Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhàn như… thợ sửa khóa

09:07, 08/07/2012

Ổ khóa vừa mở, cánh cửa tủ bung ra, số tiền lớn hiện ra nơi đáy tủ, thợ sửa khóa Hoàng Long (hành nghề ở góc ngã tư chợ Hóa An, ấp An Hòa, xã Hóa An, TP.Biên Hòa) vội gọi chủ nhà vào chứng kiến.

Ổ khóa vừa mở, cánh cửa tủ bung ra, số tiền lớn hiện ra nơi đáy tủ, thợ sửa khóa Hoàng Long (hành nghề ở góc ngã tư chợ Hóa An, ấp An Hòa, xã Hóa An, TP.Biên Hòa) vội gọi chủ nhà vào chứng kiến.

Đôi tay “vạn năng”

Cảm ơn tấm lòng người thợ sửa khóa tốt bụng, người chủ nhà xởi lởi “boa” cho anh thêm vài chục ngàn đồng tiền công, đồng thời không quên xin số điện thoại để khi bạn bè có nhu cầu sẽ giới thiệu. Anh Hoàng Long bày tỏ, nghề sửa khóa tuy không cao sang, nhưng đòi hỏi tính cần mẫn, kiên trì và sự lương thiện. “Trò thọ giáo thầy học nghề, thầy phải biết rõ gốc gác của trò. Bởi vì, thầy không truyền nghề cho người bất lương, lợi dụng nghề nghiệp tiếp tay cho kẻ phạm pháp” - anh Hoàng Long nói.

Thợ sửa khóa cần mẫn bên vỉa hè để mưu sinh bằng chính khả năng của mình.                                                                       Ảnh: Đ. PHÚ
Thợ sửa khóa cần mẫn bên vỉa hè để mưu sinh bằng chính khả năng của mình. Ảnh: Đ. PHÚ

30 tuổi, con chỉ vừa ra tháng, vợ làm công nhân, anh Hoàng Long vẫn nhẫn nại theo thợ sửa khóa Hiền (hành nghề trên đường Cách mạng Tháng Tám, phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) để học nghề sửa khóa mà anh yêu thích. Để mở được tất cả các loại khóa theo yêu cầu của khách hàng, anh Hoàng Long cho biết, cần phải có chìa khóa “vạn năng”. Chiếc chìa khóa “vạn năng” ấy chính là đôi tay tài hoa, kinh nghiệm nghề nghiệp.

Hiện tại, tuy chưa thể sánh tài cùng thầy và các thợ khóa lớn tuổi, nhưng anh vẫn đủ sức mở được các loại khóa theo yêu cầu của khách hàng. Anh Hoàng Long không giấu giếm: “Tất cả các loại khóa đều có nguyên lý cơ bản để mở. Tuy vậy, nhiều lúc tôi cũng bó tay với loại khóa hiện đại, loại đắt tiền. Khi gặp phải loại khóa đó, tôi luôn tìm đến thầy Hiền để nhờ giúp đỡ. Có khi thầy trò ngồi nghiên cứu cả ngày mới mở được chúng. Tiền công tuy chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng đổi lại thầy trò tìm ra bí quyết để mở được các loại khóa cùng dạng, cùng nhãn hiệu, dòng sản xuất” - anh Hoàng Long tâm sự.

Nơi góc chợ Tam Hiệp (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), tiệm sửa khóa của ông Năm Ngư có đầy đủ khóa to, khóa nhỏ. Trao đổi với chúng tôi, thợ sửa khóa Năm Ngư cho biết, không có trường lớp để đào tạo nghề sửa khóa, làm chìa, học trò chỉ được thầy dạy từ thực tiễn và kinh nghiệm của chính bản thân. Khi thầy đã đồng ý nhận trò thì phải dạy nghề tới nơi tới chốn. “Nghề này, người nào sáng dạ thì học một năm. Còn người tối dạ thì học cả đời cũng không hành nghề được. Ngoài đôi tay khéo léo và kinh nghiệm, người thợ sửa khóa phải có đôi mắt sáng để nhìn rõ cấu tạo của ruột khóa qua chiếc đèn pin. Đôi mắt còn là thứ giác quan đặc biệt để người thợ sửa khóa cảnh giác trước những kẻ bất lương giả dạng làm khách hàng nhờ bẻ khóa, mở tủ người nhà hoặc những thứ tài sản trộm cắp vẫn còn nguyên trong tủ”- ông Năm Ngư chia sẻ.

Cùng tâm sự với thợ sửa khóa Năm Ngư, thợ sửa khóa Ba Đạt (hành nghề gần trụ sở UBND phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Học nghề mở khóa để lấy tiền công rất khó. Người thợ giỏi là người tạo ra chiếc chìa mới mở khóa êm như chìa cũ và không đầu hàng trước những loại khóa đặc biệt, như: loại đắt tiền, khóa số. Ngoài ra, người thợ giỏi còn có con mắt tinh đời để nhận ra người ngay, kẻ gian nhờ mở khóa và không dạy nghề cho kẻ làm điều bất lương”.

Ngón trỏ trái thợ khóa

Nhàn hạ nhìn dòng xe xuôi ngược khi vắng khách, thợ sửa khóa Tiêu Văn Thông (hành nghề ở đường Cách mạng Tháng Tám, phường Thanh Bình) có thời gian để chỉ cho chúng tôi cách nhận biết thợ sửa khóa chuyên nghiệp. Theo lời ông Thông, do hàng ngày cầm giũa gọt giũa các chìa khóa, nên phần bên phải ngón trỏ trái của người thợ bị lõm vào rất sâu. Cho nên, chỉ cần đưa ngón trỏ trái ra là ông biết ngay họ là thợ sửa khóa chính hiệu, hay chỉ là những tay ngang. “Nghề này tuy thu nhập thấp, mỗi ngày kiếm chỉ hơn 100 ngàn đồng, nhưng không vì thế mà người thợ sửa khóa bất chấp lương tri tiếp tay cho kẻ gian hay làm điều phi pháp”- ông Thông nói.

Công nhân, lao động là khách hàng ruột của cánh thợ sửa khóa.
Công nhân, lao động là khách hàng ruột của cánh thợ sửa khóa.

Còn thợ sửa khóa Trung Hiếu (hành nghề cạnh bên ông Thông) thì chia sẻ, để vào được các cơ quan, công ty, trại giam, nhà dân mở tủ, mở còng…, người thợ sửa khóa không nên tự ái khi khách hàng đưa ra các quy tắc bảo mật. “Nghề của tụi mình, khi ổ khóa được mở ra là hoàn thành nhiệm vụ. Còn bên trong cửa tủ là những bí mật gì thì không cần biết. Đó cũng chính là điều mà khách hàng cần đến mình. Tuy đó là nguyên tắc hành nghề, nhưng không phải vì vậy mà người thợ làm theo sự sai khiến của người khác để nhận thù lao, mà bất chấp luân lý”- anh Trung Hiếu bày tỏ.

17 tuổi, anh Nguyễn Văn Tâm (hành nghề trên đường Cách Mạng Tháng Tám) đã theo thầy Phúc học được cái nghề mà thiên hạ cho là “tà chính bất phân”. Tuy vậy, theo thợ sửa khóa Tâm, nghề này dù nhàn hạ, thu nhập thấp, nhưng không vì vậy mà người thợ đánh đổi nhân cách, bội lời hứa với thầy khi nhập môn. “Nghề nào cũng có tổ, lời thề trước bàn thờ tổ. Bản thân người thợ hành nghề sao không thẹn với thầy, với xã hội và gia đình, đó mới là thợ sửa khóa chân chính”- anh Tâm thẳng ruột cải chính khi chúng tôi đưa ra câu chuyện người thợ khóa lợi dụng nghề nghiệp làm chuyện phạm pháp.

Thợ sửa khóa Tiêu Văn Thông cho hay, người làm thợ sửa khóa đầu tiên ở TP.Biên Hòa là ông tổ Râu Kẽm (hiện vẫn còn sống). Sau đó, ông Quân (một gia đình giàu có ở TP.Biên Hòa) mới mời thầy ở đất Sài Gòn về dạy nghề cho hai người con trai là Dũng và Trường (hiện đã bỏ nghề). “Tôi là lớp học trò của ông Dũng. Hiện ở TP.Biên Hòa có trên 20 người còn giữ nghề, là lớp học trò của sư phụ Dũng, Trường  đào tạo và đàn em truyền lại”.

Trong cơn mưa chiều dai dẳng, thợ sửa khóa Nguyễn Minh (hành nghề ở khu chợ Sặt, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) vẫn nán lại chờ công nhân tan ca về. Với anh, làm thợ sửa khóa cũng như bao nghề khác, phải bám theo khu công nghiệp, đô thị đông đúc dân cư để mưu sinh. Trong lúc đợi khách, anh trò chuyện: “Khách hàng là công nhân thì mình chỉ lấy giá hữu nghị. Nhất là phải làm thật nhanh, khi họ chỉ có dăm phút ghé tiệm của mình để cắt thêm chiếc chìa khóa cho người mới về ở chung, hoặc sửa lại ổ khóa mới khi vừa chuyển phòng trọ”.

Với nét mặt buồn vì quanh năm hành nghề nơi vỉa hè, chịu đựng sự xua đuổi, xử phạt của lực lượng chức năng mỗi khi có chiến dịch “đường thông, hè thoáng”, thợ sửa khóa Minh bày tỏ mong muốn, giá như nghề của anh được xã hội tôn trọng, được sắp xếp nơi hành nghề thuận tiện thì anh không phải phập phồng lo chuyện bị đuổi, xử phạt hành chính, hoặc bị cơ quan chức năng mời làm việc khi địa bàn xảy ra chuyện kẻ trộm bẻ khóa nhập nha. Còn thợ sửa khóa Tâm thì mạnh miệng nói: “Chúng tôi rất mong được thành lập hội nghề nghiệp, được sắp xếp nơi hành nghề, được mọi người tôn trọng, hiểu đúng chúng tôi hơn”...

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều