm ai biết rằng, khi nhiều người còn say giấc trong chăn ấm nệm êm thì những công nhân cạo mủ phải dậy sớm chuẩn bị cho một ngày lao động vất vả. Đôi mắt đã quá quen với việc thức đêm nên ở thời điểm giáp Tết là lúc họ phải chạy đua với thời gian. Họ lặng lẽ đổ mồ hôi trong đêm, nhưng trên mỗi khuôn mặt ấy luôn hiện hữu niềm vui, vì giờ đây cuộc sống của người công nhân cạo mủ đã khấm khá, nhiều gia đình còn tính kế làm giàu ngay chính trên mảnh đất cha ông họ từng gây dựng.

Về Long Thành hôm nay, đến những nông trường cao su lớn, đâu đâu cũng nghe kể chuyện về dân cao su cất nhà hàng trăm triệu, mua đất, tậu những vật dụng gia đình đắt tiền. Anh Phạm Văn Hải (56 tuổi, ngụ tại khu 14, xã Long Đức) cho biết, vợ chồng anh đều làm công nhân cao su, lương bình quân của một người hơn 7 triệu đồng/tháng. Tiền thưởng Tết mấy năm trở lại đây mỗi người cũng được trên 35 triệu đồng. Trừ đi chi phí ăn uống, gia đình anh mỗi tháng có dư gần 10 triệu đồng. Trong căn nhà khang trang của vợ chồng anh, nội thất hiện đại chẳng thua gì nhiều gia đình khá giả ở thị thành như: tivi LCD, tủ lạnh, máy lạnh mới cáu…

Nhiều gia đình đổi đời từ “vàng trắng”.       Ảnh: V.NGUYÊN
Nhiều gia đình đổi đời từ “vàng trắng”. Ảnh: V.NGUYÊN

Đời sống của những người thợ cạo mủ cao su giờ đây đã đổi thay. Đổi thay không chỉ trong tiêu xài, sinh hoạt hàng ngày mà cả trong cách nghĩ, toan tính chuyện tương lai. Anh Quang cho hay: “Mấy năm trước khó khăn quá, tôi phải cho con nghỉ học đi cạo mủ. Nhưng bây giờ cuộc sống đã khấm khá hơn, tôi cho nó đi học bổ túc lại. Làm thợ cạo thu nhập cao thiệt nhưng rồi cuộc đời vẫn không vượt qua được khỏi những cánh rừng. Không thể cứ mãi cha truyền con nối lầm lũi trong rừng, mà phải giúp tụi nhỏ đi xa hơn…”. Còn anh Thái Văn Hùng, công nhân Nông trường cao su Bình Sơn tâm sự, hai vợ chồng anh gắn bó với nghề cao su đã gần 20 năm nay. Ngoại trừ cô gái lớn theo nghề cha mẹ, cô con gái kế tiếp được anh Hùng đầu tư vào đại học mong góp một chút sức mình “cho những cánh rừng cao su thêm xanh, cho dòng vàng trắng dạt dào chảy mãi”.

Vào mùa khai thác mủ, cùng với mức lương cố định, công nhân còn có thể có thu nhập “đột biến” nhờ chính sách khuyến khích sản xuất, tăng năng suất lao động của các nông trường cao su. Chẳng hạn, Nông trường Long Thành động viên công nhân bằng cách thưởng từ 3-5 triệu đồng cho những cá nhân hoàn thành 100% chỉ tiêu đã giao (600kg/tháng). Hiện nay, một lít mủ cao su tươi có giá gần 36 ngàn đồng (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái) với mức giá này, mỗi hécta cao su có thể cho thu nhập từ 25-30 triệu đồng. Ngoài ra, những năm qua thị trường tiêu thụ cao su ngày càng được mở rộng sang các nước có nền công nghiệp phát triển nhanh, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… là tin vui để thúc đẩy doanh nghiệp, nông trường mở rộng diện tích trồng mới.

Võ Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Phương pháp chạy deadline hiệu quả giá cao su hôm nay