Trước Tết nhậu để tổng kết, tiễn đưa năm cũ; trong Tết nhậu để chúc mừng, đón chào năm mới và sau Tết nhậu vì rảnh rỗi, thời gian - đó chính là lời biện minh của cánh mày râu, để khi rượu đã ngấm vào cơ thể thì nhiều người không thể kiểm soát được bản thân, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Trước Tết nhậu để tổng kết, tiễn đưa năm cũ; trong Tết nhậu để chúc mừng, đón chào năm mới và sau Tết nhậu vì rảnh rỗi, thời gian - đó chính là lời biện minh của cánh mày râu, để khi rượu đã ngấm vào cơ thể thì nhiều người không thể kiểm soát được bản thân, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2012 đã kết thúc nhưng nhiều người vẫn chưa thể bắt nhịp với công việc, vì họ còn “ngủ quên” trong… ăn nhậu xả láng.
* Tháng giêng là tháng ăn nhậu ?
Tìm đến một quán nhậu trên đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), chúng tôi đã được nghe hàng loạt tiếng “dô” giòn tan trên các bàn nhậu. Một người tự xưng là chủ xị nghêu ngao: “Tháng giêng là tháng ăn nhậu… Vì vậy, hôm nay nhất quyết không say không về nhé các bạn hiền”. Ngay sau đó, những người còn lại trong bàn nhậu cùng vang lên câu “chúc mừng năm mới” và những tiếng cụng ly lại kêu lên chan chát. Xung quanh đó, các cô gái phục vụ hết gắp đá lạnh lại rót rượu, bia...
Ông H. đang được điều trị chứng nghiện rượu tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 2. |
Tại đây, từ 4-5 giờ chiều đến khuya là điểm hẹn khá sôi nổi của nhiều người. Đối tượng nhậu ở quán này khá đa dạng, thanh niên có, trung niên có, thậm chí là cả sinh viên. Một khách nhậu mặt mũi đã phừng phừng, giọng méo mó tuyên bố: “Làm thì làm, cả năm có bao giờ được nghỉ thoải mái như những ngày này đâu. Thôi cứ nhậu tới bến đi, việc ngày mai để mai tính”. Ngồi bàn bên cạnh, chúng tôi được một người bạn trong bàn nhậu ấy rỉ tai: “Chưa hết đâu, xong độ này còn phải đi tăng 2, tăng 3 nữa. Về nhà sớm cũng chẳng có việc gì làm, quanh đi quẩn lại cũng chỉ ăn rồi bật ti vi lên xem”.
Không chỉ các quán cóc ven đường, mà những quán nhậu, nhà hàng sang trọng quanh các bờ hồ, bờ sông từ lâu đã trở thành điểm hẹn lý tưởng của rất nhiều dân nhậu dịp đầu năm. Giải thích cho tần suất nhậu chỉ một tuần mà có năm ngày say, hai ngày tỉnh của mình, anh L.T.H, nhân viên của một công ty tư nhân ở TP.Biên Hòa, cho biết: “Đi làm những ngày đầu năm còn uể oải lắm, chỉ mong hết giờ để về...nhậu”.
Ra giêng, ngày dài tháng rộng, lắm hội hè, ngày vui nên việc mượn men rượu để tâm sự với dăm ba bạn hiền là điều mà cánh mày râu không tài nào chối từ được. Đối với không ít người, tháng giêng không phải là tháng “ăn chơi” nữa, mà là tháng… “ăn nhậu”. P.T.K, trưởng phòng Marketing của một công ty tư nhân tại phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) lý giải: “Mình là dân kinh doanh, chuyện làm việc tại bàn nhậu là điều không thể tránh khỏi”. Anh cho biết thêm, có ngày anh nhận gần năm cuộc mời nhậu của đối tác, nếu đi hết thảy thì không đủ sức vì độ nào cũng phải vui hết mình mới mong công việc làm ăn được suôn sẻ.
* Lạm dụng rượu bia, gây ra những chuyện đau lòng
Với tâm lý “ăn tới nơi, nhậu tới bến”, nhiều dân nhậu sẵn sàng viện đủ lý do để khỏi bị làm phiền và ngồi lai rai từ chiều tới thâu đêm suốt sáng. Tất nhiên, khi đã rượu vào ắt sẽ có lời ra và đến lúc không đủ sức kiềm chế bản thân đã gây ra những chuyện đau lòng.
Sau những cuộc nhậu triền miên từ tất niên cho đến những ngày đầu xuân với bạn bè và anh em trong cơ quan, anh Đặng Đại L. (38 tuổi, nhà ở huyện Trảng Bom) đã phải nhập viện cấp cứu vì bị ngộ độc rượu và khó thở. Ngồi rũ rượi đợi người thân tới chăm sóc tại khoa hồi sức của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, anh L. tâm sự: “Mình sợ lắm rồi, Tết ai cũng ham vui đến nỗi nhậu không biết chán, sau đó thì không biết trời đất gì nữa. Buồn quá, tự nhiên thấy bản thân mình là người đáng trách, khiến cả nhà đầu năm không vui vì chuyện say xỉn không đáng của mình”.
Với nhiều người, vì là tháng giêng nên những chầu nhậu cứ kéo dài mãi. |
Câu chuyện mà chúng tôi nghe được tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 càng đau lòng hơn, vì đến nay nó vẫn khiến người trong cuộc bàng hoàng. Có tiền sử nghiện rượu hơn 30 năm nên ông T.T.H (54 tuổi, ngụ tại quận 9, TP.Hồ Chí Minh) phải vào viện điều trị gần 2 năm. Về nhà ăn Tết vào ngày 24 tháng chạp, những tưởng cả nhà ông sẽ vui, nhưng do không kiêng cử, lại ngập chìm trong men rượu mấy ngày Tết, nên ông phải vào viện cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Lợi, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viên tâm thần Trung ương 2, cho biết: “Lạm dụng rượu, bia có thể gây ra hai tác hại chính: Tác hại cấp thời khiến người uống bị ngộ độc rượu gây ra các bệnh lý loét dạ dày tá tràng, tim mạch, suy gan cấp… Tác hại lâu dài là dẫn đến chứng nghiện rượu, ảnh hướng đến công việc, gia đình, xã hội. Nghiêm trọng hơn, việc nghiện rượu khiến người bệnh biến đổi nhân cách, rối loạn tâm thần, mất trí nhớ do rượu”. |
Bà Vũ Thị H. (vợ ông) kể: Những lần uống rượu, chồng bà thường hay phá phách, chửi bới đánh đập vợ con. Mọi của cải, vật dụng cũng vì thế mà dần bỏ đi, chỉ còn cái “xác” nhà. Nhiều khi say quá, thần kinh ông ấy không còn tỉnh táo, làm gì cũng không nhớ. Ông H. đã từng cầm dao chém vào cánh tay của đứa con gái lớn; bản thân bà H. đã hai lần bị chồng cầm dao chìa vào cổ đòi giết. Quá hoảng sợ trước căn bệnh của chồng, cả gia đình buộc phải đưa ông H. vào bệnh viện tâm thần chữa bệnh.
Theo nhiều bác sĩ, ngoài ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, việc uống quá nhiều rượu, bia trong những ngày trước, trong và sau dịp Tết có thể gây ra nhiều hệ lụy như: gây tai nạn giao thông, đánh nhau... Vậy nên, đừng để những cuộc họp mặt, hội hè, chuyện vui trở thành chuyện buồn trong dịp đầu Xuân bởi vì rượu.
Võ Nguyên