Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Cần quan tâm người đi nuôi bệnh

11:05, 18/05/2012

Từ ngày con gái bị bệnh, bà Lê Thị Mỹ Lệ (49 tuổi, ngụ ở huyện Thống Nhất) gầy hẳn đi, da dẻ héo hon chẳng khác gì tàu lá thiếu nguồn nước tưới. 10 năm con gái chống chọi với chứng bệnh suy thận cũng là ngần ấy thời gian bà mất ăn, mất ngủ ở chốn bệnh viện để chăm sóc con...

 

Từ ngày con gái bị bệnh, bà Lê Thị Mỹ Lệ (49 tuổi, ngụ ở huyện Thống Nhất) gầy hẳn đi, da dẻ héo hon chẳng khác gì tàu lá thiếu nguồn nước tưới. 10 năm con gái chống chọi với chứng bệnh suy thận cũng là ngần ấy thời gian bà mất ăn, mất ngủ ở chốn bệnh viện để chăm sóc con...

Trong căn phòng sặc mùi ê-te, cô con gái út của bà Lệ đang chìm trong những giấc ngủ, nơi ấy em có thể tránh được những cơn đau đang bào mòn thể xác lẫn tinh thần.

* Tình người nơi bệnh viện

[links(left)]Bà Lệ tựa lưng vào góc tường, giọng nói mỏi mệt bởi mấy bữa nay cứ phải lo chạy đôn đáo để lo cho con. Bà cho biết: “Con gái tôi bị suy thận từ khi nó mới 11 tuổi. Con bé rất chăm chỉ, nhưng học xong lớp 12 đành bỏ dở vì bệnh tình ngày càng nặng, mà gia đình lại không thể theo con từng bước chân để trông nom”. Vừa nói, bà vừa sụt sùi khóc. Cạnh đó, ông Trần Phúc (49 tuổi, ngụ ở huyện Xuân Lộc) cũng không giấu nổi những ưu phiền. Ông Phúc tâm sự: “Mẹ tôi bị tai biến mạch máu não, mới vào đây hôm qua. Bà già lắm rồi nên yếu lắm, cứ ra vào bệnh viện liên miên”.

Thiếu những dịch vụ đi kèm để phục vụ thân nhân người bệnh, nhiều người chỉ còn biết xem báo và tranh thủ chợp mắt để lại sức.
Thiếu những dịch vụ đi kèm để phục vụ thân nhân người bệnh, nhiều người chỉ còn biết xem báo và tranh thủ chợp mắt để lại sức.

Cũng giống như bà Lệ, những ngày đầu đi chăm sóc người thân nằm viện, ông Phúc cứ lúng túng, chẳng biết đâu mà lần, các bác sĩ, điều dưỡng nói sao thì ông làm vậy. Những lúc ấy, nhờ có những người cùng cảnh ngộ, họ ra vào bệnh viện thường, lại hiểu chuyện nên nhiệt tình giúp đỡ mẹ con ông. Ông cho biết: “Cách đây không lâu, mẹ tôi phải nhập viện cấp cứu mà tôi lại không đem đủ tiền. Lúc đó, chẳng biết kiếm đâu ra tiền để đóng các khoản phí nên tôi hóa liều hỏi mượn những người nuôi bệnh gần bên. Dù xa lạ nhưng họ vẫn đồng ý, rồi còn mang đồ ăn từ nhà vào cho chúng tôi dùng chung, vì đồ mua bên ngoài vừa tốn kém lại khó nuốt”.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: “Đến năm 2014, dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới sẽ được hoàn thành. Khi đó, bệnh viện sẽ có 2 khu nhà dành cho những người đi chăm sóc người bệnh nằm viện với đầy đủ tiện nghi. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng hỗ trợ người đi nuôi bệnh nhân nằm viện về các nhu cầu sinh hoạt, như: quạt máy, sạc pin điện thoại, vệ sinh... để họ bớt phần nào chi phí”.

 

Những nghĩa cử ấy, dù rất nhỏ nhưng cũng đủ để những người trong cuộc kịp lưu lại những kỷ niệm đẹp về tình người ở những lúc khó khăn nhất. Vì vậy, giờ đây, mỗi khi thấy ai đến bệnh viện khám bệnh mà có những khó khăn nhất thời, ông Phúc cũng nhiệt tình giúp đỡ.

Với bà Lệ, những kỷ niệm trong khoảng thời gian chăm sóc con gái nằm viện có rất nhiều, nhưng ấn tượng nhất đối với bà vẫn là sự tận tâm của những y, bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Bà thổ lộ: “Biết hoàn cảnh của tôi khó khăn nên các y, bác sĩ ở đây thường động viên và trò chuyện những lúc rảnh rỗi. Họ còn giới thiệu cho chúng tôi về những địa chỉ nhân đạo, các mạnh thường quân hay giúp đỡ những người có cảnh ngộ đặc biệt".[links(right)]

Nhờ những bữa cơm từ thiện nơi bệnh viện, mẹ con bà Lệ cũng tiết kiệm được một khoản chi phí trong những ngày ăn nằm nơi bệnh viện. Đêm đến, nằm co ro bên manh chiếu, nghe tiếng muỗi vo ve, cảm giác nhớ nhà cùng nỗi lo cho chồng con đang còng lưng làm lụng ở quê khiến nước mắt bà cứ chực tuôn trào. Bà Lệ bảo: “Lúc nào tôi cũng phải túc trực sát bên giường bệnh vì sợ lỡ chân đi đâu đó mà con tôi bị gì thì trở tay sao kịp. Vì vậy, cứ phải nằm ở đây chịu trận mỗi đêm. Nóng còn chịu được, chứ hôm nào trời mưa, gió lùa tạt ướt lạnh thấu xương”. Vì vậy, từ một người phụ nữ có dáng vẻ đầy đặn, sau nhiều lần ăn ngủ tại bệnh viện, bà trở nên gầy còm và xanh xao hơn trước rất nhiều.

* Mong những dịch vụ tiện ích

Là người thường xuyên lui tới Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để thăm nom người nhà nằm viện để điều trị bệnh suy thận, bà Đoàn Thị Minh Hà (ngụ ở TX.Long Khánh) không khỏi chán ngán những cảnh chen chúc ở bệnh viện. Theo lời bà nói, vào mỗi buổi sáng, chỗ gửi xe của bệnh viện luôn chật kín người. Vì vậy, nếu đến muộn, những người ở xa như bà thường không biết gửi xe nơi đâu để tiện cho việc đi lại và chăm sóc người nhà. Nhắc đến việc ăn uống, bà càng sợ hơn, bởi dù rằng ở bất kỳ bệnh viện nào cũng có căn-tin đảm bảo vệ sinh nhưng nói về sự tiện lợi, giá cả phải chăng thì không nơi đâu bằng... vỉa hè.

Lúc chúng tôi đi ngang qua chỗ sinh hoạt, tắm giặt của một số thân nhân người bệnh, một số người tỏ vẻ ngại ngần. Bà Nguyễn Thị Lan (ngụ ở huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Cứ đến giờ cao điểm, từ 17-18 giờ, mọi người tập trung đi tắm giặt nên nhà vệ sinh thường bị kẹt. Sử dụng nhà vệ sinh chung nhưng một số người kém ý thức giữ gìn, nên tình trạng kém vệ sinh vẫn thường xuyên diễn ra”. Không chỉ vậy, nhiều người còn tranh giành nhau từ chỗ nghỉ lưng đến nơi phơi áo quần. Bà Lan cho hay: “Bệnh viện là nơi kẻ ra, người vào thường xuyên nên rất phức tạp, mình không cẩn thận sẽ bị mất đồ như chơi. Vì thế, ai cũng muốn mình ở những vị trí an toàn và tránh được “tầm mắt” của kẻ gian”.

Anh Lê Đức Trung, nhân viên Phòng Kế hoạch - tổng hợp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết: “Trước đây, trong khuôn viên bệnh viện có một nhà nghỉ dành cho thân nhân người bệnh, nhưng nhiều người có thể vì muốn tiết kiệm thêm chi phí nên ngại đến đăng ký chỗ nghỉ ngơi… Vì vậy, hiện giờ bệnh viện dùng nơi này làm chỗ cho các sản phụ nằm, với mức thu 160 ngàn đồng/giường”.

 

Dù không phải giờ cao điểm nhưng một số quán ăn uống vỉa hè quanh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vẫn tấp nập người lui tới. Ai cũng biết, chất lượng vệ sinh ở những quán hàng rong không đảm bảo, không an toàn cho sức khỏe, nhưng khi đã sống trong cảnh vật vờ ở bệnh viện, nhiều người đành nhắm mắt ăn uống cho xong bữa. Chị Nguyễn Thị Lành cho biết: “Mỗi thứ một ít, nhưng khi cộng lại cũng bộn tiền. Chúng tôi mong muốn không lâu nữa các bệnh viện sẽ có những nơi nghỉ ngơi qua đêm cho thân nhân với giá cả hợp lý và những dịch vụ đi kèm trong sinh hoạt, ăn, uống sẽ được phía bệnh viện chú tâm hơn, để những gia đình nghèo không gánh thêm những khoản chi phí phát sinh lớn như hiện nay”.

Chị Lành vừa dứt lời, những người đi nuôi bệnh quanh đó đều tỏ vẻ đồng tình. Trong số đó, có không ít người lao động nghèo với ước mong các cấp, ngành sẽ chung tay và quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư những dịch vụ hỗ trợ người đi nuôi bệnh để đôi bên cùng hưởng lợi.

Tùng Minh

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều