Mỗi năm, cứ tới tháng mười một âm lịch, nhiều người lại í ới gọi nhau xách cào, thau, can nhựa… đến cào hến trong lòng hồ Núi Le (ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc). Đây là khoảng thời gian mà hến “đẹp” và đều nhất, con nào cũng mập ú và xem xem nhau về kích cỡ. Mỗi vụ như vậy, người ít thì mỗi ngày kiếm đủ ngày công lao động, kẻ nhiều thì cũng dư dả chăm lo cuộc sống gia đình.
Thành quả sau một ngày dầm nước, đội nắng của anh em Lập, Nghiệp. Ảnh: Minh Trung |
Mỗi năm, cứ tới tháng mười một âm lịch, nhiều người lại í ới gọi nhau xách cào, thau, can nhựa… đến cào hến trong lòng hồ Núi Le (ở thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc). Đây là khoảng thời gian mà hến “đẹp” và đều nhất, con nào cũng mập ú và xem xem nhau về kích cỡ. Mỗi vụ như vậy, người ít thì mỗi ngày kiếm đủ ngày công lao động, kẻ nhiều thì cũng dư dả chăm lo cuộc sống gia đình.
Cả mặt hồ Núi Le rộng lớn bỗng bừng giấc bởi tiếng cào đập xuống nước xành xạch, tiếng trò chuyện rôm rả của người đi cào hến và cả tiếng hến rổn rảng va vào thau nhôm. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều biết rằng… mùa hến đã về.
* Thời vụ chính
Vào những khoảng thời gian khác trong năm, nước tại hồ Núi Le dâng cao nên không thể làm nghề này được. Hến khi ấy vẫn còn nhỏ nên dù có cào cũng kiếm chẳng được bao nhiêu tiền. Tháng mười một nước xuống, hến mập nên nhiều người coi đây là vụ hến chính. Chỉ có vài tháng nước dâng cao, khi mùa mưa tới thì coi như kết thúc mùa hến.
Cầm chiếc lưỡi cào có cán dài hơn năm thước trên tay, anh Của bảo: “Hôm nay là bữa đầu đi cào đó, mấy bữa rày nước lớn quá không mần ăn được gì”. Anh Của có thâm niên ba năm cào hến tại đây. Cứ tới quãng thời gian này trong năm, anh dừng những việc khác lại để xách lưỡi cào xuống hồ. Anh Của cho biết, mỗi người cào hến đều mang theo đồ nghề gồm: một chiếc cào có lồng sắt để vớt hến, một cái thau nhôm đựng hến, một chiếc can nhựa dùng làm phao bơi. Thau gắn với chiếc can nhựa và người bằng một sợi dây để gió, sóng không trôi mất. Một dụng cụ không thể thiếu với người cào hến là chiếc ghế bằng gỗ cao hơn 2,5m, để người cào hến đứng ở những chỗ nước sâu. Khi cào hết một vòng xung quanh khu vực đặt ghế, họ lại di chuyển sang chỗ khác.
7 giờ sáng, mặc cho cái lạnh thấm vào da thịt, những người cào hến mang theo dụng cụ hành nghề lao xuống nước. Khi ra tới giữa hồ, mỗi người chọn một khu vực của mình, không ai tranh giành với ai. Tất cả chú tâm vào công việc cho đến gần hai giờ chiều mới nghỉ. Người nào được ít hến quá thì ráng cào thêm vài giờ để kiếm cho đủ “sở hụi”.
Anh Phạm Văn Lập, ngụ tại xã Suối Cát nói: “Thường mỗi chỗ cào nếu nhiều hến thì đứng chừng nửa tiếng đồng hồ, còn ít thì phải bơi sang chỗ khác mà cào. Ai không chịu cào và kiên nhẫn thì người sẽ bị lạnh, không thể cào được quá một buổi”.
Anh Của, người chú và cũng là người cào hến chung với anh Lập, nói: “Mới đầu vụ hến nên bữa nay chỉ có năm người đi. Những năm trước, người ta đi đông vui lắm, đi cào đến gần hai mươi người, ồn ào cả một vùng hồ”.
Công việc kéo dài và diễn ra liên tục cho đến hai giờ trưa thì tất cả kéo nhau bơi vào bờ với thành quả của mỗi người là vài chục ký hến. Mỗi ký hến được người ta mua tại chỗ, hoặc mang ra chợ bán được khoảng mười ngàn đồng. Anh Hiếu, một người cào hến nói: “Thường thì mấy quán nhậu ven hồ mua hết sạch, ít khi còn mà đem ra chợ bán”. Ngày đầu tiên của vụ hến năm nay anh cào được hơn hai mươi ký hến, anh cười bảo: “Như vậy cũng khá hơn so với làm việc khác”.
* Nhọc nhằn với hến
Của trời nhưng không dễ lấy, nhiều người chỉ đi cào hến được một buổi rồi không bao giờ làm nghề này nữa. Có người xuống nước được vài tiếng thì lạnh quá không thể làm tiếp, đành phải bơi vô bờ và tìm nghề khác mưu sinh.
Ba năm gắn với nghề này, anh Của nói: “Làm nghề này cũng đơn giản, chỉ cần chịu làm và kiên nhẫn là được. Mới đầu xuống nước thì lạnh lắm, nhưng cào vài nhịp, cào liên tục thì sẽ bớt lạnh rồi từ từ cũng quen”.
Cái đơn giản mà anh Của nói hẳn không dễ làm với nhiều người, khi họ có thể tìm những công việc khác ở nơi khô ráo và nhàn hạ hơn. Nghề cào hến phải ngâm mình trong nước hơn bảy tiếng đồng hồ, vừa phải lao động nặng nhọc. Mỗi con hến cào được lạnh ngắt.
Người đi cào hến chỉ ăn một bữa cơm sáng rồi làm liên tục cho đến đầu giờ chiều mới về. Bữa cơm trưa của người cào hến là lúc những người khác sửa soạn nấu cơm chiều. Cái nghề này, như anh Của nói, nếu không chịu vận động liên tục thì tay chân sẽ lạnh và sau đó phải bơi vô ngồi trên bờ nhìn người khác cào.
Người cào hến phải ngâm mình dưới nước mỗi ngày 7 tiếng đồng hồ. Ảnh: Minh Trung |
“Phải gồng mình liên tục thì mới có hến” - anh Khiêm, một người cào hến nói. Đôi tay và đôi chân của anh Khiêm cũng giống như những người đi cào hến, đều trắng bợt, nhăn nhúm lại, môi thì thâm tím. Ngâm cả thân mình trong nước, lúc ra về chỉ còn duy nhất tóc trên đầu là khô. Anh nói: “Người ta thấy cào hến kiếm được nhiều tiền thì ham lắm, nhưng có vào nghề thì mới thấy khổ. Nhiều lúc thau hến gần đầy, sơ ý để sóng đập đổ hết xuống, lấy lại còn được năm, sáu phần. Có lúc đang ở giữa hồ còn bị chuột rút nữa, chỉ biết ôm cứng cái can nhựa mà mong cơn đau thấu trời cho nhanh hết”.
“Khó nhất là gì à? Khó nhất là phải biết bơi và chịu mần” - anh Khiêm vừa lần gỡ sợi dây dùng để buộc cái thau nhôm và cái can ra khỏi chiếc áo rồi thủng thẳng trả lời khi chúng tôi hỏi. Anh kể rằng, người nào cứ đè thật mạnh cái cào để được nhiều hến hay muốn lần cào nào cũng có cả nắm hến thì sẽ không làm được nghề này. Nhiều lúc cào cả tiếng đồng hồ chỉ được vài ba con hến nhỏ xíu. Ai không kiên trì và chịu khó thì chỉ làm được nửa buổi là bỏ. Anh Khiêm nói thêm, ai mà đang bệnh thì tuyệt đối không xuống nước, phần thân thể ngập dưới nước cộng với cái nắng điên người trên đầu sẽ dễ làm người đang bị cảm ngất xỉu trong lúc làm việc và rất dễ mất mạng.
Ngâm mình trong nước cả ngày nên chuyện bị nhiễm những bệnh da liễu và đau nhức xương khớp là điều bình thường. Anh Hiếu kể: “Nhiều người khi di chuyển trong lòng hồ đã bị cây nhọn cào xước, làm rách cả da. Ấy vậy mà vẫn cắn răng mà làm, chứ bơi vô bơi ra là mất gần hai tiếng rồi. Đằng nào cũng mất ngày công”.
Chị Hương, một chủ quán ven hồ nói: “Hơn sáu giờ là họ tới quán tui gửi nhờ xe rồi ra hồ làm. Có nhiều người cào hến đến bốn giờ chiều mới về. Có hôm trời lạnh quá họ run cầm cập, quần áo ướt nhẹp. Thấy họ bán hến có tiền nhưng cực cũng không thua những nghề khác đâu”.
Cái nắng buổi chiều đã bắt đầu đổ bóng, những người cào hến ngày đầu tiên ai cũng tươi cười, vì hôm nay mỗi người kiếm ít nhất cũng hơn hai trăm ngàn đồng. Những con hến của hồ trở thành một nguồn thu nhập cho những người dân nghèo. Mùa hến bên hồ Núi Le đã bắt đầu và bao con người lại trầm mình cả ngày trời dưới nước để đổi lấy niềm vui lao động sau một ngày vất vả. Mong rằng vẫn sẽ còn những mùa hến năm sau.
Minh Trung