Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh trong những ngày Tết

07:01, 30/01/2012

Xen lẫn bên những tà áo mới, những nụ cười tươi chào đón năm mới là hình ảnh những người lao động nghèo tranh thủ mưu sinh trong những ngày Tết. Với họ, Tết là cơ hội để kiếm thêm thu nhập…

Xen lẫn bên những tà áo mới, những nụ cười tươi chào đón năm mới là hình ảnh những người lao động nghèo tranh thủ mưu sinh trong những ngày Tết. Với họ, Tết là cơ hội để kiếm thêm thu nhập…

Ngồi bệt bên đường nhỏ vào chùa Từ Tôn (khu phố 6, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), người phụ nữ tuổi trạc 50 liên tục giơ xấp vé số mời chào những người đi chùa hái lộc đầu năm mới. Quanh đó, 2-3 em nhỏ cũng chạy theo sau khách để mời chào những bó nhang, đồ cúng…

* Tết của người lao động nghèo

Mới hơn 7 giờ sáng mùng 5 Tết (ngày 27-1), khách tứ phương nườm nượp đến chùa Từ Tôn để cầu mong an lành, trong số họ có không ít người làm nghề kinh doanh, buôn bán đến khấn cầu tài, lộc cho cả năm. Tay phải cầm xấp vé số, tay trái vẫy khách, chị Nguyễn Thị Lành (quê miền Tây) không ngớt miệng rao những con số đẹp để thu hút mọi người. Chưa đầy 5 phút sau, hai người phụ nữ ăn diện sang trọng bước lại gần ủng hộ chị 10 tờ vé số. Họ còn nói vui: “Đầu năm mua lấy hên, nếu trúng chị sẽ quay lại đây tìm và cho em ít tiền lấy vốn làm ăn”. Nói xong, họ móc ví trả tiền rồi bước lên chiếc tay ga mới tinh, chị Lành ngước mắt trông theo với ánh mắt mừng mừng, tủi tủi. Giọng chị xúc động: “Đây là năm thứ 4 tui không về quê đón Tết. Chẳng biết giờ đây ở quê có đổi khác gì không?”. Trong bộ quần áo đã ngả màu cùng đôi dép xốp mòn đế trông chị thật nhỏ bé giữa dòng người qua lại. Chị Lành cho biết, với những người lao động nghèo như chị, 365 ngày trong năm chỉ là khoảng thời gian miệt mài làm việc để kiếm tiền.

Trong lúc mọi người du xuân thì vẫn còn nhiều lắm những người mưu sinh trong ngày Tết.
Trong lúc mọi người du xuân thì vẫn còn nhiều lắm những người mưu sinh trong ngày Tết.

Theo lời chị Lành, ngày thường chị bán được 70-80 tờ vé số. Tết đến, mọi người thường có tâm lý cầu may mắn cho cả năm nên lượng khách mua ủng hộ chị tăng lên rất nhiều. “Có người mua một lúc 30 chục tờ, rồi còn lì xì thêm tiền nữa đó” - chị khoe. Cách nơi chị Lành “hành nghề” chừng 5m, hai đứa trẻ độ 10 tuổi đang nhễ nhại mồ hôi đứng bán nhang, đèn. Thấy có khách đến gần, một em nhanh miệng quảng cáo: “Anh mua giúp tụi em, sáng giờ bán được có mấy bó nhang à”. Vừa nói, ánh mắt cậu bé nhìn vào mắt khách với vẻ nài nỉ. Tuy nhiên, đáp lại cử chỉ van nài của em là thái độ lạnh lùng, xua đuổi của người thanh niên.

Mặt trời bắt đầu đứng bóng, khách đến chùa thưa dần. Lúc này, những người như chị Lành và hai em nhỏ bán nhang, đèn lại gom hàng để rảo vào quán cóc gần đó nghỉ ngơi chuẩn bị đầu giờ chiều tiếp tục cuộc mưu sinh. Chị Lành cho hay: “Đi làm miết nên lâu rồi mình cũng quên mất cái không khí sum họp gia đình trong những ngày Tết. Thuở nhỏ còn mong đến Tết, chứ giờ già rồi, Tết hay không cũng như nhau thôi”. Nói rồi, chị bắt đầu mường tượng lại những cái Tết thuở ấu thơ bên những cánh đồng trơ gốc rạ, lũ con nít thường tụm lại xúm xít khoe quần áo mới, khoe tiền lì xì mừng tuổi đầu năm… Thấm thoát tuổi xuân qua đi, nhìn lại đầu chị giờ đã lấm tấm những cọng tóc bạc. Tết của chị giờ chỉ là những tờ vé số may rủi đầu năm và lòng nhẹ nhõm khi kịp bán hết hàng trước giờ nhà đài quay số. “Tôi bán vé số khắp nơi nhưng Tết chỉ đứng bán tập trung ở các chùa. Có lẽ nhờ Tết nên tôi đỡ phải đi bộ, đỡ phải ôm vé số ế như ngày thường” - giọng chị chùng lại.

* Mong ước đầu xuân

Với ước mơ đổi đời và muốn kiếm cho mình một số vốn kha khá để ổn định cuộc sống nên phần lớn người bán vé số dạo thường để lại cho mình 1-2 tờ “phòng thân” sau mỗi ngày bôn ba đi bán dạo. Ông Nguyễn Văn Tiến phân trần: “Hôm giao thừa đi xin quẻ cho biết năm nay tôi có phước hưởng nên bữa giờ “ôm” quá trời vé số ế!”. Khác với chị Lành, ông Tiến là dân có hộ khẩu Biên Hòa (ở xã Hóa An), vì không muốn cậy nhờ con cháu lúc cuối đời nên ở tuổi 60 ông vẫn lặn lội cuốc bộ hàng cây số để đến chùa Ông (xã Hiệp Hòa) bán vé số.

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Tết hoặc những ngày rằm lớn trong năm thì “đội quân” bán hàng di động trước cổng chùa Ông lại tụ tập đến đây chào mời khách tham quan mua hàng. Trên tay cầm bịch cá đủ màu sắc đưa ra mời khách, em Vũ Thanh Thảo bị bảo vệ nhắc nhở không được chèo kéo khách đến viếng chùa. Vẻ mặt trĩu xuống, Thảo lắc đầu thở dài: “Sáng giờ bán ế quá. Mỗi bịch cá bán lời có 4-5 ngàn đồng mà phải chạy ra vô khắp nơi mới bán được. Kiếm được đồng tiền khó quá…”. Nói đoạn, Thảo đưa tay chỉ về phía nhóm người đang vui đùa chụp ảnh lưu niệm mà ánh mắt em hiện rõ nỗi buồn. Thảo bảo rằng: “Chứng kiến người ta vui chơi trong ngày Tết em buồn lắm. Cực chẳng đã mới bán mặt cho nắng gió kiếm mấy đồng bạc, chứ kinh tế mà ổn định ai chẳng muốn quây quần bên gia đình vào mấy ngày Tết”. 

Từ 5 giờ sáng, những người bán cá phóng sanh như Thảo phải dậy lấy hàng từ các mối ở chợ. 7 giờ sáng, họ đã có mặt tại chùa, khi những người khách đến viếng còn lưa thưa, để bán cho đến lúc chùa đóng cửa mới về. Thảo tâm sự: “Ngày nào hên bán hết cá, chứ không cá ngộp chết mình lỗ hết vốn. Đã vậy, nhiều khách trả giá khiếp hồn, kiếm được đồng tiền ngày Tết cũng chua lắm”.

Gần 15 giờ, những cây dù tạm không đủ để che chắn cho những chú cá non nớt tránh ánh nắng mặt trời. Mặc dù đã trang bị thau, bình ô-xy cho cá thở nhưng nhiều chú cá cứ lần lượt nổi lên mặt nước. Thảo đưa tay chống cằm, thi thoảng em nhích đôi chân xăm soi lại đôi dép mới mua ở chợ trời vào những ngày cận Tết. Thảo ngại ngùng nói: “Em lớn rồi mà bán ở đây hoài cũng ngại lắm. Bạn bè đến nhà rủ đi chơi nhưng phải từ chối miết. Ai cũng có quần áo đẹp, có tiền rủng rỉnh mà mình thế này đi thấy lẻ loi lắm”. Hỏi Thảo về ước muốn cho ngày đầu năm, phải suy nghĩ một lúc lâu em mới dám thổ lộ. Tuy nhiên, ước mơ đó không phải dành cho em, mà là ước mơ chung cho những cảnh đời nghèo khó có cuộc sống sung túc hơn để Tết năm sau và những năm sau nữa chúng ta sẽ không còn nhìn thấy hình ảnh những con người mưu sinh trong ngày Tết.

Thảo vội chào chúng tôi để tiếp tục hòa mình vào đám đông những người “bán hàng di động” tiếp tục cuộc mưu sinh. Trong số đó, chúng tôi thấy có cả những người già, trẻ nhỏ, những phụ nữ và các em gái như Thảo phải nhọc nhằn mưu sinh trong những ngày Tết. Bóng em khuất dần trong dòng người đông đúc nhưng những khát khao của Thảo (và của cả những người phải mưu sinh trong ngày Tết) vẫn đọng lại trong chúng tôi về một hạnh phúc cho ngày đầu Xuân mới.

Tùng Minh

 

 

Tin xem nhiều
Xu hướng quà tặng doanh nghiệp 2025 mới nhất