Như những đoàn khách tham quan khác, Đoàn cựu tù chính trị Đồng Nai được hướng dẫn viên của Khu di tích Côn Đảo đưa đến các địa điểm gắn liền với lịch sử đấu tranh bất khuất của Côn Đảo, như: Cầu tàu 914, các trại giam Chuồng cọp Pháp, Chuồng cọp Mỹ, Chuồng bò, cầu Ma Thiên Lãnh…
Chuyện xưa kể mãi…
Như những đoàn khách tham quan khác, Đoàn cựu tù chính trị Đồng Nai được hướng dẫn viên của Khu di tích Côn Đảo đưa đến các địa điểm gắn liền với lịch sử đấu tranh bất khuất của Côn Đảo, như: Cầu tàu 914, các trại giam Chuồng cọp Pháp, Chuồng cọp Mỹ, Chuồng bò, cầu Ma Thiên Lãnh…
Chỉ có điểm khác: trong chuyến tham quan này, hướng dẫn viên bị “thất nghiệp” và là người lắng nghe, học hỏi, còn những người trong đoàn tham quan lại là những thuyết minh viên sống động và xác thực nhất.
* Đau thương cầu tàu 914
Ở Cầu tàu 914, ông Trần Văn Mật (TP.Biên Hòa) lặng người nhìn đăm đăm từng viên đá lót đường, từng phiến đá lớn nhỏ nằm ngổn ngang ngoài bãi cát, đôi mắt của ông mờ dần theo từng hồi ức xưa. Tháng 8-1959, người tù mang số hiệu 1271 Trần Văn Mật cùng với hơn trăm bạn tù chính trị khác bị tống lên tàu, bị cùm chân nằm nêm chật dưới hầm tàu tối tăm để đày ra Côn Đảo với tội danh “gian nhân hiệp đảng”. Lênh đênh hai ngày trời, tàu cập vào Cầu tàu 914 của Côn Đảo. Lúc đó, Cầu tàu 914 chưa được xây dựng hoàn chỉnh, lót đá phẳng phiu như bây giờ, mà hãy còn lởm chởm đá, những hòn đá sắc bén như cứa vào đôi chân trần khẳng khiu của người tù.
Những cựu tù chính trị ôn lại những ngày bị tra tấn ở Ban chuyên môn. |
Chân chưa đứng vững, những người tù bị trói dính vào nhau thành một xâu dài đã đối diện với những tên lính đằng đằng sát khí, tay lăm lăm dùi cui, chày vồ đứng thành hàng dài chờ sẵn ở cầu tàu. Những trận mưa đòn roi trút không thương tiếc lên đầu, lên người của họ. Mọi người chỉ biết nghiến răng chịu đựng. Có những người bị đánh đến bất tỉnh, ngã dúi dụi kéo một dây người ngã theo, thế là bị bọn lính lôi họ xềnh xệch trên đá, quẳng lên xe để tống vào các trại giam. Tiếng dùi cui đập vào người tù kêu bôm bốp, tiếng thét la huyên náo, Cầu tàu 914 cứ thế nhuốm đẫm máu của những người tù yêu nước. “Vậy mà, 15 năm bị tù ở đây, tôi ít nghe nói có trường hợp tù chính trị nào chọn đi đường “quốc gia”” - ông Lâm Văn Tuấn (TP.Biên Hòa) tự hào nói.[links(right)]
Không chỉ là nơi diễn ra trò thị uy, đánh phủ đầu khi tù chính trị vừa chân ướt chân ráo đến đảo, Cầu tàu 914 còn là một trong những nơi bọn địch đày đọa, hành hạ khắc nghiệt nhất, hòng làm lung lay ý chí cách mạng người tù cộng sản. Người tù phải lên tận núi Chúa khai thác đá, sau đó xeo về đây để làm đường. Có những tảng đá quá to, 4 người tù loay hoay xeo không nổi, thấy vậy bọn cai tù bèn… rút xuống còn 3 người. 3 người càng không kham nổi, chúng lại… rút xuống còn 2, còn 1 người. Hàng trăm người đã bị đá đè chết, hoặc chết vì bị đánh đập, vì kiệt sức ngay tại công trường, xác của họ sau đó bị đưa ra vùi lấp ở Nghĩa trang Hàng Keo, Hàng Dương. Người tù Côn Đảo nào cũng thuộc nằm lòng câu ca tủi hận: “Côn Lôn đi dễ khó về. Sống nương núi Chúa, thác về Hàng Keo”.
Theo ước tính của những tù nhân, chỉ đoạn cầu tàu dài 107m đã có 914 người tù bỏ xác tại đây. Vì vậy, di tích này mới mang cái tên đau thương: Cầu tàu 914. Ngày nay, Cầu tàu 914 vô cùng thơ mộng với đoạn đường lót đá khang trang vươn mình ra đón gió biển và những chiếc tàu đánh cá bình yên; kiêu hãnh bên con đường Tôn Đức Thắng có hàng lão bàng uy nghi sừng sững.
* Bất khuất “ban chuyên môn”
Có một điểm không nằm trong “danh mục” tham quan của các đoàn khách khác từ trước đến nay, nhưng hầu hết cựu tù chính trị Đồng Nai đều ngỏ ý muốn thăm lại, đó là “Ban chuyên môn”. Chỉ là một khu nhà nhỏ sơ sài, tên gọi hiền lành, nhưng nơi đây đã hằn dấu ấn khủng khiếp không thể nào quên trong tâm trí những người tù chính trị, vì đây chính là phòng điều tra, nơi khai thác, tra tấn rất dã man, mà tù nhân chính trị “cứng đầu” nào cũng phải nếm qua khi chân ướt chân ráo đến Côn Đảo.
Chỉ vào một căn phòng nhỏ tối tăm, ông Hồ Văn Tiên (TX.Long Khánh) rùng mình nhớ lại những trận tra tấn hiểm ác đã diễn ra nơi đây, sau khi bị đày ra Côn Đảo năm 1965. Sau trận đòn “phủ đầu” ở Cầu tàu 914, ông bị tống đến Ban chuyên môn và bị tra tấn, đánh đập bằng đủ loại cực hình suốt hơn một tháng. “Cách đánh của bọn chúng cũng tinh vi lắm, không phải đêm nào cũng đánh, mà đánh theo kiểu “cách nhựt”, tức là đánh một đêm thì nghỉ một đêm. Bởi, nếu đánh liên tục thì người tù sẽ “chai”, cảm giác không còn thấy đau, có đánh đến mỏi tay cũng không “ép-phê”. Nếu nghỉ một đêm để cảm giác đau vừa mới thấm vào thân thể, người tù đang cảm nhận sự đau đớn lại bị đánh tiếp, vậy mới gây ra tâm lý sợ hãi, mới dễ bị lung lạc tinh thần” - ông Tiên giải thích.
Ngoài kiểu đánh “cách nhựt”, bọn cai tù ác ôn còn có kiểu đánh “xí bỏ”. Tức là kêu đánh những người tù chính trị 10, 20 hay 30 cây chày vồ. Nếu đánh chưa đủ số mà người tù chịu không nổi, bật lên tiếng kêu thì bọn chúng “xí bỏ”, đánh lại từ đầu. Không chỉ những ngày mới đến đảo, những ai chống chào cờ, chống ly khai cộng sản, tham gia các vụ đấu tranh diễn ra tại các trại giam cũng bị đưa đến đây “hỏi thăm sức khỏe”, nhanh nhất cũng vài ba ngày hay tuần lễ rồi mới đưa về trại. “Hồi đó, ban đêm mà thấy bọn cai tù đến phòng giam đưa tù nhân đem đi là biết ngay đến Ban chuyên môn để đánh đập, tra khảo, nên anh em trong phòng thường trì kéo lại không cho chúng đưa đi. Anh em tù chính trị ở các phòng khác trong trại cũng hè nhau la ó phản đối. Bọn chúng phải xông vô đánh đập tơi bời hết cả phòng mới đem được người đi. Anh em tù chính trị thân thể ốm yếu, suy kiệt vì bị tra tấn thường xuyên, ăn uống thiếu dinh dưỡng nên rất nhiều người không chống chọi nổi với đòn roi tàn bạo, đã vĩnh viễn không trở về nữa…” - ông Nguyễn Văn Lùng (huyện Nhơn Trạch) thẫn thờ kể.
Ông Phạm Văn Quang (TP.Biên Hòa), người bị xử 20 năm khổ sai ở Côn Đảo đã bị đánh đến liệt cả hai chân, chỉ còn lết được bằng tay, năm 1973 được thả cùng với 147 người tù bị tàn phế, thân tàn ma dại khác. Được gia đình hết lòng chữa chạy, sau ngày giải phóng lại được Nhà nước đưa đi chữa trị, cộng thêm nghị lực của bản thân, ông Quang mới nhúc nhắc đi lại được.
Thanh Thúy