Báo Đồng Nai điện tử
En

Những chuyện “nhỏ” ở Singapore

09:12, 08/12/2011

Có rất nhiều người ở Đồng Nai đã sang Singapore tham quan, nghiên cứu, học tập, kể cả đi... shopping, chữa bệnh. Trên Báo Đồng Nai cũng từng có mấy bài viết mang tầm cỡ vĩ mô về sự biến đổi thần kỳ bộ mặt kinh tế, xã hội của đảo quốc Sư tử. Tôi thì do “đi du lịch bụi” và lang thang phần lớn ở vỉa hè nên chỉ toàn “mục sở thị” mấy chuyện lon con, nhưng cũng xin thèo lẻo kể ra đây...

Có rất nhiều người ở Đồng Nai đã sang Singapore tham quan, nghiên cứu, học tập, kể cả đi... shopping, chữa bệnh. Trên Báo Đồng Nai cũng từng có mấy bài viết mang tầm cỡ vĩ mô về sự biến đổi thần kỳ bộ mặt kinh tế, xã hội của đảo quốc Sư tử. Tôi thì do “đi du lịch bụi” và lang thang phần lớn ở vỉa hè nên chỉ toàn “mục sở thị” mấy chuyện lon con, nhưng cũng xin thèo lẻo kể ra đây...

* Đi bụi vì… mê hoa

Bị thôi thúc bởi cái thông tin là nhân hội nghị Hoa lan thế giới lần thứ 20 (the 20th World Orchid Conference, gọi tắt là WOC), Singapore có tổ chức một cuộc triển lãm hoa lan thế giới quy tụ rất nhiều cường quốc về loài vương giả chi lan này tham gia, dù tiền không rủng rỉnh chút nào, tôi cũng quyết tâm đi mở rộng tầm mắt. Hơn một tháng trước đó, tôi phải nhờ người đặt vé giá rẻ (59 USD cho một lượt bay), rồi cầm theo vỏn vẹn 1.000 đô Sing (SGD) (1 SGD = 17.000 VNĐ) thế là vợ chồng già chúng tôi tung tăng đi vào nơi... hoa lá ở xứ người.

Một góc phố tài chính ở thành phố Singapore.      Ảnh: Bùi Thuận
Một góc phố tài chính ở thành phố Singapore. Ảnh: Bùi Thuận

Tôi đã từng đi khá nhiều vườn hoa lan, siêu thị hoa lan, chợ đầu mối hoa lan ở Thái Lan, hay sang tận Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) để lê la nhìn ngắm khắp Vườn triển lãm Hoa Viên thế giới (International Horticultural Exposition Garden) đồ sộ, mênh mông với đủ mọi loại kỳ hoa dị thảo trong thiên hạ. Thế nhưng, khi bước chân vào khu trưng bày hoa lan thế giới (World Orchid Show) trong vịnh Marina (Marina Bay Sands Expo and Convention centre), tôi không khỏi bất ngờ, vì cả khu vườn hoa cảnh đồ sộ, rộng bằng cái sân banh Biên Hòa nằm dưới lòng đất, muốn vào tham quan phải “độn thổ” bởi 2 cầu thang cuốn. Với chủ đề: “Nơi gặp gỡ của thế giới hoa lan mới và cũ” (Where Old and New World Orchids Meet) lại còn được đế thêm khẩu hiệu “Tìm thấy mảnh nhỏ trong thiên đàng của bạn” (Find your little piece of paradise) đã tập hợp được 130 loài hoa lan đặc sắc và tiêu biểu trên khắp hành tinh qua 55 gian triển lãm của 19 nước tham gia. Cuộc triển lãm lần thứ 20 này trở lại Singapore, sau 48 năm đã biến đảo quốc Sư tử này trở thành nước duy nhất ở châu Á có vinh dự đứng ra tổ chức 2 lần hội nghị và triển lãm hoa lan thế giới (Theo quy ước của Hiệp hội Hoa lan thế giới, 3 năm tổ chức hội nghị một lần).

Hoa đã đẹp và lạ, mà cách trình bày lại rất ấn tượng, bắt mắt. Khách tham quan đông đến hàng ngàn người phải xếp hàng nối đuôi nhau chờ xe buýt phục vụ miễn phí chở từ vịnh Marina vào khu triển lãm trong vùng Vườn Vịnh (Gardens by the Bay) rộng mênh mông, cùng đủ sắc màu, quốc tịch. Nhiều người trên tay lỉnh kỉnh máy chụp ảnh cùng đồ nghề loại cực xịn. Hình như chỉ có vợ chồng tôi là người Việt Nam với cái máy ảnh “bèo” nhất.

Không khí giáng sinh ở khu thương mại Singapore.        Ảnh: Bùi Thuận
Không khí giáng sinh ở khu thương mại Singapore. Ảnh: Bùi Thuận

Singapore đi trước Việt Nam 1 tiếng đồng hồ và thời tiết nóng nực hơn nhiều so với Đồng Nai, thế nhưng trên đường phố lại rất xanh mát nhờ nhiều hàng cây đan xen nhau tỏa bóng. Mùa này, các dãy ngăn cách trên đường cao tốc, đại lộ, công viên, hè phố ở Singapore rực rỡ sắc đỏ của một loài hoa lạ, bông kết thành chùm trên đầu ngọn giống như hoa trang, nhưng cây thấp và lá nhỏ. Còn hai bên thành cầu vượt trên mọi nẻo đường ở Sing thì lơ lửng màu tím Huế thật hết sức duyên dáng, lãng mạng của một loại bông giấy mới lai tạo có tên tiếng Anh là Singapore Pink. Chiều vừa tắt nắng, có khá nhiều người cao tuổi thả bộ dọc theo những con đường nhỏ nằm dưới mấy hàng cây cổ thụ già cỗi bám đầy dương xỉ, địa y… một cách khá thong dong. Người già, khuyết tật ở Singapore rất được coi trọng. Lên xe bus, tàu điện ngầm đều được người nâng đỡ, nhường chỗ ngồi; vào xem triển lãm hoa lan thế giới chỉ mua vé 5 SGD (bằng 1/3 vé thông thường), vào vườn lan quốc gia trong tổng vườn Botanic (Singapore Botanic Gardens) chỉ mua vé có 1 SGD, trong khi khách bình thường phải trả đến 5 SGD. Ở những nơi, coi cả ngày vẫn chưa muốn ra này, tôi thấy khá đông người lớn tuổi luôn nhìn ngắm cỏ cây, hoa lá với vẻ mặt hân hoan, hớn hở.

* Tá hỏa vì… thứ gì cũng mắc

Ở Singapore, chỉ cần bỏ ra 20 SGD mua một vé City tour có giá trị đến 24 tiếng đồng hồ là có thể ngồi lên chiếc xe bus sơn màu sặc sỡ chạy khắp các điểm tham quan du lịch và ghé vào nơi nào ưa thích la cà cho đã rồi leo lên chiếc xe khác cũng của cùng hãng đi tiếp. Trên đại lộ Orchard, được xem là “Thiên đường mua sắm” ở Singapore, tôi hết sức bất ngờ khi thấy mới vào hạ tuần tháng 11 mà không khí “Merry Christmas and Happy New Year” đã tràn ngập nơi đây với những tháp chuông đèn, cây thông cách điệu trang hoàng lộng lẫy, sáng rực cả mấy trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Trong khi đó, phía đông thành phố, con đường Geylang - “phố đèn đỏ” nổi tiếng của Singapore vẫn thấp bé, trầm lặng ban ngày và sôi động vào lúc nửa đêm về sáng với đội ngũ gái đứng đường có đủ quốc tịch, màu da... Lang thang hết phố Tàu (China Town) đến Tiểu Ấn Độ (Little India), làng Hà Lan (Holland Village)… những nơi luôn thu hút đông đảo khách du lịch, nhiều nhất là dân Âu, Mỹ, Nhật, tôi để ý là sau khi dạo bộ chán chê họ vào quán ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ với một chai bia. Nhìn bảng giá, tôi tá hỏa thấy giá một chai bia đến 20 SGD, thảo nào ở cửa hàng miễn thuế trong sân bay Changi, người ta bán cho mỗi du khách 6 lon bia Tiger với giá 14 SGD và buộc phải trình passport tại quầy tính tiền. Cách “đập mạnh” thuế vào rượu, bia ở Singapore coi vậy mà hay; mấy ngày ở đây đi được vài nơi, tôi không tìm đâu ra được cái cảnh đầy “tình thương mến thương” như ở Việt Nam mình, “chơi tăng 2 cũng phải 2 thùng!”. Mỗi địa danh du lịch này đều có khu ẩm thực với những món ăn mang bản sắc riêng, từng món đều ghi rõ tên, thành phần, giá tiền rất rành mạch. Khách tha hồ chọn lựa, không ai mời mọc, lôi kéo gì cả. Mỗi món tương đương với một bữa ăn có giá từ 4 đến 5, 6 SGD, tính ra một bữa ăn mỗi người tốn khoảng 100.000 VNĐ. Đó là bữa ăn bình dân, còn các nhà hàng đặc sản ở China Town với những món súp cua, cháo ếch hay nhục can (bakkwa) nổi tiếng, thì vợ chồng tôi đều thống nhất cao với quyết tâm không… thèm vào. Đã vậy, vợ tôi còn kêu trời khi nhẩm tính 1 chai nước giá 2 SGD, tức là bằng 34 ngàn đồng Việt Nam nên “nghị quyết” phải tiết kiệm bằng cách mỗi ngày một người chỉ được uống một chai nước, và… “no coffee, no beer, no… anything!”. Suýt tí nữa tôi trở thành người Singapore: ăn ít, uống ít, đi hấp tấp, vội vã, làm việc nhiều. Người Sing ra đường đi cứ như chạy, thế nhưng họ rất sẵn sàng chỉ dẫn khách lạ. Chúng tôi từng được mấy thanh niên dẫn đến trạm metro xa đến trên 500m phải băng qua nhiều dãy phố, rồi đưa xuống tận đường hầm, mua vé giùm qua máy… Những người Sing mà tôi hỏi đường, nhờ chỉ giùm cách thức trả tiền xe bus, cách mua vé, đổi trạm trên metro… đều thân thiện, tận tình. Và, tôi cũng rút ra bài học là nên hỏi người trẻ, bởi họ nói tiếng Anh rất tốt, còn người lớn tuổi thì quá nhiệt tình nói huyên thuyên tiếng Anh theo kiểu Singlish càng nghe càng... hổng biết.

Trên đại lộ Ochard.   Ảnh: Bùi Thuận
Trên đại lộ Ochard. Ảnh: Bùi Thuận

Tôi chưa kịp trở thành người Sing, thì bản chất lề mề cố hữu của người Việt đã làm cho tôi gặp… sự cố. Do mải mê lang thang ngắm cảnh, ngắm người, chúng tôi ra sân bay trễ gần 1 giờ, so với quy định là phải có mặt để kiểm tra thủ tục trước khi ra máy bay 2 giờ, nhân viên hàng không kiên quyết không cho chúng tôi ra tàu, mặc dù tôi cố giải thích là còn đến 1 giờ nữa máy bay mới cất cánh. Vợ tôi hồn phách lên mây và sau cùng đành móc 200 SGD cuối cùng định dành mua quà cho bạn bè, người thân ra để “book” 2 vé trong chuyến bay ngày hôm sau. Chuyện ở lại Singapore thêm một ngày nữa với chỉ vài chục SGD dính túi ở cái xứ thứ gì cũng mắc, quả cũng là chuyện… nhỏ, nếu không có sự giúp đỡ của đồng hương.

Bùi Thuận

 

 

 

Tin xem nhiều