Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Kỹ năng bảo vệ: Không có cũng chẳng sao

09:01, 31/01/2012

Để có được hợp đồng với đối tác, không ít Công ty dịch vụ bảo vệ (gọi tắt công ty bảo vệ) tuyển dụng nhân viên sơ sài và không đào tạo nhân viên theo quy định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều bảo vệ làm bậy hoặc móc nối với kẻ xấu giở trò “đạo chích”…, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các nhân viên bảo vệ làm ăn chân chính.

Để có được hợp đồng với đối tác, không ít Công ty dịch vụ bảo vệ (gọi tắt công ty bảo vệ) tuyển dụng nhân viên sơ sài và không đào tạo nhân viên theo quy định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng có nhiều bảo vệ làm bậy hoặc móc nối với kẻ xấu giở trò “đạo chích”…, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các nhân viên bảo vệ làm ăn chân chính. Trong những ngày thực tế đi làm bảo vệ, chúng tôi không khỏi bất ngờ và lo lắng về quy trình tuyển dụng nhân viên của một số công ty bảo vệ hiện nay.

Không cần kỹ năng nghiệp vụ, chỉ với giấy chứng minh nhân dân photo, chúng tôi đã trở thành nhân viên của một công ty bảo vệ. Không riêng gì công ty này, hiện một số công ty bảo vệ trên địa bàn TP.Biên Hòa có cách tuyển dụng nhân viên khá sơ sài nhằm “gom” đủ số người đáp ứng hợp đồng với các đối tác.

* Dễ dàng được nhận

Được người quen giới thiệu, chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty bảo vệ Q.S. (trụ sở ở phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) xin việc. Nhìn chúng tôi một lượt từ trên xuống dưới, ông Toàn liền hỏi: “Em làm bảo vệ lần nào chưa?”. Thấy chúng tôi bối rối, ông Toàn tiếp lời: “Chưa làm thì chỉ vài giờ là biết ngay thôi. Nghề này bây giờ là dễ nhất. Không cần bằng cấp, kỹ năng gì cả, chỉ có điều hơi ít tiền và phải tuân thủ nội quy, không được bỏ chỗ làm hoặc ngủ trong giờ làm…”.

Công ty bảo vệ T.K.H. phối hợp với Công an tỉnh tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên. Theo quy định, các nhân viên bảo vệ không chỉ đảm bảo trình độ văn hóa, tư cách đạo đức, mà còn phải được huấn luyện về kỹ năng nghiệp vụ. (Ảnh mang tính chất minh họa).
Công ty bảo vệ T.K.H. phối hợp với Công an tỉnh tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên. Theo quy định, các nhân viên bảo vệ không chỉ đảm bảo trình độ văn hóa, tư cách đạo đức, mà còn phải được huấn luyện về kỹ năng nghiệp vụ. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Mức lương mà giám đốc Toàn đưa ra là 1,9 triệu đồng/tháng nếu chúng tôi đi làm ca 8 tiếng/ngày; còn nếu chịu làm ca 14 tiếng/ngày, lương tháng 2,4 triệu đồng; làm 16 tiếng/ngày, lương tháng 5 triệu đồng. Chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn với mức lương vừa nêu thì ông Toàn động viên: “Nói tiếng làm bảo vệ chứ ngồi chơi xơi nước, không động chân tay thì khác gì ngồi chơi có tiền. Làm một thời gian lên chức tổ trưởng bảo vệ thì lương của em sẽ khá hơn”.

Khi chúng tôi tỏ vẻ xiêu lòng, giám đốc Toàn gọi người đem một cuốn sổ ghi hàng trăm cái tên nhân viên trong công ty. Nói rồi, giám đốc Toàn lật từng trang trong cuốn sổ và khoe nguồn nhân viên công ty, khiến chúng tôi phải giật mình: “Nhân viên của công ty đủ thành phần, từ công nhân cho đến nông dân. Có người già rồi ở nhà rỗi quá cũng xin vô làm kiếm lương tiêu. Có ông bị tai nạn mất sức cũng làm”...

Để được nhận vào công ty của giám đốc Toàn, hồ sơ cần có của chúng tôi chỉ là bản photo chứng minh nhân dân. Chúng tôi thắc mắc vì điều kiện công ty đưa ra quá sơ sài, thì giám đốc Toàn xua tay nói: “Vậy đủ rồi, mấy cái hộ khẩu, đơn xin việc rườm rà mất thời gian”. Nói đoạn, ông quay sang thuyết giảng về nghiệp vụ bảo vệ, nhưng nói mãi cũng chỉ xoay quanh một vấn đề: “Làm bảo vệ cái quan trọng là phải trung thực, chứ thông đồng với bên ngoài trộm cắp thì trước sau cũng bị bắt”. Sau nửa tiếng nói chuyện nghề nghiệp và những quy tắc của công ty, ông Toàn nhấc máy gọi cho một công ty đang cần tuyển bảo vệ, hẹn một tiếng sau sẽ đến bàn giao người.

Xong đâu đấy, ông Toàn dẫn chúng tôi đến một công ty nằm sâu trong hẻm ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa). Gọi là công ty cho oai, chứ thật sự đây là một kho hàng vật liệu xây dựng chất ngổn ngang. Để chúng tôi đợi bên ngoài, ông Toàn vào trao đổi với người quản lý kho. Năm phút sau, chúng tôi được gọi vào trình diện. Người quản lý này thậm chí không cần nhìn mặt chúng tôi, vừa cặm cụi vào đống giấy tờ trên bàn, ông này vừa nói: “Chỗ này đã có một người giữ kho, em xuống đó rồi hai người phân công nhau làm”.

* Không cần kỹ năng

Sợ mình chưa có kỹ  năng võ thuật hay kinh nghiệm mà đi làm bảo vệ cho một kho hàng lên đến hàng tỷ đồng sẽ gặp khó, nên chúng tôi tâm sự với Kha, người làm chung. Chưa nghe hết câu, Kha đã cười phá lên: “Yên tâm đi, anh cũng như em thôi. Tới giờ là tròng cái áo vô rồi ngồi nhìn ra đường thôi. Có chuyện gì thì mình gọi người tới, hay la lớn cho người dân họ biết thì kẻ trộm tự khắc sợ mà bỏ chạy”.

Dù được Kha động viên nhưng chúng tôi vẫn không yên tâm, vì lỡ có băng trộm nào mò vào thì hai gã bảo vệ “cành khô” chẳng biết xử lý thế nào. Bắt được ý nghĩ của chúng tôi, Kha trấn an: “Lỡ có vậy thì gọi điện báo về công ty. Còn không kịp thì cứ ngồi yên cho chúng trộm chứ biết làm sao bây giờ. Dại gì mà nhảy vào cho chúng nó đánh”.

Ngày đầu làm việc, chúng tôi phân nhau trực từ 7-19 giờ, làm ca 12 tiếng. Ngoài công việc mở cổng cho xe ra vào, chúng tôi chỉ việc ngồi quan sát. Kha nói: “Làm chỗ này chỉ mệt khi xe vô lấy hàng, phải kiểm tra phiếu xuất. Thời gian còn lại hầu như không làm gì”. Gần trưa, thấy Kha dẫn mình đi dọc theo phía tường rào của nhà kho, tôi thắc mắc thì Kha ra dấu im lặng rồi khẽ giọng: “Lại chỗ quán đối diện làm ly nước”. “Không sợ công ty kiểm tra sao?” - chúng tôi lo lắng hỏi. “Họ chỉ tới lúc xế chiều thôi, giờ họ còn bận làm việc khác” - Kha tự tin đáp.

Thấy Kha ngồi “làm ly nước” hơn nửa giờ mà vẫn chưa chịu rời khỏi quán nên chúng tôi sốt ruột giục anh cùng về canh kho thì Kha từ tốn nói: “Cái kho rộng thế kia, thằng ăn trộm vô rồi ra cũng cả tiếng mới xong. Mà ban ngày thì thằng nào dám mò vô. Em đừng có rối lên”. Thế là chúng tôi đành ngồi thêm với Kha hơn 20 phút nữa.

Hai hôm sau, chúng tôi được phân công trực ca đêm. Thời gian trực từ 19 giờ đến 7 giờ sáng. Dụng cụ chúng tôi được cung cấp chỉ là chiếc đèn pin cầm tay và liên lạc với nhau bằng… điện thoại cá nhân. Lúc này, Kha đưa cho chúng tôi một thanh gỗ rồi nói: “Cái này để… hù mấy thằng ăn trộm”. Cầm thanh gỗ nhẹ tênh trên tay, chúng tôi hỏi giọng ngây ngô: “Không có roi điện à ? Lỡ kẻ gian có mã tấu...?”. “Thì chạy chứ biết sao” - Kha đáp tỉnh bơ.

Bảo vệ ngủ trong ca trực là chuyện rất đỗi thường tình. (Ảnh mang tính chất minh họa).
Bảo vệ ngủ trong ca trực là chuyện rất đỗi thường tình. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Làm việc chung với Kha được 2 ngày, chúng tôi học được khá nhiều bí kíp của nghề bảo vệ. Ví như, đêm nào Kha cũng treo thêm một chiếc áo gần cửa sổ nơi bàn làm việc để nhìn từ xa trông như có hai người đang trực (dù chỉ có một người). Cách này của Kha vừa để phòng kẻ gian, vừa phòng người của công ty bảo vệ đi kiểm tra nhân viên có chấp hành nghiêm nội quy trong lúc làm việc hay không. Tuy vậy, Kha vẫn nói nhỏ với chúng tôi: “Phòng người ngay chứ không phòng được kẻ gian”. Câu nói của Kha khiến chúng tôi không khỏi lo lắng.

Hai giờ sáng, chúng tôi và Kha đều buồn ngủ. Hai người im lặng một chút thì đều ngủ gục. Giật mình, Kha lay chúng tôi dậy, vội nhìn đồng hồ, chỉ 2 giờ 30. Kha kéo chúng tôi đi một lượt kho hàng rồi thở phào: “May chưa có sao”. Tôi hỏi: “Lỡ bên công ty tới kiểm tra rồi trừ tiền công thì sao?”. “Người cùng nghề hiểu nhau cả nên chú mày cứ yên tâm” - Kha nói. Theo quy định thì cả hai cùng thức để lỡ có gì ứng biến, nhưng giờ Kha là “ma cũ” nói vậy nên chúng tôi chỉ biết lặng im làm theo.

Minh Trung - Tùng Minh

 

 

 

Tin xem nhiều