Gian nan và cực khổ, những tưởng nghề lái xe ôm chỉ có đàn ông mới làm nổi, ấy vậy mà ngay tại TP.Biên Hòa này vẫn có những bóng hồng ngày ngày dựng xe bên đường ân cần mời từng người khách.
Gian nan và cực khổ, những tưởng nghề lái xe ôm chỉ có đàn ông mới làm nổi, ấy vậy mà ngay tại TP.Biên Hòa này vẫn có những bóng hồng ngày ngày dựng xe bên đường ân cần mời từng người khách.
Đã 5 năm nay, ngày nào cũng như ngày ấy, 7 giờ sáng chị Thơ đã đem xe ra “đua” khách cùng với những đồng nghiệp nam của mình. Từ sáng tới lúc 11 giờ trưa, chị bảo: “Sáng giờ “đua” mãi mới được một khách”.
* Tủi phận má hồng
Chị tên đầy đủ là Phan Thị Thơ, nhưng những đồng nghiệp nam cứ quen gọi là chị Tây, bởi vẻ đẹp mặn mà trông giống người nước ngoài ở chị. Ở công viên 30-4 (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), chị là nữ xe ôm duy nhất.
Chị Tây cùng những đồng nghiệp của mình. Ảnh: M.Trung |
Mỗi ngày của chị Tây bắt đầu bằng ly cà phê lúc 7 giờ, quần xe tới 2-3 giờ chiều kiếm khách rồi chị mới về ăn cơm. Chị bảo: “Có bữa tới trưa mà chưa được khách nào thì cũng ráng đợi mà kiếm đồng tiền xăng. Khi nào bụng chịu hết nổi mới về”.
Dù là phận nữ nhi nhưng cũng như bao người lái xe ôm khác, chị Tây vẫn phải dang nắng gió, gồng mình chạy xe chở khách, vẫn phải “đua” nước rút chào mời khách khi những chiếc xe buýt, xe khách vừa cập bến và phải chịu bao hiểm nguy của nghề. Chị tâm sự: “Nhiều lúc thấy những phụ nữ khác xinh đẹp, xe đưa rước chạy ngang qua mặt nghĩ mà tủi thân. Mình cũng là phụ nữ mà cái số nó khổ”. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng kinh tế của cả gia đình ba miệng ăn đều trông chờ vào những đồng tiền chị chạy xe ôm. Ngày nào không có khách thì chị phải chạy đi vay tứ tung rồi hôm sau ráng chạy có tiền trả lại. Chị bảo: “Có khách nhiều mình chạy không biết mệt. Ngồi hoài một chỗ vừa mệt vừa lo không có tiền nên dễ sinh bệnh lắm”. Hai đứa con đang tuổi ăn học, chén cơm cả nhà đè nặng phía sau tay lái của chị.
Mới đây, chị bệnh một cả tháng trời, mỗi ngày uống gần 50 ngàn đồng tiền thuốc. Tiền tích cóp bao lâu nay đổ hết vào đấy. Tuy vậy, nó cũng không làm chị hụt hẫng bằng việc cách đây 2 năm chị bị cướp mất chiếc xe máy. Hôm đó, vị khách ngồi sau liên tục bắt chuyện với chị để làm quen. Đường xa cả hai ghé quán nước, chị không biết mình có dính phải thuốc mê hay không mà như người mất hồn, người khách bảo đưa mượn điện thoại chị cũng đưa, rồi đưa ví tiền và cả chìa khóa xe. Khi tỉnh dậy, chị hốt hoảng không tìm thấy chiếc xe của mình đâu. Cả tuần sau đó, chị nằm ở nhà mà khóc. Rồi chị cũng cố gượng dậy đi vay mượn mua được chiếc xe trả góp. Bây giờ, mỗi tháng chị phải trả góp cho tiệm bán xe cả triệu đồng.
Từ hồi mất xe tới giờ chị không dám chạy buổi đêm nên tiền kiếm được cũng ít đi, nhưng dẫu sao cũng an toàn hơn nhiều. Có lúc chị nhủ: Kiếp sau xin làm đàn ông cho nó bớt khổ. Ba năm trở lại đây, do có thêm tuyến xe buýt số 16 mới mở nên lượng khách hàng đi xe ôm càng trở nên hiếm. “Nhiều lúc vừa chở khách mà nước mắt cứ chảy. Mình ráng chạy giá bèo nhất cho đủ đồng xăng mà khách vẫn trả giá xuống nữa. Vừa buồn, vừa tức nhưng mà phải đi. Không đi thì sao có tiền” - chị Tây chua xót kể.
Xen lẫn những giờ phút “đua” khách chóng vánh, những giọt mồ hôi nóng hổi của cánh xe ôm, trên môi chị vẫn xuất hiện nụ cười bởi những đồng nghiệp nam luôn làm đủ trò để giải khuây. Chị bảo: “Ở đây có mấy ổng nên cười được vậy, chứ về nhà cứ tủi thân khóc hoài”. Khi được hỏi điều gì được coi là lợi thế khi làm nữ xe ôm, chị nói: “Đó là những người khách phụ nữ luôn thích chọn đi với mình hơn là đi với đàn ông”. Chị, với cái lợi thế duy nhất ấy vẫn hàng ngày lăn lộn và làm trụ cột cho cả gia đình của mình. Có chút tủi thân nhẹ thoáng qua câu nói nhưng nó lại vụt tan mỗi lần chiếc xe khách trờ tới.
* Tài phụ của chồng
Nếu chị Tây và những người lái xe ôm không nói thì chúng tôi cũng không biết bà chủ quán nước cách đấy không xa từng là một “tài xế xe ôm thứ thiệt”. Chị đã nghỉ chạy xe cách đây 6 năm, nhưng ký ức về quãng thời gian cầm tay lái thay chồng thì vẫn còn y nguyên.
Chị tên Mai Thị Thảo, năm nay tuổi cũng gần ngũ tuần. Đôi mắt của chị đầy ưu tư khi nhớ về những cực khổ, gian truân của phận nữ nhi làm nghề xe ôm. Năm đó chồng chị bị cao huyết áp, cả nhà không biết lấy đâu ra tiền lo chi phí thuốc men, ăn uống cho con cái. Chị quyết định bàn với chồng sẽ thay chồng lái xe một thời gian. Ban đầu anh Hà Quang Việt (chồng chị) cũng ngập ngừng, nhưng đành tặc lưỡi để chị làm.
Quán nước nhỏ của chị Thảo là nơi chị kết thúc một thời chạy xe ôm đầy gian khổ. Ảnh: M.Trung |
Khi mọi người còn đang yên giấc thì 4 giờ sáng chị đã lái xe ra công viên đứng đợi khách. Chị Thảo kể: “Dù khách ít nhưng mình tranh thủ kiếm vài người chứ trời càng sáng có nhiều xe ôm sẽ khó có khách”. 11 giờ trưa chị lại tất tả chạy đi chợ về nấu nướng, nghỉ ngơi đến chiều 2 giờ tiếp tục làm cho đến 7 giờ tối. Những khi có khách quen gọi thì dù là 10 giờ tối hay đêm khuya chị cũng trở dậy dắt xe mà đi.
Có những vị khách uống rượu vào đi xe của chị, cũng có người lợi dụng hai từ “xe ôm” để mà vừa đi xe vừa đòi ôm và cũng có kẻ thấy chị phận nữ nhi yếu đuối nên không chịu trả tiền. Lúc đó, thấy có người đi đường thì chị nhờ người ta phân xử, giúp giùm. Không thì đành bỏ tiền, bỏ khách mà chạy xe về. Chị kể: “Có một lần chở khách đi tới chỗ nghĩa trang tối om, lạnh ngắt. Khách bảo rẽ vào con đường nhỏ xíu, ngoằn ngoèo. Sợ quá, tôi đành để khách đó mà phóng xe trở ra. Về đến nhà mà tim đập thình thịch, mồ hôi ướt đẫm”. Đó cũng chưa nguy hiểm bằng một lần, vì dậy sớm quá nên chị bị ngủ gật ngay trong lúc đang chở khách. Loạng choạng tấp xe vào lề mà khách với chị cùng run.
Chạy xe được một thời gian thì chồng chị đỡ bệnh, chị lại bàn với chồng mua thêm một chiếc xe nữa. Thế là hai vợ chồng đều chạy xe ôm. Có những ngày không kiếm được đồng nào, chị đành chạy sang hàng xóm xin tí mắm để có cái mặn cho cả nhà nuốt trôi cơm.
Chạy xe ôm được một thời gian thì chị bị bệnh. Tuy nhiên ngày chị quyết định nghỉ chạy xe sau ba năm hành nghề là do một lần cãi nhau với đồng nghiệp về chuyện giành khách, rồi chị bị đánh phải nhập viện đến 7. Từ đó chị mở quán nước buôn bán tới tận bây giờ. Nghĩ lại quãng thời gian ấy, chị chỉ tóm gọn trong hai từ: “Cực lắm!”. “Chạy ngày nào xào ngày ấy. Gạo thì mua từng ký một. Nghề xe ôm đâu phải ai cũng kham nổi. Cái quán nước vỉa hè dẫu sao cũng yên bình hơn những vòng xe hối hả năm xưa” - chị Thảo tâm sự.
Minh Trung