Hàng năm sau những ngày Tết, nghề chăm sóc mai cảnh lại bắt đầu. Những ngày này, không khí làm việc tại các vườn mai ở TP.Biên Hòa và huyện Long Thành, Trảng Bom… nhộn nhịp không kém so với thời điểm trước Tết.
Hàng năm sau những ngày Tết, nghề chăm sóc mai cảnh lại bắt đầu. Những ngày này, không khí làm việc tại các vườn mai ở TP.Biên Hòa và huyện Long Thành, Trảng Bom… nhộn nhịp không kém so với thời điểm trước Tết.
* Hái ra tiền nhờ hết Tết
Từ lâu, nghề chăm sóc mai cảnh sau Tết đã không còn xa lạ với người chơi mai. Sau khi nhận những gốc mai về đến vườn, người chăm sóc mai sẽ tiếp nước đầy đủ và kiểm chất lượng lá, rể của cây vài ba tuần để cây lấy lại sức, sau đó mới đến công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, hãm cành, bón rễ… bình thường hoặc có thể tạo dáng theo ý thích của khách hàng. Chi phí sẽ do hai bên thỏa thuận, tùy theo giá trị của mai và công cán mà thợ bỏ ra. Hiện tại, mức giá chăm sóc mai suốt cả năm ở mức gần 10-15% giá trị cây mai, chưa kể tiền thay chậu mới, tạo thế hay lai ghép. Bình quân mỗi chủ vườn sẽ nhận từ 2.000 gốc mai đổ lại, sau khi trừ mọi chi phí tiền nhân công, vật liệu, mặt bằng, họ sẽ bỏ túi trên dưới 200 triệu đồng.
Chở mai thuê trở thành công việc kiếm ra tiền. |
Tìm đến các vườn mai lớn ở TP.Biên Hòa như: Tuyết Sơn, Đồng Khởi (đường Đồng Khởi), Đồng Tâm (đường Nguyễn Ái Quốc)… mới thấy sức “hút” về nhu cầu dưỡng mai sau Tết. Hàng chục chiếc ô tô tải, xe ba gác, xe máy chen nhau vào ra trước các vườn mai. Đây thực sự thời điểm “một năm chỉ có một lần” để các nhà vườn hái ra tiền. Ông Phạm Tấn Tài, chủ vườn mai Đồng Khởi (đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa) cho biết: “Với kinh nghiệm hơn 17 năm trong nghề, tôi thấy chưa năm nào mà dịch vụ chăm sóc mai cảnh nở rộ như năm nay”. Theo đó, thời điểm thích hợp và nhộn nhịp nhất để nhận chăm sóc những gốc mai khoảng từ mùng 7 đến hết tháng giêng.
Anh Hoàng, chủ vườn Khánh Hoàng (huyện Long Thành) không ngần ngại chia sẻ: “Công việc của chúng tôi chỉ thực sự bận rộn vào cuối buổi chiều, hoặc vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Có hôm phải cho người làm tận đến nửa đêm”. Theo anh Hoàng, một người sành chơi có ít nhất hai gốc mai, nhiều cây giá gần 50 triệu đồng. Nhờ vậy mà số tiền thu về cho các nhà vườn sẽ cao hơn, chưa kể số tiền mua bán các loại mai ghép và các loại bon sai cây cảnh. Cũng giống như anh Hoàng, ông Nguyễn Văn Tha, một người chăm sóc cây cảnh nổi tiếng ở Biên Hòa cũng đang phất lên nhờ cái nghề này. Với hơn 1.000 gốc mai lớn nhỏ, ông không còn phải chật vật chuyện kiếm cơm như mấy năm trước, khi mới bước vào nghề. Ông hồ hởi nói: “Tiền thiết kế, gia công chậu cảnh cung cấp cho khách hàng trong tỉnh cũng đủ trả lương cho công nhân hàng tháng. Riêng tiền chăm sóc mai theo yêu cầu của khách hàng đã đem lại cho tôi một số tiền kha khá”. Với diện tích gần 5 sào đất, chục nhân công, hiện tại vườn mai Tuyết Sơn của ông Tha đã không còn đủ chỗ cho những khách đến sau.
Đến một nhà vườn khác ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), cảnh ngã giá giữa khách và người nhận nhộn nhịp không kém. “Năm ngoái 2 chậu này chỉ 1,7 triệu đồng sao bây giờ lên 2,3 triệu đồng, đắt thế?” - một khách nữ than. Ngay sau đó, chị được ông chủ vườn giải thích: “Vì mọi thứ giá đều tăng, chúng tôi còn phải đền bù cho khách nếu cây chết. Chị là khách quen nên tôi lấy giá hữu nghị, chứ người khác phải thêm 200 ngàn đồng nữa đó”. Dù vậy, hiện tại nhà vườn này sắp kín chỗ mà phía ngoài vẫn có nhiều người chờ đến lượt mình.
* Nghề “đẻ” ra nghề
Từ dịch vụ lao động thời vụ này mà nghề chăm sóc mai cảnh đã thực sự “nghề đẻ ra nghề” và nhiều người coi đó là công việc một năm chỉ có một lần. Những người thợ chăm sóc lâu năm, dân bốc xếp mai đến những anh chàng chạy xe ba gác đã coi đó là “cần câu” cơm, nuôi sống cả gia đình.
Anh Vũ Đình Chiến (nhà ở phường Trảng Dài), người làm nghề chở hoa thuê cho biết, cứ vào dịp sau Tết, các chủ vườn lại thuê khoảng 4-5 xe ba gác túc trực chở hoa phục vụ nhu cầu của khách. “Tùy cây to hay nhỏ, giá trị cao hay thấp, đi xa hay gần mà người ta trả giá. Đi xa thì 250 ngàn đồng, gần chừng 100 ngàn đồng; trừ chi phí, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200 ngàn đồng” - anh Chiến chia sẻ. Cũng giống như anh Chiến, nhiều người lái xe tải, xe ba gác cũng thấy vui lây khi đón xuân “muộn”. Có những ngày cao điểm chạy không kịp hàng, nhưng mỗi khi rảnh rỗi họ lại nhẩm tính xem hôm nay tải được mấy chuyến, dư được bao nhiêu tiền.
Dù kiếm được nhiều tiền nhưng công sức mà họ bỏ ra cũng chẳng phải ít. Chạy xe chở hàng bình thường đã cực, đằng này, vừa chở cây cao, không cố định phía sau, vừa phải quan sát để tránh va đập gây hỏng hóc. Đôi lúc bỗng “chột dạ” với nghề, nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ đành phải vật lộn kiếm tiền. “Những ai mới vào nghề, không quen nên dễ bị đền tiền cho chủ, không khéo mất cả chì lẫn chài” - người đàn ông chừng 70 tuổi chép miệng nói.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà vườn gần như kín chỗ. |
Anh Trương Văn Dũng ngụ ở xã Tam Phước, TP.Biên Hòa chia sẻ kinh nghiệm chạy xe của mình: Khi nhận chở những chậu lớn phải ngã giá thật kỹ với khách hàng và cho họ biết một vài sự cố có thể xảy ra trong lúc vận chuyển, như: gãy cành, dập lá do đi qua đoạn đường không được êm. Quả vất vả thật, chậu mai với tán rộng gần 1,5m chiếm gần hết chiếc xe của anh nên anh đòi thêm tiền công, từ 300-400 ngàn đồng. “Mỗi lần đến ổ gà mình phải xuống ga mới mong cây không nghiêng ngả. Giá chở cao thật, nhưng vất vả lắm em ạ! Không có bản lĩnh sẽ bỏ nghề sớm thôi” - anh Dũng lý giải. Những rủi ro mà những người chở mai cảnh gặp phải chưa hẳn đã hết, điều khiến cánh lái xe sợ nhất chính là đụng mặt cảnh sát trật tự, bởi nỗi lo bị phạt vì chở quá khổ.
Làm chẳng bao giờ được ngơi tay, ngoại trừ lúc ăn cơm, toàn bộ thời gian trong ngày đều kín, nhưng việc bốc xếp mai nhọc nhằn chẳng kể sao cho đủ. Trong khi di chuyển, nếu sơ suất không đứng ở tư thế thích hợp có thể khiến người đó gãy cột sống, bị chậu đè lên chân. Vì thế, chân tay của họ lúc nào cũng thâm tím, bầm dập. “Làm nghề này phải thật khỏe mới chịu được cường độ làm việc như thế. Đôi khi mình tự nhủ, cả năm chỉ có một dịp nên cố làm cho xong để anh kiếm chút tiền” Nguyễn Văn Hợp (23 tuổi, người Bến Tre) giãi bày.
Nói theo lối hoa mỹ của những người làm công việc thời vụ ăn theo dịch vụ chăm sóc mai cảnh sau Tết, thì bây giờ xuân mới thực sự đến với họ. Tuy vất vả, gian nan, nhưng ai cũng phấn chấn, vui vẻ để hy vọng cho một năm mới làm ăn suôn sẻ, may mắn.
Võ Nguyên