Nhìn 5 con bò đang đói cỏ tươi kêu gào, ông Năm Phiến xót dạ bốc điện thoại gọi Út Hiếu mang cỏ tươi về gấp. Nơi đồng hoang, Út Hiếu bảo chỉ mới cắt được 2 bao cỏ, số còn lại chiều anh sẽ đi cắt rồi giao cho ông Năm Phiến.
Nhìn 5 con bò đang đói cỏ tươi kêu gào, ông Năm Phiến xót dạ bốc điện thoại gọi Út Hiếu mang cỏ tươi về gấp. Nơi đồng hoang, Út Hiếu bảo chỉ mới cắt được 2 bao cỏ, số còn lại chiều anh sẽ đi cắt rồi giao cho ông Năm Phiến.
* Nghề cắt cỏ thuê
Sau khi đem hai con bò nuôi rẻ (nuôi ăn chia với chủ bò) ra cột ngoài vườn nhà hàng xóm, Út Hiếu (ấp Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) vội vã nổ máy xe chạy về hướng phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) để cắt cỏ bán. Tiếp chuyện chúng tôi, Út Hiếu cho hay, nếu gặp được đám ruộng ngon, buổi sáng anh cắt được 3 bao cỏ. Đến 2 giờ chiều, anh quay lại cắt tiếp 2 bao nữa là đủ số lượng cỏ giao cho ông Năm Phiến. Mỗi bao cỏ nặng chừng 30 kg, giá 25 ngàn đồng. Ngoài số cỏ bỏ mối cho ông Năm Phiến, anh Hiếu không quên cắt thêm “khẩu phần” cỏ cho hai con bò nhà mình.
Đồng hoang luôn tiềm ẩn hiểm nguy, nhưng đó là nơi mưu sinh của không ít người nghèo. Ảnh: Đ.Phú |
Dựng xe máy vào đám ruộng bỏ hoang ở khu phố 5, phường Thống Nhất để tìm cỏ, Út Hiếu phân trần: “Thấy cỏ nhiều vậy chứ không dễ cắt đâu. Tui phải lựa loại cỏ bông, cỏ cú, cỏ ống… mềm, non, sạch mới cắt. Còn ba cái thứ cỏ như: cỏ lát, cỏ sậy… già, chát và dai bò chê nên không bán được”.
Mặc cho muỗi vi vu quần thảo quanh mình, Út Hiếu không nói thêm lời nào với chúng tôi. Anh lao ngay vào đám cỏ, cắm cúi cắt lấy, cắt để như sợ ai đó cắt hết phần. Tiếng lưỡi liềm trên tay Út Hiếu lướt trên đám cỏ nghe xoèn xoẹt ê cả răng. “Coi chừng mấy đám ruộng hoang đó có nhiều kim tiêm của dân xì ke và cả mảnh chai vỡ đó” - chúng tôi cảnh báo Út Hiếu. “Tui gặp riết nên quen rồi. Miễn sao nơi đó có cỏ ngon là được”- Út Hiếu trả lời gọn lỏn.
Thêm một chiếc xe máy khác tấp vào đám ruộng hoang, Út Hiếu cắt cỏ nhanh tay hơn và nói ngắn gọn khi chúng tôi chào tạm biệt: “Chút nữa gặp hén. Giờ tui bận lắm”.
Riêng người đàn ông vừa tấp xe máy vào, thấy chúng tôi lại gần liền bắt chuyện. Ông tên Mạnh, nhà ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), ông cũng là người chuyên đi cắt cỏ bán cho các chủ nuôi bò trên địa bàn xã Bình Hòa. Ông Mạnh bày tỏ, do người nuôi bò không có đất để thả, quanh năm nhốt trong chuồng nên cần đến những người cắt cỏ thuê như ông. Mùa nắng cỏ hiếm nên nhu cầu tiêu thụ cỏ càng cao và người làm nghề này nhiều hơn. “Người nào cắt giỏi, ngày cũng chỉ kiếm được 100 ngàn đồng. Cái nghề này mùa nắng mới có việc làm. Trời càng nắng cỏ càng hiếm và mối lái càng nhiều”- ông Mạnh nói.
Nhìn đám ruộng hoang đầy cỏ dại, lấp xấp nước, tiềm ẩn nhiều điều đáng sợ như: kim tiêm, mảnh chai vỡ, tổ ong, tổ kiến, rắn rết… chúng tôi tỏ vẻ lo ngại thì ông Mạnh từ tốn đáp: “Nói không sợ thì nói dối mấy chú. Thật tình, khi nghĩ đến chuyện bị dính Si-da tui cũng ớn lắm. Nhưng vì miếng cơm, tụi tui phải liều thôi”.
Mặt trời dần cao, Út Hiếu, ông Mạnh cũng cắt được kha khá cỏ tươi nhưng chưa vội bỏ vào bao. Chợt điện thoại trong túi quần Út Hiếu reo lên cái giọng cải lương não nề: “Sao anh nỡ đành quên…”. Út Hiếu dừng cắt cỏ và nhận cuộc gọi. Bên kia đầu dây, giọng ông chủ bò Năm Phiến réo rắt: “Mày về chưa Út Hiếu ? Mấy con bò tao đói quá, nó kêu tao gọi mày nè…”.
* Gà, vịt cũng xót ruột
Trong khi đó, ông Bảy Hoàng (ấp 2, xã An Hòa, TP.Biên Hòa) thì bị lũ gà, vịt trong xã xót cỏ gọi. Ông Bảy Hoàng cho hay, ông bám đồng hoang hành nghề hái rau mát (một loại rau dại sống ở bờ ao, đồng ruộng) để bán cho các hộ nuôi gà, vịt trong xã làm thức ăn được hơn 5 năm nay. Mỗi ngày, ông Bảy Hoàng hái được 1 tạ rau, bán giá 300 ngàn đồng/tạ. “Hái xong tui còn chở về nhà, phân ra từng bó nhỏ chừng 1,5 kg đem ra chợ ngồi bán lẻ hoặc chở đi bỏ mối. Tính ra tiền ngày công hái rau mát của tui cũng bằng thợ hồ mà thôi”- ông Bảy Hoàng bộc bạch.
Để có những bó rau tươi, ngon, hấp dẫn gà vịt, hàng ngày ông Bảy Hoàng phải vượt qua nhiều con kênh, đầm lầy để săn tìm. Ảnh: Đ.Phú |
Để mỗi ngày hái được tạ rau mát, trời vừa hừng sáng, ông Bảy Hoàng đã có mặt tại các cánh đồng hoang, đầm lầy ở quận 9 (TP.Hồ Chí Minh); xã Mã Đà, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu); huyện Long Hải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)… Ông Bảy Hoàng nói: “Chớ nghĩ nơi đồng hoang vắng vẻ, buồn tẻ. Hàng ngày, nơi đây luôn nhộn nhịp người cắt cỏ, bắt cua ốc, rà cá, săn bắt chim và hái rau mát như tui để mưu sinh đó”.
Do ông Bảy Hoàng gợi tò mò, chúng tôi liền ngỏ ý xin đi theo xem. Ông Bảy Hoàng gật đầu đồng ý và nói: “Đường khó đi lắm đó, phải lội kênh, lội đồng, ngâm mình dưới dòng nước ô nhiễm… các chú có biết bơi và chịu cực nổi không mà đi theo”. Lời ông Bảy Hoàng thật sự làm cho chúng tôi cụt hứng khi nghĩ đến chuyện theo ông lặn lội nơi đồng hoang cả ngày để nhìn thấy cảnh ông hái rau mát, người khác thì mò cua ốc, rà cá, cắt cỏ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chống chế: “Chú hái rau, còn chúng tôi ngồi trên bờ coi xe hoặc đi lòng vòng trên bờ nhìn cũng được”. “Ừ, tùy các chú. Tui thì quen rồi, chỉ cần có tiền thì tui không ngại hôi, ngứa gì cả. Miễn sao gà vịt nuôi nhốt xót dạ thèm rau mát của tui mà thúc chủ tìm tui mua là được”- ông Bảy Hoàng nói vui.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người làm nghề hái rau mát như ông Bảy Hoàng ở xã An Hòa còn có ông Tư Nhí. Khác với ông Bảy Hoàng, ông Tư Nhí chỉ quẩn quanh khu vực Long Thành để tìm rau nên hái bữa có bữa không, mối bán không nhiều. Ông Tư Nhí bày tỏ, do con gà nuôi nhốt xót cỏ nên người ta còn cần tới ông. Vì vậy, ngoài công việc cắt cỏ bán cho những người chăn nuôi bò, ông còn tranh thủ hái rau mát về bán cho người nuôi gà, vịt trong xã để kiếm thêm thu nhập. “Rau mát ngọt và thơm, người cũng ăn được nên gà, vịt rất khoái”- ông Tư Nhí cho hay.
Cà kê chuyện đời với những người làm nghề cắt cỏ, hái rau mát như ông Bảy Hoàng, ông Mạnh, Út Hiếu… chúng tôi vỡ ra một điều: nơi đồng hoang luôn nhộn nhịp cảnh mưu sinh của những người khốn khó như các ông. Dù nơi đây tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, như: rắn, rết, kim tiêm, mảnh vỡ, bệnh ngoài da… nhưng vì cơm áo gạo tiền nên các ông đành bấm lòng dầm mình dưới nước, làm bạn với cỏ cây, hiểm họa để: “Mỗi ngày tui chỉ cần kiếm được 100 ngàn đồng là vui rồi”- ông Tư Nhí tâm sự sau khi kể về gia cảnh khó khăn của bản thân.
Đoàn Phú