Báo Đồng Nai điện tử
En

Xót xa nạn bạo hành gia đình

09:06, 08/06/2012

Dù xã hội lên án gay gắt nạn bạo hành gia đình, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều người vợ (chồng) phải hứng chịu những trận đòn, những lời lẽ miệt thị gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý… Một số ít can đảm đưa đơn ly hôn, còn phần đông vẫn cam chịu để bảo vệ cái “vỏ bọc hạnh phúc”, tránh những lời thị phi của xã hội…

Dù xã hội lên án gay gắt nạn bạo hành gia đình, nhưng hiện tại vẫn còn nhiều người vợ (chồng) phải hứng chịu những trận đòn, những lời lẽ miệt thị gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý… Một số ít can đảm đưa đơn ly hôn, còn phần đông vẫn cam chịu để bảo vệ cái “vỏ bọc hạnh phúc”, tránh những lời thị phi của xã hội…

* Cam chịu nỗi đau

Trong câu chuyện của người phụ nữ đang gánh chịu những trận đòn “thừa sống thiếu chết”, chúng tôi không khỏi ái ngại bởi đôi mắt chị T.D. (38 tuổi, ngụ ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành) trũng sâu và gương mặt thất thần khi tiếp xúc với chúng tôi.

Chị T.T.T.L. cho biết:  “Mỗi khi bất hòa, chồng tôi thường lôi vợ con ra đánh đập cho hả cơn giận”.
Chị T.T.T.L. cho biết: “Mỗi khi bất hòa, chồng tôi thường lôi vợ con ra đánh đập cho hả cơn giận”.

Năm 1992, chị D. kết hôn với anh Văn P. Từ chỗ nghèo khó, hai vợ chồng cất được căn nhà khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đầy đủ. Đến năm 2007, anh P. bắt đầu sinh tật hành hạ vợ con. Năm 2010, trong một cơn say, anh P. đã dùng đôi giày cao gót đánh nhiều lần vào đầu, sau đó xé hết áo quần khiến chị phải nhập viện và nằm điều trị 8 ngày với gần chục vết khâu. Với chị  D., chuyện bị chồng đánh, chửi đã trở thành cơm bữa, lâu dần bản năng phản kháng trong con người chị mất đi. Nếu có ai hỏi về những vết bầm thâm tím khắp người, chị D. chỉ biết nói dối do ngã xe. Nhưng chị đâu biết, mình càng nhẫn nhịn thì chồng càng lấn tới.

Ngày 2-5, chị T.L. (42 tuổi, ngụ tại phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã phải nhập viện cấp cứu vì những vết thương do chồng gây ra. Theo lời chị kể, khoảng 18 giờ cùng ngày, chị vừa đi làm về đến nhà thì giữa hai vợ chồng xảy ra gây gổ, xô xát. Sau ít phút giằng co, chị đã bị anh V.T. (chồng chị L.) dùng vật cứng đánh đập gây nhiều vết thương nghiêm trọng. Cháu P.T. (11 tuổi, con chung của họ) cho biết, giữa cha mẹ cháu thường xảy ra tranh cãi và những lúc thiếu kiềm chế anh T. thường lôi vợ con ra đánh đập.

Ngày chị  H.T. (25 tuổi, ngụ ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) kết hôn với chàng trai có gia thế và công việc ổn định, ai cũng mừng cho chị. Một năm sau, chị T. đổ bệnh, khiến gia đình hai bên tốn không ít tiền của chạy chữa. Sức khỏe kém, ngoại hình không còn như thời con gái, chị T. còn bị gia đình chồng lấy cớ “chưa sinh được con” để buộc hai vợ chồng ly hôn. Thời gian này, vợ chồng chị liên tục bất hòa. Những lúc như thế, anh P. (chồng chị T.) lại không ngớt buông lời đay nghiến. Chuyện kéo dài nhiều tháng khiến bệnh tình của chị T. càng nghiêm trọng, trong khi người chồng lại liên tục đòi ly hôn. Thương chồng và vì “sĩ diện”, chị cắn răng chịu bao lời cay nghiệt, nhưng hy vọng cứ mong manh dần…

* Tìm lối thoát cho chính mình

Phần lớn những người bị ngược đãi đều mang tâm lý xấu hổ nên rất ngại có sự can thiệp của người ngoài. Vì vậy, sau những lần bị bạo hành, họ chỉ còn biết cam chịu hoặc cầu cứu đến gia đình. Còn khai báo với chính quyền địa phương, trừ khi đó là việc hệ trọng; hoặc có nhờ cơ quan chức năng xử lý chăng nữa thì khoảng thời gian trước đó họ đã bị hành hạ đến chai dần cảm xúc…

Theo số liệu báo cáo, số vụ bạo lực gia đình ở TP.Biên Hòa chủ yếu tập trung tại các phường: Long Bình, Tân Phong, Tân Vạn, Trảng Dài… Nhờ sự can thiệp và tư vấn, hỗ trợ kịp thời của tổ hòa giải địa phương nên trong năm 2011, số vụ liên quan đến bạo lực gia đình đã không gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số 118 vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn TP.Biên Hòa, các tổ hòa giải địa phương đã hòa giải thành công 107 vụ, trong khi nguyên nhân gây ra chủ yếu là do đời sống kinh tế còn khó khăn…

Bà Hoàng Ngọc  Điệp, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và  gia đình, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết: “Bạo lực gia đình là một vấn nạn và nạn nhân chủ yếu tập trung ở phụ nữ, trẻ em. Vì vậy, khi bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần, nạn nhân nên tìm đến sự can thiệp từ những người xung quanh để tìm lối thoát cho mình”.

 Cũng theo lời bà Điệp, hàng năm Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đều thực hiện vài đợt tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình. Qua đó, nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình, xã hội. Mặc dù vậy, phần lớn các nạn nhân khi bị hành hạ đều không muốn có sự can thiệp từ cơ quan chức năng, khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình xử lý và kiểm tra mức độ vi phạm. Bà Điệp còn cho hay: “Việc tố cáo người thân là vấn đề không hề đơn giản, trong khi cơ quan chức năng chỉ có thể cấm người gây ra vụ việc tiếp xúc với nạn nhân trong vòng 3 ngày. Vả lại, chúng tôi hiện chỉ có những địa chỉ và số điện thoại nóng để nạn nhân gọi đến xin trợ giúp khi bị bạo hành, chứ không có nhà tạm lánh riêng cho các trường hợp bị hành hung”. 

Tùng Minh - Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều