Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lưu giữ thời gian…

08:02, 10/02/2012

Thường xuyên truy cập internet và sẵn sàng chat với bạn bè mọi lúc mọi nơi, thế nhưng người có bề ngoài rất hiện đại ấy khi nhắc đến những gì thuộc về văn hóa dân gian lại có thể mê mải say sưa hàng buổi trời không dứt. Đó là thạc sĩ Phan Đình Dũng, người mà những ai quen biết đều nhận xét “có chất dân gian từ trong máu”.

Thường xuyên truy cập internet và sẵn sàng chat với bạn bè mọi lúc mọi nơi, thế nhưng người có bề ngoài rất hiện đại ấy khi nhắc đến những gì thuộc về văn hóa dân gian lại có thể mê mải say sưa hàng buổi trời không dứt. Đó là thạc sĩ Phan Đình Dũng, người mà những ai quen biết đều nhận xét “có chất dân gian từ trong máu”.

Thạc sĩ Phan Đình Dũng.
Thạc sĩ Phan Đình Dũng.

Nhắc đến Đình Dũng, mọi người lại nhớ ngay đến cái tính vui vẻ, hài hước của anh. Dường như người quê gốc “Quảng Nam hay cãi” ấy rất thích trào lộng, ngay cả với chính mình cũng vậy. Chuyện đi học, rồi bảo vệ học vị thạc sĩ của Đình Dũng cũng là một cơ hội cho anh tự trào. Anh bảo: “Tốt nghiệp đại học chuyên ngành lịch sử thế giới. Ra trường lại về làm văn hóa ở bảo tàng. Đến chừng làm đề tài cao học thì về lịch sử Việt Nam. Chẳng cái nào dính tới cái nào”.

Đi công tác chung với Đình Dũng, chẳng ai có thể buồn ngủ vì kho chuyện “tiếu lâm mặn” đông tây kim cổ của anh. Nhưng khi bắt tay vào công việc thì phải dè chừng anh chàng rất xông xáo này. Còn nhớ hồi già làng Năm Nổi ở ấp Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) lần đầu tiên tổ chức lễ cúng Sa Yang Va vào năm 2004, trong nhà dài của ông Năm lúc đó chật cứng phóng viên các báo, đài từ trung ương đến địa phương đổ về. Vậy mà lúc tác nghiệp ai nấy đều phải “kính nể” anh chàng quay tư liệu của Bảo tàng Đồng Nai. Phan Đình Dũng vì một góc máy đẹp mà sẵn sàng nằm bò lăn ra sàn để quay, bất chấp mấy chục bàn chân con người lúc nào cũng có thể “đè bẹp” mình. Tối thức rất khuya để quay lại hình ảnh các cụ bà Chơro thổi kèn môi, vậy mà không biết anh thức dậy tự lúc nào để bám tò tò theo bà Năm Nổi sát nút, không hề bỏ lỡ thao tác nào trong lễ rước hồn lúa vào lúc sáng sớm.

Dù Đình Dũng vẫn gạt ngang gạt ngửa niềm đam mê của mình, nhưng thực sự chỉ có xuất phát từ tâm huyết, những bài viết của anh mới tràn đầy niềm yêu mến quê hương, văn hóa dân tộc đến như vậy. Và cũng chỉ có thái độ làm việc khoa học, nhiệt tình, trách nhiệm mới đem đến cho tác phẩm của mình những giá trị sâu sắc và bền vững đến như vậy.

 

Anh chàng cử nhân lịch sử này về Đồng Nai là một cơ duyên. Tốt nghiệp Trường đại học tổng hợp (nay là Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh), anh lang thang đưa đơn xin việc khắp nơi. Đến đâu cũng nhận phải cái lắc đầu vì thời buổi kinh tế thị trường, cái bằng của anh xem ra chẳng mấy ai mặn mà. Năm 1991, khi ông Đỗ Bá Nghiệp (Tư Nghiệp, Giám đốc Nhà bảo tàng Đồng Nai) đến Ban Tổ chức chính quyền tỉnh nhận người, một cán bộ tại đây ngỏ ý: “Cơ quan chú còn biên chế, sao không nhận thêm người nữa?”. Ông Tư Nghiệp hỏi: “Đứa nào đâu?”. Cô cán bộ đưa hồ sơ của sinh viên Phan Đình Dũng vừa mới tốt nghiệp, Ban Tổ chức tỉnh nhận. Ông Tư Nghiệp xem hồ sơ rồi gật đầu. Đang làm cộng tác viên cho một tờ báo tại TP.Hồ Chí Minh, Đình Dũng nhận được tin có cơ quan ở Đồng Nai nhận hồ sơ liền đến Nhà bảo tàng Đồng Nai nhận việc. Sự tình cờ đó đã gắn bó Đình Dũng với cái nghiệp “làm văn hóa” từ đó đến nay.

Đình Dũng luôn tự nhận mình may mắn, vì về Đồng Nai công tác đúng ngay thời điểm địa phương đang mở ra hướng nghiên cứu về văn hóa dân gian, mà đỉnh điểm là bộ sách Địa chí Đồng Nai. Anh may mắn được tiếp cận và làm “tà lọt” cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia về nghiên cứu lịch sử, văn hóa có uy tín tại địa phương và các nơi khác đến làm việc. Một số người mà anh kính trọng gọi là bậc thầy mà trước đó anh chỉ nghe tiếng, ao ước được gặp mặt, được học. Môi trường làm việc ở Đồng Nai tạo điều kiện cho anh có “cơ duyên” đó và được làm việc với những đồng nghiệp đáng quý. Nhờ vậy, anh mới có điều kiện đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa của các dân tộc bản địa. Càng biết, càng mê. Bởi theo anh, văn hóa các dân tộc ở Đồng Nai có những đặc điểm rất lạ, vừa có sự đa dạng sắc thái của các vùng miền do Đồng Nai luôn là vùng đất mở nên có sự cộng cư của các dân tộc tìm đến sinh sống, lại vừa có bản sắc riêng của nền văn hóa cổ đã được định hình từ trước đó.

 “Gia tài” của anh chàng thạc sĩ trẻ sau mười mấy năm gắn bó với văn hóa dân gian cũng thật đáng nể: trên 10 đầu sách nghiên cứu về văn hóa dân tộc bản địa được anh viết chung - mà anh lại tự giễu là được “núp bóng” các tác giả khác, như: Văn hóa Đồng Nai (sơ tho), Làng Bến Cá xưa và nay, Cù lao Ph: lch s và văn hóa, Người Đồng Nai, Di tích lch s văn hóa Đồng Nai, Hi đáp v Biên Hòa - Đồng Nai 310 năm… Ngoài ra, anh còn tham gia một số đề tài nghiên cứu về nghệ thuật Chơro, Mạ, mà quyển Chuyn k người M (viết chung với tác giả Huỳnh Văn Tới) là một minh chứng cho tinh thần lao động cần cù của của anh.

Thạc sĩ Phan Đình Dũng trong một chuyến điền dã sưu tầm văn hóa người Mạ.
Thạc sĩ Phan Đình Dũng trong một chuyến điền dã sưu tầm văn hóa người Mạ.

Để có được sự hiểu biết và kiến thức ấy, phần lớn thời gian làm việc của anh là đi điền dã, tiếp cận và sống “ba cùng” với đồng bào dân tộc để nắm bắt những vốn liếng văn hóa quý báu còn sót lại ấy. Anh bảo, văn hóa dân gian được chuyển giao theo lối khẩu truyền từ đời này sang đời kia, có những điều nằm rất sâu trong tiềm thức, muốn tìm hiểu chỉ có cách làm sao khơi gợi cho họ nhớ lại và kể ra. Đôi khi đêm về ngồi mơ màng bên bếp lửa, bên ché rượu cần và với tài gợi chuyện của người hỏi, đột nhiên các ông già bà cả lại nhớ ra rất nhiều điều, và đó là những khoảnh khắc thu thập được những tư liệu vô giá. Nỗi lo của anh là hiện nay số người nắm giữ chìa khóa mở cửa kho tàng văn hóa dân gian ở Đồng Nai đang ngày càng ít đi, những người làm công tác bảo tồn văn hóa đang phải chạy đua với thời gian. Vì thế, anh phải tranh thủ ghi chép, quay phim, chụp hình, ghi âm càng nhiều càng tốt để có tư liệu thô trước rồi xử lý sau.

Điều làm Đình Dũng tâm đắc là sự tồn tại những giá trị văn hóa cổ truyền vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn Đồng Nai có một sức mạnh tiềm tàng rất lớn. Nhưng bên cạnh đó, anh lại có nỗi lo chung của người làm công tác văn hóa: những giá trị có tính gắn kết cộng đồng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Các phong tục tập quán đang mất dần đi, cách đối nhân xử thế trong cộng đồng cũng đang ít nhiều thay đổi. Mong muốn của người hội viên trẻ tuổi nhất Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai này là những di sản văn hóa đã sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản được phải đưa về lại với cộng đồng để lưu giữ và phát huy trong đời sống…

Thanh Thúy

 

 

 

 

Tin xem nhiều