Đến Geneva, một trong những điểm mà chúng tôi tham quan là chiếc đồng hồ cỏ nổi tiếng nằm bên cạnh hồ Leman diễm lệ. Chiếc đồng hồ cỏ có đường kính hơn 2m, được trang điểm bằng 6 ngàn bông hoa nổi bật trên thảm cỏ nhiều sắc màu và phía sau là hàng cây phong xanh lá, làm nổi bật biểu trưng của xứ sở hòa bình.
Suy tư bên chiếc đồng hồ cỏ
Đến Geneva, một trong những điểm mà chúng tôi tham quan là chiếc đồng hồ cỏ nổi tiếng nằm bên cạnh hồ Leman diễm lệ. Chiếc đồng hồ cỏ có đường kính hơn 2m, được trang điểm bằng 6 ngàn bông hoa nổi bật trên thảm cỏ nhiều sắc màu và phía sau là hàng cây phong xanh lá, làm nổi bật biểu trưng của xứ sở hòa bình.
Các bông hoa trang trí này được các kỹ sư và công nhân thay đổi liên tục theo thời gian trong năm nên chiếc đồng hồ độc đáo này luôn tươi mới. Trong các loài hoa được trang trí ở đây có hoa Edelweiss, tượng trưng cho tình yêu bất diệt của một nàng công chúa và một gã chăn bò nghèo khó. Chiếc đồng hồ cỏ là biểu trưng của Thụy Sĩ, vì ngành chế tạo đồng hồ nổi tiếng thế giới đã vinh danh đất nước, khiến người Thụy Sĩ hết sức tự hào. Du khách đến đây, ai cũng muốn đứng chụp hình, quay phim trước mặt chiếc đồng hồ độc đáo này.
* Ở xứ sở đồng hồ
Thực ra, Thụy Sĩ không phải là nước phát minh ra đồng hồ, mà chính nước Ý mới là nước đầu tiên phát minh ra đồng hồ. Nhưng sau đó, người Thụy Sĩ trở thành những “nghệ sĩ trứ danh” trong ngành sản xuất đồng hồ nổi tiếng thế giới, bởi một duyên kỳ ngộ bắt đầu từ bi kịch tôn giáo xảy ra từ nước Pháp. Số là ngành làm đồng hồ từ Ý đã được truyền qua nước Pháp, nhưng vào năm 1685, khi Hoàng đế Louis 14 của Pháp ra lệnh cấm đạo Tin lành, thì một số tín đồ đạo Tin lành người Pháp đã vượt biên trốn chạy sang thành phố Geneva để tránh cuộc truy sát tôn giáo. Trong số những tín đồ Tin lành đó, có những người làm nghề sản xuất đồng hồ đến cư trú tại làng Juro, thuộc một vùng núi hẻo lánh của thành phố Geneva, nơi còn được mệnh danh là “thánh địa Roma Tin lành”.
Tác giả bên chiếc đồng hồ cỏ cạnh hồ Leman. |
Từ sản xuất đồng hồ theo truyền thống làm bằng thủ công, cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra ở châu Âu đã tạo cho ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ có bước nhảy vọt với độ tinh xảo vào bậc nhất thế giới. Họ không chỉ sản xuất đồng hồ đeo tay đủ loại và luôn thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu thời trang, mà còn sản xuất đồng hồ cho các hãng sản xuất máy bay, tàu biển, hàng không vũ trụ, đồng hồ dành cho thám hiểm, đo thời gian các đại hội thể thao thế giới…
Những thương hiệu lừng danh, như: Patem, Vacheron, Contantin, Piquet, Rolax, Rado, Omega, Loigme với mức sản xuất 32 triệu chiếc mỗi năm, chiếm 50% sản lượng đồng hồ thế giới và thu về hơn 8 tỷ france Thụy Sĩ. Đồng hồ Thụy Sĩ đã làm rạng danh đất nước của núi đá đầy tuyết trắng và màu xanh của các hồ nước thơ mộng, mặc dù ngành này chỉ đứng thứ ba sau các ngành sản xuất tân dược hóa, mỹ phẩm và điện tử.
Đứng bên chiếc đồng hồ cỏ ở thành phố Geneva, tôi bâng khuâng nghĩ về giá bán mỗi chiếc đồng hồ từ vài trăm đến vài ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn france Thụy Sĩ, được trưng bày trong các cửa hàng mà nghe lòng nao nao. Cái cảm giác nao nao ấy xuất hiện, khi tôi liên tưởng mỗi chiếc đồng hồ chỉ nặng vài gram mà sao nó có giá trị lớn như vậy? Theo một thông tin mà tôi đọc được, bình quân một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ trị giá khoảng 460 france Thụy Sĩ. Tất nhiên, những chiếc trị giá vài chục ngàn france, chỉ các đại gia dầu mỏ hoặc các ông hoàng Ả rập mới là thượng đế. Còn các loại đồng hồ trị giá vài ngàn france, chỉ có giới thượng lưu Ấn Độ, Trung Đông mới dám để mắt đến, người Việt Nam như chúng tôi đến cửa hàng chỉ để ngắm mà thôi.[links(right)]
Như tôi đã nói, mỗi chiếc đồng hồ chỉ nặng vài gram với khoảng 300 chi tiết bộ phận nhưng có giá trị khác nhau là tùy thuộc vào chất liệu và sự lao động hết sức tỉ mỉ, chính xác của người thợ để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng càng cao. Trước sự cạnh tranh của các loại đồng hồ giá rẻ, kể cả các loại đồng hồ sản xuất theo kiểu “mì ăn liền”, hàng nhái của Trung Quốc, người Thụy Sĩ vẫn luôn giữ quan điểm sản xuất hàng chất lượng cao, giá đắt. Đó là triết lý kinh doanh, bởi họ cho rằng không thể nhận việc nhập nguyên liệu thô rất đắt tiền mà chuỗi giá trị gia tăng không cao là thất sách.
Suy tư về chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, vì tôi nhớ không nhầm, một tấn than đá xuất khẩu của Việt Nam chỉ trên 170 USD và một tấn gạo xuất khẩu cũng chỉ dao động từ 450-465 USD mà thôi. Trong khi đó, để làm ra một tấn than, một tấn gạo, người thợ mỏ và bà con nông dân Việt Nam phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, “một nắng hai sương”, thậm chí phải trả giá bằng máu, nhưng giá trị cũng chỉ bằng một chiếc đồng hồ loại bình thường mà người Thụy Sĩ bán ra thị trường thế giới. Thế mới hay, việc đầu tư công nghệ sản xuất các mặt hàng có hàm lượng chất xám cao, hướng về xuất khẩu và có chuỗi giá trị gia tăng lớn mà Đảng ta nhấn mạnh trong các nghị quyết là điều cần phải suy nghĩ và hành động.
* "Ngân hàng Thụy Sĩ"
Người Thụy Sĩ không chỉ nổi tiếng về kỹ nghệ sản xuất đồng hồ mà họ còn là “bậc thầy” về sản xuất thuốc tân dược, hóa mỹ phẩm với những dòng mỹ phẩm cao cấp đắt tiền cho quý cô, quý bà. Đó cũng là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của họ, với các hãng dược phẩm nổi tiếng, như: Roche, Novartis nằm ở thành phố Basel và các hãng nước hoa nổi tiếng thế giới, như: Firmenich, Givandan đặt trụ sở tại Geneva. Nhưng có lẽ người Thụy Sĩ là “hoàng đế” trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với danh hiệu là “người đứng đầu thế giới về nghiệp vụ ngân hàng tư nhân”, hiện đang quản lý hơn 1 ngàn tỷ USD cho các khách hàng trên khắp hành tinh. Thụy Sĩ có hai ngân hàng lớn là UBS và Credit Suise, cùng các ngân hàng nước ngoài, 24 ngân hàng ở các bang và hơn 1 ngàn ngân hàng tư nhân có kinh nghiệm lâu đời mà “thánh địa các nhà băng” chính là thành phố Geneva và nơi đây trở thành một thị trường vốn quan trọng bậc nhất thế giới...
Như Nguyệt