Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Khó khăn trăm bề

09:05, 16/05/2012

Những người đi chăm sóc thân nhân nằm viện thường không có giờ đi ngủ, cũng chẳng có giờ thức - dậy cố định. Đêm đến, khi đôi mắt đã mỏi nhừ, họ chỉ có thể trải chiếu xuống nền gạch lạnh lẽo của hành lang bệnh viện để ngả lưng, nhưng chẳng bao giờ được yên giấc.

Những người đi chăm sóc thân nhân nằm viện thường không có giờ đi ngủ, cũng chẳng có giờ thức - dậy cố định. Đêm đến, khi đôi mắt đã mỏi nhừ, họ chỉ có thể trải chiếu xuống nền gạch lạnh lẽo của hành lang bệnh viện để ngả lưng, nhưng chẳng bao giờ được yên giấc. Đó là chưa kể, nhiều đêm họ phải thức trắng bên người thân. Những vất vả ấy, hầu như những người đi chăm sóc người nhà nằm viện nhiều ngày đều nếm trải...

Dọc hành lang một số phòng, khoa của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, những người đi chăm sóc người nhà nằm viện cứ đứng ngồi không yên. Nhà xa, người thân nằm viện dài ngày, nên khuôn mặt ai nấy đều tỏ vẻ lo lắng, buồn bã. Nhiều người tranh thủ trải lớp giấy báo mỏng trên nền gạch sát mép lối ra vào để chợp mắt, nhưng đôi tay vẫn không quên ôm chặt giỏ đồ bên mình...

Vẻ mệt mỏi của người phụ nữ khi chứng kiến chồng mình nằm bất động nhiều tháng trời, dù đã tốn không ít chi phí để chữa trị.
Vẻ mệt mỏi của người phụ nữ khi chứng kiến chồng mình nằm bất động nhiều tháng trời, dù đã tốn không ít chi phí để chữa trị.

[links(left)]Giật mình sau vài phút chợp mắt, chị Nguyễn Thị Lành (ngụ ở huyện Thống Nhất) vội đưa bàn tay gân guốc kiểm tra lại giỏ xách. Chị lôi ra xấp tiền mỏng mang theo để lo cho người nhà nằm viện. Đếm lại nhiều lần, chị nói giọng lo lắng: “Bấy nhiêu không biết có đủ để chi phí cho những ngày tới hay không?”.

* Khổ vì bệnh

Chị Lành bảo rằng, gia đình chị làm rẫy ở quê cũng đủ kiếm tiền trang trải qua ngày. Với người chồng chăm lao động và hai con hiếu thảo, cuộc sống của chị cứ thế êm đềm trôi qua. Rồi, trong một lần đi làm về, chồng chị bỗng dưng ngã khụy và thấy khó thở. Sau vài lần kiểm tra, rồi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chồng chị mắc bệnh lao phổi và nhiều chứng bệnh khác.

Bỏ hết công việc trong nhà và vụ mùa đang thu hoạch dở dang, chị Lành đốc thúc chồng khăn gói lên bệnh viện tuyến tỉnh để tìm hướng điều trị hiệu quả hơn. Chị Lành cho biết: “Lần ấy, tôi đâu có biết gì về các chi phí phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho chồng. Cầm hơn 1 triệu đồng trong tay cứ ngỡ là đủ, ai dè sau 2 ngày là chẳng còn xu nào. Tôi phải gọi điện về nhà nhờ mấy người bà con vay tiền mang lên giúp”. Chị cho hay, đêm đầu tiên ở bệnh viện để chăm sóc chồng, vừa lạ chỗ lại lạnh lẽo nên chị thức trắng. Sáng ra, chị nghe kể người nằm cách chị không xa bị kẻ xấu lấy cắp điện thoại mà hú hồn. Chị cho biết: “Có người giả vờ làm thân nhân người bệnh để ra tay trộm cắp. Họ chỉ chờ khi chúng tôi lơ là, mất cảnh giác là móc túi hoặc lấy trộm đồ đạc. Dù lực lượng bảo vệ thường xuyên đi tuần tra nhưng tình trạng mất cắp vẫn xảy ra”.

Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bà Nguyễn Thị Tuyến (51 tuổi, nhà ở huyện Long Thành), đang ngồi bệt ở lối đi sát cầu thang bộ. Đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ, bà Tuyến thở dài cho biết: “Chồng tôi bị tai nạn giao thông nặng lắm. Hổm rày tốn kém hơn chục triệu đồng”. Vừa nói, ánh mắt bà vừa hướng về phía cửa ra vào của khoa ngoại chấn thương - chỉnh hình. Theo chân bà Tuyến, chúng tôi đến thăm giường bệnh số 4, nơi chồng bà đang nằm với đôi mắt nhắm nghiền. Bà tâm sự: “Lúc ngủ thì thôi chứ khi tỉnh dậy ổng luôn than đau nhức khắp người. Hai vợ chồng tôi đều là lao động chính trong gia đình, giờ ra cớ sự như vầy xem như khó lại thêm khổ”. Việc di chuyển của ông hiện giờ khá khó khăn, vì đôi chân bị tổn thương rất nặng. Vì vậy, nằm một chỗ hoài ông cứ than mệt và buồn chán, tuy nhắm mắt nhưng giấc ngủ lành đến với ông nào có được dễ dàng...

Bà Tuyến cho biết: “Bác sĩ nói chồng tôi cần phải mổ thêm một lần nữa, chi phí cũng khá cao. Tôi có bàn với gia đình đi mượn tiền để chạy chữa cho chồng, rồi về bán đất trả nợ sau”. Nói xong, bà chồm người với tay cầm chiếc khăn, rồi nhẹ nhàng lau chùi tay chân cho chồng. Khi mọi việc đã xong đâu đấy, bà nhìn khắp phòng bệnh, nơi có nhiều bệnh nhân khác đang nằm, và quay sang nói với chúng tôi: “Chẳng biết ngày nào mới được về nhà, chứ ở đây hoài mình cũng muốn đổ bệnh luôn”.

* Người đi chăm bệnh nhân cũng khổ

Cầm trên tay hộp cơm vừa mua vội bên đường, ông Trần Văn Phong (50 tuổi, nhà ở huyện Thống Nhất) chỉ nhìn mà chẳng muốn ăn. Từ ngày vợ nhập viện vì bị vỡ mắt cá chân, ông phải đứng ra lo liệu mọi việc, từ chuyện vặt vãnh trong gia đình đến việc chăm sóc vợ trong bệnh viện. Ông cho biết: “Hồi đó, mình có biết giặt đồ, đi chợ là gì đâu. Giờ vợ nằm đó mình phải lo hết. Xa nhà nên đụng tới thứ gì cũng phải chi, tốn kém dữ lắm”. Ông bảo rằng, cả tuần nay, ngày nào ông cũng phải ăn vội vàng những hộp cơm mua ven đường. Giá mỗi thứ trung bình 20 ngàn đồng thôi, nhưng cứ tính chi phí trung bình mỗi ngày cũng ngốn hết 200 ngàn đồng. Nói xong, tranh thủ lúc bảo vệ bệnh viện không chú ý, ông Phong trải vội tấm chiếu xuống nền gạch dọc hành lang bệnh viện ngả lưng ít phút.

Nhiều người ngả lưng để lấy sức thức thâu đêm chăm sóc người thân.
Nhiều người ngả lưng để lấy sức thức thâu đêm chăm sóc người thân.

Ông Phong tâm sự: “Đêm đến, họ cho mình nằm ngủ để có sức chăm sóc thân nhân, nhưng ban ngày chỉ được ngồi tựa lưng vào tường thôi. Nhưng, cứ ngồi cả ngày sao chịu nổi, mệt lắm”. Theo lời ông Phong, nếu hôm nào trời nắng đẹp là y như rằng tối đó sẽ oi bức, mà những người ngủ vất vưởng ngoài hành lang như ông làm gì có mùng để tránh muỗi, có quạt để xua đi cái nóng. Vừa lạ chỗ lại vừa bất tiện, nên điều ước của ông lúc này là mong cho vợ mau hết bệnh để sớm được về nhà. “Ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi, kể cả tắm giặt..., cái gì cũng thiếu thốn. Nhiều lúc muốn kêu người nhà lên thay, để mình được về nhà nghỉ ngơi, nhưng lại không yên tâm. Thôi thì đành cố chịu đựng qua ngày để chờ vợ hết bệnh vậy” - ông Phong nói.

Cách chỗ ông Phong ngả lưng vài bước chân, một nhóm người nuôi người thân nằm viện đang tụm lại trò chuyện. Do có cùng cảnh ngộ nên qua những lần tâm sự họ dễ xích lại gần nhau hơn. Chị Nguyễn Thị Phương Dung (25 tuổi), cho biết: “Mẹ tôi bị bệnh thận nên tháng nào cũng phải ghé đây 2-3 lần để chạy thận. Nhiều lúc chạy thận trúng ca 3-4 thì mệt lắm, mình cứ phải nằm vất vưởng ngoài này để đợi. Có hôm, xuống nhà vệ sinh để tắm giặt, người đông kịt. Lần trước, khi tôi phơi đồ lát sau quay lại thì chẳng thấy đâu, nên giờ cái gì cũng phải giữ sát bên mình cho chắc”.

Nói xong, chị Dung nhẹ nhàng xin lỗi chúng tôi vì đôi mắt đã mỏi nhừ và cần được nghỉ ngơi. Nhà xa, chi phí phát sinh trong quá trình điều trị bệnh nhiều, lại thiếu thốn trong sinh hoạt nên không chỉ riêng chị Dung, mà nhiều người đang chăm sóc thân nhân nằm viện cũng ngán với việc “chiến đấu” trong thời gian trụ lại bệnh viện.

Tùng Minh

 

 

 

Tin xem nhiều