Mỗi lần đi biển đánh bắt cá, các chủ ghe tàu ở các phường: 4 - 5 - 6 - 7, khu vực cảng Bến Đình, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ít nhiều mang áp lực bị tàu nước ngoài rượt đuổi, cướp ngư cụ, thu tài sản, nhưng chưa bao giờ họ từ bỏ ngư trường. Bởi với họ, nghề đi biển là cuộc sống mưu sinh và gắn bó cả đời. Những con tàu của họ luôn sẵn sàng ra khơi, chưa bao giờ biết mỏi.
Mỗi lần đi biển đánh bắt cá, các chủ ghe tàu ở các phường: 4 - 5 - 6 - 7, khu vực cảng Bến Đình, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ít nhiều mang áp lực bị tàu nước ngoài rượt đuổi, cướp ngư cụ, thu tài sản, nhưng chưa bao giờ họ từ bỏ ngư trường. Bởi với họ, nghề đi biển là cuộc sống mưu sinh và gắn bó cả đời. Những con tàu của họ luôn sẵn sàng ra khơi, chưa bao giờ biết mỏi.
* Cá đầy khoang, ngư dân ấm bụng
Những ngày đầu tháng 8, cảng cá khu vực Bến Đình tấp nập người, xe. Trên bờ, những chiếc xe tải chuyên dụng đậu sát trên cầu cảng bốc cá. Dưới bến, hàng trăm ghe, tàu đánh cá nằm kề san sát nhau. Tàu này chuyển cá lên bờ, tàu kia tiếp nhận đá lạnh cho chuyến đi biển mới. Chỗ này người khiêng cá từ tàu lên cảng, chỗ kia nhóm lao động khẩn trương phân loại cá chất lên xe đông lạnh.
Tàu của ông Trần Văn Tiến đang tiếp đá lạnh, sẵn sàng cho chuyến đi biển. |
Sau 25 ngày đánh bắt xa bờ, tàu của ông Trần Văn Tiến cập cảng Bến Đình với cả 5 khoang đầy ắp cá. Bà Nguyễn Thị Bé ra tận cảng đón chồng và con trai. Áo quần dính cá, mùi tanh tưởi, nhưng ông Tiến vẫn bế đứa cháu nội hôn vào má cho đỡ nhớ. Ông Tiến nói với vợ giọng vui vẻ: “Chuyến đi biển này thắng lợi. Tất cả 5 khoang đều đầy ắp cá, mọi người đều khỏe mạnh và an toàn. Mấy “lính mới” vui vẻ lắm”.
Ông Tiến kể, chuyến tàu của cha con ông xuất phát từ cảng Bến Đình. Sau 2 ngày đêm hải trình, tàu đến khu vực đánh bắt tận vùng biển Cảnh Dương. Đây là điểm chuyển từ mùa biển lặng sang mùa sóng bão nên cá di chuyển rất nhiều. Luồng cá đi đến đâu, ông khai thác đánh bắt đến đó: “Chuyến này, chúng tôi làm được chừng 200 tấn”.
“Mỗi chuyến đi biển như thế chi phí hết bao nhiêu, thưa ông?” - chúng tôi hỏi.
- Từ 300-500 triệu đồng cho cả dầu, nhớt, đá lạnh 400 cây, tiền cho bạn ứng trước.
- Bạn làm ăn theo sản phẩm hay chia bình quân?
- Lao động có người già, người trẻ, thanh niên. Tôi căn cứ vào thời gian làm ở tàu lâu hay ít mà chia tiền. Mỗi chuyến đi như thế này, bình quân mỗi người được khoảng 10-13 triệu đồng. Nghề đi biển cực nhọc vất vả, nhưng đây cũng là nghề “hái ra tiền”. Cứ cá đầy khoang là ngư dân ấm bụng, ha... ha...” - ông Tiến cười, nói vui vẻ.
Từ đầu năm đến nay, tàu của ông Tiến có 4 lần ra khơi, thì 3 lần thắng lợi. Duy nhất chuyến đi biển hồi tháng 3 là huề vốn. Lần ấy, tàu của cha con ông Tiến và 3 tàu bạn đang khai thác đánh bắt cá ở vùng biển Hòn Khoai được 12 ngày thì bị tàu nước ngoài rượt đuổi. Nếu đụng độ trên biển sẽ mất “cả chì lẫn chài”, nghĩ vậy nên ông cho tàu quay trở về đất liền. Chuyến đi biển ấy huề vốn. 20 lao động trên tàu của ông cũng thông cảm, chia sẻ với chủ và quyết tâm đánh bắt nhiều cá trong chuyến đi biển mới.
Hoàng Quốc Hưng, quê ở tỉnh Thanh Hóa, làm công cho ông Tiến chục năm nay chia sẻ: “Cách đây 10 năm, tôi đến làm việc cho chú Tiến với 2 bàn tay trắng. Hiện tôi đã lập gia đình ở đây rồi. 10 năm là thời gian cực nhọc đối với người làm nghề đi biển, nhưng tôi cũng thấy mình trưởng thành từ biển. Có thể nói, biển đã nuôi sống ngư dân. Ngư dân ở khu Bến Đình này sống từ nghề biển và làm giàu từ biển. Vẫn biết nghề biển cực nhọc, hiểm nguy, nhưng ai đã gắn bó với nghề mới thấy mình nặng lòng với biển. Đời tôi đã gắn bó với biển, đời con tôi cũng sẽ như thế”.
* Luôn sẵn sàng ra khơi
Điều dễ dàng nhận thấy khi đến cảng cá Bến Đình những ngày này là tàu thuyền tấp nập tiếp nhận đá lạnh, thực phẩm và sẵn sàng ra khơi. Ba cha con ông Đinh Văn Thắm đang tất bật chuẩn bị đá lạnh, gạo, nước ngọt cho chuyến đi biển. Ông Thắm cho biết: “Nhập xong cá là cha con tui đi biển liền. Bây giờ đang mùa cá, mình phải tranh thủ chứ. Sang tháng 10, biển động, sóng to đâu đánh bắt xa bờ được. Gia đình tui có 3 tàu, ba cha con mỗi người một tàu, lao động 54 người cả thảy”.
Cùng đồng hành chuyến biển những ngày tới, tàu ông Trần Văn Nhị có trọng tải 200 tấn đã mua 450 cây đá xay sẵn ủ kín trong 2 khoang. Ông Nhị cho biết: “Tàu tui có 21 lao động, 1 tài công. Đây là chuyến tàu thứ 5 kể từ đầu năm đến nay. Tàu đánh cá đi tối đa 25 ngày, chứ không nhiều thời gian như tàu câu mực, vì cá ướp đá trên 4 tuần sẽ vỡ bụng, nhanh hỏng. Bởi vậy, cứ cá đầy khoang là chúng tôi phải nhanh chóng vào bờ ngay. Bán cá xong, tiếp đá và thực phẩm, chúng tôi lại tiếp tục ra khơi. Nghề biển cực nhọc là vậy, nhưng chưa bao giờ chúng tôi từ bỏ ngư trường, lúc nào cũng xác định sẵn sàng ra khơi. Nghề đi biển đã ngấm vào máu thịt rồi”.
270 tàu đánh cá xa bờ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được lắp đặt thiết bị vệ tinh Ông Cao Xuân Tiều, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi liên lạc cho các chủ ghe, tàu đánh bắt xa bờ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang khẩn trương tiến hành lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 270 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh. Chương trình thuộc dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar”. Đây là dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của Pháp, triển khai cho 3 ngàn tàu cá thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước. Những tàu cá gắn thiết bị kết nối vệ tinh phải là tàu có công suất từ 90CV trở lên, hoạt động theo tổ, đội, là tàu giữ vai trò tổ trưởng, tàu tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tàu kiểm ngư, tàu dịch vụ trên biển. Với thiết bị vệ tinh này, khi khai thác ở vùng biển xa bờ, ngư dân có thể xác định được kinh độ, vĩ độ và xác định được nơi tàu mình đang hoạt động, tránh đi vào các vùng biển chồng lấn, vi phạm lãnh hải của nước khác. Hệ thống kết nối vệ tinh cho tàu cá là một trong những loại máy hiện đại nhất hiện nay trong nghề đánh bắt hải sản. Tàu cá được hỗ trợ lắp đặt miễn phí trang bị chẳng khác gì có thêm “đôi mắt thần” đồng hành trong mỗi chuyến ra khơi của ngư dân”. |
Nói về ý thức ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, ông Nhị chia sẻ: “Chúng tôi luôn có ý thức đánh bắt hải sản ở khu vực biển của nước mình. Trước khi đi, phường cũng đã gặp các chủ tàu đề nghị cam kết không được khai thác trên vùng biển chồng lấn, không đánh bắt ở khu vực giáp ranh, tuyệt đối không sang vùng biển nước ngoài khai thác. Trước khi đi biển, tàu được kiểm tra bảo dưỡng về máy móc, riêng máy thông tin được dự trữ 2 bộ. Chúng tôi được bộ đội Hải quân Vùng 2 tập huấn 5 phương pháp cấp cứu và băng bó tại chỗ khi ngư dân bí tiểu, ngất do sức ép nước. Phương án đối phó, vòng tránh, thông báo tín hiệu cấp cứu khi có tàu nước ngoài rượt đuổi, hoặc bị nạn được triển khai đến mọi lao động trên tàu”.
Mới 16 tuổi, nhưng Trần Văn Nhạc (con trai ông Nhị) đã theo nghề đi biển của cha. Trước khi đi, Nhạc ra chợ Bến Đình mua 2 lá cờ Tổ quốc rồi gấp gọn lại, để lên bàn thờ của tàu. Nhạc bảo: “Chuyến đi biển nào em cũng mua cờ Tổ quốc để treo. Đây vừa là quy định, vừa là niềm tự hào. Em thấy treo cờ Tổ quốc mình khi ra khơi có gì đó rất kiêu hãnh và yên tâm. Trước khi tàu xuất phát, cha con em thường treo cờ, thắp hương khấn vái thần biển, cầu mong cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió. Việc này rất có ý nghĩa và thiêng liêng”.
Tới đây, chuyến tàu của cha con ông Thắm, tàu của ông Nhị, ông Tiến và nhiều tàu khác nữa sẽ rời cảng Bến Đình vượt sóng ra khơi. Trên con tàu thân yêu của họ chở đầy niềm tin yêu cuộc sống. Để rồi, sau những ngày lênh đênh trên biển, họ lại trở về với những khoang tàu đầy ắp cá và rộn rã niềm vui...
Mai Thắng