Báo Đồng Nai điện tử
En

Những “nghệ sĩ” mưu sinh nơi… đường phố

08:12, 12/12/2011

Họ cũng có “show” diễn đều đặn vào mỗi đêm, khi đèn phố vừa lên đèn. Có điều, sân khấu của họ chỉ là lề đường, ở các quán nhậu và cát-sê chỉ là tiếng vỗ tay, cái gật đầu ủng hộ mua thanh kẹo kéo, vỉ sing-gum, hay tờ vé... số của các thực khách đang say sưa “chén chú chén anh”.

Họ cũng có “show” diễn đều đặn vào mỗi đêm, khi đèn phố vừa lên đèn. Có điều, sân khấu của họ chỉ là lề đường, ở các quán nhậu và cát-sê chỉ là tiếng vỗ tay, cái gật đầu ủng hộ mua thanh kẹo kéo, vỉ sing-gum, hay tờ vé... số của các thực khách đang say sưa “chén chú chén anh”.

Với chiếc xe máy cũ kỹ cùng bình ắc quy chạy điện cho dàn loa thùng đã xuống cấp, đêm đêm họ vẫn miệt mài mua vui cho đời qua những điệu nhảy, câu hát ngọt ngào, màn diễn xiếc độc đáo…

* Sân khấu là quán nhậu

Dừng xe trước quán Ốc Lùn (trên đường Trương Định, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), Phong nhanh chóng mở nhạc to hết cỡ và huơ tay chân nhún nhảy cùng những điệu nhạc sôi động phát ra từ chiếc máy hát cũ kỹ trên xe. Cùng lúc đó, Lý nhanh nhảu lôi những vỉ sing-gum từ trong giỏ ra rồi bước đến các bàn nhậu mời khách ủng hộ. Mọi ánh mắt bắt đầu dồn về phía Phong và Lý, có người ra vẻ thích thú nhưng cũng không ít người tỏ vẻ khó chịu. Sau một hồi đi lòng vòng mời khách, Phong cũng được một nhóm thanh niên hưởng ứng với điều kiện “cạn hết ly cho thắm tình bằng hữu”. Nốc cạn ly bia, Lý được cả đám tán dương và mua một lúc chục vỉ sing-gum với giá 50 ngàn đồng để “trả công”.

Múa hát dạo quanh các quán nhậu để bán hàng là công việc của những “nghệ sĩ đường phố”.
Múa hát dạo quanh các quán nhậu để bán hàng là công việc của những “nghệ sĩ đường phố”.

Lúc này, một nhóm khách đang hồi “tê tê” xấn lại gần Lý và Phong với giọng lè nhè: “Yêu cầu  hai “nghệ sĩ” trổ tài hát múa minh họa. Hát hay tui mua hết số sing-gum đang cầm trên tay luôn”. Biết khách đã xỉn nhưng sợ làm mất lòng mọi người, phần vì sợ chủ quán không cho bán nữa nên Phong đành bước ra xe mở nền nhạc trữ tình rồi cầm micro hát liên tiếp 3 bài. Trong lúc Phong đang thả hồn vào bản nhạc, một vị khách bất ngờ lao đến giật micro khiến mọi người cười phá lên, riêng “nghệ sĩ” Phong mặt sượng trân vì ngượng. Phong cho biết: “Có lúc tôi cũng có ý định bỏ nghề vì thấy mình không được mọi người tôn trọng. Nhưng cứ nghĩ đến lúc không được hát hò lại thấy buồn nên đành bỏ qua hết những buồn tủi”.

Vừa nói xong, Phong đưa mắt nhìn về hướng chiếc xe cub “cà tàng” của hai cha con “nghệ sĩ xiếc” bán kẹo kéo đang từ đường Dương Tử Giang rẽ vào. Để “đồng nghiệp” kịp kiếm chút cơm cháo, Phong vẫy tay ra hiệu cho Lý mau chóng rút lui để cha con nhà “nghệ sĩ xiếc” trổ tài trước mọi người. Chiếc xe Dream của Phong và Lý vừa mất hút, không khí quán nhậu lại tiếp tục náo nhiệt với màn trình diễn xiếc của người đàn ông chừng 40 tuổi cùng đứa bé trai bán kẹo kéo.

Lúc này, ánh mắt tò mò của khách nhậu trong quán đổ dồn về phía người đàn ông cầm hai cây sắt dài, đầu mỗi thanh đều được thắt cuộn tròn bằng tim đèn có tẩm sẵn dầu hỏa. Đã quá quen thuộc với màn biểu diễn, đứa bé trai bước đến gần và châm lửa cho cuộn đuốc cháy sáng một góc đường. Người đàn ông trụ chân theo dạng đứng tấn, hai tay cầm hai thanh lửa múa lên xuống, miệng không ngừng hô vang để thu hút đám đông. Trong quán, mọi người vẫn điềm nhiên ngồi nâng ly, mặc cho sự cố gắng của hai cha con nhà “nghệ sĩ xiếc” đang đến hồi gay cấn.

Lần lượt 2 ngọn đuốc được dập bởi miệng của người đàn ông, nhưng không có đến một tiếng vỗ tay. Vẻ mặt buồn so, nhưng hai cha con họ cũng cố cầm các thanh kẹo kéo đến từng bàn mời khách. Vừa bán cậu nhóc vừa chìa tay xin tiền thưởng, nhưng đáp lại là những câu nói vô hồn: “Có thấy gì đâu, diễn lại coi thấy hay rồi tui mới thưởng chứ”. Cầm những đồng tiền lẻ trên tay, hai cha con người bán kẹo kéo bước lên xe và khuất dần trong bóng đêm, sau lưng họ là cảnh cụng ly náo nhiệt của mọi người.

* Trầy trật mưu sinh

Dẫu biết ca hát, nhảy múa, diễn trò… sẽ náo động cả một góc phố, nhưng đó là cách duy nhất để những “nghệ sĩ đường phố” thu hút sự chú ý của mọi người để nhằm bán được thanh kẹo kéo, vỉ sing-gum... Nhưng đôi lúc, công sức của họ lại bị những vị khách phủ nhận.

Khoảng 17 giờ mỗi ngày, tại các quán nhậu dọc hai bên đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) thường xuất hiện một thanh niên gần 30 tuổi vào vai chú hề với chiếc mũi đỏ hỏn và cái mũ sắc màu rực rỡ đội phía trên đỉnh đầu. Theo lời “chàng hề”, trước đây anh thường lui tới các quán nhậu vùng ven Sài Gòn để bán bong bóng dạo. Sau này, đất sống bị cạnh tranh khốc liệt quá nên anh trôi dạt về Đồng Nai để mưu sinh bằng nghề tạo hình cho những chiếc bong bóng. Với đôi tay nhuần nhuyễn, chẳng mấy chốc, những chú vịt, sư tử… bong bóng được anh tạo ra và bán cho mọi người với giá từ 10-20 ngàn đồng/chiếc. “Chàng hề” tâm sự: “Thấy dễ vậy thôi chứ làm khó lắm. Có hôm bán mãi đến khuya mà chỉ được 1-2 cái, chưa kể mấy đứa nhóc hễ thấy tôi là kéo áo và bóp bể bong bóng”.

Để bán được những vỉ sing-gum, họ phải nhọc nhằn bán đi vị ngọt cuộc đời và mua về đắng cay cho riêng mình.
Để bán được những vỉ sing-gum, họ phải nhọc nhằn bán đi vị ngọt cuộc đời và mua về đắng cay cho riêng mình.

Còn Phong và Lý, sau khi rời khỏi quán Ốc Lùn, cả hai lại tìm đến các quán nước giải khát - sinh tố dọc bờ sông ở đường Nguyễn Văn Trị (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa). Vẫn chiêu thức bật nhạc nhảy nhót để “đồng nghiệp” tranh thủ bán sing-gum, nhưng để “câu” thêm nhiều khách, lần này cả hai quyết định diễn “ảo thuật” với chai nước. Tiếng vỗ tay không ngớt vang lên sau màn trình diễn, Phong không giấu được vẻ hả hê: “Mỗi lần thấy mọi người vỗ tay tụi em thích lắm. Cứ y như mình đang biểu diễn trên sân khấu thực thụ vậy đó”.

Quê tận Bình Thuận, nhà lại đông anh em nên từ bé Phong phải xa quê để mưu sinh nơi xứ người. Ban ngày, Phong và Lý làm thợ sửa xe với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng ở quận 12 (TP.Hồ Chí Minh). Chiều đến, cả 2 tất bật đi lấy hàng và chuẩn bị sửa sang lại thùng đồ nghề trước lúc đi “lưu diễn”. Toàn bộ dàn loa, thùng, bình ắc-quy, micro… được cả 2 hùn vốn mua ở chợ Nhật Tảo với giá gần 10 triệu đồng. Lý cho biết: “Mỗi ngày tụi em phải xuất phát từ 4 giờ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau mới về đến nhà. Tụi em chịu cực vậy là bởi mình làm không chỉ vì tiền mà còn vì thú vui được sống với công việc mình thích”.

Nhưng đôi lúc, cuộc mưu sinh của những “nghệ sĩ đường phố” gặp không ít phiền muộn do bị “đạo chích” quấy rầy. “Có hôm về khuya em bị tụi giang hồ hỏi thăm, xin tiền. Không cho thì bị đánh, mà đưa thì xem như hôm đó công toi suốt đêm” - Phong tâm sự giọng bùi ngùi.

Hơn 22 giờ đêm nhưng trên tay Phong và Lý vẫn còn nhiều vỉ sing-gum. Cả hai hớp vội một ít nước mang theo rồi mau chóng lên xe đến một quán khác để tiếp tục cuộc mưu sinh vất vả của những “nghệ sĩ đường phố”.

Tùng Minh

  

 

 

Tin xem nhiều