Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban liên lạc Hội Cựu tù chính trị tỉnh tổ chức đưa các hội viên từng bị địch bắt giam cầm, tù đày tại Côn Đảo thăm lại "chiến trường xưa". Có mặt trong chuyến đi, phóng viên Báo Đồng Nai đã ghi nhận lại những cảm xúc khó quên trong ngày trở về Côn Đảo của các cựu tù chính trị...
Hành trình trở lại
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban liên lạc Hội Cựu tù chính trị tỉnh tổ chức đưa các hội viên từng bị địch bắt giam cầm, tù đày tại Côn Đảo thăm lại "chiến trường xưa". Có mặt trong chuyến đi, phóng viên Báo Đồng Nai đã ghi nhận lại những cảm xúc khó quên trong ngày trở về Côn Đảo của các cựu tù chính trị...
6 giờ 45 ngày 18-6, chuyến bay VN 8051 của Việt Nam Airlines đã hạ cánh xuống đường băng sân bay Cỏ Ống của huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), mang theo biết bao cảm xúc bồi hồi của những hành khách trên chuyến bay đặc biệt ấy.
Các cựu tù chính trị thăm lại Chuồng cọp ở Côn Đảo. |
Gọi chuyến bay đặc biệt, vì 40/52 hành khách là cựu tù chính trị, từng bị giam cầm, đày ải, trải qua phần lớn tuổi thanh xuân ở chốn “địa ngục trần gian” Côn Đảo. 37 năm qua, do hoàn cảnh khó khăn, nhiều cựu tù chính trị vẫn chưa có điều kiện trở lại thăm “chiến trường xưa”. Vì vậy, chuyến trở về hôm ấy của những chiến sĩ kiên cường, trưởng thành từ “trường đại học lớn của cách mạng” đong đầy cảm xúc…
* Bốn “người tù trăm năm”
[links(left)]17 tuổi, ông Nguyễn Văn Trắng (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, nằm trong Đội an ninh mật của liên xã An Hòa - Long Hưng - Long Bình Tân. Con đường đến với cách mạng của ông tự nhiên như bao người dân nghèo khó, căm thù giặc gieo rắc đau thương lên làng quê thân yêu của mình. Ông Trắng kể, tháng 2-1969, trong lúc đi chăn bò, ông phát hiện một anh bộ đội bị thương nặng nằm ở trảng cỏ. Hỏi ra mới biết đây là chiến sĩ tham gia trận đánh vào sân bay Biên Hòa, nhưng khi trở ra bị thương và lạc đường. Ông Trắng đã đưa người bộ đội ấy đến nơi ẩn nấp an toàn, đồng thời mang thức ăn, nước uống giúp hồi phục sức khỏe trước khi đồng đội tìm đến. Chỉ một thời gian ngắn ngủi bên nhau, ông Trắng đã được giác ngộ, sau đó tình nguyện tìm đến với cách mạng.
Năm 1971, trong khi tìm cách tiêu diệt tên ác ôn Vũ ở đồn Long Hưng, nhóm an ninh 4 người gồm các ông: Trắng, Việt, Thanh và Lớn bị lộ. Từ đó, cả 4 người đã “đồng hành” trải qua nhiều trại giam khắc nghiệt của địch; cùng ra tòa án ngụy chia nhau án tù 100 năm với tội danh “Gian nhân hiệp đảng” và “phản nghịch” (là tội danh mà chính quyền ngụy thường gán cho tù chính trị), trong đó ông Trắng bị kêu án 30 năm.
Ngày 25-4-1974, bốn “người tù trăm năm” - tên gọi vui của bạn bè trong tù, lại cùng nhau lênh đênh trên chuyến tàu đưa tù chính trị ra Côn Đảo. “Nhưng 4 đứa chúng tôi vẫn là những người may mắn. Thứ nhất, do chúng tôi bị đày ra Côn Đảo sau Hiệp định Paris năm 1973 nên dù bị đánh đập, hành hạ đủ hết “các món ăn chơi” mà người tù phải chịu đựng, nhưng mức độ đã giảm hơn rất nhiều so với các anh, chị bị đày trước đó. Thứ hai, rạng sáng 1-5-1975, tức chỉ hơn một năm bị đày, Côn Đảo được giải phóng, chúng tôi đã trở về với độc lập tự do, với vòng tay yêu thương chờ đợi của gia đình và đồng đội” - ông Trắng bồi hồi nhớ lại.
* Sống “ngoài vòng phát luật”
37 năm sau, hai ông Nguyễn Văn Trắng và Ngô Văn Lớn được chọn là một trong những cựu tù chính trị về thăm lại Côn Đảo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban liên lạc Hội Cựu tù chính trị tỉnh tổ chức. Vậy mà, trong niềm vui lớn ấy, lại ẩn chứa bao nỗi lo toan. Gần đến ngày lên đường, ông Trắng thú thật, mình không có chứng minh nhân dân (CMND), cũng không có bất cứ giấy tờ hợp lệ nào để có thể làm thủ tục lên máy bay theo quy định. Dù nguyện vọng trở về thăm Côn Đảo của người cựu tù chính trị ấy là chính đáng, nhưng quy định là quy định, ông Trắng đã lặng lẽ cất vào tủ mấy bộ quần áo mà trước đó mấy ngày ông đã chuẩn bị cho chuyến đi mơ ước. Những người ở Ban liên lạc Hội Cựu tù chính trị tỉnh cũng thở dài gạch tên ông ra khỏi danh sách chuyến đi. May sao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới khi biết chuyện đã đề nghị bằng mọi giá phải giúp đỡ cho ông Trắng. Ngày cuối tuần, xe của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chạy xuống tận nhà để đưa ông đi làm CMND.
Oái ăm thay, đến lúc đó ông Trắng lại thêm một “thú thật” khác: trước Tết Nguyên đán 2012, ông bị một trận bệnh ngặt nghèo. Gia đình quá khó khăn, ông phải mang sổ hộ khẩu đem cầm 1 triệu đồng (lãi suất 10%/tháng) để mua thuốc, đến nay chưa có tiền chuộc. Nghe tin, đồng chí Huỳnh Văn Tới xuất tiền túi để chuộc sổ hộ khẩu về để làm CMND cho ông Trắng.
Hộ khẩu cầm trong tay, mới phát hiện sai sót: Nguyễn Văn Trắng đã “biến” thành Nguyễn Văn Thắng. Ông Trắng chìa ra lá đơn xin điều chỉnh tên viết từ năm 2009, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Sau khi nghe trình bày sự việc của ông Trắng, Trưởng công an TP.Biên Hòa Bùi Hữu Danh đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ ông trong việc điều chỉnh hộ khẩu, cấp lại CMND. Vậy là, chỉ trong 2 ngày, ông Trắng được trở thành “công dân hợp pháp”. Cầm những giấy tờ rất đơn giản, bình thường đối với mọi người trong tay, cả gia đình ông rưng rưng xúc động. Bà Hồ Lệ Thủy, vợ ông Trắng, nói: “Trước giờ nghèo quá đâu có điều kiện đi tới lui làm giấy tờ, đành phải chịu. Giờ thì ổng hết cái cảnh sống “ngoài vòng pháp luật” rồi. Thiệt, ai cho vàng tui cũng không mừng bằng”.
Là một trong những người tù từng ở khám tử hình của Côn Đảo, bị giam cầm suốt từ năm 1968-1973, ông Bùi Văn Chiếu (huyện Cẩm Mỹ) có tên trong danh sách trở về Côn Đảo, nhưng trước ngày khởi hành bị “rớt” lại. Qua kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ của Ban Bảo vệ sức khỏe Tỉnh ủy không dám mạo hiểm cho ông Chiếu đi xa, bởi sợ nguy cơ tai biến về tim mạch. Ông đổ quạu: “Án tử hình tui còn không sợ, sợ gì cái “thằng” tim mạch, huyết áp? Tui phải đi, rồi có chết cũng được”. Mọi người trong đoàn phải xúm vào năn nỉ, ông mới chịu ở lại mà mặt buồn thiu, đôi mắt cứ ngơ ngác cầu cứu hết người này đến người khác, khiến ai cũng mủi lòng, quay đi… |
Lên máy bay, ông Trắng cứ xin được bố trí ghế ngồi cạnh ông Lớn. Suốt chuyến bay, cả hai ông đều hướng mắt nhìn đăm đăm ra cửa sổ, ngắm nhìn biển cả mênh mông. Ông kể, ngày trước bị đày ra Côn Đảo, đi bằng tàu cả mấy ngày mới tới, vì gặp gió bão, người tù thì bị cùm chân thành một xâu dài trên boong mặc cho mưa vùi gió dập, nhồi tới lắc lui ói cả mật xanh mật vàng, đâu có được thoải mái như chuyến trở về hôm nay. Lúc máy bay hạ cánh, ông Trắng nắm chặt tay người đồng đội năm xưa, kêu to: “Việt ơi, Thanh ơi, tao với thằng Lớn đã trở về Côn Đảo rồi đây”. Những giọt nước mắt trên gương mặt người cựu tù kiên cường ấy chảy ròng, không cần che giấu…
Không riêng ông Trắng, những hành khách - cựu tù chính trị có mặt trên chuyến bay ấy, đều hào hứng cười nói, bởi đây là lần đầu tiên họ được nhìn thấy Côn Đảo trong tâm thế tự do. Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (ngụ ở huyện Vĩnh Cửu) kể, suốt mấy ngày trước khi đi, ông nôn nao không ngủ được, vì niềm vui lớn đến độ không thể tin là sự thật. Khi xe đưa đoàn đến nhận phòng ở khu di tích nhà Chúa đảo, mọi người lại một lần nữa ồ lên xôn xao. “Lần trước ra đây là một thằng tù bị cùm xích, đánh đập, bị đối xử như con vật. Lần này ra với tư thế người chiến thắng, được ở ngay nhà Chúa đảo, thật không gì tự hào, hãnh diện và vui sướng bằng” - ông Ẩn bộc bạch.
Thanh Thúy