Bây giờ, lá chuối được các cơ sở làm bánh chưng, gói nem, giò chả… đặt hàng theo từng ngày, nên những người làm nghề trồng, rọc và buôn lá chuối tất bật quanh năm. Lấy công làm lời để đổi lấy một công việc ổn định, dường như họ không hề có ngày nghỉ.
Bây giờ, lá chuối được các cơ sở làm bánh chưng, gói nem, giò chả… đặt hàng theo từng ngày, nên những người làm nghề trồng, rọc và buôn lá chuối tất bật quanh năm. Lấy công làm lời để đổi lấy một công việc ổn định, dường như họ không hề có ngày nghỉ. Mùa lá đúng vào dịp năm học mới, nên với số tiền kiếm được trong mấy tháng hè vừa qua cũng đủ để họ sắm sửa quần áo, sách vở cho mấy đứa nhỏ và còn để dành làm vốn chi tiêu cho cả gia đình.
* Mùa… lá chuối
Từ những vườn điều - xoài rộng lớn, những sườn đồi dốc dựng đứng, cây chuối len lỏi bám trụ trên miền đất đá lởm chởm. Đến khi cây tròn một năm cũng là lúc người dân các xã: Gia Canh, Phú Vinh, Phú Tân (huyện Định Quán) chuẩn bị câu liềm, cây sào đi rọc lá. Đi theo những người “thợ” làm nghề này ở huyện Định Quán, chúng tôi mới hiểu vì sao thứ tưởng như bỏ đi này lại tạo ra cái nghề phụ, đem lại công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Cắt lá chuối giữa bạt ngàn cây cối. |
Sau một trận mưa dài lê thê, bước vào vườn chuối, từng mầm cây, lá non đã mọc um tùm. “Tết ta ít lá nhưng giá cao, còn bây giờ mùa mưa mới là vụ thu hoạch chính. Đi khắp mọi khu vườn, đồi dốc, đâu đâu cũng thấy một màu xanh non của lá chuối. Cũng nhờ nó mà chúng tôi kiếm được vốn tiền kha khá chuẩn bị cặp sách, áo quần cho đám trẻ dịp đầu năm học mới” - chị Huỳnh Thị Hoa (35 tuổi, ngụ ở xã Gia Canh) cho biết.
Chúng tôi quyết định ở qua đêm tại nhà gia đình anh Nguyễn Văn Niên (41 tuổi, xã Phú Vinh) để mờ sáng hôm sau cùng họ chuẩn bị cho chuyến hành trình rọc lá trên khắp ngọn đồi Nancy. Mới sáng sớm, vợ chồng anh Niên, mỗi người vác trên vai một cây sào dài 10-15m, í ới gọi mọi người quanh xóm chuẩn bị lên đường. Lúc này, cả khu xóm chuyên đi cắt, rọc lá cũng bừng tỉnh, mở đầu cho một ngày náo nhiệt. Hàng chục người ngồi lên những chiếc xe Cub 81, xe Minsk, thứ xe nhìn bề ngoài tuy xấu xí nhưng giỏi leo đường đèo, dốc. Phần lớn họ là nông dân nghèo, không nghề nghiệp ổn định, phải đi rọc lá để kiếm kế sinh nhai.
Chị Lê Thị Nụ, đi rọc lá từ hồi con gái, đến nay đã ngoài 40 tuổi, tâm sự: “Làm nghề này phụ thuộc vào thời tiết, sức khỏe. Ngày nắng lá khô, ít nước nên cân ký nhẹ lắm. Vì vậy, trời mưa nhiều là chúng tôi “ẩn” mình trong đồi cả ngày. Đàn bà con gái không làm nổi, nhà nào có đàn ông, thanh niên xem ra mới trụ được với nghề”.
Mặt trời đứng bóng, ước chừng số lá đã cắt vừa đủ, chị Nụ và đứa con trai nghỉ tay ăn cơm tại vườn, chuẩn bị cho công đoạn rọc lá. Chiếc áo sờn bạc màu nắng, mốc meo không che được tấm thân gầy của người phụ nữ này. Nụ cười trên môi cũng không che lấp được nỗi ưu phiền trên gương mặt chị. Chị Nụ là người hiếm hoi ở đây đi rọc lá mà không có chồng theo cùng, vì anh đã bỏ nghề hơn 3 năm nay. Chị cho biết, lần đó, do mải làm không để ý nên chồng chị bị trượt chân té ngã, đến giờ còn nằm dưỡng thương ở nhà. “Dù khó mấy tôi vẫn phải lo, phải còng lưng làm để kiếm lấy chén cơm cho cả gia đình” - chị Nụ nói.
Làm nghề này rất hại sức khỏe, cả ngày ở trong vườn rậm rịt, muỗi đốt là chuyện thường, rắn cắn không phải ít. Chưa kể, phải đội cái nắng gay gắt trên đầu, rồi mảnh chai vỡ, gai nhọn cứa đứt chân khi đạp phải. Do vậy, đi làm nghề này thường phải có đôi, có bạn để giúp đỡ nhau khi khó khăn. Vừa xếp lá chuối thành từng bó, mỗi bó nặng chừng 30-50kg, một thợ chuyên đi cắt lá cho biết, thời điểm tháng 6 đến tháng 10 lá đẹp nhất. Sau khi cắt hết một lượt xong, người phải đứng thẳng rồi dùng dao bén rọc lá từ cuống xuống dưới ngọn. Sau đó, bó gọn lá rồi chất lên xe chở về bán cho các thương lái, đầu mối.
* Tấp nập thu mua
Ngày trước, lá chuối thường bị chặt bỏ nằm chỏng chơ giữa vườn, vì giá trị chẳng bao nhiêu. Bây giờ, lá chuối được các cơ sở làm bánh chưng, gói giò chả… đặt hàng, thu mua quanh năm. Cũng từ đó mà sinh ra nghề buôn lá chuối xanh. Dân buôn lá chuối là người trong xã, chủ yếu đến các nhà vườn ước chừng số lượng cây, trả tiền cho cả vườn, rồi tự vào cắt lá. Mỗi vườn thu hoạch chừng 1-2 tháng, sau đó họ lại đi tìm vườn khác hỏi mua lá. Đến thời điểm này năm sau họ sẽ quay lại, nếu được giá và chủ vườn đồng ý bán thì dân buôn sẽ tiếp tục cắt lá. Ngoài những người tìm đến các vườn hỏi mua, thì cũng có rất nhiều cơ sở chuyên thu mua lá chuối xuất bán tận Sài Gòn, hoặc ra nước ngoài.
Không cần đợi đến dịp tết, vào ngày thường, các vựa lá chuối cũng nhộn nhịp cảnh mua - bán. |
Trong bộ quần áo lấm lem nhựa chuối, đôi bàn tay sần sùi, chi chít vết sẹo vì bị lưỡi liềm phạm vào khi rọc lá, anh Hoàng Văn Nam (35 tuổi), người có thâm niên 10 năm đi cắt lá, tâm sự: Hàng ngày, anh phải chạy từ làng này sang làng kia để hỏi mua, đặt hàng. Bất kể nắng mưa, bước chân của những người cắt lá cứ rong ruổi khắp nơi. Sau khi thỏa thuận giá cả mới chuẩn bị câu liềm, xe cộ đi sâu vào vườn thu mua. Mỗi ngày, hai vợ chồng anh kiếm khoảng 2 tạ lá cho mối quen, mỗi kg mua tại vườn chừng 1.500 đồng, sang lại cho mối từ 2.500 - 3.000 đồng. “Nghề này vốn bỏ ra ít, số tiền kiếm được xem như lấy công làm lãi. Thu nhập của vợ chồng tôi vài ba triệu đồng mỗi tháng nên hầu như ngày nào cũng chui sâu trong những khu vườn um tùm cây cối. Sợ nhất là những ngày rảnh rỗi, không có nơi nào bán. Chỉ những lúc bệnh tật, lễ lạt mới ở nhà, nên nghề này không có ngày nghỉ” - anh Nam giải thích.
Dân trong nghề thường “săn” lá đẹp ở đồi Nancy, ngã ba Thác Mai, thác Ba Giọt, hoặc các vùng đồi giáp ranh với huyện Tân Phú. Mùa lá năm nay, số người làm nghề này tăng lên đến vài chục người. Được mùa, mỗi người có thể thu hoạch cả 2-3 tạ lá chuối/ngày. Anh Lại Duy Tám, có thâm niên 15 năm làm nghề buôn lá, tâm sự: “Ngày mới đi làm, tôi chỉ mua độ vài chục kg thôi. Thời đó mối ít lắm, nếu không giao kèo trước, lá có khi vứt đi. Bây giờ, làm ra bao nhiêu, họ bao trọn hết nên chẳng sợ. Mùa mưa, chuối mọc nhanh lắm”.
2 giờ chiều, có mặt tại một điểm thu mua lá chuối nằm ngay trên quốc lộ 20, xã Phú Tân, chúng tôi được dịp chứng kiến cảnh từng chiếc xe máy chất đến 5-6 bó lá chuối nối đuôi nhau đợi giao hàng. Dọc con đường này, có đến vài chục cơ sở chuyên thu mua lá chuối từ những người đi buôn, đi rọc lá đem về bán lại. Không cần bảng hiệu này nọ, chỉ thấy chỗ nào cứ tầm 2-3 giờ chiều, người xe tấp nập nhộn nhịp “giao hàng” là biết. “Phải cạnh tranh dữ lắm mới có hàng thường xuyên xuất đi Sài Gòn. Bạn hàng đặt hàng nhiều, chúng tôi mua nhiều, đặt ít thì thu mua ít. Lá để qua ngày thì không bán được vì mau úa, vàng…” - chị Loan, một thương lái cho biết.
Thanh Hải