Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Lênh đênh trên sông

10:05, 21/05/2012

Đời thương hồ rày đây mai đó. Sống trên sông nước mãi cũng thành quen, ăn trên thuyền và ngủ cũng trên thuyền. Đời thương hồ là những câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn, vất vả nhưng cũng rất giàu tình người trên vùng sông nước mênh mông.

Đời thương hồ rày đây mai đó. Sống trên sông nước mãi cũng thành quen, ăn trên thuyền và ngủ cũng trên thuyền. Đời thương hồ là những câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn, vất vả nhưng cũng rất giàu tình người trên vùng sông nước mênh mông.

1
Những chiếc ghe chở đầy nông sản. Ảnh: T. Hải

Đến mùa trái cây, tôm cá..., hễ nơi nào có nguồn hàng dồi dào và rẻ, nơi đó có tiếng ghe thuyền khua nước; tiếng chào mời rôm rả, tiếng trả giá ồn ào của cánh lái buôn.

Lấy sông nước làm nhà

Chúng tôi tìm đến rạch Mơn, đoạn từ sông Nhà Bè giao với bến phà Phước Khánh (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) đương buổi còn tinh mơ. Nơi đây được coi là “thủ phủ” của những người làm nghề buôn bán trên sông nước, bởi vị thế đắc địa của nó, vừa có bến phà chở khách đi các huyện Cần Giờ, Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh), lại có chợ Phước Khánh nằm ngay sát ngã ba sông, thuận lợi cho nhiều loại ghe thuyền vào, ra neo đậu. Chúng được xếp vào nhau san sát tạo thành điểm trao đổi, mua bán hàng hóa xôm tụ.

2

Những người làm nghề thương hồ đã quá quen với cuộc sống lênh đênh.

Như thường lệ, sau khi cập ghe vào dưới chân cầu và chờ các chủ mối đến lấy dưa, Bảy Tín (37 tuổi, người Tiền Giang) với tay lấy chiếc radio treo lủng lẳng trên mái vòm nghe chương trình thời sự sáng. Nhìn từ xa, ai cũng đoán ra công việc của Bảy Tín. Da rám nắng, dáng người chắc nịch cùng giọng nói liến thoắng của dân thương hồ, Tín bảo vừa theo thuyền chở dưa từ huyện Bình Đại (Bến Tre) lên. Mỗi ngày một chuyến, xuất phát ở nhà lúc 23 giờ, đến nơi khoảng 4 giờ sáng. Nhập hàng cho mối đến 5 giờ thì kết thúc, lại ngược sông đến các nhà vườn lấy hàng, trưa mới về đến nhà. Ngày nào cũng vậy, mọi sinh hoạt, ăn ngủ đều diễn ra trên thuyền. Công việc thu gom dưa do anh và hai thằng con trai lớn đảm trách, còn vợ anh làm nhiệm vụ chấm bút, nếu dưa còn dư thì lên bờ ngồi bán.

Theo chân Bảy Tín, chúng tôi được biết thương đoàn của anh còn có Út Năm bán chuối; Tiến Nhân chở khóm, dừa khô; Chín Rô bán bí... Tất cả những người này đều có tuổi đời từ 30-45 và tuổi nghề của họ cũng xấp xỉ nhau. Đi nhiều biết nhiều nên những nơi nào có nguồn hàng dồi dào lại rẻ là Út Năm thuộc như lòng bàn tay. “Rạch Giá, Cái Răng, Bến Lức, Cần Giờ... nơi nào tôi chả qua. Nghề này là thế, nơi nào, mùa nào có thứ gì thì mình ghé. Chẳng hạn, như: dừa khô, sắn của Bến Tre; khóm ở Xẻo Rô (Kiên Giang); xoài, chôm chôm ở Tiền Giang. Chuyện mua bán mỗi nơi mỗi khác” - Út Năm phân trần.

Cả ngày lênh đênh trên sông, về đến nhà đã nửa đêm, họ chỉ tranh thủ chợp mắt một lát, rồi lại trở dậy, bận bịu chuẩn bị hàng cho chuyến đi mới. Đó là những người may mắn, có nhà cửa đàng hoàng, còn như ông Dân Lái (56 tuổi) thì đã đến nửa đời sống trọn trên ghe. Trước đây, ông là thương lái theo thuyền, buôn bán hàng nông sản và rau quả. Kinh doanh phát đạt, ông sắm thuyền riêng để tự vận chuyển hàng hóa. Cuộc sống “tiểu thương” sông nước của vợ chồng ông đang phát thì vận rủi ập đến. Toàn bộ cơ ngơi dành dụm bao năm mới có giờ mất hết. Chán cảnh, ông mua lại chiếc ghe nhỏ rồi rày đây mai đó buôn chuối. Mỗi năm mới về nhà một lần, đưa tiền cho vợ con rồi đi ngay. Đêm về, ông tựa lưng lên những tấm ván được đặt trên sàn để thay giường.

Nhiều lúc, nhìn cảnh ông Dân sớm hôm thui thủi, nhiều người trong hội góp ý ông nên quay về với vợ con, vì dù sao ông đã lớn tuổi. Nhưng, ông chỉ đáp lại: “Quen rồi, đời nào vui bằng đời thương hồ. Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông”.

"Bến đục, bến trong"

Nghề thương hồ đã qua những năm hưng thịnh. Giờ đây, hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh, nhiều ngôi chợ được xây kiên cố, khiến cánh lái buôn làm ăn thêm khó nhọc. Không phải bến nào cũng có nhiều mối đặt hàng. Tiêu biểu là bến tàu nguyễn Văn Trị, nằm đối diện chợ Biên Hòa, nhiều năm nay đã không còn hấp dẫn giới thương hồ. Số lượng thuyền ghe cập bến mỗi lúc một ít đi, có thuyền chỉ một lần ghé mà chẳng bao giờ trở lại.

Sau 10 giờ, mọi trao đổi mua bán gần như chấm dứt, tiếng mặc cả giữa kẻ bán người mua đã không còn. Lúc này, dưới sông 6 chiếc ghe cũng chuẩn bị rời bến. Tâm sự với họ, chúng tôi biết buôn bán ngày hôm nay không được thuận lợi mấy. “Đậu ở đây hơn 15 năm rồi, mà chưa có lúc nào hàng hóa ế ẩm như lúc này. Người dân bây giờ toàn vào chợ Biên Hòa để mua trái cây, rau củ thôi” - chị Vân (42 tuổi), chủ ghe Hữu Nghĩa than vãn. Chị kể, cách đây chừng 5-7 năm, gia đình chị luôn thường trực ở đây để giao nhận hàng. Thời điểm ấy, chuyện làm giàu, kiếm lời từ nghề này rất dễ. Dân thương hồ chỉ chọn bán một loại hàng, khách hàng tùy nhu cầu sẽ cặp ghe họ. Cây trái nhờ mua tại nhà vườn nên thường rẻ gần một nửa so với bên ngoài, khi bán lại giá rất hời. Nếu gặp khách “sộp”, ngày hôm đó xem như thắng lớn.

Kế bên ghe chị Vân là ghe của gia đình anh Sơn Tài (33 tuổi), dù bán không hết hàng nhưng vẫn tươi cười: “Không sao. Lúc được lúc không. Nhưng mà phải công nhận, mấy năm trở lại đây, làm ăn ở bến tàu này hơi chật vật. Mỗi gia đình có từ 5-7 người làm, trong khi nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng”. Con cái để cho ông bà chăm nom còn anh chị chạy hết bến này đến bến khác. Ngày trước, họ cũng thường xuyên cập các bến ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng được một thời gian đành chuyển về đây.

Dân thương hồ cho rằng, buôn bán trên sông nước bây giờ khó hơn trước, nhưng đã thành thạo, giỏi nghề vẫn sống được. Vì đi nhiều sẽ biết “bến đục, bến trong”, nơi nào làm ăn thuận lợi thì ở lại lâu, còn không thì di chuyển tiếp nơi khác. Ông Hai Doãn năm nay đã 61 tuổi nhưng vẫn còn rắn rỏi và lanh lẹ với nghề buôn bán ngược xuôi này. Hiện tại, ông không thường xuyên đi theo thương đoàn, mà đã nhường lại cơ ngơi cho đứa con cả. Khi biết thời thế không thuận thảo, ông bảo người con cố gắng mua lấy 2 chiếc thuyền. Chiếc lớn đi bán ở các bến lớn, len lỏi vào khắp nơi để gom hàng tốt. Còn chiếc nhỏ chỉ đi mua bán gần nhà. Nhờ vậy, gia đình ông đã vượt qua được thời điểm gian khó. “Nghề này cực lắm, nhưng được cái sống thoải mái hơn những công việc khác trên bờ. Chuyện làm ăn không phải lúc nào cũng tốt, có hôm hàng chất đống không bán được nhưng mình vẫn hy vọng ngày mai sẽ bán nhiều hơn” - ông Hai Doãn tâm sự.

Thanh Hải

Bài 2: Gia đình thương hồ

                                                                   

 

 

Tin xem nhiều