Trời vừa hửng sáng, ngôi chợ nằm ngay mé sông đã rộn ràng, tấp nập người vào, kẻ ra. Những chiếc ghe chở đầy nông sản, hàng khô chậm chạp cập bến. Những chiếc hết hàng chuẩn bị ra về, để lại bao vội vã, ồn ào ở phía sau.
Trời vừa hửng sáng, ngôi chợ nằm ngay mé sông đã rộn ràng, tấp nập người vào, kẻ ra. Những chiếc ghe chở đầy nông sản, hàng khô chậm chạp cập bến. Những chiếc hết hàng chuẩn bị ra về, để lại bao vội vã, ồn ào ở phía sau.
Từ lâu, giới thương hồ vẫn rỉ tai nhau rằng: chỉ có người làm nghề buôn bán mới hiểu được hết nỗi cực nhọc của nhau. Vậy nên, không ít cặp vợ chồng đã nên duyên từ sông nước, tạo thành gia đình thương hồ. Cuộc sống sông nước bấp bênh khiến những đứa trẻ sinh ra không giấy khai sinh, không được học hành trở nên phổ biến. Hàng ngày, chúng vẫn phải cùng cha mẹ lênh đênh theo từng con nước.
* Nghề cha truyền con nối
Sinh ra từ sông nước, anh Huỳnh Tuấn coi chiếc ghe chính là "ngôi nhà" thân yêu của mình, “ngôi nhà” mà cả một đời cha anh từng thủy chung gắn bó với nó. Cha anh Tuấn là một tay buôn có tiếng về giữ chữ tín, làm ăn có trước có sau nên chẳng mấy chốc mà hưng thịnh. Khi tuổi đã già, cha anh giao lại toàn bộ ghe thuyền cho các con. Giống như cha mẹ, cả gia đình anh Tuấn ngược xuôi với nghề thương hồ. 2 cô em gái của anh Tuấn cũng lấy chồng làm thương hồ. “Hồi nhỏ, theo cha riết rồi thành quen, đến khi lớn lên xin theo mần ăn. Mần nghề này không cha truyền con nối cũng bà con thân thích, tụ lại lập một thương đoàn” - anh Tuấn cho biết.
Vợ chồng ông Tư Rọi đang phân loại cá để chuẩn bị đem vào chợ bán. |
Hai người bạn ở gần ghe anh Tuấn cũng theo nghề đi ghe giống cha mẹ. Khi chúng tôi cặp ghe vợ chồng ông Tư Rọi (quê ở Tiền Giang) thì họ đang phân loại cá. Số cá này, họ lấy từ những người đi biển ở Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh). Từ Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) sang đó khá gần nên khi cá về bến vẫn còn tươi nguyên. Vợ chồng ông Tư Rọi đi ghe hơn 15 năm, có con gái, con rể cũng theo nghề. Ai nấy đều có ghe riêng, mỗi người chọn một mặt hàng để bán. Công việc khẩn trương khiến đôi tay họ phải làm việc liên tục, chưa một lần kịp ngẩng mặt lên để trò chuyện với chúng tôi. Bà Châu Thị Tâm, vợ ông Tư Rọi, cho biết: “Nhà báo xem, trong gia đình có một người theo nghề là cả nhà ai cũng biết làm hết. Cha mẹ đi ghe thì con cũng đi ghe thôi”.[links(right)]
Ở chợ Phước Khánh, những người trong nghề ai nấy đều biết đến gia đình ông Bảy Huệ, một thương hồ đã 76 tuổi, người Trà Vinh, đang có bốn người con nối nghiệp cha. Mỗi lần khách đông, cánh tay chắc nịch của ông lại phụ vợ con khuân từng buồng chuối to lên bờ bán. Ông Bảy Huệ cho hay: trước đây ông cũng là thương lái theo thuyền, buôn bán hàng nông sản và rau quả. Rồi khi con cái trưởng thành, cứng cáp trong nghề làm ăn, ông mới chịu dừng. Ở đây, gia đình ông là một trong số ít những người có cả bốn con theo nghiệp. “Chẳng biết sau này tụi nó có đi đến cùng hay không? Nhưng bây giờ thì tôi cũng đã yên lòng. Nghề sông nước có đồng ra, đồng vào. Gặp vận may nếu chịu khó làm ăn thì mấy chốc mà khá” - ông bộc bạch.
* Mơ lấy cái chữ
Gia đình thương hồ quanh năm “vật lộn” với con nước. Hết chạy bến này lại đến bờ kia, mỗi năm thi thoảng lắm họ mới về nhà một lần. Chuyện những đứa trẻ sinh ra ngay trên mạn thuyền, lớn lên cũng nhờ đó, rồi bỏ học dang dở để theo chân cha mẹ mưu sinh hết năm này qua tháng khác trở thành cái “dớp” không dễ xóa bỏ của dân thương hồ. Quan niệm “học nhiều có giàu lên được không, cơm còn chưa đủ ăn thì mơ gì đến cái chữ” dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ của họ. Cuộc sống sông nước tạm bợ, bấp bênh nên bọn trẻ vẫn phải cùng cha mẹ lênh đênh không biết đến bao giờ.
Những đứa trẻ theo cha mẹ sống trên sông nước. |
Gia đình chị Bùi Thị Huệ có đến 3 đứa con, tất thảy đều trong độ tuổi cắp sách đến trường, nhưng hỏi ra mới biết chẳng có đứa nào học quá bậc tiểu học. Khi chúng tôi đến thăm, chị Huệ cùng đứa con gái út vừa hì hục tát nước, vừa trát bột trai lên đáy chiếc ghe cũ thường xuyên bị rỉ nước vào lòng ghe. Chị Huệ cho biết: "Thằng lớn Nguyễn Anh Hòa năm nay đã 13 tuổi, bỏ học từ lúc mới lên lớp 3, quên hết con chữ nên nó thường phải nhờ An (đứa em kế vừa học hết lớp 5) đọc truyện cho nghe. Dù còn nhỏ nhưng Hòa đã trở thành một nhân lực chính trong gia đình". Cái dáng dong dỏng, nước da ngăm khiến Hòa già trước tuổi, nhưng vẫn còn đó cái tính trẻ con. Sau khi phụ mẹ chuyển hết số chuối lên bờ, Hòa thường bày trò chơi cho đám trẻ trong “xóm” thương hồ.
Điều quan trọng nhất đối với mỗi gia đình thương hồ bây giờ chính là miếng cơm, manh áo trong cuộc mưu sinh. Họ không có thời gian để nghĩ đến chuyện học hành, tương lai của con cái. Trong khi đường phố nhộn nhịp với những ngọn đèn xanh đỏ thì dưới sông, những gia đình làm nghề thương hồ chen chúc nhau trên chiếc ghe bé xíu bên ngọn đèn dầu heo hắt. |
Vào những ngày chủ nhật, giới buôn bán trên sông thường hoạt động tấp nập hơn, vì đây là lúc bán chạy nhất. Nhiều gia đình đưa con cái đi theo vừa để phụ việc, vừa để cho chúng tập dần thói quen đi buôn. Ngồi cạnh chúng tôi, em Võ Thị Thu (15 tuổi) mắt ngân ngấn nước khi được hỏi ước mơ sau này làm gì. “Cháu mơ ước được làm cô giáo, nhưng chú đừng viết, mọi người sẽ cười, vì cháu nghỉ học từ năm lớp 6 đến giờ” - Thu cho biết. Là đứa lớn trong gia đình có bốn chị em nên Thu biết hoàn cảnh khó khăn của chính mình. Sớm đi theo mẹ học việc, Thu đành nhường cơ hội học hành lại cho các em.
Dù được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn nhưng biết học không vào, nên vừa hết lớp 6, cô bé Trúc Mơ quyết định rời xa chuyện sách vở để xuống ghe giúp mẹ. Ghe của gia đình Trúc Mơ thuộc loại nhỏ nên không buôn bán hàng nông sản, tôm cá như mấy ghe khác. Hàng ngày, mẹ bán hàng khô trên chợ, còn Trúc Mơ phụ cơm nước và bán hàng tạp hóa ở dưới sông. Từ khi thôi học, em chỉ biết làm bạn với mấy quyển báo và con búp bê. “Không biết sau này em phải làm gì nữa. Chứ bây giờ chữ ngắn như thế không đi buôn rồi cũng lấy chồng sớm. Biết thế này, trước em cố gắng đi học cho rồi” - Mơ nói giọng buồn buồn.
Với dân thương hồ, những đứa trẻ như anh em Hòa, Thu, Trúc Mơ... cứ sinh ra, lớn lên và lại tiếp tục nối nghiệp cha mẹ mình. Vì thương hồ vẫn mãi là thương hồ. Hình ảnh ấy, dù 10 năm, hay 15 năm nữa có thể vẫn mãi như thế.
Thanh Hải