Hơn 10 năm nay, cứ 7 giờ tối, anh Hưng lại đưa bộ đồ nghề của mình lên chiếc xe đạp cũ kỹ để đi làm. Một ngày làm việc của anh kéo dài cho đến hơn 2 giờ sáng hôm sau. Anh là một trong số ít những người làm nghề đấm bóp dạo vẫn đêm đêm lặng lẽ rảo khắp TP.Biên Hòa mưu sinh.
Hơn 10 năm nay, cứ 7 giờ tối, anh Hưng lại đưa bộ đồ nghề của mình lên chiếc xe đạp cũ kỹ để đi làm. Một ngày làm việc của anh kéo dài cho đến hơn 2 giờ sáng hôm sau. Anh là một trong số ít những người làm nghề đấm bóp dạo vẫn đêm đêm lặng lẽ rảo khắp TP.Biên Hòa mưu sinh.
Không khó để nhận ra một người đấm bóp dạo đang tới gần bởi tiếng lạch xạch đều đặn vang lên từ chiếc xe của họ. Chỉ vài ba món đồ đơn giản nhưng mỗi người gánh cả một gia đình, một ước mơ đổi đời từ cái nghề lặng lẽ này.
* Đêm lặng lẽ
Nhẹ nhàng dựng chiếc xe đạp vào vách của khu nhà trọ (ở KP4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), anh Lê Tấn Hưng (31 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa) xách chiếc cặp đen đi theo khách vào phòng. Tại đây, anh Hưng chỉ khách nằm đúng tư thế rồi lôi đồ nghề ra. Chỉ đơn giản là một chiếc khăn, chai dầu, cồn, hai chục chiếc ly thủy tinh và tấm bạt để khách nằm (phòng khi có khách ngoài đường). Khách nằm lim dim mắt, anh Hưng dùng tay đấm bóp liên hồi, những âm thanh giòn giã phát ra theo từng nhịp nghe vui tai.
Lấy đêm làm ngày, những người đấm bóp dạo cần mẫn mưu sinh. |
Hết lưng xuống đùi, rồi lại tay, trán… Cứ thế, mỗi lần đổi tư thế anh chỉ cần nói nhỏ một câu rồi tất cả lại chìm trong im lặng, để những âm thanh đấm bóp đều đều kia lại vang lên. Hai mươi phút khách nằm lim dim tận hưởng cũng bằng khoảng thời gian đôi tay Hưng hoạt động không ngừng. Vừa bóp vừa nặn lại xoa, đấm, tất cả cứ liên tục không dứt với cường độ cao. “Người ta trả tiền thì mình phải làm cho họ thấy thoải mái nhất. Hồi mới vô nghề, cứ làm một lúc lại ngồi thẫn người ra vì mỏi tay. Khách nhiều lúc họ không hiểu mình… nên mất mối. Giờ thì quen rồi, làm có bài, ai cũng thấy vui nên lần sau lại gọi mình làm”.
Với chiếc xe đạp, anh Hưng tiếp tục rảo quanh những con phố, những khu dân cư lao động. Những nắp bia ghép lại, được xuyên một thanh sắt qua, cứ lạch xạch theo từng lần nhấn pê-đan của anh. Đó là cái cầu nối duy nhất giữa người đấm bóp dạo với khách hàng trong đêm. Chúng tôi hỏi: “Đi vậy không sợ trộm, cướp sao?”. “Có mấy lần bị chặn đường nhưng thoát được. Từ hôm vào nghề phải học mấy ngón võ thủ sẵn rồi anh ạ. Làm có mấy đồng mà bị lấy hết thì sống sao được” - anh Hưng nói, đôi mắt vẫn nhìn vào đêm và tay trái vẫn đều đều lắc que sắt kêu lạch xạch.
Trong lúc đi với anh Hưng vào một con hẻm thuộc đường Đồng Khởi, chúng tôi gặp đồng nghiệp của anh, ông Ngô Đức Hòa, 52 tuổi, người miền Trung. Trên chiếc xe đạp cũ, đêm đêm ông đi xóa tan mỏi mệt cho bao người, để rồi khi sáng mai, đến lượt ông mỏi mệt nằm nghỉ trong căn phòng trọ chỉ hơn 9m2.
Sau khi phụ vợ dọn đồ ra quán hủ tiếu, 8 giờ tối, ông Hòa lại bắt đầu công việc của mình. Nghề đấm bóp dạo mỗi người có một địa bàn riêng, không ai tranh giành với ai. Nếu một người mới tới sẽ được biết khu này người nào hay làm, cũng có thể nói qua một tiếng với người đó để cả hai cùng làm; nếu không thì phải tự tìm một chỗ khác hành nghề. “Nói vậy chứ nghề này có gì mà phải tranh nhau hả chú. Khách thấy ai làm cho họ khỏe, họ thoải mái thì gọi. Ai cũng có mối hết đó”. Nói đoạn, ông Hòa đưa cho chúng tôi xem một dãy danh bạ trong điện thoại, toàn những cái tên nghe ngồ ngộ: Anh Hà gần chùa Bửu Long, chú Lộc chợ Tân Mai, Niên ngã tư Tân Phong… “Ghi vậy là nhớ rồi, chứ tui không nhớ rõ địa chỉ, mà tối thui ai dòm được”. Ông Hòa cười khà, rít hết điếu thuốc rồi lại lên đường.
Những người chúng tôi gặp đều ít khi nói chuyện với khách, chỉ có vài câu trao đổi khi hỏi khách cần đấm bóp hay giác hơi, vài câu chào xã giao. Ông Hòa tâm sự: “Nhiều lúc muốn nói chuyện nhưng khách họ đang lim dim mắt nên mình không thể ngắt giữa chừng được. Mình đến làm rồi họ trả tiền, ai lại vào việc nấy. Chỉ khi nào gặp khách vui vẻ mình mới nói nhiều, mới cho số điện thoại hẹn lần sau”.
Mỗi đêm như vậy, người đấm bóp dạo phải đi tới 1-2 giờ sáng mới trở về nhà. Ngày ngủ đêm làm, họ như công nhân làm việc đổi ca, mà lại làm việc ca đêm, tháng này qua năm nọ. Khi hỏi họ cực vậy có đổi nghề không, thì tất cả đều nói rằng: “Nghề này coi vậy chứ không đến nỗi cực. Tôi còn mua xe, nuôi vợ nhờ nó đó anh à”.
* Sống khỏe với nghề
Quần áo tươm tất, giày đen lịch sự, nhưng anh Hưng không dùng xe máy để đi lại như bao nghề khác. Những người làm nghề đấm bóp dạo như anh chỉ độc nhất chiếc xe đạp trên những chặng đường. Hỏi tại sao không đi xe máy, ai cũng lắc đầu nói: “Đi xe máy thì ai biết mình. Xe đạp vừa tiện, vừa tiết kiệm, lại khỏe người”. “Nhà có xe tay ga đó chứ, nhưng đi xe máy thì còn gì là nghề này nữa” - anh Hưng nói.
Giá mỗi lần đấm bóp 40 ngàn đồng, giác hơi cũng như vậy. Một đêm, người đấm bóp dạo chỉ cần kiếm 5 người khách coi như tạm đủ sở hụi. “Bữa nào ít thì kiếm khoảng 100 ngàn đồng, hôm nhiều có khi kiếm 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Chịu khó đi và phục vụ tốt thì lần sau khách gọi mình, rồi sẽ có mối làm ăn lâu dài” - Hưng tâm sự.
Khách của Hưng gồm đủ thành phần trong xã hội, từ công chức cho đến dân lao động. Hưng vui vẻ kể: “Hôm nào ghé qua một công trường mà có người kêu vô thì coi như “trúng” đậm. Vì một người làm xong thấy sướng thì những người khác cũng bắt chước kêu làm”. Tuy nhiên, khách “sộp” nhất của Hưng vẫn là những người ít lao động, đôi khi là những người già yếu và thường thì họ đưa luôn 50-100 ngàn đồng mà không phải thối lại.
Đêm làm ngày ngủ, những người đấm bóp dạo như anh Hưng, ông Hòa có thể kiếm được một số tiền không nhỏ. Mùa nắng cũng như mùa mưa, hầu như họ không bị ảnh hưởng công việc nhiều. “Nếu mưa thì những mối quen gọi mình tới làm. Ban ngày làm thêm sửa xe gắn máy nữa thì không lo gì nhiều” - anh Hưng nói.
Với ông Hòa, hơn 10 năm nay, lăn lộn từ Cà Mau ra tận miền Bắc, rồi lại vào TP.Biên Hòa này, ông coi cái chuyện đấm bóp cho khách như điều không thể thiếu mỗi ngày. “Mình phải làm, phải lao động thì mới thấy vui vẻ được chú à. Ngồi không vợ nuôi cũng được, nhưng ngứa ngáy chân tay. Với lại, tiền mỗi tháng tui kiếm được cũng đủ nuôi vợ với đứa con đang học cao đẳng trong thành phố đó. Còn lại cái xe hủ tiếu để dành lúc về già”.
Chia tay chúng tôi, ông Hòa nói đùa một câu, mà đó cũng là những đúc kết bao năm của ông: “Nghề này thấy vậy cũng nhàn, miễn học được bài đấm bóp cho hay, kiếm chiếc xe đạp và… đừng sợ ma, là không lo thiếu thốn”. Rồi ông Hòa lại lên đường. Cái dáng vẻ thong thả, nhẩn nha của ông thoạt nhìn như đang đi dạo, nếu không nghe tiếng lạch xạch kia...
Minh Trung