Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảm nhận Thụy Sĩ

09:09, 10/09/2012

Từ nhỏ đến giờ và cho đến nhắm mắt xuôi tay trở về với cát bụi, lúc nào, ở đâu, tôi vẫn tự hào, mình được sinh ra từ gốc bưởi, gốc khế và lớn lên từ vũng trâu nằm của cù lao Thạnh Hội (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), bên sông Đồng Nai. Cho nên, khi ngồi trên máy bay của hãng hàng không Đức Lufthansa bay trên bầu trời châu Âu hay ngủ trong khách sạn Hilton năm sao ở Basel (Thụy Sĩ), tôi vẫn nhớ cái vũng trâu nằm ở quê hương.

Từ nhỏ đến giờ và cho đến nhắm mắt xuôi tay trở về với cát bụi, lúc nào, ở đâu, tôi vẫn tự hào, mình được sinh ra từ gốc bưởi, gốc khế và lớn lên từ vũng trâu nằm của cù lao Thạnh Hội (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), bên sông Đồng Nai. Cho nên, khi ngồi trên máy bay của hãng hàng không Đức Lufthansa bay trên bầu trời châu Âu hay ngủ trong khách sạn Hilton năm sao ở Basel (Thụy Sĩ), tôi vẫn nhớ cái vũng trâu nằm ở quê hương.

Tác giả trước cơ quan Liên hợp quốc tại châu Âu.
Tác giả trước cơ quan Liên hợp quốc tại châu Âu.

Từng đọc những bài báo, quyển sách viết về đất nước, con người Thụy Sĩ, nhưng thú thật, tôi chưa cảm nhận đầy đủ về xứ sở của lâu đài cổ kính nổi tiếng trên thế giới, đất nước đã từng đăng cai Hội nghị quốc tế hòa bình Việt Nam năm 1954. Để từ đó, địa danh Geneva - thành phố hòa bình nổi tiếng của Thụy Sĩ, gắn liền với lịch sử giải phóng dân tộc của Việt Nam. Lần này, bước chân còn dính phèn của tôi được đặt trên đất nước Thụy Sĩ, tôi mới “cảm” một cách sâu sắc về đất nước trung lập này.

* Đặt chân lên đỉnh TITLIS

Đó là một nước nằm ở miền Trung của châu Âu, có diện tích 41.285km2, chỉ gấp 8 lần diện tích tỉnh Đồng Nai, là không gian sống của 7,3 triệu người, gần bằng dân số của TP.Hồ Chí Minh và gấp 2,5 lần dân số của Đồng Nai. Đây là một đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, bởi núi non trùng điệp hùng vĩ của dãy Alps mà đất Thụy Sĩ chiếm đến 20%, với 200km chiều dài trên độ cao trung bình 1.700m so với mặt nước biển, bao phủ 2/3 diện tích của xứ sở đồng hồ. Trong dãy Alps hùng vĩ, có gần 100 đỉnh núi cao gần hoặc cao hơn 4 ngàn mét so với mực nước biển, mà khi đến đó ta có thể liên tưởng đến dãy Hoàng Liên Sơn của Việt Nam. Trong số đó, tôi có dịp đặt chân lên đỉnh Titlis cao 3.200m, tràn đầy tuyết trắng, mặc dù lúc đó là mùa hè của Thụy Sĩ. Trên độ cao của dãy Titlis là những dòng sông băng trong số 1.800 sông băng của đất nước này, tôi và anh Nhật Hân đồng nghiệp có dịp ngồi uống rượu Bến Gỗ của quê nhà vào một buổi sáng se se lạnh. Tôi nói với Nhật Hân, chắc có lẽ trong cuộc đời đã quá tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” như mình, tôi chưa bao giờ có buổi uống rượu vào sáng sớm mà cảm thấy ngon và “đã” như buổi sáng ngày 21-8 trên sườn núi Titlis của Engelberg. Bởi lúc đó, ánh bình minh vừa ló dạng, những sợi nắng mùa hè của buổi ban mai chiếu xuống lớp băng vĩnh cửu có tuổi triệu triệu năm trên núi cao làm ánh lên gương mặt của núi tuyết rạng ngời; còn phía dưới là thung lũng thiên thần đầy sắc màu.

Tận dụng vẻ đẹp của núi non, đặc biệt là dãy Alps, người Thụy Sĩ, từ trăm năm trước đã biết khai thác làm du lịch giải trí thư giãn với các đường sắt, đường cáp treo trên những đỉnh núi cao ngất ngưởng. Cùng với hệ thống đường cáp treo, đường sắt trên núi là hệ thống nhà hàng, khách sạn, trung tâm thể thao, đặc biệt là môn trượt tuyết cho khách châu Âu và Bắc Mỹ vào mùa đông, còn khách châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản đến đây vào mùa hè.

Nói đến núi non mà quên sông hồ của đất nước này quả là một thiếu sót, bởi Thụy Sĩ là một nước chiếm đến 6% tổng lượng nước ngọt của toàn châu Âu. Đứng bên bờ sông Rhine thơ mộng, tôi bỗng nhớ nhà báo Lưu Quý Kỳ, thân sinh của nhà báo Lưu Đình Triều, người bạn dễ thương của tôi với tác phẩm nổi tiếng Trăm sông về với biển Đông. Nhưng khác với Việt Nam, những dòng sông lớn của Thụy Sĩ, như: Rhine, Rhone, Inn cũng chảy về biển cả, nhưng không cùng một hướng, mà theo các ngả khác nhau. Dòng sông Rhine với các nhánh: Aar và Chur, mà tôi có dịp đứng bên dòng Aar, chảy qua thủ đô Bern, mang 67% lượng nước xuôi vào biển Bắc. Còn sông Rhone, với chi lưu là sông Ticino, mang trong mình 18% lượng nước xuôi vào Địa Trung Hải một cách êm đềm. Riêng sông Inn nhỏ bé lại đem 4,4% lưu lượng nước đổ vào biển Đen. Thế nhưng, những dòng sông bắt nguồn trái tim châu Âu phải chảy qua biên giới các nước láng giềng mới về với biển cả, bởi Thụy Sĩ nằm sâu trong lục địa. Tất nhiên, người Thụy Sĩ nói riêng và người châu Âu nói chung, rất tôn trọng thỏa ước về sử dụng nguồn nước các dòng sông quốc tế mà họ đã ký với nhau từ năm 1815, cũng như Luật Sử dụng nguồn nước các dòng sông xuyên biên giới mà Liên hiệp quốc tế đã thông qua năm 1995, cùng các Quy ước Berlin, Helsinki có liên quan đến sông ngòi. Cho nên, lúc đứng bên dòng sông Rhine hay sông Aar, tôi luôn nghĩ về dòng sông Mekong, nơi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xây hàng chục hồ đập trên thượng nguồn gây tác hại lâu dài cho các nước hạ lưu, trong đó có đồng bằng Nam bộ của Việt Nam, nhất là khi biến đổi khí hậu xảy ra, nước biển dâng lên.

* Thiên đường du lịch

Đã nói về núi sông mà không nhắc đến hồ thì sẽ không đầy đủ, bởi tạo hóa đã ban tặng cho Thụy Sĩ đến 1.500 hồ lớn nhỏ, trong đó có hai hồ lớn nhất là hồ Leman chung với nước Pháp và hồ Contance nằm giáp với hai nước Đức và Áo. Còn hồ lớn nhất nằm trọn vẹn trong đất Thụy Sĩ có tên là Menchatel rộng 218km2. Mặc dù, diện tích chỉ hơn ½ hồ Menchatel, nhưng hồ Lucerne lại rất nổi tiếng, bởi cảnh quan thơ mộng, thu hút nhiều du khách đi tàu ngoạn cảnh trên mặt hồ, xung quanh là núi non rất hữu tình. Vào một buổi sáng sớm, đứng trên ban-công của khách sạn Rigi nghe chim hót líu lo, phóng tầm mắt nhìn mặt hồ Lucerne diễm lệ, tôi liên tưởng đến hồ Trị An ở quê nhà với ước mơ ngành du lịch Đồng Nai sẽ khai thác làm du lịch sinh thái, gắn hồ với rừng và văn hóa truyền thống tâm linh.

Khi đến Geneva thăm hồ Leman, nhìn cột nước cao 150m biểu trưng của thành phố và hàng ngàn chiếc thuyền buồm trắng cùng những đàn thiên nga tung tăng bơi lội một cách thân thiện, tôi lại nghĩ đến đất nước mình cũng có nhiều hồ, như: Kẻ Gỗ, Hòa Bình, Núi Cốc… là những tiềm năng du lịch rất lớn chưa được đánh thức, bởi tư duy  “ăn xổi ở thì” của ngành du lịch nước ta.

Là một nước nhỏ, không có tài nguyên khoáng sản, đến đâu cũng thấy núi non trùng điệp và những hồ nước mênh mông nhưng bằng ý chí và tài năng, người Thụy Sĩ đã biến đất nước mình trở thành một thiên đường du lịch có chất lượng cao. Tạp chí Travel Leisure đã từng bình chọn Thụy Sĩ vào top 5 của thế giới để mỗi một đời người đến đây ghi một dấu ấn quan trọng là hưởng tuần trăng mật cho các đôi bạn trẻ.

Ý chí và tài năng của người Thụy Sĩ tiềm ẩn trong những gương mặt phúc hậu, thái độ thân thiện mà tôi có dịp tiếp xúc khi đến đất nước rộn ràng tiếng lục lạc bò. Xin đơn cử thành phố được Bengelberg gọi một cách văn hoa là “thung lũng thiên thần” với đỉnh núi Titlis cao 3.200m chỉ có hơn 4.300 dân, vậy mà mỗi năm đón đến hơn một triệu khách du lịch. Anh Tobias Matter, người hướng dẫn, nói với tôi: “Chỉ riêng việc lên tới đỉnh Titlis để tham quan, bình quân du khách phải bỏ ra 450 france Thụy Sĩ”. Ngồi trên cáp treo lơ lửng giữa không trung, tôi cứ suy nghĩ mãi về con số một triệu và bốn trăm năm mươi. Tất nhiên, du khách đến đây, đâu chỉ đến đỉnh Titlis đầy tuyết trắng, sông băng để thưởng ngoạn mà còn ăn, ở, mua sắm nữa chứ.

Để thu hút du khách, từ một trăm năm về trước, người Engelberg đã làm hệ thống cáp treo chinh phục đỉnh Titlis cao vời vợi. Từ đó đến nay, nơi đây là điểm đến không thể thiếu, nếu du khách đến Thụy Sĩ.

Như Nguyệt

 

 

Tin xem nhiều