Chúng tôi tìm về khu dân cư biệt lập thuộc ấp 61 (xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) mà không tin nổi gần 50 hộ dân đã và đang sinh sống từ vài chục năm nay ở đây với bốn không: điện, đường, trường, trạm.
Khung cảnh khu dân cư nghèo thuộc ấp 61, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ. |
Chúng tôi tìm về khu dân cư biệt lập thuộc ấp 61 (xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) mà không tin nổi gần 50 hộ dân đã và đang sinh sống từ vài chục năm nay ở đây với bốn không: điện, đường, trường, trạm.
Mong ước thiết yếu nhất của dân ấp 61 là có điện sinh hoạt, tiếp cận được thông tin xã hội, tăng gia sản xuất để thoát cảnh nghèo đói đang đè nặng lên thân phận người dân nơi đây.
* Cụ bà xách nước tưới... cà phê!
Giữa trời nắng gắt, cụ bà Thị Ẩm (năm nay gần 70 tuổi, người dân tộc Chơro) cố gắng xách từng thùng nước tưới lên gốc cà phê. Tưới được một gốc cà phê, bà lại phải ngồi thở dốc vì mệt. Không ai nghĩ rằng, để đảm bảo cho vườn cà phê không bị chết héo trong mùa khô hạn này, mỗi ngày, bà cụ Thị Ẩm phải cố gắng quay từng thùng nước từ giếng lên, rồi xách nước ra tưới cây bằng tay như vậy.
Bà cụ Thị Ẩm than: “Khổ vậy, nhưng cũng phải cố gắng thôi. Nếu không xách nước tưới thì cà phê sẽ chết, không lấy gì sinh sống”. Bà cụ Ẩm cho biết, những lúc có tiền mua được xăng dầu thì chạy qua hàng xóm thuê máy bơm nước tưới. Lúc này, không có tiền nên tôi phải tự xách nước tưới bằng tay. Nhưng, với sức lực yếu kém, bà không thể nào tưới kịp hết vườn cà phê đang khô héo này. Chúng tôi nhìn thấy phần nhiều những cây cà phê khác trong vườn đang héo hon, rồi sẽ chết dần chết mòn trong nay mai vì thiếu nước.
Nhà cụ Thị Ẩm gồm sáu người, trong đó một mẹ già trên 100 tuổi và hai cháu nhỏ đang đi học, lao động chính trong nhà là người con gái của bà đang bận đi làm thuê ở xa. Bà cụ Ẩm từng ngày đeo bám theo mảnh vườn nhỏ của gia đình trồng cà phê, trồng rau để sinh sống qua ngày. Nhà bà cụ Ẩm có một cái tivi trắng đen cũ, xài bằng bình điện ắc-quy. Bà cho biết, nếu xài tivi cũng phải tiết kiệm điện, vì cái bình điện này chừng vài hôm phải nhờ bà con trong xóm đi sạc điện tận xã Ông Quế (huyện Cẩm Mỹ), xa cả chục cây số.
Bà Ẩm nói như khóc: “Chúng tôi sinh sống tại mảnh đất này từ trước năm 1975, nhưng không hiểu vì sao đến nay chúng tôi vẫn chịu cảnh không điện đèn. Bao nhiêu năm nay, nhiều lần cán bộ các cấp xã, huyện xuống đây hứa kéo điện cho bà con nhưng chờ hoài mà không thấy”. Nếu có điện, bà sẽ dùng mô-tơ điện hút nước từ giếng lên để tưới vườn. Có điện, bà sẽ bắt tivi xem, có ánh sáng cho cháu bà học hành. Nhưng ước mơ có điện để sinh hoạt trong gia đình bà cụ Thị Ẩm từ mấy chục năm nay sao mà xa thẳm.
Cụ bà Thị Ẩm loay hoay cài cắm điện bình ắc-quy xài ti vi. |
* Điện thoại di động xài một lần rồi… ngưng!
Không riêng hoàn cảnh nhà bà cụ Thị Ẩm, cả khu vực dân cư biệt lập gần 50 hộ dân thuộc ấp 61, xã Sông Nhạn này cũng đang gồng mình gánh chịu cảnh khổ như hộ bà cụ Ẩm. Đó là chưa kể hàng chục hộ dân có hộ khẩu tại khu dân cư ấp 61 này, do đời sống túng khó đã bỏ đi làm ăn xa.
Gần 50 hộ dân nhưng hơn một nửa trong số đó thuộc hộ đói nghèo. Hôm chúng tôi ghé thăm, nhà chị Thị Mơ bị tốc mái trống hoác, cái bàn thờ trong nhà được chị đem tấm bạt phủ lại chống nắng mưa. Không điện, chị lại nhờ ánh sáng trời chiếu vào nhà để sinh hoạt.
Chuyện càng trớ trêu khi bà con nông dân nơi đây mua điện thoại di động lại không thể xài được, vì khi xài hết pin không có điện để sạc lại. Nhiều người muốn gọi điện thoại phải chạy ngược xuôi, đi nhờ người quen tận các xã, ấp lân cận. Ai không chịu khó mà lỡ mua điện thoại về xài hết pin là phải đem cất.
Người dân địa phương cho biết, những lần bà con trong vùng này gặp bệnh cấp cứu, họ chạy vạy tìm cho được cái điện thoại di động còn pin để gọi xe taxi rất vất vả. Có trường hợp chết người vì chậm trễ cấp cứu này.
* Đơn xin điện viết hoài vẫn bị… bác!
Ông Nguyễn Thành Long, cư dân ở đây, hậm hực cho biết: “Chúng tôi không có điện để xem tivi, nghe đài nên không nắm bắt được thông tin thời sự xã hội, không nắm được chủ trương gì của đất nước. Khó khăn trăm bề. Muốn phát triển chăn nuôi cho gia đình thoát nghèo cũng không được. Muốn nuôi gà thì không thể mua lồng ấp điện về ấp trứng, muốn mua cái máy tính xách tay nối mạng internet cũng không xong...!”.
Nhiều nông dân khi chúng tôi tiếp xúc đều tỏ vẻ bức xức. Ông Hồ Văn Có, ông Nguyễn Thành Long, ông Trần Thức... là những nông dân từng vác đơn đi lên xã xin điện nhiều lần, nhưng thất bại. Ông Long nói gay gắt: “Là những nông dân ít hiểu biết nên việc chúng tôi ngồi bàn với nhau viết được tờ đơn xin điện là rất khó khăn. Nhưng, mỗi lần viết đơn đem ra xã lại bị bác đơn. Cán bộ về họp tiếp xúc với cử tri tôi cũng đã phản ảnh. Ai cũng hứa sẽ kéo điện về nhưng chúng tôi đợi hoài chẳng thấy gì”.
Chính phủ đã từng có những kế sách, chương trình rất lớn cùng giúp nhân dân, đặc biệt các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa xóa đói giảm nghèo. Chẳng hạn, Chương trình 135 của Chính phủ với quyết tâm đem lại điện - đường - trường - trạm cho hàng ngàn xã nghèo trong cả nước. Thế nhưng, không hiểu vì sao, một khu dân cư với nhiều hộ dân đã tồn tại vài chục năm nay như ở ấp 61 vẫn xem chuyện điện - đường - trường - trạm là giấc mơ quá xa vời.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng chỉ đạo các cấp chính quyền làm sao cho đời sống người dân phải tiếp cận được điện, có điện để sinh hoạt. Dân có điện thì cuộc sống mới khởi sắc, thoát nghèo được. Mới đây, Chính phủ cũng đã chỉ đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước gấp rút thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, qua phóng sự này, chúng tôi mong các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ cộng đồng khu dân cư biệt lập ấp 61 trước mắt tiếp cận được nguồn điện sáng để sinh hoạt, những em thơ có nguồn điện sáng học hành, đời sống người dân nơi đây có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo đói.
Trương Hiệu