Từ mớ gạch, cát hỗn độn, những người thợ hồ, thợ sơn nước và làm trần thạch cao đã “hóa phép” để chúng trở thành những hình khối mang tính mỹ thuật đặc sắc. Công việc dẫu khó nhọc, thậm chí nguy hiểm, nhưng họ vẫn lặng lẽ bám trụ với nghề và làm nên biết bao công trình giúp ích cho đời.
Từ mớ gạch, cát hỗn độn, những người thợ hồ, thợ sơn nước và làm trần thạch cao đã “hóa phép” để chúng trở thành những hình khối mang tính mỹ thuật đặc sắc. Công việc dẫu khó nhọc, thậm chí nguy hiểm, nhưng họ vẫn lặng lẽ bám trụ với nghề và làm nên biết bao công trình giúp ích cho đời.
Trong cái nắng khô hanh của tiết trời lập Xuân, tôi tìm đến những công trình xây dựng đang trong hồi nước rút, nơi có những người thợ sống xa quê đang miệt mài lao động để trọn ước nguyện về cái Tết sum vầy, hạnh phúc…
* Những “kỹ sư” không bằng cấp
Khuất sâu trong con hẻm nhỏ của khu phố 4, phường Tân Hiệp, một nhóm thợ xây, thợ tiện, sơn nước… đang tất bật chạy đua với thời gian để kịp ngày bàn giao nhà cho chủ. Ngó xung quanh, chỉ trừ một số tiểu tiết nhỏ, còn lại mọi thứ đã gần như hoàn chỉnh. Phía trên giàn giáo, những mảng gỗ chỏng chơ vắt chéo vào nhau như thể bật tung ra bất kỳ lúc nào, nhưng hai người thợ sơn nước vẫn đứng rất vững vàng. Anh Dương Văn Sỹ, 29 tuổi, cho biết: “Ban đầu đứng giàn giáo thấy sợ lắm, nhưng làm riết rồi cũng quen”. Miệng nói nhưng hai tay của Sỹ vẫn không ngơi lăn những vệt sơn quanh tường.
Những ngày gần tết là dịp để những người thợ sơn nước có thêm thu nhập từ việc “thay màu áo mới” cho tường nhà dân. |
Theo lời của Sỹ, anh theo nghề công trình xây dựng tính đến nay cũng đã hơn 7 năm. Quê anh ở tận Thanh Hóa. Sỹ tâm sự: “Lúc mới vào Nam, tôi chẳng biết phải sinh sống bằng nghề gì. Thấy nhiều người cần lao động phụ hồ, tôi xin vào làm. Nghề dạy nghề, ban đầu lúng túng với chân sai vặt, giờ thì tôi cũng đã trở thành một thợ chính chuyên về sơn nước”. Nói một hồi, Sỹ dừng tay và nhanh chóng leo xuống giàn giáo để “rít” điếu thuốc. Khắp người anh dính đầy bột trét màu trắng và xi măng.
Cạnh đó, anh Biển Văn Hùng, 40 tuổi, cũng ngót nghét gần chục năm làm thợ xây khẽ thở dài: “Hai ngày nữa giao nhà rồi, chẳng biết kịp không nữa. Điệu này chắc tối nay phải làm thêm giờ”. Cũng như Sỹ, ban đầu anh Hùng cũng là dân “ngoại đạo” với nghề xây dựng. Vì miếng cơm manh áo cho gia đình, các anh bỏ ra nhiều năm trời vừa làm vừa học nghề hằng mong ngoi lên với đời. Anh Hùng chỉ mới học tới lớp 4, chữ viết thì nguệch ngoạc, nhưng về các bản thiết kế, đo đạc nhà cửa, anh tỏ ra khá am tường. “Có lẽ thấy tôi chịu thương chịu khó làm việc nên trời phú cho ít chất xám ấy mà” - giọng anh đầy tự hào.
Để minh chứng điều mình nói, Hùng đưa ra nhiều bản vẽ và hình chụp những “tác phẩm” do anh và các đồng nghiệp kiến tạo nên. Hùng cho hay: “Làm nghề này dẫu cực nhưng được cái không gò bó thời gian. Hồi trước, chủ thầu thường tính công theo ngày, giờ họ thường giao khoán, mình làm nhanh thì rút ngắn được thời gian, tiền cũng nhiều hơn”. Theo lời anh Hùng, phần lớn những thợ làm công trình thường sống bằng kinh nghiệm trong nghề. Rất ít người trong số đó được ăn học đến nơi đến chốn, bởi làm những công việc nặng nhọc đâu đòi hỏi trình độ. Có chăng khi trở thành chủ thầu, họ sẽ đi học thêm rồi mày mò kiến thức từ khắp nơi để bổ sung “chất xám” và nâng cao tay nghề.
* Đâu phải ai cũng thế...
Dẫu thu nhập cũng thuộc dạng khá, nhưng phần lớn những lao động công trình thường bất an về cuộc sống của mình. Bởi, đâu phải lúc nào cuộc sống của họ cũng “xuôi chèo mát mái” như những ngày cận Tết. Anh Hùng ngoái cổ vọng xuống phía dưới giàn giáo: “Ra Tết ít ai sửa nhà lắm, lúc đó tụi tôi thường kiếm việc khác để làm. Năm nào cũng vậy, nên từ tháng 9 trở đi, tụi tôi thường làm xen kẽ nhiều công trình mới có dư để gửi tiền về quê cho gia đình ăn Tết chứ”.
Rời công trình dân dụng của anh Hùng, tôi tìm đến một địa chỉ khác nằm tại khu phố 7, phường Tam Hiệp. Tại đây, anh Lê Bá Thọ, 30 tuổi, quê ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ đang đưa từng đường cọ vào những khung cửa sắt xù xì để “hô biến” chúng giống như những khung gỗ nhẵn mịn. Hỏi về ước mơ của anh trong ngày đầu năm mới, Thọ đỏ mặt, cúi đầu. Cạnh đó, chú Nguyễn Văn Thanh, 50 tuổi, chọc ghẹo: “Nó đi làm mà không dám xài, cứ tích góp gửi tiền về nhà nhờ mẹ giữ giùm để sau này cưới vợ đó”.
Ông Thanh nói xong, cả đám người đang làm gần đó phá lên cười giòn tan. Dân công trình là thế, dẫu vất vả, cực nhọc, nhưng họ không thiếu vắng được nụ cười và niềm mong mỏi về một tương lai đẹp, một hạnh phúc cho ngày đầu Xuân. Chú Thanh còn khoe: “26 Tết này tôi đón xe về quê Quảng Bình. Về ngày cận Tết, giá vé cao lắm nhưng ráng tranh thủ ở lại để kiếm thêm chút đỉnh tiền về nhà lì xì cho con cháu”. Trong câu nói của ông, tôi nghe được nỗi khao khát và nỗi nhớ quê hương của những người xa xứ.
Nghe Thọ kể lại, tháng trước chú Thanh bị té giàn giáo, phải nhập viện cả tuần nhưng không dám báo tin cho vợ con hay. Thấy ông cũng có tuổi, sức khỏe không như đám thanh niên nên sau khi xuất viện chủ công trình chỉ giao cho ông những việc lặt vặt. Sợ ảnh hưởng đến thu nhập, ông một mực đòi làm bằng được những công việc trước đây, vì với những người phụ công trình “lúc ngơi tay coi như là thất nghiệp”. Những nếp nhăn in trên vầng trán ông cứ thế dày lên theo năm tháng, nhưng để có một cái Tết ấm cúng như bao gia đình, những người như ông sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được những gói quà Xuân mang về cho gia đình… đón Tết!
Tùng Minh