Hầu như tất cả các trại giam ở Côn Đảo đều lưu dấu chân của những người trong đoàn cựu tù chính trị Đồng Nai. Và ở nơi nào cũng vậy, những câu chuyện đấu tranh được minh chứng bởi những người trong cuộc được kể lại vẫn âm vang sự hào hùng, bất khuất.
Khí tiết người cộng sản
Hầu như tất cả các trại giam ở Côn Đảo đều lưu dấu chân của những người trong đoàn cựu tù chính trị Đồng Nai. Và ở nơi nào cũng vậy, những câu chuyện đấu tranh được minh chứng bởi những người trong cuộc được kể lại vẫn âm vang sự hào hùng, bất khuất.
Bị đày ra Côn Đảo từ năm 1965, lúc mới 21 tuổi, dù trong 8 năm ở Côn Đảo bị chuyển qua hầu hết các trại giam của “địa ngục trần gian”, nhưng ông Lê Văn Lộc (TX.Long Khánh) vẫn thiết tha xin được về thăm lại Trại 6, bởi nơi đây gắn liền với những ký ức đau thương không thể quên với ông.
* Hy sinh không tiếc thân mình
Khoảng năm 1967-1968, ông Lộc bị giam ở phòng 18 khu B của Trại 6. Lúc đó, phong trào đấu tranh chống chào cờ ở Trại 6 rất quyết liệt. Để phản đối tên thiếu tá chúa đảo ác ôn Nguyễn Văn Vệ bắt tù chính trị phải đạp lên cờ cách mạng, Trại 6 tổ chức tuyệt thực. Rất nhiều tù chính trị của trại tham gia, không động đến khẩu phần cơm suốt 6 ngày, sau đó tiến tới nhịn uống nước, nhưng tên Nguyễn Văn Vệ vẫn trơ trơ, còn đàn áp họ dã man bằng gậy gộc, dùi cui, củi đòn.
Ông Nguyễn Văn Lùng bên mộ liệt sĩ Lê Văn Việt ở Nghĩa trang Hàng Dương. |
Trước tình hình đó, các phòng ngầm đưa ra quyết định hết sức táo bạo: mổ bụng để khẳng định lập trường trung thành với lý tưởng cách mạng đến cùng. Các phòng đều hưởng ứng quyết định này, thậm chí còn xung phong nhận nhiệm vụ. Vì vậy, mọi người phải chọn lọc kỹ càng: người thực hiện nhiệm vụ phải là người chưa có vợ con, tinh thần kiên cường, giữ vững khí tiết, nêu gương người cộng sản để địch phải khâm phục, kính nể. Kết cuộc, phòng nào cũng phải bốc thăm để chọn lựa, vì số người tình nguyện khá nhiều. Có khoảng 21 tù nhân được chọn để lần lượt mổ bụng.
Tối hôm đó, phòng 18 của ông Lộc là nơi đầu tiên thực hiện. Người tình nguyện là ông Lê Văn Tư, nguyên Xã đội trưởng, quê ở tỉnh Vĩnh Long, ông Lộc là người kế tiếp, nếu như địch vẫn chưa nhượng bộ. Khoảng 10 giờ tối, phòng 18 dùng dây cột chặt cửa phòng giam từ bên trong, ông Tư một tay cấu vào song sắt, tay còn lại dùng mảnh nứa bén rạch mạnh vào bụng rồi đưa tay móc lôi cả ruột ra ngoài. Ông Lộc đưa tay đỡ đồng đội, dòng máu nóng hổi từ bụng người tù dũng cảm ấy chảy xối xả, ướt đẫm người, nhưng miệng ông Tư vẫn hô to câu “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” đến mấy lần, rồi mới lịm dần và tắt thở trên tay ông Lộc. Cả phòng đau đớn, đồng loạt tiếp tục hô to thay đồng đội: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”…[links(right)]
Lúc ấy, 4-5 phòng giam khác cũng có người mổ bụng, tiếng hô khẩu hiệu vang lên khắp trại, bọn lính chạy rầm rập đến các phòng giam để xem việc gì đã xảy ra. Khi biết có tù nhân mổ bụng, bọn chúng tìm cách mở phòng giam để vào, nhưng phòng nào cũng bị cột chặt từ bên trong. Cuối cùng, địch phải tung hàng chục quả lựu đạn cay vào mới phá được cửa phòng và cướp xác tù mang đi. Trước sức ép từ việc mổ bụng phản đối hàng loạt của tù nhân chính trị, tên chúa đảo Nguyễn Văn Vệ mới chịu xuống nước, bãi bỏ việc bắt tù nhân chào cờ. “Anh Tư đã hy sinh để kẻ thù phải khuất phục trước khí tiết người cộng sản. Chúng tôi mãi mãi không thể quên tấm gương kiên cường bất khuất của anh…” - ông Lộc run run nói trong tiếng nấc, dòng nước mắt tuôn mãi trên gương mặt nhăn nheo.
* Câu chuyện vượt ngục của người lãnh án tử hình
19 tuổi, ông Nguyễn Thẩn (TX.Long Khánh) bị kêu án chung thân khổ sai. Ngày 26-2-1966, ông bị đưa ra Côn Đảo và lập tức bị tống vào khu khổ sai của Trại 2, nơi có hầm xay lúa mà Bác Tôn Đức Thắng từng bị giam giữ. Trại 2 còn nổi tiếng bởi đây là nơi duy nhất có phòng giam tù chính trị bị án tử hình. Lúc đó, phòng giam này đang giam giữ 3 người tù nổi tiếng: Nguyễn Văn Hai (Trung đội trưởng biệt động Sài Gòn - Gia Định), Lê Hồng Tư (lực lượng vũ trang Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định), Phạm Văn Dẫu (Quân giải phóng Gia Định). Trong đó, ông Nguyễn Văn Hai (tức Lê Văn Việt) chính là người đã tổ chức đánh bom chôn vùi gần 400 giặc lái Mỹ ở chung cư đường Hai Bà Trưng năm 1964 và đặt thuốc nổ ở Đại sứ quán Mỹ năm 1965, còn ông Lê Hồng Tư là một trong 4 người của tổ biệt động đã đánh bom vào xe Đại sứ Mỹ Frederic Nolting năm 1961…
Tại Trại 6, ông Phạm Văn Long (TP. Biên Hòa) chỉ tay vào vách tường phòng giam số 2, nơi chiếc radio được tù nhân Phạm Văn Ba cất giấu từ khám Chí Hòa và mang ra tận Côn Đảo vào cuối năm 1972. “Chúng tôi chọn khu vực gần cầu tiêu để giấu chiếc radio, vì đây là nơi hôi hám nên bọn lính thường khám xét qua loa. Sau khi dùng vật cứng nạy từ từ viên gạch trên tường cho bong ra thành một lỗ thủng vừa nhét được chiếc radio, chúng tôi ghè cho viên gạch mỏng đi rồi đậy lại, bên ngoài lấy nước cơm hòa với đất cát, tro rồi trét lên tường để che giấu. Thỉnh thoảng, trong khi những người tù khác làm nhiệm vụ cảnh giới thì anh Bùi Văn Toản giữ nhiệm vụ rà đài, nghe tin tức và phổ biến tình hình cho các anh em khác trong trại. Nhờ vậy, những người tù nắm được diễn biến, tình hình chiến đấu ở đất liền, từ đó động viên nhau kiên cường đợi ngày toàn thắng. Mãi đến tháng 1-1975, radio mới ngưng sử dụng, vì tất cả bị chuyển sang Trại 7. Rạng sáng 1-5-1975, chiếc radio lại được moi ra để nghe tình hình giải phóng miền Nam” - ông Long bồi hồi nhớ lại. |
Một đêm tháng 10-1966, ông Thẩn và những người tù Trại 2 đã được biết về cuộc vượt ngục có một không hai của 3 người tử tù. Bị cùm chân chặt, nóc phòng tù tử hình lại cao chót vót, thế mà những người tử tù ấy đã tìm cách tháo cùm, công kênh nhau trổ nóc phòng giam, vượt tường đầy mảnh chai, kẽm gai đào thoát để tìm về tự do. Do không biết đường vì bị giam cầm ngay từ lúc đến Côn Đảo nên 3 người đi quẩn quanh và bị lạc nhau, đến 10 giờ sáng thì ông Lê Hồng Tư bị bắt lại. Ông Hai và ông Dẫu thì tìm được nơi ẩn náu an toàn tại chùa Hòa Sơn Tự ngay trong thị trấn. Tám ngày sau cuộc vượt ngục, ông Hai bị bắt trong lúc đột nhập vào một trạm gác để kiếm vũ khí và đồ ăn. Hai ngày sau, ông Dẫu cũng bị địch vây bắt. Chúng đưa tất cả về hầm đá Trại 2 tra tấn dã man để trả thù những ngày truy lùng vất vả, đồng thời khủng bố tinh thần những tù nhân khác. Ông Hai bị đánh đến hộc máu, chết ngay trên tay đồng đội. Trước khi mất, ông vẫn dặn dò những người còn sống, khi về nhớ báo cáo lại với Đảng là Nguyễn Văn Hai đã giữ tròn khí tiết người cộng sản…
Cái chết của người tù kiên cường đã làm nổ ra một cuộc đấu tranh lớn ở Trại 2. Bọn địch đàn áp rất mạnh tay, 16 người trong khu khổ sai, trong đó có cả ông Thẩn bị đánh không ai còn đứng nổi, bất tỉnh nằm la liệt, bị bọn chúng kéo lết trên đá rồi tống vào hầm biệt giam. Nhưng từ cuộc đấu tranh đó, cộng thêm khí tiết phi thường của ông Hai, thay vì bị bó trong chiếc bao xơ xác kéo ra vùi ở nghĩa trang Hàng Dương, lần này tên Vệ ra lệnh đóng quan tài và chôn ông đàng hoàng, với thái độ đầy kính trọng.
Ngày nay, ông Nguyễn Văn Hai nằm thanh thản cùng đồng chí, bạn bè ở khu C Nghĩa trang Hàng Dương. Đưa tay rờ lên tấm ảnh ố vàng, nhòe nhạt của người tử tù anh hùng, ông Thẩn tự hào nói: “9 năm gian khó trong nhà tù Côn Đảo, những lúc thoái chí ngã lòng thì hình ảnh kiên cường bất khuất của các anh đã động viên chúng tôi vượt lên, vững niềm tin vào cách mạng sẽ đến ngày thắng lợi. Niềm tin đó giờ đã thành sự thật, anh ơi…”.
Thanh Thúy