Báo Đồng Nai điện tử
En

Làn sóng văn hóa Hàn Quốc “tấn công” giới trẻ (Bài 1)

10:08, 06/08/2012

Âm thầm, nhưng lại vô cùng hiệu quả, hơn 10 năm nay, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (thuật ngữ Hàn Quốc gọi là Hallyu, tạm dịch là Hàn lưu) dần xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam thông qua các bộ phim truyền hình mà cả nhà thường cùng nhau ngồi xem trong những giờ nghỉ ngơi, rỗi rảnh.

Cuộc “đổ bộ” ngoạn mục của Hallyu

Âm thầm, nhưng lại vô cùng hiệu quả, hơn 10 năm nay, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (thuật ngữ Hàn Quốc gọi là Hallyu, tạm dịch là Hàn lưu) dần xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam thông qua các bộ phim truyền hình mà cả nhà thường cùng nhau ngồi xem trong những giờ nghỉ ngơi, rỗi rảnh.

Hallyu được dùng để chỉ sự du nhập và sử dụng văn hóa đại chúng của Hàn Quốc tại các quốc gia khác. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc có thể từ phim ảnh, truyền hình, âm nhạc như trào lưu nhạc K-pop (Korean pop), games… Và Hallyu đã được các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam lẫn Hàn Quốc “mổ xẻ” tại hội thảo quốc tế “Tìm hiểu Hallyu tại Việt Nam” do Trường đại học khoa học - xã hội và nhân văn  TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào tháng 6-2012.

* HANLLYU: Chậm mà chắc

Theo GS. Kim Myeong Hye (Trường đại học Dongui, Hàn Quốc), với các nước châu Á, do có sự gần gũi về mặt văn hóa, lịch sử, địa lý nên thông qua phim ảnh trên truyền hình, Hallyu dễ dàng thâm nhập và lan tỏa thành một trào lưu. Như ở Trung Quốc, Hallyu xuất hiện từ năm 1997, khi bộ phim truyền hình Tình yêu là gì tạo nên một cơn sốt ở nước này. Còn ở Nhật Bản, năm 2004, bộ phim Bản tình ca mùa đông đã “làm mưa, làm gió” một thời gian dài, mở đầu cho Hallyu xâm nhập xứ sở Thái Dương thần nữ.

“Phố Hàn Quốc” ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa.
“Phố Hàn Quốc” ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa.

Ở Việt Nam, theo ThS. Trương Văn Minh, Trưởng ban Chương trình Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh, vào năm 1997, khán giả Việt Nam lần đầu tiên được xem một bộ phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc do Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh trao tặng, đó là phim Hoa cúc vàng. Bộ phim được chiếu vào “giờ vàng” trên kênh HTV7 ấy đã mang lại một cảm xúc mới mẻ cho khán giả phim truyền hình. Từ đó trở đi, phim truyền hình Hàn Quốc thường xuyên xuất hiện thông qua các chương trình trao đổi hợp tác giữa hai nước, qua các nhãn hiệu Hàn Quốc tài trợ từ các công ty quảng cáo… Nhiều bộ phim đã tạo thành “cơn sốt” trong khán giả Việt Nam, như: Anh em nhà bác sĩ, Cú nhảy cuối cùng, Người mẫu, Ước mơ vươn tới một ngôi sao, Mối tình đầu, Truyền thuyết Joo-mong…

Giữa lúc khán giả bắt đầu ngán với phim Mỹ đầy bạo lực, phim Hồng Kông màu sắc lòe loẹt và giọng dịch lơ lớ phản cảm, thì phim Hàn Quốc như một luồng gió mới, vừa lạ lại vừa quen thuộc bởi những thông điệp phù hợp đạo đức, thẩm mỹ Á Đông đã khiến khán giả Việt Nam hồ hởi đón nhận.

Chậm mà chắc, phim truyền hình Hàn Quốc dần tạo được sự tin tưởng của các nhà quản lý văn hóa, chiếm được tình cảm của khán giả, nhất là giới nữ và dần bùng nổ ở Việt Nam. Chỉ trong vài năm, doanh số xuất khẩu phim truyền hình Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 18,9 triệu USD (vào năm 2001) lên đến 102 triệu USD (năm 2005), tỷ lệ phát sóng phim Hàn Quốc trên HTV7 và HTV9 chiếm đến gần 20%, có thời điểm lên đến 23,2%.

* Phim Hàn: kênh giới thiệu văn hóa hữu hiệu

Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, hiện Hàn Quốc là quốc gia có doanh nghiệp đầu tư vào Đồng Nai nhiều nhất so với các quốc gia khác, với khoảng 185 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 18,8%). Số lao động làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đông nhất, trên 121 ngàn lao động (chiếm tỷ lệ khoảng hơn 20%). Và, lao động người Hàn Quốc làm việc tại Đồng Nai cũng nhiều nhất, với 1.273 người (tỷ lệ 25,4%). Ở phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), phía sau siêu thị BigC đã hình thành tự phát cả một “phố Hàn Quốc” với các dịch vụ: ăn uống, massage, giặt ủi, uốn tóc, du lịch, cho thuê xe, buôn bán hàng hóa… do người Hàn Quốc đứng ra kinh doanh.

Theo kết quả khảo sát của TS. Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đối với 400 đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân và người lao động làm các công việc khác nhau trên địa bàn tỉnh cho thấy, con đường truyền bá văn hóa trực tiếp từ người Hàn Quốc không đáng kể, chỉ chiếm tỷ lệ 4%. Trong khi đó, có đến 89,5% người được khảo sát cho rằng, họ biết đến văn hóa Hàn Quốc từ phim truyền hình Hàn Quốc. Từ đó có thể khẳng định, Hallyu đến với Đồng Nai chủ yếu qua con đường phim ảnh, mà cụ thể hơn là phim truyền hình.

Từ “yêu thích” đến “làm theo”

Trả lời câu hỏi “Vì sao yêu thích phim Hàn Quốc?”, 72% trong số người được khảo sát cho biết là do diễn viên đẹp, nội dung hay. Đa số nữ sinh viên Trường đại học Lạc Hồng - một trong số đối tượng được khảo sát cho biết, rất thích diễn viên nữ Song Hye Kyo trong phim Ngôi nhà hạnh phúc, vì thế đã bắt chước kiểu tóc, trang phục của nữ diễn viên này. 55% thanh niên công nhân được khảo sát thì cho biết, họ có bắt chước nam diễn viên Yang Dong Gun trong phim Anh em nhà bác sĩ.

Ngày nay, ra đường phố hoặc vào chỗ đông người, ngay cả trong phân xưởng, nhà máy hay giảng đường đại học, mọi người rất dễ nhận thấy những mái tóc, trang phục, trang sức, vật dụng, cách trang điểm như các diễn viên Hàn Quốc.

Từ phim Hàn, Hallyu còn tác động đến nhận thức, thói quen tiêu dùng của người dân. Có đến 82,77% thanh niên dưới 30 tuổi cho biết yêu thích thời trang Hàn Quốc, 64,19% thích sử dụng mỹ phẩm Hàn Quốc, 62,84% thích dùng điện thoại Samsung. Gần 52% đối tượng được khảo sát cũng cho biết, họ sẽ chọn Hàn Quốc làm nơi du lịch nếu được lựa chọn, cao nhất so với các điểm đến khác, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.

 

Trước sự “đổ bộ” của làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc vào Việt Nam hơn chục năm qua, Đồng Nai cũng không ngoại lệ. Thống kê chưa đầy đủ trong ngày 12-5-2012 cho thấy, chỉ riêng Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai đã phát sóng 5 bộ phim Hàn Quốc, như: Gia tộc họ Choi, Mật danh Iris, Ngàn lần yêu em, Ngưỡng cửa cuộc đời, Chàng lọ lem. Cùng thời điểm đó, khán giả Đồng Nai còn có thể xem trên 20 bộ phim Hàn Quốc ở các kênh truyền hình khác mà địa bàn tỉnh có thể bắt sóng, như: Gia đình là số một, Săn nô lệ, Nữ hoàng rắc rối, Đức vua và tôi, Sát thủ hào hoa, Tình yêu và sự cách trở, Em là định mệnh đời anh, Mật danh Iris, Người tình của bà mối, Cô nàng đẹp trai, Sự nghiệp vĩ đại, Cá vàng, Cỗ xe tình yêu, Bệnh viện đa khoa, Soo Jin - Cô bé lọ lem, Chứng tích pháp y, Tình yêu trong gió, Kỳ nghỉ của quý bà, Kẻ đánh cắp trái tim, Hãy yêu đừng e ngại, Anh chàng bảo mẫu, Triều đại Cho-sun, Thiên sứ tình yêu, Mật mã Athena…

Với tần suất xuất hiện phim Hàn Quốc dày đặc như thế trên các kênh truyền hình Việt Nam, thái độ đón nhận Hallyu của người dân Đồng Nai như thế nào? Kết quả khảo sát của TS.Huỳnh Văn Tới cho thấy, gần 77% người được hỏi cho biết họ thường xem phim Hàn Quốc, riêng đối tượng công nhân thì tỷ lệ này lên đến 90%. Trong đó, bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc (diễn viên: Bi Rain, Song Hye Kyo) được họ yêu thích nhất, với 93,25% người đã xem và 68,15% cho biết rất thích bộ phim này. Những bộ phim “hot” được ưa chuộng tiếp theo cũng có tỷ lệ người xem khiến phim Việt phải mơ ước, như: Chuyện tình Paris (73,25%), Anh em nhà bác sĩ (70,25%), Nàng Dae Jang Geum (64,75%), Bản tình ca mùa đông (62,25%).

Rõ ràng, với tần suất xuất hiện như thế, phim Hàn Quốc đã chiếm ngự món ăn tinh thần của người dân Đồng Nai trước màn ảnh nhỏ.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều