Trong 9 liệt sĩ Nhà giàn DK1 hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, thì có 8 liệt sĩ thi thể vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi. Liệt sĩ có phần mộ duy nhất trên đất liền là Tạ Ngọc Tú. Anh hy sinh ngày 21-4-2001 tại Nhà giàn DK1/16 trong cơn đau thắt đột ngột khi theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm…
Trong 9 liệt sĩ Nhà giàn DK1 hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, thì có 8 liệt sĩ thi thể vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi. Liệt sĩ có phần mộ duy nhất trên đất liền là Tạ Ngọc Tú. Anh hy sinh ngày 21-4-2001 tại Nhà giàn DK1/16 trong cơn đau thắt đột ngột khi theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm…
* Hoài niệm đau thương
Câu chuyện xúc động giữa chúng tôi với cán bộ chiến sĩ DK1 xoay quanh 9 liệt sĩ DK1 đã nằm lại ngàn khơi vẫn luôn nóng hổi và chứa chan niềm kiêu hãnh, mặc dù nỗi mất mát đau thương bây giờ đã trở thành hoài niệm. Những người đã sống và học tập trên Nhà giàn DK1/16 với liệt sĩ Tạ Ngọc Tú không thể nào quên được đêm anh đã hy sinh. Và ai cũng không muốn quyển sổ vàng truyền thống của đơn vị thêm trang. Song, giữa ngàn khơi bao la ấy, ai biết trước điều gì xảy ra. Tạ Ngọc Tú là liệt sĩ thứ 9 của Nhà giàn DK1.
Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ DK1. Ảnh: MAI THẮNG |
Trung tá Nguyễn Thế Dĩnh, hiện là Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn DK1, cách đây 11 năm từng là Phó Chỉ huy về chính trị Nhà giàn DK1/16 kể lại: “Lúc đó, tôi là Phó Chính trị của Nhà giàn DK1/16. Thời gian công tác với liệt sĩ Tú hơn 12 tháng. Tối ấy, sóng yên biển lặng, nhưng khí hậu rất khắc nghiệt. Hơi nước biển bốc lên tanh nồng, cá heo nổi lên mặt nước bơi từng đàn. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì đó là dấu hiệu sắp tới có một trận cuồng phong dữ dội. Đêm đó, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú đảm nhận ca gác từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng hôm sau. Khi gác, Tú còn thủ sẵn một chiếc cần câu thả xuống biển câu cá. Bỗng phía hướng Bắc Nhà giàn, Tú phát hiện một ánh sáng chớp liên tục và ngày càng rõ dần. Biết là mục tiêu lạ, Tú căng mắt quan sát.
Mặc dù hết ca gác, nhưng anh không gọi người tiếp theo, mà tiếp tục đảm nhiệm. Trong khi bí mật leo cầu thang theo dõi mục tiêu, một cơn gió độc vô hình đã khiến tim anh đau thắt. Các cơ tay chân co rút tái tê. Tú đã ngã xuống chân đế Nhà giàn và chìm xuống biển. Lúc gần 2 giờ sáng, Chỉ huy trưởng Đại úy Nguyễn Văn Hùng đi kiểm tra canh gác, không thấy Tú. Anh em báo động tìm kiếm nhưng tất cả vô vọng. Biết Tú đang nằm dưới chân đế Nhà giàn, Đại úy Hùng đã lên máy báo động thông tin, gọi ghe của ngư dân đến cứu vớt. Khi 2 ngư dân lặn xuống chân đế Nhà giàn và dùng cần câu móc thân xác Tú lên, người anh đã phù nề. Một số nơi trên thân thể không còn nguyên vẹn”. Trung tá Dĩnh mắt đỏ hoe không kìm được xúc động: “Chú biết đấy, các liệt sĩ Nhà giàn DK1 hi sinh không chỉ vì sóng to bão lớn, mà ngay cả lúc sóng yên biển lặng cũng xảy ra. Thế mới biết thiên tai không bao giờ lường trước được” .
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn DK1 chứng kiến lễ truy điệu liệt sĩ Tạ Ngọc Tú tại Bệnh viện Lê Lợi - Vũng Tàu không kìm được nước mắt, khi 2 em gái liên tục ngất xỉu trước vong linh của anh, còn ông Tạ Ngọc Tuấn - người cha có khuôn mặt khắc khổ gào khóc: “Tú ơi, hãy về với cha, với mẹ con ơi. Mẹ ở quê nhà luôn chờ đón con về”. Tất cả những người lính trẻ, những cô gái công nhân giày da ở đơn vị kết nghĩa đều khóc. Những người vợ có chồng đi Nhà giàn DK1 thì bàng hoàng. Trong niềm đau tiễn đưa, họ nghĩ về các anh đang trấn giữ giữa biển khơi. Giọt nước mắt đưa tiễn người lính trẻ, chen lẫn niềm yêu thương vô bờ các chiến sĩ Nhà giàn DK1 đang đối mặt với bạt ngàn sóng gió giữa trùng khơi tít tắp.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, nguyên Đại úy Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16 thời ấy chia sẻ: “Trước khi đi Nhà giàn, anh Tú còn khoe với tôi kỳ nghỉ phép về quê, yêu một người. Hai đứa hẹn sau chuyến đi biển về sẽ làm đám cưới. Cha mẹ Tú cũng chấp nhận cô bạn gái làm con dâu trong gia đình. Trong 9 liệt sĩ, thì liệt sĩ Tú duy nhất tìm thấy xác và được chôn cất tại Nghĩa trang Long Hương (TX. Bà Rịa), sau khi được vớt lên, chở về đất liền và làm lễ truy điệu. Anh Tú mãi mãi ra đi để lại bao niềm thương tiếc cho gia đình, đồng đội”.
Phần mộ của liệt sĩ Tạ Ngọc Tú được chôn cất tại Nghĩa trang Long Hương. Theo yêu cầu của gia đình, Bộ Tư lệnh Hải quân, Lữ đoàn 171, Tiều đoàn DK1 đã đưa hài cốt của anh về an táng tại nghĩa trang quê nhà sau đó ba năm...
* Kỷ vật thiêng liêng
Trong hành trình “Tri ân các liệt sĩ đã hy sinh trên biển” do báo Thanh Niên và Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (mì Gấu đỏ) TP.Hồ Chí Minh đồng tổ chức, chúng tôi đến thăm cha mẹ liệt sĩ Tạ Ngọc Tú ở thôn Quang Long Đông, xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình chiều ngày 17-7. Ông Tạ Ngọc Tuấn và bà Nguyễn Thị Gái năm nay đã sang tuổi 63. Bà Gái ôm Trung tá Nguyễn Thế Dĩnh nghẹn ngào: “Tú là con trai duy nhất của gia đình tôi. Tôi sinh được 1 trai, 3 gái. Chuyện cũ chưa nguôi ngoai, thì hồi đầu năm nay đứa con gái là em kế của Tú lại ra đi đột ngột. Nó mới ngoài 30 tuổi, để lại 2 đứa con, một đứa mới 7 tháng tuổi, một đứa 7 tuổi cho hai ông bà già. Giờ không biết ông trời cho sống được bao lâu nữa để lo cho 2 cháu ngoại, đau lòng lắm các chú ạ”.
Ông Tạ Ngọc Tuấn bên những kỷ vật của con mình. Ảnh: K. L |
Ông Tạ Ngọc Tuấn nhìn lên bàn thờ, thắp nén hương trước di ảnh của con, bỗng ông vỡ òa nghèn nghẹn - “Tú ơi, đồng đội của con về thăm đây này”. Trung tá Nguyễn Thế Dĩnh ôm ông để sẻ chia vơi nỗi đau thương mất mát và cơn xúc động đang dâng tràn. Ông Tuấn lấy từ trong chiếc thùng gỗ chiếc cassette màu trắng cùng 5 con ốc biển. Ông chạm vào chiếc đài nhỏ run run: “Trước khi mất, Tú để dành tiền mua hai chiếc đài, một chiếc to để ở nhà cho cha mẹ nghe, còn nó cầm đi chiếc đài nhỏ này để ra nhà giàn nghe thời tiết. Còn đây là mấy con ốc biển Tú mang về gọi là quà của biển cho cha mẹ”.
Lục trong túi ny-lông đã cũ, ông Tuấn đưa cho chúng tôi xem lá thư anh Tú đề ngày 20-4-2001, viết tại Nhà giàn Phúc Tần B (DK1/16), và đó là lá thư cuối cùng anh viết về thăm cha mẹ và 2 người em gái. Những dòng chữ xúc động của chàng trai quê lúa Thái Bình sau 11 năm ông bà Tuấn vẫn gìn giữ như báu vật linh thiêng nhất của mình. Thư có đoạn: “Lại một thời gian dài xa cách đất liền, xa bạn bè và người thân, mọi thiếu thốn nơi hải đảo xa xôi anh em con đều vượt qua được, chỉ mong những chuyến tàu nhận được cánh thư chứa nặng tình cảm của quê hương gửi tới là chúng con vui rồi cha mẹ ạ”. Ngày 21-4-2001, Tạ Ngọc Tú hy sinh khi bước sang tuổi 28.
Thay mặt đoàn công tác, ông Đặng Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh Niên trao tặng số tiền 20 triệu đồng cho ông Tạ Ngọc Tuấn trong niềm xúc động. Dẫu số tiền ấy chỉ có giá trị vật chất và chẳng đắp đổi được sự hy sinh, nhưng phần nào sưởi ấm lòng cha mẹ Tú, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chăm lo cho thân nhân gia đình liệt sĩ.
Trời ngả về chiều, chúng tôi ra về mà lòng trĩu nặng. Trên con đường nhựa, hình ảnh liệt sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh mới 28 tuổi, chưa có gia đình ẩn hiện trên cánh đồng lúa vùng thôn quê Thái Thụy Thái Bình xa dần, bất tận...
Mai Thắng