Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi “bụi” qua xứ Chùa Tháp

08:05, 10/05/2012

Hiện nay, tour du lịch nước ngoài được các hãng lữ hành chào mời với cái giá rẻ nhất là Campuchia. Tour 4 ngày chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng, thấp hơn cả Thái Lan lâu nay được xem là nơi du lịch có giá rẻ nhất.

Hiện nay, tour du lịch nước ngoài được các hãng lữ hành chào mời với cái giá rẻ nhất là Campuchia. Tour 4 ngày chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng, thấp hơn cả Thái Lan lâu nay được xem là nơi du lịch có giá rẻ nhất.

Viếng chùa bạc trong ngày Chol Thnam Thmay.
Viếng chùa bạc trong ngày Chol Thnam Thmay.

Đi du lịch “bụi” sang Campuchia còn rẻ hơn nhiều và biết được nhiều thứ mà đi theo tour không thể nào biết. Trong đó, chỉ qua chuyện tự mua vé xe, tự lo ăn, ở, đi lại... là đã thấy phục lăn cung cách phục vụ du lịch của người dân xứ Chùa Tháp - một đất nước mà sau nạn diệt chủng gần như kiệt quệ và hiện vẫn đang là nước có kinh tế chậm phát triển, nằm trong danh sách khoảng 50 nước nghèo trên thế giới. Vậy mà Campuchia làm du lịch rất chuyên nghiệp với tác phong cởi mở, thân thiện, làm cho du khách đến một lần, cứ muốn trở lại.

* Nam Vang đâu chỉ có… hủ tiếu!

Đi đường bộ từ TP.Hồ Chí Minh sang Phnom Penh (thủ đô Vương quốc Campuchia, mà trước đây người Việt mình hay gọi là Nam Vang), ngoài xe của các công ty du lịch, các opentour như Sinh café... còn có các công ty vận tải khách như: Sapaco, Mai Linh, Mekong Express, G.S.C… nằm trên các đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Đình Chiểu... Theo dân du lịch “bụi” thì xe đi tuyến TP.Hồ Chí Minh - Nam Vang của các hãng Capitol, Paramount, Sorya do người Campuchia làm chủ có giá vé rẻ hơn từ 1-2 USD và mua vé khứ hồi còn được bớt thêm 1 USD nữa. Có lẽ, do xe của các hãng này không “xịn” bằng.

Anh đào nở hoa trên xứ Chùa Tháp.
Anh đào nở hoa trên xứ Chùa Tháp.

Campuchia cũng có loại xe rất lộng lẫy của hãng Sokha Komar Tep Express Limousine Bus bán vé liên tuyến Siem Reap - TP.Hồ Chí Minh, nhưng đến Phnom Penh thì thay Limousine Bus bằng một chiếc tuềnh toàng hơn để sang Việt Nam. Tất cả các loại xe khách chạy tuyến TP.Hồ Chí Minh - Phnom Penh và ngược lại đều có nhân viên lo việc làm thủ tục xuất nhập cảnh cho hành khách khi ra vào cửa khẩu.

Đặt chân vào đất Campuchia, nhà xe còn ghé vào quán... “quen” có những món ăn Việt lai Khmer để du khách làm quen dần với thức ăn lạ mắt của xứ Chùa Tháp. Mà không cần đâu xa, chỉ vừa xuống phà Neak Loeung du khách đã được chào mời inh ỏi những đặc sản Campuchia, như: khô cá trèn hun khói, dế, nhện, bò cạp chiên… bằng tiếng Việt với giọng thân thuộc. Vậy mà lâu nay, dân Sài Gòn, Mỹ Tho... chỉ biết đến Nam Vang qua hủ tiếu Nam Vang!

“Ăn T ết” Chol Thnam Thmay

Chúng tôi đến Phnom Penh vào mùng một Tết Chol Thnam Thmay, thành phố khá vắng vẻ, hàng loạt hàng quán nằm trên 4 con đường đối diện chợ trung tâm đều đóng cửa cho nhân viên được nghỉ việc để… về quê ăn Tết. Tôi cảm thấy bất ngờ vì những nước có nền văn hóa nông nghiệp, như: Campuchia, Lào, Thái và Myanmar đều xác định 3 ngày từ 13 đến 15-4 hàng năm là ngày Tết và diễn ra lễ hội rất long trọng, đặc sắc nhất là… “Chúc mừng năm mới” bằng tục té nước.

Phnom Penh trong ngày Chol Thnam Thmay không ồn ào, sôi động và tuyệt nhiên không có một giọt nước nào được tạt vào nhau (khởi thủy tục té nước để chúc phúc là biến cách của hình thức cầu đảo trong dân gian). Dù rằng từ người chạy xe tuk tuk đến các chàng trai, cô gái Campuchia phục vụ trong nhà hàng, khách sạn, quán ăn… gặp du khách đều vui vẻ chào bằng câu cửa miệng: “Happy New Year!”.

Có lẽ để tránh nắng nóng (tháng 4 là tháng nóng nhất ở đất nước không hề có mùa đông này), nên vào khoảng 6 giờ chiều, mọi người dân ở thủ đô Phnom Penh mới đổ xô ra đường và kéo nhau đến quảng trường sông bốn mặt nằm dọc theo đại lộ Sisavath, nơi hợp lưu dòng Mekong với sông Tonle Sap, sông Bassac và sông Tiền. Đây là điểm vui chơi thú vị vào chiều tối của người dân thủ đô Phnom Penh cũng như du khách quốc tế khi đến thăm Vương quốc Chùa Tháp. Dọc đại lộ là dãy hàng quán, nhà hàng “khu phố Tây”, bên bờ sông là quán cóc, là những hàng chiếu trải dài cho cả gia đình cùng bè bạn người Campuchia ngồi xuống đất thưởng thức bia Angkor, nước thốt nốt với những món đặc sản, như: dế cơm, điên điển, cà cuống, cào cào, nhện, nhộng, ểnh ương, chim, rắn… được nướng, chiên, xào, luộc thơm lừng, rất ngon và khá rẻ.

Một mặt chợ trung tâm Phnom Penh.
Một mặt chợ trung tâm Phnom Penh.

Trong buổi tối mùng một Tết Chol Thnam Thmay bị một trận mưa rào bất chợt “chúc phúc” làm ướt cả áo quần, tôi đành bỏ khu ngồi chiếu vẫn ồn ã, đông vui để bước vào một cái nhà hàng sang trọng không kém gì Continental ở Sài Gòn để nhâm nhi chai bia Campuchia có giá đến 2,5 USD và được cô gái phục vụ tìm cho ngay tờ tạp chí L’Echo du Cambodge số chuyên đề: “Phnom Penh, Plan complet - Full map” khi nghe tôi ngỏ ý muốn tìm mua bản đồ du lịch thành phố Nam Vang. Và tại cái nhà hàng “quý tộc” này, tôi còn có thể nhàn hạ ngồi nhìn cảnh thả đèn hoa rực rỡ trên sông Mekong.

* Hoa anh đào nở trên xứ nóng

Cũng giống như đất nước Triệu Voi, mùa này trên các nẻo đường ở xứ Chùa Tháp rực rỡ màu vàng của loài hoa Muồng Hoàng Yến (mà bà con mình hay gọi là Bò Cạp nước, hay Osaka… dù nó có nguồn gốc Ấn Độ). Đặc biệt là hầu như tất cả cung điện, đền chùa ở Campuchia đều có đầu lân với những chùm hoa thật to có màu đỏ tía bung cành lòng thòng (khoảng vài ba năm nay, loại hoa kỳ lân này đã xuất hiện trong các ngôi chùa, thánh thất Cao Đài ở Tây Ninh, khu du lịch Bình Quới - TP.Hồ Chí Minh...). Nhưng thật là bất ngờ, trước sân của Viện Bảo tàng quốc gia Vương quốc Campuchia còn có một cây anh đào đang trổ hoa rực rỡ. Đây là chuyện lạ, vì loài “quốc hoa” nổi tiếng này của Nhật chỉ trồng và có bông được ở xứ lạnh mà sao lại nở hoa giữa mùa cực nóng trên đất Chùa Tháp. Đã từng sang Côn Minh (thuộc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc), nơi còn được gọi là Xuân Thành do khí hậu của thành phố trên cao nguyên này quanh năm mát như mùa xuân, để ngắm hoa anh đào; nên nhìn cây anh đào đang đơm bông ở Nam Vang, tôi cứ thấy ngờ ngợ. Do vậy, khi nhìn thấy hai vị khách trung niên cũng đang say sưa dùng điện thoại để chụp ảnh hoa anh đào Nhật đang trổ hoa trên đất Cao Miên, tôi liền bắt chuyện hỏi thăm. Cả hai đều khẳng định đây là Sakura (anh đào) và còn cho biết: “Có lẽ đây là một loại anh đào trong rất nhiều loài hoa anh đào của Nhật”. Thấy hai người đàn ông có vẻ rành về hoa, tôi bèn hỏi thêm một câu cho có hậu: “Vậy chứ người Campuchia gọi hoa anh đào như thế nào?”. Người đàn ông ngừng chụp ảnh, mỉm cười nhìn tôi: “Tôi chắc là họ cũng gọi là… Sakura! Xin lỗi, tôi cũng như ông, cũng là du khách nước ngoài, chứ không phải người Campuchia. Chúng tôi là người Thái, mới đến Phnom Penh lần này lần đầu.”

Tôi rối rít xin lỗi. Hóa ra nãy giờ, tôi cứ tưởng hai ông khách này là người Campuchia, mà đã là dân bản địa có mấy ai lủi vô tham quan Viện Bảo tàng vào ngay ngày Tết bao giờ?

Bùi Thuận

 

 

 

 

Tin xem nhiều