Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lòng người về ăn Tết sớm

08:01, 13/01/2012

Ăn uống tiết kiệm, hạn chế chi tiêu tối đa, chủ nhật còn nhận việc thời vụ để có thêm tiền về quê... Thế nhưng, công việc không ổn định, lương, thưởng “bọt bèo” đã khiến nhiều người trĩu nặng nỗi lo cho bữa cơm ngày Tết. Có trăm đường lắm ngả để công nhân, lao động nghèo về quê đón Tết sớm, nhưng một điểm chung là họ không biết sau Tết còn có cơ hội trở lại hay không.

 

Ăn uống tiết kiệm, hạn chế chi tiêu tối đa, chủ nhật còn nhận việc thời vụ để có thêm tiền về quê... Thế nhưng, công việc không ổn định, lương, thưởng “bọt bèo” đã khiến nhiều người trĩu nặng nỗi lo cho bữa cơm ngày Tết. Có trăm đường lắm ngả để công nhân, lao động nghèo về quê đón Tết sớm, nhưng một điểm chung là họ không biết sau Tết còn có cơ hội trở lại hay không.

Về Tết sớm, trong lòng mỗi người ngổn ngang nhiều câu chuyện buồn vui với những cuộc hành trình mưu sinh xa quê…

* Về quê sớm…

Đó là câu trả lời nặng trĩu ưu tư của không ít chị em công nhân, dân lao động tự do; khuôn mặt nào cũng buồn không còn háo hức như năm trước. Vậy nên, còn cả chục ngày mới đến Tết Nguyên đán, nhưng tại các bến xe, các ngả đường đã có khá nhiều hành khách tất tả đón xe trở về quê nhà. Về quê đón Tết sớm, nghĩa là thời gian được sum vầy với gia đình nhiều hơn, nhưng câu chuyện ngày về chưa thật trọn vẹn.

Cầm cự lương để về quê nhưng nỗi lo cận Tết giá cả sẽ đắt khiến nhiều người không yên lòng.
Cầm cự lương để về quê nhưng nỗi lo cận Tết giá cả sẽ đắt khiến nhiều người không yên lòng.

Nguyễn Thị Thảo (20 tuổi, quê Quảng Bình) đã phải bôn ba qua mấy công ty khác nhau mà chưa thể trụ lại ổn định ở nơi nào cả. Vào Sài Gòn làm thợ may gia công cho một xưởng may tư nhân ở quận 12 được gần một năm, Thảo phải tăng ca liên tục từ 7 giờ sáng đến 9 giờ đêm nhưng lương chưa đầy 2 triệu đồng/tháng. Bà chủ xưởng may lại tự đề ra “luật” khắc nghiệt: một tháng chỉ được nghỉ 2 ngày chủ nhật, làm luôn cả ngày lễ và không được đóng bảo hiểm xã hội…, khiến Thảo và nhiều chị em khác phải đồng loạt bỏ việc. Sau đó, em theo người quen đến Biên Hòa làm công nhân cho một công ty gỗ hơn bốn tháng nhưng lương cũng chẳng khá là bao, nên đành về quê “ăn Tết” sớm. Với đà này, sau những ngày Tết đạm bạc với gia đình, chắc chắn Thảo phải lê la khắp nơi để tìm việc mà không dám chắc năm sau có phải... về đón Tết sớm nữa không.

Phía bên kia đường của bến xe khách Đồng Nai (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa), trong khi đứng chờ xe tới, vợ chồng anh Phúc (quê Quảng Ngãi) cho biết: “Chúng tôi đã trả phòng trọ và quyết định về luôn, chấm dứt đời công nhân, chứ quanh năm vất vả, cậu con trai phải gửi lại quê mà việc thì bấp bênh lúc có lúc không. Nghe nói qua Tết tình hình cũng chẳng khá hơn nên chúng tôi quyết định về quê làm ruộng, vừa không sợ đói, vừa được ở gần con”. Vợ chồng anh Phúc có một con trai 8 tuổi nhưng phải gửi về quê cho ông bà nội nuôi giúp vì chi phí gửi trẻ trong này quá cao, hai vợ chồng đi làm không đủ lo cho con. Nhưng vừa rồi, công ty của anh chị ngừng sản xuất, hai vợ chồng quyết định từ giã đời công nhân, trở về quê.

Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm để rồi phải hối hả rời chỗ làm, nghẹn lòng khi chia tay bạn bè có cùng hoàn cảnh. Hành lý nhẹ tênh mà tâm tư ai dường như cũng trĩu nặng trên đường về. Mất cả buổi sáng đứng đợi xe khách tuyến Sài Gòn - Nghệ An, nhưng chị Nga (28 tuổi) vẫn chưa chọn được một chuyến đi ưng ý. “Mình nhớ nhà lắm rồi! Ba năm qua, mình chưa được về quê lần nào, nên Tết năm nay dù khó khăn trăm bề cũng cố gắng thu xếp để về sum họp gia đình. Quê mình ở huyện Tương Dương, năm nào mẹ cũng gọi điện bảo về, nhưng nghĩ đi lại dịp Tết tốn kém nên cứ chần chừ mãi”. Kế bên chị là Huyền - người cùng quê, đã bốn năm đón Tết ở nhà trọ. Năm nay, Huyền cũng định ở lại, số tiền tàu xe đi về Huyền sẽ dành gửi cho mẹ ở quê mua sắm Tết cho các em. Nhưng rồi, công ty cho nghỉ việc sớm, ở lại thì buồn mà về quê cũng chẳng vui. Vừa nói Huyền vừa quay mặt đi, giấu đôi mắt đỏ hoe như muốn khóc.

* Hành lý về quê  “có như không”

Khi xa quê, xa nhà ai cũng cố dặn lòng ngày về không nhiều thì ít phải sắm cho cha mẹ chiếc tivi, mua cho đám trẻ vài bộ quần áo mới… Nhưng hôm nay, nhìn vào túi xách “có như không”, họ lại cảm thấy tủi thân, nghẹn ngào. Những chiếc xe đề tên “Bắc - Nam chạy suốt” lần lượt tạt vào lề đón khách, chốc chốc lại rú ga chạy tiếp chở theo hàng ngàn lượt khách. Hành lý của họ năm nay chỉ có tư trang, quần áo và một ít hàng hóa, không mấy ai xông xênh những giỏ quà Tết đủ màu như năm ngoái.

Hành trang về quê chỉ là mấy bộ áo quần cũ, chiếc va li đã ngả màu bạc thếch nhưng Trần Minh Tùng (quê ở Thái Bình) vẫn gói ghém cẩn thận. Với cậu, tiền lương một năm qua chỉ đủ nuôi thân, sang năm tình hình kinh tế khó khăn, nếu không may mắn biết đâu lại thất nghiệp, thôi thì dùng nó được ngày nào hay ngày đó. Cuối năm công ty hết việc, Tùng không phải tăng ca. Hơn một tháng nay, hôm nào công nhân ở công ty Tùng cũng được về sớm từ lúc 4 giờ chiều. Tết đã cận kề mà việc chẳng có, Tùng đành về quê sớm chứ ở lại cận Tết giá vé xe cao. “Lo lắng như vậy, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn chung này, tôi có được tiền xe về quê ăn Tết cũng là may rồi. Nhiều bạn bè tôi ở trong xưởng còn không có tiền về quê ăn Tết” - Tùng bộc bạch.

Hy  vọng năm sau sẽ đón một cái Tết ấm cúng và sum vầy hơn.
Hy vọng năm sau sẽ đón một cái Tết ấm cúng và sum vầy hơn.

Khác với mọi năm, năm nay mới qua rằm tháng chạp mà ở các khu nhà trọ nhiều công nhân đã lo gói ghém đồ đạc về quê sớm. Ngồi trong căn phòng trọ chật chội mà tâm trạng của Ngọc Thoa (xã Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) rối bời. Công ty giày da chỗ cô làm ăn thua lỗ, hiện tại chỉ mới thanh toán tiền lương tháng 11, khoản lương còn lại sang năm mới lấy được, tiền thưởng thì nắm chắc không có. Cầm số tiền 2,5 triệu đồng trong tay, có lúc cứ tưởng nặng đến vài cân vì tiền tàu xe đã ngốn hết phân nửa, số còn lại cô tính toán mua sao cho đủ mỗi đứa em một bộ quần áo mới, bởi trước khi đi đã lỡ hứa với chúng. “Ngoài quê giờ giá rét, để ít tiền về mua mấy bộ áo ấm cho các em mặc đi chơi Tết. Đi cả năm trời tụi nó ngóng chị hoài, không có quà tội nghiệp lắm!”. Nhưng, đó chưa phải là điều mà Thoa lo nghĩ nhiều nhất. Dù rằng cũng đi làm ăn miền Nam nhưng khi về nhà không có gì phụ giúp bố mẹ khiến Thoa áy náy.

Còn Trần Thị Lý  (quê ở Bình Định) thì chia sẻ, giọng đầy nỗi niềm: “Tâm lý ai đi làm ăn xa cũng vậy. Dù ở trong này lương thấp, ăn uống tiết kiệm, chắt bóp từng đồng, nhưng khi về quê, tụi em đứa nào cũng không muốn ở nhà biết điều này. Muốn về quê ăn Tết phải dành dụm từ đầu năm trước để sắm sửa một chút. Cũng may, mua sắm hàng “xôn” vừa rẻ, vừa tiết kiệm nên ai cũng có quà”. Sau một hồi cầm lên đặt xuống, trả giá, Lý chọn được bộ đồ trẻ em với giá 30 ngàn đồng. Lý bảo: “Đây là quà dành cho đứa cháu con chị đầu, năm nay nó đã học lớp 2. Mua áng chừng vậy thôi chứ không biết nó có mặc vừa không. Em cũng tính rồi, mua rộng hơn một chút để lỡ Tết này không mặc được thì để dành… Tết sang năm vậy”.

Sau phút giây trải lòng, đôi mắt ai cũng đượm buồn vì câu chuyện ngày về chưa thật trọn vẹn. Tuy nhiên, năm mới Nhâm Thìn sắp đến gần, ai cũng hy  vọng năm sau sẽ đón một cái Tết ấm cúng và sum vầy hơn.

Võ Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều
Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & Gift