Nhờ biết nâng niu, quý trọng từng mầm cây, mét vuông đất mà ươm cây giống nên gần 15 năm qua, hàng trăm hộ dân xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom) đã vươn lên làm giàu. Ươm giống cây xanh ở đây ngày càng phổ biến, công việc diễn ra tất bật cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Nhiều hộ xem đây là nghề nghiệp làm ăn thật sự.
Nhờ biết nâng niu, quý trọng từng mầm cây, mét vuông đất mà ươm cây giống nên gần 15 năm qua, hàng trăm hộ dân xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom) đã vươn lên làm giàu. Ươm giống cây xanh ở đây ngày càng phổ biến, công việc diễn ra tất bật cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Nhiều hộ xem đây là nghề nghiệp làm ăn thật sự.
* Cây, đất và... người
Cứ vào đầu mùa mưa, các hộ ươm cây giống ở Quảng Tiến lại bắt đầu vào vụ. Công đoạn chọn đất, làm đất, trộn phân, đóng bầu, tra hạt, giâm hom, che chắn vườn ươm..., được thực hiện từ những tháng đầu năm. Đến giữa tháng 5 trở đi, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, có mưa thì cũng là lúc người dân Quảng Tiến có cây giống bán.
Đóng bịch cây con để chuẩn bị đem bán. |
Từ 1,5 sào đất ban đầu, đến nay vườn ươm của gia đình ông Nguyễn Trọng Thọ (ấp Quảng Phát) đã mở rộng ra gần 4 hécta và trở thành một trong những vườn ươm cố định của xã. Từ hai bàn tay trắng lập nghiệp, trải qua không biết bao nhiêu nghề phụ, cuối cùng vợ chồng ông đã có một cơ ngơi đồ sộ. Hiện tại, vườn ươm của ông Thọ có thể sản xuất quanh năm, với các giống cây chủ lực, như: tràm giâm hom, dầu, xà cừ... Nói về cái duyên nợ với cây và đất, ông Thọ tâm sự: “Ngày đầu, tôi toàn đi học lần mò, đó là những lần đi làm thuê cho lâm trường, sau này mới được các giảng viên của Trường đại học lâm nghiệp trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn ươm. Càng làm càng biết, càng biết càng thấy yêu thương mảnh đất quê mình”.
Ông Thọ cho biết thêm, tuy nghề này ít gặp rủi ro, vốn đầu tư không nhiều nhưng nếu không nắm bắt được nhu cầu của thị trường chỉ còn nước vứt đi. Ông vẫn còn nhớ hồi năm 2004, thời điểm mà cây tràm bông vàng đang “sốt”, nhà nhà thi nhau ươm. Khoảng nửa cuối năm đó, cây tràm rớt giá thê thảm, người nông dân như ông vừa bán, vừa khóc. Cũng từ những lần vấp ngã ấy, ông đã rút kinh nghiệm cho mình, làm nghề này không thể mãi chạy theo thị hiếu người mua cây giống, mà phải biết đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn giống cây trồng.
Đến với nghề này muộn hơn, đối mặt với không ít khó khăn, nhưng vì nặng tình với cây và đất nơi đây nên ông Đặng Ngọc Sơn nhanh chóng trở thành người sản xuất cây tràm giâm hom nổi tiếng. Mồ hôi đổ xuống trên những thớ đất cằn cỗi lâu dần cũng mềm mại, tơi xốp để từ đó cây tràm bén rễ, phủ một màu xanh mượt mà. Và niềm vui vỡ òa sau những lứa tràm đầu tiên mang về một khoản thu kha khá là động lực chính để ông mở rộng thêm diện tích. Nhờ được đầu tư chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên vườn ươm của ông luôn phát triển tốt. Mỗi năm, vườn ươm của ông Thanh xuất ra thị trường 3-5 lần, với gần 5 triệu cây giống.
Ấp Quảng Phát hiện có gần 100 hécta đất làm vườn ươm. Số lượng người theo nghề này ngày một nhiều. Không chỉ có những người lớn tuổi gắn bó với nghề, mà còn cả lớp trẻ, thanh niên. Họ đến với nghề ngoài khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương thì tình yêu giữa con người với cây và đất còn lớn lao hơn cả. Trong khi nhiều thanh niên ở làng đổ ra các đô thị tìm việc thì Trần Văn Thoại (31 tuổi) quyết định gắn chặt cuộc đời mình với đất, cây. Đến nay, anh đã làm chủ 3 hécta đất chuyên dành cho ươm cây giống. Chỉ tay về phía rừng tràm bố mẹ đang thời kỳ tươi tốt, đẻ lắm nhánh, anh Thoại hồ hởi nói: “Thanh niên nông thôn tụi mình vừa có kiến thức, vừa có sức trẻ nên làm được gì thì làm. Đất nuôi cây, cây nuôi lại mình mà”.
* Những cựu chiến binh “mê” ươm cây xanh
Lợi thế của Quảng Tiến là có nền đất thịt pha cát, độ cao địa hình vừa phải, khí hậu khá ổn định nên rất phù hợp cho các loại cây ăn trái, lâm nghiệp... phát triển. Có lẽ vì thế mà từ lâu, chuyện lập vườn ươm cây giống đã bén duyên với cuộc sống, con người nơi đây, góp phần làm thay da đổi thịt bộ mặt một vùng nông thôn. Về đây, không khó để bắt gặp những cựu chiến binh cầm cây cuốc, đội nắng chang chang cả ngày làm đất ươm cây. Họ là những cựu chiến binh có duyên với đất và “mê” ươm cây xanh.
Ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Tiến cho biết: Hiện tại, Quảng Tiến có gần 150 hộ tham gia làm kinh tế vườn ươm. Diện tích chủ yếu do nông dân đi thuê bên ngoài, vì quỹ đất ở đây khá hạn hẹp. Nhiều vườn ươm với quy mô lớn, như: Vinh Phương, Thanh Quý... Các vườn tại đây chuyên cung cấp các loại giống cây, phục vụ trồng rừng và cây xanh đô thị và chủ yếu xuất cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, thậm chí cả thị trường Campuchia. Phong trào trồng rừng phát triển mạnh ở nhiều nơi nên nhiều hộ nông dân đầu tư vườn ươm thu lợi nhuận cao |
Những ngày đầu khai hoang canh tác trên mảnh đất này không hề dễ dàng, dấu tích của chiến tranh còn sót lại như để thử thách sức lực và ý chí của con người. Cùng với vợ con, ông Đinh Thành Tài bắt đầu làm đất, bón phân, mạnh dạn đầu tư tất cả vốn liếng vào trồng điều và các thứ cây ăn quả. Nhưng làm hoài không thấy khá, chỉ nhọc công người, cuối cùng ông chuyển qua ươm cây giống. Đó là các loại cây lâm nghiệp, cây xanh công trình, cây ăn trái.
Trò chuyện với ông Tài, chúng tôi bất ngờ khi biết rằng, nhiều năm qua ông là cán bộ xã, với chức vụ thường trực Đảng ủy xã Quảng Tiến, bản thân ông cũng là cựu chiến binh. Còn chuyện ông “mê” ươm trồng cây giống, góp phần phủ xanh những cánh rừng bạt ngàn bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh.... đã có cách đây gần 14 năm. Nhờ sự siêng năng chăm sóc, bón phân, tưới nước…, những vườn cây giống của ông trồng giờ đây vươn cao xanh tốt khắp mọi nơi. “Chứng kiến những cánh rừng bị bom giặc tàn phá, tâm can mình như bị cào xé. Chiến tranh đi qua, không một gốc cây nào của quê hương vẹn nguyên nên tôi mong muốn mình sẽ góp sức để lấy lại màu xanh ấy” - ông Tài tâm sự.
Ông Minh (58 tuổi, ấp Quảng Phát) là cựu chiến binh, cũng là người gắn bó với nghề ươm cây giống từ nhiều năm nay. Với gần 10 hécta đất để ươm cây giống các loại, ông có thể tự hào vì mình đã làm được như bao nhiêu người khác. Đến với nghề này, ông luôn tâm niệm “phủ xanh cho thôn xóm, quê hương; bảo vệ môi trường sống tốt cho con cháu sau này”. Công việc của một thợ ươm đòi hỏi sự tỉ mỉ, tay nghề cao, vì vậy với người đã có tuổi như ông, vừa học vừa làm là cách nâng cao tay nghề hiệu quả nhất. Ông Minh cho biết, 3 năm trở lại đây, cây tràm giâm hom được nhiều người tìm mua, bởi cây có vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện môi trường sinh thái, dùng để sản xuất giấy. Cũng vì vậy mà tràm là loại cây giống bán chạy nhất, với giá 300-500 đồng/cây. Từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất đến nay, năm nào gia đình ông Minh cũng thu được số tiền lãi khá. Nhờ vậy, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, đủ điều kiện nuôi các con ăn học.
Ngoài ông Tài, ông Minh, ở xã Quảng Tiến còn có nhiều cựu chiến binh giỏi làm kinh tế như ông Sơn (ấp Quảng Phát), ông Quý (ấp Quảng Hòa)… Họ lập vườn, ươm cây giống như để góp thêm chút công sức lúc tuổi cao sức cạn. Thời gian có thể khiến sức lực, tuổi tác hao mòn nhưng bản chất của người lính Cụ Hồ trong các ông vẫn luôn muốn giữ màu xanh, sự bình yên cho quê hương, đất nước.
Thanh Hải