Với nhiều gia đình hiện nay, cái bếp lò nấu củi giờ chỉ còn là chuyện quá khứ. Thế nhưng, vẫn còn đó những người mỗi ngày cặm cụi lấy củi để kiếm sống qua ngày.
Với nhiều gia đình hiện nay, cái bếp lò nấu củi giờ chỉ còn là chuyện quá khứ. Thế nhưng, vẫn còn đó những người mỗi ngày cặm cụi lấy củi để kiếm sống qua ngày.
Từ khi chưa lấy chồng, đến nay 2 con đã lớn, công việc của chị Huấn vẫn là lấy củi mang ra phố bán để nuôi sống gia đình. Không riêng gì chị Huấn, nhiều người dân ở huyện Nhơn Trạch vẫn sống bằng nghề đi lấy củi.
* Chị huấn lấy củi
Đến ấp 1, xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), hỏi thăm chị Huấn làm nghề lấy củi thì ai cũng biết, bởi chị làm đã mấy chục năm nay. Căn nhà của chị Huấn nằm sâu phía trong con đường liên xã. Dưới những tấm tôn lợp tạm bợ trên bốn bức tường gạch còn nham nhở là nơi chị Huấn cùng chồng và 2 con trú ngụ. Cảnh cơ hàn này đối với gia đình chị đã là chuyện của hàng chục năm nay, bởi trong cái gia đình ấy chỉ có mình chị tần tảo mưu sinh. Chồng chị sau khi xuất ngũ bị bệnh nên từ lâu không làm được gì có tiền. “Mấy năm nay, nhờ được nhận vào làm tạp vụ ở Trường THPT Phước Thiền nên tui còn có mặt ở nhà cơm nước cùng chồng con. Trước đây, khi chưa xin làm tạp vụ ở trường học, một tháng 30 ngày tui đều đi lấy củi bán” - chị Huấn bắt đầu câu chuyện về nghề của mình một cách rành rọt.
Chị Huấn bên “người bạn đồng hành” là chiếc xe đạp cà tàng. |
18 tuổi, chị Huấn đã thạo công việc đi lấy củi mưu sinh. Hồi đó, ngày nào chị cũng theo cha vào các lô cao su ở Bình Sơn, Cẩm Đường (huyện Long Thành) và An Viễn (Trảng Bom) để lấy củi khô mang về bán. Sau này, khi đã lập gia đình, chồng đi bộ đội, một mình ở nhà nuôi con, chị Huấn cũng chỉ có độc cái nghề lấy củi kiếm sống. Đã hơn 20 năm trôi qua, cái nghề “cha truyền con nối” đó vẫn bám riết lấy cuộc đời chị như cái khó vẫn luôn đeo đẳng chưa chịu buông, dù chị đã gần bước sang cái tuổi ngũ tuần.
Nói đến những tháng ngày cơ cực, chị Huấn tiếp tục câu chuyện bằng giọng trầm hơn: “Với chiếc xe đạp cà tàng, sáng nào tôi cũng thức dậy lúc 2-3 giờ để lo cơm nước cho chồng, con rồi mới lên đường đi lấy củi. Ngày trước, dân ở khu vực này đi lấy củi đông như đi hội, nhưng nay thì chỉ còn mấy người theo nghề thôi. Riêng ở khu vực này, giờ chỉ còn tôi và bà Hai Dư (đã hơn 60 tuổi) vẫn còn bám trụ với công việc”. Bằng cái nghề lấy củi, một mình chị Huấn đã lo cho hai con ăn học, cũng như chăm lo cho người chồng thường xuyên đau ốm. Nay các con đã lớn, đứa lớn đi làm có đồng ra đồng vào nên chúng cũng khuyên mẹ nghỉ làm để giữ gìn chút sức lực. Thế nhưng, chị Huấn nói, nghề lấy củi như cái nghiệp của mình, phải làm đến khi nào không thể làm được mới thôi. “Mình nghỉ một bữa thì cũng chẳng sao, nhưng để mối của mình không có củi chụm thì thấy kỳ lắm” - chị Huấn giãi bày.
Mối bán củi của chị Huấn toàn là chỗ quen biết, họ đều là những người bán hàng ăn mỗi ngày nên rất cần củi đốt lò. Cứ theo vòng tròn, chị bỏ mối cho người này xong sẽ xoay tua đến người kia, khi tìm được mớ củi mới. Cứ mỗi chuyến như vậy, người ta trả cho chị khoảng bảy tám chục ngàn đồng. Có người thấy hoàn cảnh chị khó khăn thì cho thêm mấy chục ngàn đồng, chứ chị cũng chẳng mấy khi phải làm giá.
* Buồn vui chuyện nghề
Đã hàng chục năm bám riết lấy cái nghề mà ít người để ý này, chị Huấn cũng như những người đi hái củi mưu sinh đã trải qua biết bao nhiêu chuyện buồn vui với công việc. Đêm hôm đạp xe hàng chục cây số, vào đến lô cao su trời mới tờ mờ sáng nhưng chị Huấn may mắn chưa bao giờ gặp chuyện bất trắc. “Tôi may mắn, nhưng cũng có một số chị em bị tụi nghiện xì ke chặn đường xin tiền. Thế nhưng, những người đi lấy củi như chúng tôi có mấy khi đem theo nhiều tiền mà sợ, chỉ tại đàn bà con gái đi lúc đêm hôm nên cũng có chút ái ngại” - chị Huấn kể.
Dù trời đã trưa, nhưng chị Rảnh vẫn cố làm thêm chuyến củi nữa mới về. |
Cũng như những người làm nghề lấy củi ở các lô cao su khác, chị Huấn luôn biết thận trọng để không làm ảnh hưởng đến công việc cạo mủ của công nhân cao su. Thế nhưng, mỗi người một ý, có lúc cũng để xảy ra sơ suất nên không ít lần chị và những người đi lấy củi bị bảo vệ nông trường đuổi đi và lấy mất củi. Những lúc không may như vậy, chị phải về không và cả ngày hôm đó đành chấp nhận cảnh túng tiền.
Cũng như chị Huấn, chị Phạm Thị Rảnh (ở ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền) đã gắn bó với cái nghề lấy củi này hơn 20 năm qua. Vội vã hạ chuyến củi thứ nhất cho chị Kéo bán bánh canh ở thị trấn Long Thành, chị Rảnh lại tranh thủ kiếm thêm chuyến củi thứ hai để giao sớm cho khách, khi mặt trời đã lên cao. Dưới cái nắng gay gắt, chị Rảnh nói vội: “Hộp cơm và chai nước tôi đã chuẩn bị sẵn rồi. Quay lại lô cao su, ăn cơm xong là làm luôn, để chiều còn về sớm. Giờ còn tí sức thì cố gắng làm thêm chuyến nữa, để lỡ những bữa ốm đau không đi được còn có tiền dư mà xài”.
“Cõng” những chuyến củi như thế này ra đến phố là anh Lầu có thể kiếm được cả trăm ngàn đồng. |
Tương tự chị Huấn, chị Rảnh, với cái nghề kiếm củi khô, hàng chục năm qua anh Nguyễn Văn Lầu (ở ấp Bến Cam, xã Phước Thiền) đã kiếm được đồng vào đồng ra để nuôi sống gia đình nhỏ của mình. Có được chiếc xe máy cà tàng làm chân đi lại nên những chuyến đi hái củi của anh Lầu thường xong trước mọi người. Mới gần 10 giờ sáng mà anh Lầu đã chất đầy xe củi chạy ra đến khu vực thị trấn Long Thành giao cho mối. Có xe máy đi nhanh, lại là đàn ông có sức, tìm được củi tốt nên mỗi chuyến hàng của anh Lầu thường bán được giá cao hơn cánh phụ nữ. Anh Lầu cho biết, thời gian gần đây, mỗi lần có người “đặt hàng” anh mới đi lấy củi về giao. Nhưng hầu như mối quen vẫn dặn anh đều đều nên cũng ít khi anh Lầu được nghỉ.
Vì lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình nên dù vất vả, những người đã bám lấy cái nghề lấy củi khô ở các lô cao su, như: chị Huấn, chị Rảnh, anh Lầu… vẫn ngày ngày miệt mài với công việc. “Mưa vui, nắng buồn. Trời có mưa gió, bão bùng thì cành khô mới rụng nhiều. Mưa có ướt chút đỉnh nhưng củi lại nhặt nhanh đầy xe” - chị Huấn tâm sự về cái nghề nhặt củi khô của mình như thế.
Trần Danh