Người đời thường quan niệm chuyện chạy chợ, bán buôn… là chuyện của phụ nữ, nhưng giờ đây, hình ảnh người đàn ông “kê đòn” đẩy xe hàng, đong đếm, mặc cả… không còn xa lạ. Thậm chí nhiều người còn coi đó là chuyện thường, làm sao để Tết này về quê, con cái có được bộ đồ mới, sắm chiếc xe máy, ti vi cho vui cửa vui nhà.
Người đời thường quan niệm chuyện chạy chợ, bán buôn… là chuyện của phụ nữ, nhưng giờ đây, hình ảnh người đàn ông “kê đòn” đẩy xe hàng, đong đếm, mặc cả… không còn xa lạ. Thậm chí nhiều người còn coi đó là chuyện thường, làm sao để Tết này về quê, con cái có được bộ đồ mới, sắm chiếc xe máy, ti vi cho vui cửa vui nhà.
* Cái “duyên” của người chạy chợ
Con đường Bùi Văn Hòa, nơi án ngữ của 2 KCN lớn: Biên Hòa 2 và Long Bình, trở thành “phố kinh doanh” của cánh đàn ông. Hàng ngày, họ đến đây từ sáng sớm rồi kết thúc công việc bán buôn lúc chiều muộn. Buông gánh hàng xuống đất, họ lật đật trải bạt, sắp xếp hàng hóa, nếu đến chậm một chút thì sẽ bị mất chỗ ngồi “đẹp”. Kẻ bán rau, người bán trái cây, quần áo… phút chốc đoạn đường nhỏ bé gần như chật kín người ngồi, đứng lẫn lộn.
Nụ cười mãn nguyện sau ngày dài lao động vất vả. Ảnh: V.Nguyên |
Đó là một công việc chân chính kiếm tiền, nhưng đôi khi gặp một ánh mắt của ai đó vô tình nhìn họ cũng hơi ái ngại. Bởi dù gì thì họ cũng là đàn ông, sức dài vai rộng, thiếu gì việc làm mà cứ kỳ kèo thêm một bớt hai như cánh đàn bà đi mời mọc người ta mua giùm.
Vào Nam được 2 tháng, Hoàng (22 tuổi, quê ở tỉnh Hà Nam) “bén duyên” ngay với công việc chạy chợ. Ngày mở hàng, ngượng đỏ mặt, hàng ế ẩm nên “ăn rau thay cơm”. Một thời gian quen “mối”, việc làm ăn của Hoàng bắt đầu khá lên. Hoàng cười bảo với tôi: “Cái nghề này chạy như điên, mệt đứt hơi nhưng thấy “sướng”, vì kiếm được những đồng tiền trong sạch bằng chính mồ hôi, công sức của mình”. Nói xong, Hoàng giới thiệu với tôi, một chàng thanh niên trẻ Lã Văn Tư (người Bắc Giang) đang mời mọi người mua hàng.
Tư có ngoại hình hơi khó nhìn, chỉ được cái miệng hay cười và tính tình hiền khô. Chưa vợ, anh cả trong nhà, gia đình có 4 miệng ăn mà chỉ bám vào mấy sào ruộng, trăm ngàn thứ khó đều đổ lên đầu cha mẹ nên anh quyết định vào Nam mưu sinh. Ngày xa nhà, Tư hạ quyết tâm phải kiếm tiền thật nhiều để về quê lấy vợ, kẻo các cụ khuất núi mà không yên tâm về thằng con. Tư bắt đầu “sự nghiệp” kiếm tiền để lấy vợ của mình bằng đủ thứ nghề, nhưng trụ vững nhất vẫn là nghề bán rau dạo. 2 giờ sáng, Tư bắt đầu cuộc hành trình với một chiếc xe đạp cà tàng lên chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) chất đầy cải bẹ, dưa leo, cà chua… rồi rong ruổi khắp các phường trong TP.Biên Hòa bỏ mối cho các quán ăn, còn dư bao nhiêu anh tiếp tục bán cho bằng hết. “Bình thường lấy 2 triệu đồng tiền hàng bán trong 3 ngày, còn lúc mới thì nhận chừng vài trăm thôi. Buồn cười lắm nhé, hễ thấy người mua mới lộ mặt à, còn không có ai là phải lẩn đi nơi khác chứ xấu hổ lắm” - Tư thủ thỉ.
Kể về “đoạn trường” đã qua, nhiều anh chàng trai chạy chợ không ngại giấu bí quyết để hàng đắt, “mối” nhiều. Đó là phải cười nói liên tục, chấp nhận “muối mặt”, đôi khi chỉ vài câu khen, chê cũng khiến khách hàng sướng run người lên và hôm đó xem như thắng lớn. Đã 10 năm trong nghề nên anh Tuân (quê ở tỉnh Thanh Hóa) xổ một tràng kinh nghiệm cho người đi sau: nên mua hàng rẻ để bán cho công nhân, đi sớm để có đồ tươi; nếu bị mắng nhiều thì cố gắng cười trừ cho người ta nhẹ dạ, cho họ vài cọng hành, quả ớt là được, cốt để giữ “mối”… Với anh Tuân, nghề chạy chợ như một thứ nghệ thuật, không phải ai cũng làm được. Có người đi làm được dăm ngày, bảy bữa phải bỏ của kiếm nghề khác. Và cũng có người, dù thành thạo trong làm ăn nhưng khi bước vào buôn thúng bán bưng phải cúi đầu chào thua. Phải “có duyên” mới trụ lại giữa chốn thị thành vốn vội vã, tấp nập này.
* Nhọc nhằn tìm chữ cho con
Sáng chiều 2 cữ, chiếc xe Cub đã gỉ sét trở thành phương tiện giúp anh Mùi “chở” chữ cho đàn con vào đời. Quê anh ở huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa), vợ mất sớm sau trận bạo bệnh, gia tài chỉ mấy sào ruộng liên tục bị mất mùa, cuộc sống thiếu thốn, mơ ngày ba bữa no đã khó nói chi chuyện làm giàu. Anh xác định, để con cái thoát khỏi cảnh đời cơ cực như bố chúng chỉ có con đường duy nhất là học. Từ những đồng tiền lẻ bán rau của ngày đầu mới vào nghề mà 3 đứa con của anh đã có tập vở mới đến trường cùng chúng bạn. Rồi từng đứa lần lượt tốt nghiệp phổ thông, thi vào các trường đại học, cao đẳng. Tiền nhà trọ, tiền ăn, học phí... của các con luôn quay cuồng trong đầu anh. Sau khi đã có chút tiền, anh quyết định chuyển từ bán rau sang bán trái cây theo mùa, mỗi lần lấy hàng anh nhận thêm gấp đôi.
Thật lạ vì giờ đây, đàn bà con gái trở thành khách “ruột” của cánh đàn ông làm nghề chạy chợ. Ảnh: V.Nguyên |
Quên cả thời gian, với bộ đồ bạc màu, đôi dép nhựa cũ mèm, Tuân đều đặn đi về trong nắng mưa để đổi lấy điều hạnh phúc vô bờ là chứng kiến đứa con đầu vừa rời ghế giảng đường. Giờ đây, gánh dứa đã nhẹ hơn trên vai anh, khi chỉ còn hai người con phải bấu víu vào đó để tiếp tục học hành. “Nhớ lại ngày đầu thấy 3 đứa nheo nhóc vì mất mẹ, tôi như đứt từng khúc ruột. Để chúng lại cho ông bà nội ngoại, tôi cùng mấy anh em trong xóm vào đây kiếm tiền gửi về nuôi con” - anh trải lòng rồi chỉ tay sang phía cổng đối diện KCN Biên Hòa 2 nói: “Chú Vũ bán rau ở kia cũng nuôi hai con học đại học, anh Minh cạnh đó cũng có con học cao đẳng Lilama ở Nhơn Trạch đấy...”.
Còn anh Nguyễn Văn Doãn (32 tuổi) quê ở tận Hà Nam, không chịu được cảnh đất chật người đông, ở nhà không có việc gì làm sẽ sinh tật nên anh quyết định vào Nam. Ngày anh đi, vợ anh chạy khắp xóm cũng chỉ đủ số tiền để bắt một chuyến xe tốc hành vào Nam và dằn túi 340 ngàn đồng. Trên chuyến xe “Nam tiến” năm ấy, anh tình cờ gặp và quen anh bạn cùng làng. Những ngày đầu, anh theo bạn làm phụ hồ, tiền kiếm được chẳng được bao nhiêu. Tiêu xài rất chi li mà sao anh vẫn thấy tiền trôi như nước. Làm thợ hồ được vài ngày, khi đang đứng trên giàn giáo cao, anh bị té ngã rồi bị trật chân, vì thế mà tiền lương không đủ tiền thuốc. Về quê thì xót tiền, anh ráng ở lại, quyết định quay sang nghề buôn bán rong. Chạy vạy được ít tiền mua chiếc xe đạp 3 bánh, anh “kinh doanh” rau, củ từ 2 giờ sáng tới tận chiều muộn. Từ đó đến giờ, ngày nào anh Doãn cũng đều đặn lấy hàng từ chợ Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) rồi đi bán quanh các xóm công nhân ở KCN Biên Hòa, Long Bình, Tam Phước... “Ở nhà chẳng biết làm gì ra tiền nuôi con đến trường, không khéo chúng lại như mình bỏ học đi vất đi vưởng, thôi thì mình đi trước để các con được học hành tử tế” - anh Doãn giãi bày.
Võ Nguyên