Với hàng ngàn tàu đánh bắt thủy sản xa bờ và gần bờ, ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) liên tục bám biển. Tuy vậy, với nguồn lợi thủy sản đang dần suy kiệt, giá nhiên liệu tăng…, ngư dân tỉnh BR-VT đang rất cần chính sách hỗ trợ từ nhiều cấp.
Với hàng ngàn tàu đánh bắt thủy sản xa bờ và gần bờ, ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) liên tục bám biển. Tuy vậy, với nguồn lợi thủy sản đang dần suy kiệt, giá nhiên liệu tăng…, ngư dân tỉnh BR-VT đang rất cần chính sách hỗ trợ từ nhiều cấp.
* Dịch vụ hậu cần khi ra khơi
Chỉ cần một cuộc gọi của chủ tàu Tư Hót (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT), ông Huỳnh Phê (chuyên cung ứng dịch vụ hậu cần cho các chủ tàu đi biển) sẽ có mặt đúng tọa độ và làm công việc vận chuyển hải sản khai thác vào bờ đúng địa điểm theo yêu cầu. Theo ông Tư Hót, các tàu dịch vụ này đã giúp các đội tàu khai thác hải sản ở thị trấn Long Hải có thời gian bám biển dài ngày hơn, tiết kiệm chi phí vận chuyển, hạn chế sự ươn thối nguyên liệu khai thác. Còn ngư dân Huỳnh Vân Sơn cho biết, số lượng tàu cá làm dịch vụ vận chuyển hiện nay của thị trấn Long Hải gần 10 chiếc và đang “ăn nên làm ra”, nhờ đáp ứng tốt các yêu cầu của các tàu khai thác hải sản trong việc vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
Những chuyến ra khơi trúng luồng cá lớn. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Ngọ (chủ tàu dịch vụ ở Long Hải) bộc bạch, gia đình ông có 3 chiếc tàu khai thác. Trước kia, việc vận chuyển cá vào bờ vô cùng khó khăn. Mỗi chiếc vận chuyển hải sản vào bờ phải tính toán sản lượng hải sản thu mua, quãng đường đi, thời gian… cho hợp lý để tránh hao tổn. Chính vì vậy, gia đình ông quyết định mua một chiếc tàu chuyên vận chuyển hải sản. “Thấy rõ hiệu quả, nhiều chủ tàu cá khác đã thuê tôi làm dịch vụ cho họ luôn. Các tàu dịch vụ được thiết kế gọn nhẹ để bảo đảm tính cơ động và giảm thiểu phí vận chuyển”- ông Ngọ nói.
Trầm ngâm một lúc, ông Ngọ cho hay, hầu hết các tàu dịch vụ hiện nay thiết kế có trọng tải từ 20-25 tấn. Phí vận chuyển hiện nay là 2,4 triệu đồng/10 hải lý (tính cho khoảng cách từ bờ đến tọa độ lấy nguyên liệu). Với giá trên, việc vận chuyển nguyên liệu các địa điểm khai thác tuyến lộng mất khoảng 20-24 triệu đồng và tuyến khơi là 25-30 triệu đồng. Chi phí trên chỉ bằng phân nửa so với việc cắt cử tàu khai thác chuyển cá vào bờ.
Qua tiếp xúc với các chủ tàu ở thị trấn Phước Hải chúng tôi được biết, thị trấn Long Hải hiện có khoảng 100 tàu khai thác nghề lưới vây xa bờ. Để có lợi nhuận, hầu hết các tàu khai thác hiện nay phải bám biển từ 40-60 ngày. Dịch vụ tàu cá ra đời đã giải quyết rất nhiều khó khăn cho các đội tàu khai thác hiện nay. Trước đây, nhiều lúc đoàn tàu của ngư dân khai thác nhiều ngày nhưng sản lượng hải sản còn ít, không thể cắt cử tàu vận chuyển, trong khi đó nguyên liệu để lâu ngày sẽ bị xuống loại. Trong tình thế đó, ngư dân phải bán sản phẩm cho các tàu thu mua ở tỉnh khác với giá chỉ bằng 60% so với giá trong bờ. Nhiều khi do thời gian khai thác kéo dài, cá bị xuống loại, giá bán chỉ còn 1/3.
“Sự ra đời của tàu dịch vụ giúp cho nghề khai thác hải sản ở Long Hải mỗi năm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, ngư dân được bán sản phẩm theo đúng mối lái. Quan trọng hơn là thời gian dự trữ nguyên liệu rút ngắn tối đa, chất lượng nguyên liệu được tốt hơn, giá trị nguyên liệu được bảo đảm và nhờ đó hiệu quả kinh tế cũng cao hơn” - một lãnh đạo UBND thị trấn Phước Hải khẳng định.
* Động thái của cơ quan chức năng
Mặc dù đang bước vào mùa đánh bắt cá ngừ đại dương, cá nục, cá chuồn (tháng 3-8 âm lịch), nhưng đã có hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ trên khắp các cảng cá của tỉnh BR-VT phải nằm bờ. Nguyên nhân do các chủ tàu không chịu nổi sức ép từ giá dầu. Anh Nguyễn Hiền Diệu (ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ), chủ tàu cá BV 90235TS cho biết, hồi trước, con tàu có công suất 300CV của anh mỗi chuyến ra khơi (10 ngày) chỉ cần hơn 100 triệu đồng tiền phí tổn. Nhưng từ khi dầu lên giá, anh phải bỏ thêm 40-50 triệu đồng nữa, trong khi giá bán hải sản không tăng nên chuyến nào đi biển cũng lỗ nặng. “Từ đầu tháng 3 đến nay, tôi lỗ đến mấy chục triệu đồng rồi, giờ không biết lấy gì để ra khơi nữa, đành phải nằm chờ thôi”- anh Dịu than thở.
Còn anh Trần Lộc (phường 12, TP.Vũng Tàu) chia sẻ, mỗi một tàu ra khơi xa bờ phải thuê từ 8-15 “bạn”. Đánh bắt xong, sau khi trừ hết chi phí, số lợi nhuận còn lại chia 7/3 (chủ tàu 7, bạn ghe 3). Với mức phí tổn cũ, mỗi chuyến đi một bạn ghe thu được từ 2-3,5 triệu đồng/chuyến. Bây giờ, giá dầu lên, trong khi sản lượng đánh bắt không tăng nên chia ra bình quân mỗi lao động chỉ được vài chục ngàn đồng/ngày. Một số gia đình trước đây vay tiền sắm dụng cụ hành nghề, nay đánh bắt thua lỗ đành cho tàu nằm bờ.
Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh BR-VT cho biết, để hạn chế tàu cá nằm bờ, rất cần một phương án hỗ trợ giá dầu cho ngư dân như Quyết định 289/QĐ-CP của Chính phủ 3 năm trước đây. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, ngư dân phải biết cân đối, tính toán các chi phí. Ngư dân cần liên kết thành các tổ, đội sản xuất trên biển để giúp đỡ, thông báo cho nhau về ngư trường, thời tiết, thành lập các tàu dịch vụ thương mại cung cấp vật dụng thiết yếu, như: nước ngọt, nước đá, dầu và thu mua, vận chuyển những sản phẩm khai thác, tạo điều kiện cho các tàu đánh bắt hoạt động dài ngày hơn trên biển, giảm chi phí mỗi chuyến đi biển. Đồng thời, ngư dân cần chú trọng tăng sản lượng khai thác, đặc biệt quan tâm tới khâu bảo quản hải sản sau thu hoạch để tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao giá bán và giảm bù lỗ khi giá dầu tăng.
Trong những chuyến khảo sát thực tế tại các nước có kinh tế biển phát triển, ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho hay, tỉnh BR-VT nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác trong việc hợp tác xây dựng một trung tâm dịch vụ logistics và cảng biển. Thế nhưng, để điều đó thành hiện thực thì còn nhiều việc phải làm, trong đó có yếu tố đào tạo nguồn nhân lực. Riêng chuyến khảo sát về dịch vụ logistics và cảng biển ở châu Âu vào tháng 2-2012, lãnh đạo tỉnh BR-VT đã có dịp tiếp xúc và tìm hiểu về Tập đoàn STC Group (Hà Lan).
Ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho rằng, sự hợp tác của Tập đoàn STC Hà Lan sẽ tạo cơ hội phát triển đội ngũ lao động kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ, thiết bị huấn luyện tiên tiến cho tỉnh BR-VT nói riêng và Việt Nam nói chung. “Về lâu dài, đối với một khu vực cảng, một thành phố cảng biển, để phát triển bền vững thì việc thành lập một viện hoặc trường đào tạo nhân lực cho cảng biển và logistics là tất yếu” - ông Niên nhấn mạnh.
Đoàn Phú - Đức Việt