Báo Đồng Nai điện tử
En

Đến cố đô vương quốc Khmer

09:05, 24/05/2012

Nghe lời hướng dẫn: “Muốn hiểu về Campuchia hãy đến TP. Siem Reap - nơi có cả dấu ấn quá khứ của vương triều Khmer, lẫn hình ảnh của một Campuchia hiện tại và tương lai”, tôi bèn tìm đường đến “thánh địa” đền đài cổ xưa nhất của xứ Chùa Tháp.

Nghe lời hướng dẫn: “Muốn hiểu về Campuchia hãy đến TP. Siem Reap - nơi có cả dấu ấn quá khứ của vương triều Khmer, lẫn hình ảnh của một Campuchia hiện tại và tương lai”, tôi bèn tìm đường đến “thánh địa” đền đài cổ xưa nhất của xứ Chùa Tháp.

Dự định của tôi là đi bằng đường thủy, một phương tiện truyền thống của người Campuchia để vừa có dịp thưởng ngoạn cảnh vật trên đoạn sông Mekong chảy vào thủ đô Phnom Penh, được vi vu trên sông Tonle Sap, Biển Hồ mà giá lại khá rẻ. Thế nhưng nắng nóng, khô hạn đã làm cho nước sông thấp đến mức tàu cánh ngầm, tàu cao tốc đều ngưng hoạt động, còn tàu đò thì hơi xập xệ, nhìn có vẻ mất… an toàn, nên sau cùng tôi đành làm sang đi Express Limousine Bus có giá vé 10 USD/người.

* Bất ngờ với TP.Siem Reap

Đến TP.Siem Reap vào lúc hơn 7 giờ tối, tôi thật sự ngỡ ngàng và choáng ngợp trước sự lộng lẫy, hoành tráng của cố đô Angkor hôm nay. Ai cũng biết Siem Reap vốn là kinh đô cổ xưa của đế chế Khmer một thời rực rỡ, huy hoàng, nhưng sau đó bị thiêu rụi, tàn phá và nhiều thế kỷ dài bị rơi vào quên lãng  giữa chốn rừng già thâm u. Siem Reap cũng là vùng đất kết thúc chiến tranh chậm nhất trên đất nước Campuchia do nằm sát Kuolen, Along Veng - căn cứ địa “thần thánh” của Khmer đỏ, nơi được chọn làm tổng hành dinh của Pol Pot.

Kẹt xe trên đường vào Angkor Wat.
Kẹt xe trên đường vào Angkor Wat.

Siem Reap bây giờ tân kỳ và rực rỡ với những trung tâm thương mại, siêu thị, spa resort… bề thế, lộng lẫy, những nhà hàng, quán bar kết hợp ca múa Apsara lôi cuốn, hấp dẫn. Đặc biệt, “Siem Reap by night” có cả một chợ đêm (Angkor night market) lung linh, huyền ảo. Bên cạnh đó là cả một khu phố nhậu (Pub street area) đông vui mà lịch sự, ấm cúng, nơi có những bars & pubs với các tay pha chế cocktail sành sỏi, có thể đáp ứng mọi gu  cho khách sành điệu đến từ bất kỳ phương trời nào bằng cái giá khá rẻ (2-5 USD). Trong khu này còn có con đường nhỏ, yên tĩnh chuyên bán các món ăn đặc sản Khmer.

Ở Siem Reap có một địa chỉ mà bất cứ du khách nào đến thành phố này cũng đều ghé, đó là chợ Cũ (còn có tên là Phsar Chas). Ngôi chợ truyền thống có vẻ hơi lèng xèng này lại bán rất nhiều loại đặc sản, hàng lưu niệm, tơ lụa thủ công… Dọc theo chợ có dãy hàng ăn uống bình dân lúc nào cũng tấp nập.

Nhưng bên kia đường, lại là một khu “phố Tây” yên tĩnh mang dáng dấp châu Âu với những con hẻm nhỏ có nhiều nhà trọ, nhà hàng mini kê bàn ăn ra cả lối đi, bán đủ các món Á, Âu do đầu bếp riêng chế biến cho từng vị khách. Thức ăn nơi đây có giá từ 2-5 USD/món cho một bữa ăn. Tôi rất mê mấy món Pháp do đầu bếp người Campuchia thành thạo chế biến: ăn vừa  ngon vừa rất yên tâm.

Chàng trai mập mạp, đen thui lái chiếc tuk tuk chở chúng tôi chạy lòng vòng để tìm nhà trọ cả tiếng đồng hồ buổi tối vẫn vui vẻ nhận 3 USD như đã thỏa thuận với lời cảm ơn khá nồng nhiệt. Ở Campuchia, hình như trong phối hợp làm ăn có lệ: xe tuk tuk đưa khách (chủ yếu là dân du lịch bụi, Tây ba lô) đến nhà trọ, khách sạn đều… có thưởng. Khách ở phòng quạt giá 5-6 USD/đêm, người lái xe được “bồi dưỡng” 1 USD, loại phòng có máy điều hòa với mức giá trên 10 USD/đêm thì được 2 USD. Tuy việc chở khách du lịch khá là béo bở, thế nhưng việc tranh giành, chèo kéo khách trong giới xe tuk tuk ở Campuchia hình như không xảy ra. Khách kêu xe nào xe ấy rước và chạy, tài xế những xe còn lại vẫn vô tư cười…

 

Người Campuchia làm dịch vụ du lịch đã chuyên nghiệp mà cũng rất thân thiện, cởi mở và vui vẻ. Cậu bé bồi bàn tuổi khoảng 15-16 có dáng một học sinh vùng quê lên thành phố, vậy mà nói tiếng Anh khá thành thạo. Biết được tôi là người Việt Nam, cậu bé chăm sóc có vẻ tận tình hơn mấy ông Tây, bà đầm thường ngồi trầm ngâm, lặng lẽ ăn, uống bia. Khi khách ra về, ông bà chủ nhà hàng khá trẻ và đẹp đôi đã bước ra tiễn khách với nụ cười hết sức thân thiện, làm cho tôi phải nói với vợ: “Lần sau trở lại Siem Reap, mình nhớ ghé nhà hàng này!”.

 Guesthouse tôi trọ cách chợ Cũ đến hơn 2km, nằm trong khu Watbo đang phát triển - cũng là một “phố Tây” mới ở Siem Reap với mấy con đường nhỏ toàn là nhà trọ, quán, bar, night club, tiệm giặt đồ… Tôi đã chọn cái nhà trọ hơi xa, sau khi rà khắp các khách sạn, guesthouse ở khu vực trung tâm chợ Đêm từ 7 giờ 30 - hơn 8 giờ tối mà nơi nào cũng hết phòng với câu xin lỗi rất văn hóa: “Năm mới mà! Thông cảm nhé!”. Nhà trọ này tôi tìm thấy trong quyển Cambodia guide book với lời giới thiệu: “Lovely place…”. Quả thực đây là nơi dễ thương thật với ông chủ người Campuchia to lớn, bệ vệ nói được tiếng Anh, Pháp, Việt, tự lái xe, xắn quần vác ba lô cho khách vào tận phòng. Nhà trọ có quầy rượu, nhà hàng mini phục vụ tất cả món ăn Âu, Á, Campuchia và đảm nhận cả các dịch vụ mua tours, thuê xe tuk tuk, đặt vé tàu xe, máy bay đi các nơi cho khách trọ.

* Ăn thịt cầy trên đất Angkor

Buổi tối đầu tiên tôi đặt chân đến TP.Siem Reap, còn là ngày cuối lễ hội Chol Chnam Thmay, nên việc thả đèn hoa trên sông Siem Reap  vẫn còn diễn ra, làm rực rỡ cả một đoạn sông có chiếc cầu kiến trúc theo lối Khmer cổ dẫn vào chợ Đêm.

Dịp Chol Chnam Thmay, hầu như lao động nhập cư đều… về quê “ăn Tết”;  người dân Siem Riep đi chùa và chiều đến lái xe chở cả gia đình ra vùng ngoại ô cạnh quốc lộ 6 trải chiếu bày thức ăn, bia rượu ra vừa nhậu vừa hóng gió. Quốc lộ 6 mới vừa xây dựng rộng thênh thang, hai bên lề đường có mảng hành lang trồng cây xanh, thảm cỏ thoáng mát; trở thành nơi tụ họp ăn uống của người dân Siem Riep khi trời vừa tắt nắng.

Cũng trong buổi chiều mùng 3 Tết Chol Chnam Thmay, tôi được một người lái xe tuk tuk vừa kết thân có cái tên đọc theo tiếng Anh giống như tên con gái là Jenny chở đi ăn thịt cầy. Jenny đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Anh ngữ từ vùng quê khô cằn lên TP.Siem Reap vừa học vừa lái xe tuk tuk cho khách thuê nguyên ngày. Từ Watbo ra tận vùng Pêch Kunthel Bụp pha Sapiên Nia đến khoảng 5 km, chiếc tuk tuk chở tôi vào một con đường đất và ngừng trước một cái quán không bảng hiệu gì cả, đang lố nhố mấy bàn khách.

Bà Nguyễn Ngọc Diện, chủ quán là người Việt quê gốc Sóc Trăng cho biết, quán mở được 4 năm nay, chỉ bán đúng 2 món mà người ghiền thịt cầy ở đây rất ưa thích: món cầy chiên và cầy nấu canh chua. Quán có 3 loại rượu là rượu chuối hột, rượu mỏ quạ và rượu ngâm bông thốt nốt. Tôi chọn loại rượu thứ 3 vì mới nghe lần đầu nên muốn nếm thử. Thịt cầy chiên ăn khá ngon, nhờ ngọt và giòn, thơm, nhưng đáng tiếc là thiếu mắm tôm, ớt hiểm; còn rau sống thì quá tệ, chỉ có thân chuối non xắt mỏng. Lạ nhất là món thịt cầy nấu canh chua có mùi vị độc đáo, không hề giống thứ gì ở Việt Nam. Bà Diện tiết lộ: “Dân ăn thịt cầy ở đây thích món này lắm, chỉ húp nước là nhậu mệt nghỉ vì trong đó có đủ cả riềng, mẻ, sả, ớt… và đặc biệt là có lá mờ- rem-rơi!”. Tôi nhìn loại lá lạ mà bà chủ quán nói là chỉ có ở Campuchia thì thấy nó giống lá é rừng, nhưng rõ ràng là không phải.

Ăn thịt cầy ở Campuchia ngon và lạ miệng, nhưng thực tình là không “đã” bằng ở Việt Nam...

Bùi Thuận

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều